What's new

[Chia sẻ] Biển đảo Tây Nam

Phụ lục (cập nhật):

Trang 1&2: Quần đảo Thổ Chu (Thổ Châu)
xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc
Tỉnh Kiên Giang

Biển đảo đang là vấn đề quan tâm của nhiều người. Topic này mở ra giới thiệu và chia sẻ và biển đảo Tây Nam. Xin bắt đầu bằng chuyến đi Thổ Chu-quần đảo cực Tây Nam của Việt Nam.

Thông tin về chuyến đi:Tháp tùng cùng đoàn tuyên truyền ca khúc cách mạng của Tỉnh Đoàn Kiên Giang giao lưu cùng Vùng E Hải Quân tại Phú Quốc và Thổ Chu vào tháng 6-2009.



P1170432.jpg

Đoàn khởi hành khi thời tiết không thuận lợi lắm. Ngay ngày đi, biển động cấp 5,
mọi phương tiện vận tải đường biển ở Kiên Giang đều ngưng hoạt động.
Nhiều người khuyên, nên ở lại chờ chuyến đi khác.
Người Nhà Quê lần đầu tiên được đi Thổ Chu, không muốn bỏ lỡ cơ hội.
Và thầm nghĩ, nếu có chuyện gì thì cũng có hơn 100 người, dù sao cũng...vui!
Hôm sau, biển động cấp thấp hơn, đoàn lên đường.
Ngay lúc tàu chuẩn bị khởi hành, anh bạn chạy xuống bên kêu quay lại bờ.
Nhiều người đả bỏ cuộc, "xin kiếu", "cáo bệnh".
Mặc kệ! Bỏ lại thành phố Rạch Giá lại phía sau lưng.


IMG_2290.jpg

Ra khỏi bờ chừng vài cây số, sóng lắc tàu dữ dội.
Phương tiện đi là tàu sắt, hành trình 16 tiếng từ Rạch Giá đến Thổ Chu.
Trên đường đi, tàu dừng lại Phú Quốc và ở lại một đêm.
Đi chừng khoảng một giờ, mọi người nằm la liệt. Không ít người bị ói.
Có người sợ quá, đòi cho xuống tàu để...đón xe về đất liền!?
Kinh nghiệm: Nên có một cái võng mắc toòng teng sẽ đỡ hơn.



IMG_2302.jpg

Anh bạn này đi mà lòng không yên.
Trong túi mang trên người chỉ duy nhất có cái bong bóng thổi hơi của đứa con gái.
Anh ta nói, do nhớ con khi đi xa nên mang đồ chơi của con đi theo cho đỡ nhớ.
Nhưng thực chất là để phòng thân khi hữu sự.
Chuyện này chỉ có người nhiều chuyện mới biết! :)




IMG_2524.jpg

Sau 8 giờ lênh đênh trên biển, tàu cũng đã cặp cảng Bãi Vòng (Phú Quốc).
Một nửa lộ trình đã hoàn thành. Biển yên ắng như chưa hề có sóng.
Ai nấy cũng mừng. Và mừng nhất là được đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp này.
Đêm đó, các diễn viên trong đoàn biểu diễn văn nghệ phục vụ quân và dân trên đảo.
Người Nhà Quê tụ tập với một nhóm trong đoàn ra "giao hủ, giao ly"
với các "cố tri, cố lì" ở Phú Quốc. "Giao..." đến 2 giờ sáng.
Ngủ. 5 giờ sáng bị đánh thức. Bắt ăn sáng và lên tàu.
Thổ Chu thẳng tiến...




IMG_2540.jpg

Lộ trình tiếp theo là 8 tiếng trên biển.
Không ăn sáng được, đến trưa cũng chẳng an cơm được.
Người Nhà Quê ôm bọc ra ngồi khu vực này đây!
Nhiều người hỏi, sao yếu thế? Bữa nay biển êm mà ói dữ vậy?
(Cười), chắc do chỗ này...nước sâu!
Các chiến hữu cười mím chi cọp vì hiểu!




