What's new

Chitto

Phượt thử
Staff member
ĐÂY LÀ TOPIC TỔNG HỢP THÔNG TIN VỀ LEO FANXIPAN.
LƯU Ý TÍNH CẬP NHẬT CỦA THÔNG TIN (QUA VIỆC XEM NGÀY CỦA BÀI VIẾT)
Các topic hỏi đáp được ghép vào đây, sau thời gian nhất định những bài không còn giá trị sẽ được xóa.


_________________________________________________


Kinh nghiệm đi Fansipan (cá nhân) sau khi leo Fansipan 4 ngày vào cuối năm 2006.

Kinh nghiệm cũng chỉ phù hợp với một số trường hợp mà thôi, không phải ai cũng dùng được.
Trước hết, tôi cũng là người quen với việc đi nhiều nơi rồi, nên có một số vấn đề với người khác có thể là khó khăn, thì với tôi không có phải lo lắm. Dù vậy cũng có một số điều đáng để viết ra đây, kẻo sau lại quên, hoặc có ai cần thì lôi lại cho dễ.

A. Tập luyện trước khi đi.

Rất nhiều người, nhiều nhóm đưa ra những bài tập thể lực, gồm đi bộ, chạy bộ, đi núi Nùng, hoặc mệt hơn nữa là leo Ba Vì để cho quen đi. Rất tốt, nhưng với người lười thì xa xỉ quá. Ngược lại có người chả tập gì cả, cũng là không nên.

Dẫu sao cũng không thể chủ quan, và vì thế, có một cách tập đơn giản, tốn ít thời gian hơn, và cũng đỡ được khá nhiều cho đôi chân. Chỉ gồm có 2 động tác chính và phải tập 1 - 2 tuần trước khi đi:

1. Đứng lên ngồi xuống:

- Đeo trên vai balô nặng khoảng 4kg, bằng trọng lượng sẽ phải mang khi đi Fan, có đai thắt chặt quanh bụng, đứng lên ngồi xuống liên tục cho đến khi chân mỏi nhừ ra không làm được nữa. Nghỉ một lúc, làm lại cho đến khi mỏi. Mỗi ngày chỉ mất 10 - 15 phút cho bài tập này.

- Lưu ý: khi đứng lên đồng thời kiễng trên đầu mũi chân, hít vào; khi ngồi xuống hạ gót chân sát đất, thở ra. Để giữ thăng bằng có thể đặt tay lên một chỗ cao ngang bụng như bàn ăn, tủ tường, mắt nhìn lên một vị trí cao hơn đầu. Tuyệt đối không dùng tay trợ giúp cho chân.

- Bài tập này có tác dụng phá cơ chân, trong khoảng 4-5 ngày đầu sau khi tập, cơ chân căng đến nỗi mỗi bước đi, lên xuống cầu thang đều rất đau. Nhưng đảm bảo khi leo núi không bị chuột rút, không lo đau chân. Bằng chứng là 4 ngày leo Fan, tớ thấy chân cẳng rất luôn bình thường, chẳng hề có cảm giác khác lạ.

- Lưu ý: phải tập sớm, trước ít nhất 10 ngày, để đến gần khi đi cơ chân đã hết đau, nếu tập muộn quá
cơ chân đau thì khó mà leo được.


2. Kiễng chân:

- Lấy một cuốn sách / tập sách, hay vật cứng gì đó cao khoảng 10cm, để cạnh tủ, bàn, kệ tivi. Đứng mũi chân lên đó, gót sát đất. Kiễng lên cao hết mức có thể, rồi hạ gót xuống gần sát đất, lại kiễng lên, liên tục cho đến khi mỏi không làm được nữa thì nghỉ một lúc rồi làm lại. Mỗi ngày cũng chỉ cần 5-10 phút.

