CHÍNH PHỦ
Số: 34/2000/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội , Ngày 18 tháng 08 năm 2000
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tư, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Nghị định này quy định khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định các hoạt động của người, phương tiện ở khu vực biên giới bao gồm: cư trú, đi lại, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thăm dò, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác; quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền, các lực lượng, các ngành trong quản lý, bảo vệ biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2.
1. Khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là khu vực biên giới) bao gồm các xã, phường, thị trấn có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.
Mọi hoạt động trong khu vực biên giới phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác với Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới quốc gia thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
2. Trong khu vực biên giới có vành đai biên giới, ở những nơi có yêu cầu cần thiết bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và kinh tế thì xác lập vùng cấm.
a) Vành đai biên giới là phần lãnh thổ nằm tiếp giáp với đường biên giới quốc gia có chiều sâu tính từ đường biên giới trở vào nơi hẹp nhất là 100 m, nơi rộng nhất không quá 1.000 m, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.
b) Vùng cấm là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới được áp dụng một số biện pháp hành chính để hạn chế việc cư trú, đi lại, hoạt động của công dân.
c) Khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm phải có biển báo; biển báo theo mẫu thống nhất và cắm ở nơi cần thiết, dễ nhận biết.
3. Phạm vi cụ thể của vành đai biên giới, vùng cấm do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xác định sau khi đã thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ngành hữu quan và báo cáo Chính phủ.
Điều 3.
Bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và mọi công dân.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ CƯ TRÚ, ĐI LẠI, HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI
Điều 4.
1. Những người được cư trú ở khu vực biên giới:
a) Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới.
b) Người có giấy phép của cơ quan Công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới.
c) Người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trụ sở làm việc thường xuyên ở khu vực biên giới.
2. Những người không được cư trú ở khu vực biên giới:
a) Người không thuộc diện quy định tại khoản 1 của Điều này.
b) Người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới.
c) Người nước ngoài (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác).
Điều 5.
Công dân có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới được cấp giấy chứng minh nhân dân biên giới theo quy định của pháp luật.
Điều 6.
1. Công dân Việt Nam khi vào khu vực biên giới phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp.
2. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức khi vào khu vực biên giới về việc riêng phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc chứng minh của quân đội, công an.
Trường hợp vào khu vực biên giới công tác phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
3. Những người sau đây không được vào khu vực biên giới:
a) Người không có giấy tờ theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.
b) Người đang bị khởi tố hình sự, người đang bị Toà án tuyên phạt quản chế ở địa phương (trừ những người đang có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới).
Điều 7.
1. Người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp; nếu người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp.
Các cơ quan, tổ chức của Việt Nam khi đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới phải có đủ giấy tờ theo quy định của Nghị định này và cử cán bộ đi cùng để hướng dẫn và thông báo cho công an, Bộ đội biên phòng tỉnh nơi đến.
Người nước ngoài khi vào vành đai biên giới phải có giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều này và phải trực tiếp trình báo cho Đồn biên phòng hoặc chính quyền sở tại để thông báo cho Đồn biên phòng.
2. Trường hợp người nước ngoài đi trong tổ chức của Đoàn cấp cao vào khu vực biên giới thì cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan mời và làm việc với Đoàn) cử cán bộ đi cùng Đoàn để hướng dẫn và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan công an và Bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết.
3. Việc đi lại, hoạt động, tạm trú trong khu vực biên giới Việt Nam của những người trong khu vực biên giới nước tiếp giáp thực hiện theo Hiệp định về Quy chế biên giới giữa hai nước.
Điều 8.
1. Vành đai biên giới được thiết lập để quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện; duy trì trật tự, an ninh và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Việc cư trú, đi lại, hoạt động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác của nhân dân trong vành đai biên giới phải có quy hoạch, quản lý chặt chẽ nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới và an toàn của các nước láng giềng.
2. Những người thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này mới được cư trú, đi lại, hoạt động trong vành đai biên giới; những người khác khi vào vành đai biên giới phải có giấy tờ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này và trực tiếp trình báo Đồn biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân sở tại để thông báo cho Đồn biên phòng.
3. Người đến trình báo với Đồn biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân sở tại phải nói rõ mục đích, nội dung, thời gian, danh sách người, phương tiện, phạm vi hoạt động ở vành đai biên giới.
Điều 9.
1. Vùng cấm được quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật hiện hành và nội quy của từng vùng cấm đó.
2. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong khu vực biên giới có liên quan đến vùng cấm phải thống nhất với các ngành chủ quản quản lý vùng cấm đó.
Những trường hợp phải di dời dân ra khỏi vùng cấm thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài ở khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế cửa khẩu và các khu kinh tế khác được mở ra có liên quan đến khu vực biên giới thực hiện theo Quy chế của Chính phủ đối với khu vực đó. Nếu vào vành đai biên giới phải tuân theo quy định của Nghị định này.
Điều 11.
1. Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài đủ điều kiện vào khu vực biên giới, vành đai biên giới nếu ở qua đêm phải đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc đồn công an sở tại đăng ký quản lý tạm trú theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
2. Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài khi hoạt động trong khu vực biên giới phải tuân theo quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế về biên giới mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết.
3. Các phương tiện vào khu vực biên giới thì chủ phương tiện phải đăng ký tại trạm kiểm soát biên phòng về số lượng người đi trên phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động; khi phương tiện không hoạt động phải neo, đỗ tại bến, bãi quy định và phải chấp hành nội quy của bến, bãi.
4. Trong thời gian ở khu vực biên giới mọi hoạt động của người, phương tiện phải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương (trừ đơn vị quân đội, công an vào khu vực biên giới làm nhiệm vụ theo lệnh do cấp có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an).
Điều 12. Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết và pháp luật hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 13. Trong khu vực biên giới, các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ đội biên phòng để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về:
1. Bố trí quy hoạch dân cư, điểm họp chợ biên giới, bến, bãi neo, đậu của các loại phương tiện trên đất liền, sông suối biên giới.
2. Khu du lịch, khu kinh tế, khu vực sản xuất, khai thác và bảo vệ lâm sản, khoáng sản, đánh bắt hải sản và các hoạt động khác có liên quan đến đường biên giới quốc gia.
3. Xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác có liên quan đến đường biên giới quốc gia.
Điều 14. Khi xây dựng các dự án giao thông, thủy lợi, thủy điện, xí nghiệp, nông, lâm trường, trang trại, khu kinh tế liên doanh liên kết với nước ngoài và các dự án xây dựng khác trong khu vực biên giới, cơ quan chủ quản phải thống nhất với chính quyền địa phương và lấy ý kiến tham gia của các ngành liên quan, Bộ đội biên phòng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan chủ quản khi thực hiện dự án phải tuân theo Hiệp định về Quy chế biên giới và quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 15. Việc quay phim, chụp ảnh, ghi hình, vẽ cảnh vật trong khu vực biên giới không được tiến hành ở những nơi có biển cấm các hoạt động nói trên.