IMG_2541.jpg

Mệt nhưng chẳng nằm được, NNQ vác máy đi chụp hình cho...quên!
Tài công chịu trách nhiệm với sinh mạng của hơn 100 người đây.
Nhân tiện, nói về tàu. Tuyến Rạch Giá-Thổ Chu mỗi tuần/chuyến.
Thời gian di chuyển 16 tiếng, quá cảnh tại Phú Quốc.
Cán bộ, chiến sĩ và người dân Thổ Chu muốn đi về đất liền phải theo lịch trình này.
Ngoài vận chuyển khách, tàu có nhiệm vụ vận tải nhu yếu phẩm, lương thực ra đảo.
Đây là tàu "bao cấp", địa phương bù lỗ hàng năm để làm nhiệm vụ tiếp tế cho hải đảo
.​
 
Last edited:
P1130540.jpg

Sau 16 tiếng lênh đênh trên biển trong gần 2 ngày, đoàn cũng đã đến Thổ Chu.
Hầu hết mọi người đều chỉ mới đi lần đầu nên rất háo hức.
Hễ gặp một hòn đảo lớn lớn trước mặt, đều gọi đó là đảo Thổ Chu.
Cho đến khi tàu tới gần mà chẳng thấy cầu cảng, mới biết mình nhầm.


Thông tin về Thổ Chu:
Quần đảo Thổ Chu là 1 trong 5 quần đảo của tỉnh Kiên Giang. Đảo lớn nhất là Thổ Chu hay còn gọi là Thổ Châu, là trung tâm xã.
Trên đảo, có bưu điện, đài khí tượng thủy văn, hải đăng; cơ quan hành chính Nhà nước và lực lượng Quân đội thuộc Vùng E Hải Quân và Cảnh sát Biển vùng V.

Quần đảo này gồm 8 đảo (quy mô nhỏ nên được gọi là Hòn):
1. Hòn Thổ Chu có đỉnh núi cao 167 mét, tập trung dân cư chủ yếu của đảo
2. Hòn Từ nằm gần đảo Thổ Chu, đỉnh cao khoảng 60 mét, rộng khoảng 1 cây số vuông; có dân cư sinh sống và quân đội đóng quân.
3. Hòn Nhạn (tên khác là Hòn Hàn), cách Bãi Ngự - bãi chính của hòn Thổ Chu - khoảng 3 cây số về phía Tây; cao 23 mét, rộng 0,23 cây số vuông. Tên gọi hòn này xuất phát từ việc những con chim nhạn về đây đẻ trứng vào mùa mưa.
4. Hòn Kèo Ngựa: rộng khoảng 0,3 cây số vuông.
5. Hòn Cao: cao 45 mét, rộng gần 1 cây số vuông, nằm ở phía đông Hòn Từ.
6. Hòn Cao Cát: nằm cách hòn Thổ Chu khoảng 14 cây số về phía đông bắc, rộng khoảng 0,8 cây số vuông, đỉnh cao nhất là 34 mét.
7. Hòn Mô: còn có tên gọi khác là hòn Đá Bàn, nằm gần hòn Cao Cát; đỉnh cao nhất là 12 mét, rộng khoảng 0,3 cây số vuông.
8. Hòn Khô: là một rạng đá ngầm nằm ngoài khơi Bãi Ngự; lúc triều xuống, hòn Khô mới nhú lên khỏi mặt nước

Note: Thông tin này được cung cấp bởi Chủ đảo
tức người đứng đầu trong quân đội trên đảo này.
Có thể trong lúc ghi có sai sót.
Ai phát hiện, vui lòng góp ý bổ sung!
Cảm ơn!