- Lưu ý: có thể để tay lên vị trí thuận tiện để giữ thăng bằng, khi kiễng lên hít vào, hạ xuống thở ra. Có thể thay đổi vị trí chân: song song với nhau, gót quay ra ngoài, gót quay vào trong.

- Bài tập này khiến cho cơ ở gan bàn chân quen với việc đi bằng mũi, dễ cho việc leo lên, không bị chuột rút. Đồng thời việc xoay các tư thế chân giúp cho khi lên xuống dẫm lên các hòn đá nhỏ không bị trẹo chân, đau chân do tư thế không thẳng bàn chân.


B. Hành trang mang theo


Cũng có quá nhiều bài viết, danh mục mà những nhóm đi đưa ra, rất chi tiết và đầy đủ, tuy vậy cũng viết lại ra đây, vì có đôi điều khác với mọi người, theo kinh nghiệm riêng tôi.

1. Balô.

Loại có quai đeo mềm, có dây thắt quanh bụng, để đi cho đỡ nặng, có túi cạnh để nước. Không nhất thiết loại chống nước, vì tốt nhất là có một túi nylon to bên trong, mọi đồ đều cho trong túi nylon đó, balô có ướt, bẩn cũng không sao. Khi đi quai balô nên kéo cao, để lực dồn lên vai, không kéo người về sau rất khó chịu.

2. Quần áo.

Do tôi là người rất ít mồ hôi, khi leo hầu như không bị ra mồ hôi bên trong, nên quần áo có lẽ rất thuận tiện. Để nhẹ và không phải nhờ porter mang hộ gì, tôi chỉ mặc 1 áo mayô bên trong cùng (cái này về sau rất có tác dụng trong việc dán miếng nhiệt), một áo đông xuân dài tay bên ngoài. Mang 1 áo khoác gió 1 lớp mỏng để khi đi đường mặc, tránh gió, đỡ nóng; một áo len có cổ để mặc buổi tối, khi cần thì gửi porter, đến tối mới lấy; một áo phao rất ấm và nhẹ, để mặc khi đứng lại bị rét. Áo phao tránh được nước thì tốt.
Quần thì mặc 1 đông xuân bên trong, do không bị mồ hôi nên cũng không cần thay. Bên ngoài mặc quần kaki rộng khi đi đường. Mang thêm 1 quần thể thao gió, chỉ mặc buổi tối, đi ngủ cho sạch sẽ.
Ngoài ra còn 1 bộ quần áo mưa, mặc khi bị mưa, hoặc đề phòng khi rét quá, mặc bộ quần áo mưa cũng không kém gì áo rét loại tốt.

3. Giầy tất găng

- Tốt nhất là giày chuyên dụng tránh được nước, giá khá đắt. Thông thường giày bộ đội là rất tốt rồi. Giày rộng hơn cỡ chân ít nhất 1 số. Tôi dùng loại giày bộ đội.
- Chuyến đi tôi chỉ dùng 4 đôi tất, cũng do chân không bị mồ hôi nên không thay tất. Tất gồm 1 đôi bình thường, 3 đôi loại dày tốt, cao cổ.
- Găng nên có 3 - 4 đôi loại bảo hộ có hạt nhựa, khá rẻ. Cần có một đôi găng nylon loại giống như để bốc thức ăn của hàng cơm.

4. Khăn mũ...

- 1 khăn loại nhẹ, quấn cổ khi đi nóng,
- 1 khăn len quấn cổ khi buổi tối lạnh.
- 1 mũ len có thể che tai
- 1 một mũ tai bèo thường xuyên đội khi đi trong rừng.
- ít nhất 1 đôi bó gót, 1 đôi bó gối.
- Giày nylon chống mưa cần có ít nhất 2 đôi.

Trong chuyến vừa rồi, tất chống vắt tôi không dùng, một số người khác dùng rất thường xuyên.