P1130547.jpg

Ah, cầu cảng đây rồi. Có nhiều người đang đứng trên đó.
Chính xác là đã tới Thổ Chu. Hồ hởi và thở phào nhẹ nhõm.
Cầu cảng nằm ở Bãi Ngự, tức bãi chính của đảo.
Chợ búa, khu dân cư, khu hành chính,
trại tổng chỉ huy của Quân đội đều nằm ở khu vực này




P1130551.jpg

Quân và dân trên đảo đã tổ chức ra đón đoàn từ lâu.
Mọi người cho biết, trễ một ngày, anh em trông dữ lắm.
Nhất là các chiến sĩ rất mong đoàn ra để được giao lưu,
mang chút gì đó của đất liền ra đảo.
 
Last edited:
Cự ly vận chuyển từ cảng Rạch Giá đến cảng Thổ Châu khoảng hơn 250 km, ngồi tàu sắt 16 giờ.
Đến Phú Quốc, tàu dừng lại nghỉ qua đêm rồi hôm sau mới khởi hành đi Thổi Châu.
Tàu sắt không có máy lạnh, quầy bán thức ăn…
nhưng bù lại khách có thể nằm thoải mái chỗ nào mình thích.
Toòng teng trên võng hoặc lên boong tàu ngắm biển không chán.
Hành trình 16 giờ trên biển trong 2 ngày khá vất vã.
Nhưng mọi mệt mõi chợt tan biến khi tàu cập càng Thổ Châu.
Nước biển xanh trong vắt, có thể nhìn tận đáy
và những đàn cá vài trăm con tung tăng bơi lội dưới mạn tàu.
Mệt nhưng đáng một chuyến đi.

Tiếp theo, xin sô ra vài góc ảnh ghi lại cảnh đẹp Thổ Chu



P1130720.jpg

Đặt chân đến đảo Thổ Châu đã 3 giờ chiều.
Việc đầu tiên của cả đoàn là cất hành lý rồi chạy ngay ra biển tắm.
Cách chỉ vài bước chân đi từ khu dân cư, bãi cát trắng mịn
và làn nước biển trong vắt như lời mời gọi.
Trong ảnh: Cảnh Bãi Ngự - tương truyền rằng khi xưa Nguyễn Ánh đã từng dừng chân lại đây
tương tự như Bãi Ngự ở Củ Tron thuộc quần đảo Nam Du.



P1130722.jpg

Bãi Ngự ở một góc nhìn khác.
Vùng biển này nằm xa đất liền và là ngư trường lớn trên vịnh Thái Lan
nên độ mặn của nước rất cao. Nuốt một chút vào miệng, cảm giác mặn đắng.
Bãi Ngự như một cái vịnh hình bán nguyệt, bao quanh là đỉnh núi.
Sóng biển lúc vỗ về nhưng có lúc hung hăng dữ tợn.
Gió lộng quanh năm. Tắm rất thú. Trên đảo khách có thể tắm suối,
tắm biển, tắm nắng thỏa thích mà không phải chịu bất cứ một loại phí nào.


P1130700.jpg

Đây là Bãi Nhum (hình như là vậy!?)
Từ Bãi Ngự muốn đến đây phải leo lên núi chạy lòng vòng trên đó rồi mới xuống núi và đến đây.
Không có đường ven biển. Bãi biển rất tuyệt.
Đứng trên bờ, có thể nhìn thấy những rạng san hô bên dưới.
Hệ sinh thái biển-rừng ở đây rất đa dạng.
Theo các nhà khoa học, hệ thực vật trên bờ có ít nhất 200 loài.
Rừng được giữ nguyên trạng, không được khai thác.
Dưới biển, có 99 loài san hộ đã được xác định.



P1130705.jpg

Vùng biển này trong lành, không bị tác động nhiều,
có nhiều rạn san hô rất thích hợp để làm tổ
và săn tìm thức ăn của các loài rùa biển vốn đang bị đe dọa trên toàn cầu.
Chính những ưu thế này, quần đảo Thổ Chu được đề xuất làm khu bảo tồn biển
với tổng diện tích 22.400 ha; trong đó, phần đất liền khoảng gần 1.200 ha.