5. Đồ dùng khác

- 1 cốc nhựa nhỏ để pha cafe
- Khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh, kem chống nẻ.
- băng salonpas, nên dùng deep heat để xoa hơn là salonpas, vì deep heat nóng, còn salonpas thì lạnh;
- miếng dán tạo nhiệt của Nhật, lưu ý dán cách da một lớp vải, dùng khi đi đường cho ấm bụng, lưng.
- 1 chai nước. Vì ít mồ hôi, mất ít nước, nên tôi chỉ cần mang 1 chai nhựa đựng nước loại 0,5 lít, còn người khác thường phải 2 chai.
- 1 đèn pin sáng. Không cần đèn vàng, đèn sáng trắng cũng ok.
Ngoài ra nhiều túi nylon to nhỏ để bỏ các đồ vào chống mưa ướt.

6. Đồ ăn mang theo

Cần nhất là đồ tạo năng lượng nhanh: chocolate 1 phong, bò cười 1 hộp, 2 thanh kẹo ngọt Alpeliber. Thêm đồ để uống: cafe tan, trà gừng.
Đường gluco, xách cho đoàn 1kg, nếu chỉ riêng mình thì 1/4 kg là đủ.
Kẹo caosu để dành thay
Hàng đống kẹo, lương khô khác mà đoàn mua, hoàn toàn không dùng đến.
 
Last edited:
C. Sắp xếp khi lên đường

1. Trong balô.

- 1 quần + áo mayô sạch
- Bộ quần áo mưa
- 1 chai nước 0,5 lít
- Tất, găng dự trữ, khăn len
- Chocolate, phomat, kẹo
- Đường gluco cho nhóm
- Cốc nhựa, khăn, bàn chải, thuốc chống vắt, kem chống nẻ
- Đèn pin nhỏ
Tất cả được cho vào 1 túi nylon rất to, đầu quấn vào sau chống mưa

2. Đồ gửi porter.

- 1 chiếc áo len
- Các bộ pin máy ảnh, pin đèn
Tất cả cho trong túi nylon bọc kín, rất nhỏ


3. Mặc trên người.


- Áo mayô bên trong, đông xuân dài tay ra ngoài
- Khoác áo gió mỏng ra ngoài
- Bên ngoài cùng là áo phao ấm. Đi 1 lúc nóng lên, sẽ cởi áo phao giắt vào quai balô, khi dừng lại lạnh sẽ lấy ra mặc luôn
- Quần đông xuân bên trong, quần kaki rộng thoáng bên ngoài.
- Quấn khăn mỏng quanh cổ
- Đội mũ len trùm tai, trên đội mũ tai bèo. Khi nóng bỏ mũ len vào trong balô
- Cổ đeo máy ảnh

4. Tay chân.

Chân rất quan trọng, phương thức đi tùy người. Dưới đây là cách tôi đi
- Trong cùng là bó gót, để giữ chân không bị bong gân
- Đi 1 đôi tất thường
- Đi tất nylon chống thấm nước
- Đi 1 đôi tất dầy ra ngoài tất nylon
- Đi giầy.

Lưu ý nếu đi tất không đủ khít thì không được đi tất nylon ra ngoài, vì sẽ rất trơn, khó đi. Một số người khác có nhiều cách đi khác:
- Tất - giày nylon - bó gót - tất
- Tất - tất chống vắt - tất nylon
- Tất - tất - tất nylon - bó gót

D. Hoạt động

1. Đi đường

Có người quen dùng gậy, tôi thì không dùng gậy. Khi chân mỏi thì tay đỡ rất nhiều, đặc biệt khi lên dốc, bám vào rễ cây vững và đỡ lực cho chân nhiều
Khi cảm thấy mệt, không nên dừng lại hoàn toàn, ngồi thụp xuống ngay. Khi mệt nên đứng lại một lúc, tựa vào vật có vị trí cao, cho chân duỗi thẳng, tựa balô lên phía sau để giảm nhẹ sức nặng, chứ không cởi hẳn ra, vì lúc đeo vào sẽ rất ngại.
Khi mệt, nên đi chậm lại, từng bước ngắn và chậm, chứ không dừng lại hoàn toàn. Mỗi bước đi là 1 bước nghỉ. Nếu lên dốc thì cố gắng tìm những chỗ đặt chân chênh lệch nhau càng ít càng tốt, đừng cố bước bước dài, bước cao, mệt gấp nhiều lần đi nhiều bước ngắn, nhỏ và thấp. Đừng bỏ lỡ bất cứ một dấu chân nào của người đi trước.

2. Ngủ đêm.

Ngủ trong lều trại, túi ngủ, khó ngủ nhất là bị lạnh lưng. Do đó nên trải tấm nylon (hoặc bộ áo mưa) xuống trước khi để túi ngủ, mặc áo len có cổ, áo phao thì trải xuống lưng. Chỉ nên đi 1 đôi tất cho thoáng chân. Đội mũ len trên đầu cho ấm, nếu khó chịu thì vén qua tai, không nên bỏ hẳn ra, vì đêm có thể chạm đầu vào thành lều trại, bị ướt sẽ không ngủ được.

3. Ăn uống.

Không thể cầu kì khi ăn uống. Buổi sáng, buổi trưa nên tranh thủ ăn càng sớm càng tốt, không nền lần chần chờ người khác. Ăn xong đi chuẩn bị đồ vẫn kịp.
 
Last edited:
Thông tin và kinh nghiệm leo Fanxipan

Bài của Vũ Thanh Minh, chuyển sang đây

FANXIPAN

(Lào Cai - độ cao 650m)


1. KHÁI QUÁT

Tỉnh Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Ðông giáp tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, Lai Châu; cách thủ đô Hà Nội 340 km. S 8.057,08 km2, chiếm 2,45% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng như đường quốc lộ Hà Nội - Lào Cai, Lào Cai - Lai Châu và tuyến đường sắt Hà Nội đi Lào Cai, Lào Cai đi Vân Nam (Trung Quốc). Hệ thống sông chính của tỉnh gồm sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc chảy qua tỉnh Yên Bái dài 120 km; sông Chảy bắt nguồn từ vùng núi Tây Côn Lĩnh (Trung Quốc) dài 124 km. Có 2 dãy núi lớn là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi. Dãy Hoàng Liên Sơn có nhiều đỉnh cao (Phan Xi Păng cao 3.143 m, Tả Giàng Phình cao 3.090 m so với mặt nước biển)

Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9; mưa, bão tập trung vào các tháng 4 và tháng 9. Nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất 25 độ C, thấp nhất 12 độ C. Hàng năm có 04 tháng nhiệt độ trung bình 18 độ C; tần suất sương muối thường xảy ra vào mùa rét.

Trên địa bàn tỉnh có 27 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh có 196.889 người, chiếm 33,12%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Tày có 81.666 người, chiếm 13,74%; dân tộc Thái có 52.146 người, chiếm 8,77%; dân tộc Mông có 123.778 người, chiếm 20,82%; dân tộc Dao có 74.220 người, chiếm 12,48%; dân tộc Giáy có 24.672 người, chiếm 4,15%; dân tộc Nùng có 22.666 người, chiếm 3,81%; dân tộc khác chiếm 3,11%.

Fanxipan (3.143m), độ cao mơ ước của nhiều người yêu thích khám phá của thiên nhiên đa sắc màu và cảnh quan kỳ vĩ. Độ cao của những kỷ niệm không bao giờ quên trong các hành trình khám phá.

Núi Phanxipan nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, về phía Tây Nam thị trấn Sapa. Được ví là nóc nhà Việt Nam và của Đông Dương. Phanxipan là ngọn núi cao nhất trong dãy Hoàng Liên Sơn với độ cao 3.143m, chiều dài 280km từ Phong Thổ tới Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp nhất laà45km. Gồm ba khối: Bạch Mộc Lương Tử, Phanxipan và Pú Luông.