P1130640.jpg

Dưới kia là Bãi Giông (Dông) nhìn từ một đỉnh của đảo.
Tại vị trí này có một tháp canh.
Phía xa xa kia là đường hàng hải quốc tế trên vịnh Thái Lan.
Dùng ống nhòm có thể nhìn thấy những chuyến tàu viễn dương ngược xuôi qua vùng biển này.



P1130648.jpg

Hòn đảo kia nằm khá gần Thổ Chu, hình như là hòn Kèo Ngựa.
NNQ không nhớ rõ nữa vì lâu quá rồi mà không có ghi chú lại.
Sẽ bổ sung khi có đầy đủ thông tin.



Note: Bữa nay, mệt rồi. Dừng lại đây thôi!
Kỳ tới sẽ tiếp tục về đời sống của quân và dân trên đảo.
Nhớ nhất là cú nhảy hip hop của những chiến sĩ trẻ vừa xa nhà.
 
Last edited by a moderator:
Và đây, những ngày thường của lính đảo xa...

P1130682.jpg

Ảnh: Lính mới nhập ngũ được đào tạo lý thuyết

Đoàn chúng tôi được chia thành nhiều tổ để giao lưu với các đơn vị đóng quân trên đảo.
Được đưa vào danh sách lên núi, tôi hơi tiếc vì...xa biển.
Nhưng cũng tự an ủi, biết đâu lên núi lại có cái hay riêng!
Quả thật là như vậy!



P1130654.jpg

Ảnh: Đọc báo giải trí

Nơi chúng tôi "đóng quân", các anh rất thân thiện.
Khách và chủ mời chào thân mật như những người bạn lâu ngày gặp lại.
Việc đầu tiên là sửa soạn đồ đạc, tắm rửa, dùng bữa và nghỉ lấy sức để tối giao lưu
(chuyện này được kể tiếp ở phần sau)



P1130671.jpg

Ngoài tập luyện chuyên môn, những người lính trẻ phải tăng gia sản xuất.
Rau, củ, quả là những thứ đắt giá trên đảo.
Vì thế, lính phải tự trồng để bổ sung cho bữa ăn.



P1130664.jpg

Nước tưới phải dùng tái sử dụng từ nước sinh hoạt.
Do nằm ở bình độ cao, nước hiếm nên phải xây dựng bồn chứa nước mưa.
Nước tắm giặt, rửa... đều được giữ lại ở các hố đào như thế này.
Sau lắng lọc một thời gian thì tái sử dụng làm nước tưới.



P1130651.jpg

Nước rửa chén được giữ lại, tái sử dụng.
Mọi sinh hoạt đều rất tập thể, rất trẻ và rất vui...
 
Last edited by a moderator:
Lịch sử:

P1130633.jpg

Ảnh: Lính đảo thượng cờ ngày đầu tuần

Màn đêm buông xuống, nhâm nhi bên những tách trà, ngụm rượu,
nghe cư dân trên đảo kể lại lịch sử bi thương mà hào hùng của vùng đất này
thì không một tour du lịch chuyên nghiệp nào có thể sánh bằng.
Hòn đảo này sớm có tên trên bản đồ hải trình quốc tế, với tên gọi Poulo Pangjang.
Dân cư đã có mặt trên đảo từ rất lâu.
Nhưng hiện nay, người ở trên đảo này lâu nhất chỉ khoảng 20 năm.




P1130634.jpg

Ảnh: Những người lính trẻ hành quân đến bãi tập

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bộ đội chưa kịp ra đảo Thổ Châu để tiếp quản.
Một ngày đầu tháng 5-1975, người dân mừng rỡ khi thấy những chiếc tàu cập bến.
Họ định ra đón mừng bộ đội nhưng chợt thất kinh khi đó là tàu của Pôn Pốt.
Chúng lên chiếm đảo, hành hạ người dân.