2. ĐI VÀ ĐẾN

Tàu

Phương tiện được chọn nhiều nhất để tiết kiệm chi phí và thời gian cho các hành trình chinh phục Fanxipan là đi tàu từ ga Trần Quý Cáp lên Lào Cai, bus lên sapa và bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao.

Nên đặt vé tàu trước 1 – 2 tuần nếu chọn hành trình vào cuối tuần. Giá vé có thể thay đổi giữa việc mua trực tiếp tại ga và hãnh lữ hành. Vé về cũng nên mua trước, có thể đặt tại các khách sạn hoặc các đại lý du lịch tại Sapa hoặc Lào Cai.

Tại Sapa; văn phòng đặt vé tàu; 020.871480; giờ làm việc từ 7.30 – 11h, 13.30 – 14h; Trên phố Cầu Mây. Văn phòng sẽ tính phí 7.000 vnđ/ 1 vé ngồi và 10.000 vnđ/ 1 vé nằm.

Giá vé từ 79.000 vnđ cho ngồi cứng (không nên chọn loại vé này vì các toa ngồi cứng thường đông đúc và thay đổi vị trí khách thường xuyên do đón tại các ga khác, khó ngủ và ồn ào), đến 223.000 vnđ/ ngồi mềm (phòng lạnh, có chăn mỏng, ghế có thể ngửa ra để ngủ, không ồn ào), giá tăng khoảng 10% - 20% nếu mua vào cuối tuần.

Tàu ngày rời ga Lào Cai vào ban ngày xuất phát lúc 10:20 sáng, 2 chuyến tàu đêm về rời ga lúc 20:35 và 21:15; Hành trình mất khoảng 10 tiếng.

Tại Hà Nội, tàu lên ban ngày vào lúc 6:15 sáng. 2 chuyến tàu đêm lên Lào Cai lúc 21:20 và 22:00h

Fanxipan, tất cả các mùa trong năm đều có những vẻ đẹp khác nhau.

Bus

Từ Lào Cai, di chuyển lên Sapa bằng các chuyến Bus 16 chỗ. Rất nhiều xe và phục vụ tốt đậu trước cửa ra của ga Lào Cai.

Từ Lào Cai về bạn có thể nhờ khách sạn book xe, xe sẽ tới đón tại khách sạn hoặc để tránh bị lòng vòng có thể ra trực tiếp tại khu vực quảng trường, trước nhà thờ, bên cạnh vườn hoa tại Sapa.

3. ĂN UỐNG

Nhà hàng Nhật Linh; 020.835346; phố Nguyễn Huệ; Một nhà hàng sạch sẽ, giá cả hợp lý, đội ngũ nhân viên nhiệt tình, thân thiện. Có cafe và đồ ăn sáng. Nơi tốt nhất tại Lào Cai sau 1 hành trình dài trên tàu.

Nhà hàng Việt Hoa; 020.830082, đường Phan Đình Phùng, từ cổng ra của ga Lào Cai đi thẳng 50m, bên tay trái. Nhà hàng có các món ăn sáng, vị Việt Nam và Trung Quốc, phục vụ nhiệt tình, giá cả hợp lý; 25.000 – 75.000 vnđ cho bữa chính với cơm và đồ ăn mặn.

4. LƯU TRÚ

Nhà nghỉ Gia Nga; 020.830459; Phố Mới, 100.000 – 150.000vnđ;

Nhà nghỉ Thúy Hoa; 020.826805; fax 020.824689; 118 đường Thúy Hoa; 170.000 – 185.000 vnđ; vị trí tốt để ngắm dọc sông Hồng. Nhà nghỉ tiện nghi, sạch sẽ, tất cả các phòng đều có nước nóng và TV.

CHINH PHỤC FANSIPAN

Đăng kí leo núi

Để được leo Fanxipan, bạn cần có giấy phép vào rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, giấy do Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Hoàng Liên Sơn; ..........................cấp. Giấy này có thể lấy trong buổi sáng khi bạn bắt đầu đi Fanxipan. Khi xin phép, khoản lệ phí bạn phải thanh toán bao gồm:

Phí vệ sinh: 5.000vnđ/ngày

Phí kiểm lâm: 150.000 vnđ/ngày

Phí leo núi: 30.000 vnđ/ngày

Bảo hiểm: 5.000 vnđ/ngày

Porter

Porter là những người khuân vác có trách nhiệm mang vác đồ đạc, dựng lều trại và lo ăn nghỉ cho bạn trên núi. Thường cứ 2 người thì cần 1 porter. Porter chủ yếu là người Mông tại các bản như lân cận Sapa. Porter hầu hết là những người hiền lành, vui vẻ và rất dễ gần. Họ cũng có khả năng nấu ăn tốt. Trong quá trình trên núi, nên để 1 nửa porter tới điểm nghỉ trước để chuẩn bị trại (nếu dùng trại) và lán (nếu dùng lán có sẵn) và nấu cơm. Trong quá trình đi, hãy hỏi họ tất cả những gì bạn nhìn thấy, thắc mắc. Họ có thể chỉ cho bạn rất nhiều điều thú vị trên Fanxipan. Luôn tôn trọng và quan tâm đến họ.

Hướng dẫn viên

Việc thuê hướng dẫn viên không phải là điều bắt buộc. Vì thực tế, porter hoàn toàn có thể là người hướng dẫn cho bạn trên núi. Tuy nhiên, trường hợp bạn đi dài ngày và muốn tìm hiểu nhiều về thiên nhiên tại Hoàng Liên Sơn thì nên thuê 1 hướng dẫn viên có vốn kiến thức sâu. Giá thuê hướng dẫn viên từ 150.000 vnđ – 250.000 vnđ/ngày.

Trường hợp bạn thuê HDV thì toàn bộ thủ tục vào rừng HDV có thể thay bạn thực hiện. Hướng dẫn viên bạn có thể thuê tại các văn phòng du lịch trên Sapa hoặc liên hệ với Anh Kiên điện thoại 0912047565. Đây là những hướng dẫn có kinh nghiệm lâu năm, có sức khỏe, vốn hiểu biết rộng và rất dễ chịu. Chắc chắn sẽ mang tới cho bạn 1 hành trình nhiều thi vị.

Chinh phục Fanxipan không cần dây hay kỹ năng leo núi kỹ thuật. Chủ yếu là đi bộ dọc theo các sống núi và các dòng suối, các con đường thoải theo sườn núi. Chinh phục Fanxipan có nhiều con đường khác nhau. Vietzoom chỉ giới thiệu 4 con đường chính.

Đi Cát Cát về Sín Chải

Đây là con đường khó nhất bên phía Lào Cai để chinh phục Fanxipan. Những người có thể lực tốt hoặc dài ngày thường chọn đường này để khám phá và chinh phục Nóc Nhà Đông Dương

Đi Cát Cát về Trạm Tôn

So với các đường khác thì con đường này được nhiều lựa chọn để có thể thấy rõ ràng hơn về Fanxipan. Dĩ nhiên, quãng đường đi xa hơn và cũng khó khăn hơn với chặng từ Cát Cát.