P1130636.jpg

Ảnh: Canh giữ bờ cõi

Đến ngày 10-5-1975, chúng đưa hơn 500 người lên tàu chở sang Campuchia giết hại dã man.
Một vài hộ sống sót cũng bị hốt hoảng quay trở về đất liền hoặc các đảo gần bờ hơn.
Thổ Châu vắng bóng người dân từ đó.
Nơi đây trở thành địa bàn hoạt động của bọn cướp biển Thái Lan và Campuchia.




P1130566.jpg

Ảnh: Lính đảo giải trí & rèn luyện sức khỏe vào cuối ngày

Đến năm 1992, mới có đợt di dân ra đảo và thành lập xã đến nay.
Người dân được chính quyền phát lương thực, tiền bạc để bám đảo.
Đến nay, có khoảng 420 hộ sinh sống tại đây.
 
Last edited by a moderator:
Hơi ấm của đất liền:

Như đã nói, đoàn chia thành nhiều tổ "đóng quân" tại các đơn vị có măẹt trên đảo, trừ đơn vị hải đăng và ra-đa vì vị trí hiểm trở.

P1130592.jpg

Màn đêm buông xuống, ánh lửa nhóm lên, bập bùng.
Khách và chủ bên nhau múa hát. Chưa có đêm nào vui như thế.
Dưới ánh trăng, trên hòn đảo từng bị Pol Pot tàn sát...
Bây giờ là ánh trăng thanh bình, bên những người đang giữ bờ cõi...
Chợt thấy mình phải có trách nhiệm hơn!



P1130611.jpg

Mang chút hơi ấm của đất liền ra đảo, đêm trên đảo xa ấm áp hơn.
Những người lính cũng đỡ nhớ quê hơn. Một cây đàn guitar để lại làm quà...



P1130615.jpg

Những người lính trẻ có một đêm vui. Chỉ huy cho thả cửa, chơi đến khuya.
Nhưng phải đảm bảo lực lượng trực và sức khỏe cho ngày hôm sau.
Lính mà...



P1130628.jpg

Cuộc vui kéo dài, tưởng chừng đêm không tàn...
 
Last edited by a moderator:
Đêm văn nghệ & chia tay

IMG_2384.jpg

Đêm chính là chương trình văn nghệ, giao lưu toàn lực lượng trên đảo.
Người dân địa phương cũng hồ hởi.
Diễn ra ở sân của trại tổng chỉ huy.
Các lực lượng đóng quân trên núi phài hành quân xuống đây, mất ít nhất một giờ đường...
Thế mà vẫn đi. Vui mà...



Thochu2.jpg

Lính đảo và đoàn thanh niên từ đất liền ra. Chưa một lần gặp.
Không ậtp luyện chung. Nhưng vẫn tạo nên những tiết mục hay.



Thochu4.jpg

Và phút ngẫu hứng của lính đảo, đầy chất lính-khỏe, nhiệt huyết



IMG_2446.jpg

Gần cuối chương trình, một nhóm lính trẻ lên xin Ban tổ chức cho màn nhảy hip hop.
Chương trình nằm ngoài dự tính. Đầy ngẫu hứng, các anh lính trẻ nhảy một màn ra trò.
Mọi người bất ngờ và ngạc nhiên. Ai nấy cũng vỗ tay hưởng ứng.
Các chỉ huy chỉ biết đứng cười, không chờ tụi nhỏ nhảy hay đến thế!



IMG_2460.jpg

Và cuối cùng, nhóm thực hiện chương trình cũng phiêu cùng lính trẻ



IMG_2406.jpg

Và những tấm lòng gởi lại đảo xa..



IMG_2348.jpg

Trước văn nghệ, có những tiết mục này đây.
Dân làm văn phòng kéo sao lại lính đảo chứ?!​


Sẽ tiếp...
 