Đi Trạm Tôn về Trạm Tôn

Đây là con đường ngắn nhất và đơn giản nhất. Với những người có sức khỏe bình thường, ít tập luyện vẫn có thể chinh phục thành công. Để đi từ Sapa lên Trạm Tôn, có thể thuê loại xe chuyên dụng hoặc xe 16 chỗ tại các công ty du lịch với giá từ 250 – 300.000/lượt. Nên đặt luôn cả đi và về. Từ trạm kiểm lâm Trạm Tôn, bạn sẽ bắt đầu vào rừng vào khoảng 10h sáng, với những đoạn dốc ngắn, chủ yếu là xuống và thoải lên trên. Sẽ đi qua nhiều con suối (số lượng suối phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa suối sẽ nhiều và nước to hơn), đi qua Bãi Trâu, qua 1 con suối lớn và ăn trưa tại Bãi Sỏi và lúc 12h30 – 13h (tùy sức khỏe và thời gian ngắm cảnh trên đường). Từ Bãi Sỏi, con đường bắt đầu dốc hơn và nghỉ tại trại 2.200m sau 2 tiếng (vào khoảng 16h; ngòai ra, nếu bạn xuất phát sớm thì có thể đi thẳng lên điểm nghỉ 2800m)

Ngày tiếp theo, hành trình tiếp tục với việc đi trên các sườn núi, sống núi, vượt qua rừng cháy, các cầu thang, qua điểm 2900 và thẳng tiến lên đỉnh. Đây là đoạn đường dài và dốc nên cần phải đi chậm để giữ sức. Bạn có thể chinh phục đỉnh Fanxipan (3.143m) vào lúc 11h (sau từ 3 – 4 tiếng). Ăn trưa trên đỉnh và trở lại điểm nghỉ 2.900 hoặc 2.200 (tùy vào sức khỏe). Trở về vào sáng ngày thứ 3.
 
Last edited by a moderator:
Bài của Vũ Thanh Minh, chuyển sang đây

Lưu trú

Cần chuẩn bị túi ngủ. Túi ngủ có thể thuê tại Sapa với giá 120.000 vnđ tại các văn phòng du lịch

Ngủ trên Fanxipan luôn là vấn đề đáng lưu tâm khi mà dịch vụ lưu trú trên núi còn rất sơ sài. Với các đoàn nhỏ (4 – 5 người) có thể ngủ trong các lán có sẵn. Với đoàn đông hơn thì nên chuẩn bị trại. Có nhiều kích cỡ khác nhau và giá cả khác nhau. Trại 2, 4, 10 người. Giá cả dao động từ 120 – 200.000 trại/ngày đêm.

Khi thuê trại, nhớ lưu ý kiểm tra kỹ trại. Không thuê các loại trại có khả năng chịu mưa kém, rách hoặc gãy.


Ăn uống

Fanxipan

Chuyện ăn uống trên Fanxipan đã được chuẩn bị bởi Porter. Tuy nhiên, bạn cũng cần chuẩn bị lương thực cần thiết trước hành trình. Mọi đồ ăn, thức uống có thể mua đầy đủ tại chợ Sapa trước 1 ngày. Các đồ ăn cần được tính đầy đủ cho số người, đủ chất và số ngày trên núi. Khi mua bạn cũng cần tính thêm phần của porter và hướng dẫn viên (nếu có), hoàn toàn có thể nhờ porter, những người có kinh nghiệm đi chợ và chuẩn bị cho bạn.

Bên cạnh đó, bạn phải tự chuẩn bị thêm đồ ăn cá nhân cho mình để có thể liên tục cung cấp năng lượng cho cơ thể trong quá trình đi, nhằm cho biểu đồ năng lượng luôn dao động đều, không xuống quá thấp (đói) hoặc lên quá cao (quá no). Đồ ăn nhanh như: bánh mỳ, 1,2 quả táo, sô cô la, redbull, kẹo ngọt. Cứ nửa tiếng bạn nên ăn 1 lần.

Các bữa ăn trên Fanxipan được chuẩn bị bởi porter. Tuy nhiên, bạn cũng nên cùng họ chuẩn bị nếu có thể. Bữa trưa ngày đầu tiên và ngày trên đỉnh nên chuẩn bị nhiều hơn (bữa trưa hầu hết là đồ ăn nhanh). Có thể nấu 1 số đồ ăn mặn từ tối hôm trước để ăn vào trưa hôm sau. Vì hầu hết các bữa trưa đều rất nhẹ trong khi khối lượng vận động buổi sáng luôn lớn hơn buổi chiều. Xôi và bánh rán cá nhân là phương án tốt nhất, nhanh nhất mà bạn có thể mang theo và mua tại cổng chợ Sapa với giá 2000 vnđ/chiếc, 5000 vnđ/xuất.