Last edited:
Lẽ ra, tiếp theo là sẽ nói về chuyến vượt biển ban đêm bằng tàu khách chưa có tiền lệ trên vùng biển này. Nhưng điểm lại, thấy chưa nói về người dân trên đảo nên xin quay lại một buổi chiều trước khi diễn ra đêm văn nghệ và chia tay.

Một buổi với những cư dân đảo xa:


IMG_2371.jpg

Trẻ con trên đảo vốn rất hiền lành và thân thiện.
Khách cũng đừng ngạc nhiên khi nhận được cái gật đầu,
nụ cười thân thiện từ người dân trên đảo.
Sau khi tan trường hoặc trước khi vào lớp,
khách càng vui khi học sinh vòng tay lại, nói:
“Chào cô/chú mới đến chơi” như thể khách bước vào nhà vậy.
Điều đó làm chúng tôi nhớ mãi..




P1130562.jpg

Và một cụ già đứng chải mái tóc dài bạc phơ trước hiên nhà.
Cụ ra đảo khá sớm và hiện là công dân chính thức của đảo.
Xin nói thêm về công dân đảo xa:
Diện tích đảo gần 1.400 ha nhưng chỉ có khoảng 420 hộ dân.
Trong số này, chưa tới 200 hộ có hộ khẩu chính thức tại đây
và được hưởng những quyền lợi của công dân đất đảo.
Số còn lại là dân nhập cư. Họ đưa gia đình đến đây sinh sống và khai thác hải sản.
Làm ăn được, họ dựng nhà, tạm trú và ở lại trên đảo.




IMG_2356.jpg

Chợ búa lèo tèo những sạp bán rau, quả, thực phẩm.
Những thứ này đa số phải chở từ đất liền ra đảo theo chuyến tàu "bao cấp", mỗi tuần/chuyến.
Những lúc biển động, có khi suốt một tháng liền, tàu không ra đảo.
Quân đội, Hải quân phải xuất kho gạo cứu đói cho người dân




P1130736.jpg

Hàng bán thức ăn càng ít.
Ở Bãi Ngự, chỉ có mỗi hàng bánh khọt này bán buổi trưa để "ăn dặm".
Người phụ nữ này từ đất liền ra tạm trú.
Sáng bán bánh tầm bì, trưa bán bánh khọt.
Mỗi ngày kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng.
Tuyệt nhiên, trên đảo rất ít đàn ông (trừ doanh trại quân đội).
Bởi lẽ, đảo là nơi đàn ông đi biển...​
 
Last edited:
Xin nhiều chuyện thêm về đảo, trước khi xuống tàu lúc 11 giờ đêm:

Như đã nói, chúng tôi được chia thành nhiều tổ giao lưu với các đơn vị. Hôm sau, tất cả chia tay đơn vị và tập trung lại trại tổng chỉ huy ở Bãi Ngự. Thời gian này, diễn ra các trò chơi, giao lưu... Tôi và một nhóm người khác được phép ra ngoài tìm hiểu về đời sống của cư dân trên đảo và những hình ảnh về trẻ em, người già và phụ nữ được trình bày ở trên...

Trước đó, các đoàn đóng quân ở mé biển, nhất là trại tổng chỉ huy, được xe đưa đi giao lưu với các đơn vị trên núi. Tôi may mắn được "rước" theo đi các đơn vị mới và trở về đơn vị vừa chia tay cách đó vài giờ...


P1130684.jpg

Một cuộc giao lưu chớp nhoáng với một đơn vị nằm lưng chừng núi.
Các anh chỉ được thông báo có đoàn ghé thăm.
Có trái mít vừa chín được hái xuống xẻ ngay ra đãi khách.
Rượu đế cay xé lưỡi thơm mùi gạo nhấm với mồi là mít chín.
Cây nhà lá vườn. Thiếu thốn nhưng thấm tình hữu nghị...




P1130708.jpg

Và may mắn hơn nữa là tôi đã sáng suốt chọn xe chuyên dụng thay vì đi theo xe 15 chỗ kia.
Vì vậy, tôi được lên ngọn hải đăng Thổ Châu.
Vị trí này khá hiểm trở, nằm ở đỉnh cao nhất của đảo, đường đi khó
nên chỉ có xe chuyên dụng mới đi được.
Tại đây có một tháp canh và kính viễn vọng
để quan sát đường hàng hải đi qua lãnh thổ nước ta.
Hải đăng được chụp từ đỉnh tháp này...
Riêng trạm ra đa thì không tới được do địa hình cực kỳ phức tạp
và nhiều bí mật quân sự.


Một số thông tin về hải đăng Thổ Châu:

*Tác dụng: Chỉ vị trí đảo Thổ Chu, Kiên Giang.
Chỉ dẫn tàu thuyền hoạt động trong khu vực
nhằm biết được vị trí của mình
và phương hướng hành hải
trong vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang.

*Tọa độ địa dư: 9o 17' 34" N
103o 28' 27" E

*Tầm hiệu lực (tọa độ địa lý)
Ban ngày: 29 hải lý
Ban đêm: 12 hải lý[/I]Chiều cao
Tháp đèn: 18m
Tâm sáng: 140m

*Đặc tính ánh sáng:
Màu sắc: Ánh sáng trắng
Đăc tính chớp: Chớp nhóm 4, chu kỳ 15s
Màu sắc thân đèn: Tháp đèn màu xám, công trình màu vàng

*Loại đèn:
Đèn chính: TRB 400
Đèn phụ: HD 500
Racon: 1 chiếc
Năm thiết lập: 25/01/2000
(Nguồn: Tổng hợp từ Internet)
 
Last edited:
Chia tay đảo xa...



IMG_2388.jpg

Đêmvăn nghệ kết thúc vào lúc 10 giờ đêm để đảo bảo thời gian nghỉ ngơi cho các chiến sĩ.
Các lực lượng đóng quân trên núi phải hành quân về ngay sau đêm diễn.
Riêng các lực lượng ở mé biển sẽ đưa đoàn ra tàu trở về đất liền ngay trong đêm.




IMG_2485.jpg

Đúng 11 giờ đêm, tàu nhổ neo rời bến.
Tàu khách vận hành trong đêm là chưa có tiền lệ trên vùng biển này.
Tuy nhiên, do đặc thù chuyến đi nên tàu được "đặc cách"
và phải đảm bảo an toàn trong hải trình di chuyển.
Mệt mõi, rã rời nhưng ai nấy cũng luyến tiếc trong cuộc chia tay.
Rất tiếc là tời điểm đó rất lộn xộn, NNQ không ghi lại những bức ảnh đó.
Mới khoảng hơn 4 giờ sáng, biển đã sáng rực.
Khi mặt trời chưa lên, ánh trăng còn làm chủ trong màn đêm.
Những chiếc tàu đánh cá nằm lại giữa biển, nghỉ ngơi.
Mảnh trăng giữa trùng dương trông thật lãng mạn...




IMG_2514.jpg

Khoảng 5 giờ sáng, mặt trời đã ló dạng.
Còn khoảng 2 tiếng nữa là tàu cặp cảng Bãi Vòng-Phú Quốc.
Xóm trên mui thức sớm để đón bình minh.
Xóm nằm trong cabin vẫn còn ngái ngủ trong cơn vùi...
Biển khá yên ắng. Mặt biển chỉ có những gợn sóng li ti.
Mặt trời chiếu những ánh vàng rực rỡ đầu ngày...
Chúng tôi đã thật sự rời xa xã đảo ở vị trí đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc! (BB)


 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,370
Bài viết
1,175,417
Members
192,073
Latest member
santarivietnam
Back
Top