Lưu ý trước khi bắt đầu hành trình chinh phục Fanxipan

1. Thể lực

Hành trình Fanxipan không đòi hỏi một thể lực quá tốt nhưng cần sự dẻo dai và sức bền. Một tinh thần tốt cần đi kèm. Thể lực tốt giúp việc chinh phục dễ dàng hơn, có nhiều điều kiện để ngắm cảnh và tìm hiểu về thảm thực vật tại Hoàng Liên Sơn. Các bài tập nên được thực hiện đều đặn trước ít nhất 1 tuần, bao gồm:

-Chạy: bộ: quãng đường chạy 500m, 3 lần chạy, mỗi lần thời gian giảm và tốc độ tăng dần. Nghỉ giữa các đợt từ 1 – 2 phút.

-Đi bộ: Đi bộ nhanh trên quãng đường 1km. 3 lần, mỗi lần thời gian đi giảm và tăng tốc độ. Nghỉ giữa các lần 1 – 3 phút. Chú ý đeo balô 5 – 7kg.

-Gập bụng: 3 lần, mỗi lần 15 – 20 cái. Nghỉ từ 2 – 3 phút.

-Chống đẩy (hít đất): 3 lần, mỗi lần từ 15 – 20 cái, nghỉ giữa từ 2 – 3 phút.

-Đi bộ cầu thang. Bài tập bổ trợ thêm.

Chú ý việc ăn uống và thư giãn sau bài tập cho cơ bắp được thư giãn và có thời gian hồi phục.


2. Chuẩn bị trang phục, trang thiết bị

- Giày/dép: Loại giày có đế và mũi cứng, có gai để bám, cổ cao. Loại giày bộ đội là giày được nhiều người dùng, tuy nhiêm loại giày này quá mỏng, không đủ ấm. Giày Trek giá từ 150 – 200.000 vnđ. Trường hợp tiết kiệm có thể dùng giày bộ đội giá từ 30 – 45.000 vnđ. Giày nên được khâu trước khi đi và đi trước 1 tuần cho quen chân. Trường hợp giày ướt có thể phơi trước bếp lửa tại các trại.

- Mang theo 1 đôi dép nhựa nhẹ, loại dép tổ ong để dùng khi nghỉ tại các trại.

- Quần: Nên mặc 1 loại quần nịt chặt vào người. Giống loại quần đi ngủ. Loại quần này khi mặc sẽ giữ ấm cho cơ thể, bên ngoài mặc loại quần rộng, có nhiều túi (không mặc quần Jean) hoặc quần soóc vào mùa hè cho thoải mái. Quần nịt khi mặc sẽ được trùm bởi tất dài khi đeo giày. Không cần thiết phải dùng tất chống vắt (một phần vì các đường lên Fanxipan hiện nay ít hoặc không còn vắt)

- Tất: loại tất dài, cotton, màu. Nên mang theo từ 2 – 3 đôi. Thay tất tại điểm nghỉ ngay lập tức khi bị ướt. Tất dài khi đi trùm quần nịt.

- Găng tay: Loại găng tay có các hạt nhựa bên trong lòng. Tốt nhất là loại găng tay bằng da, không thấm nước.

- Khăn (khăn quàng cổ bằng len ấm, dùng cho mùa đông hoặc cơ thể chịu lạnh kém, không nên đeo khi đi ngủ gây khó thở)

- Quần lót giấy

- Áo lạnh. Luôn mang theo 1 áo ấm mùa đông. Áo ấm được dùng cho buổi tối và có thể dùng khi đi ngủ.
 
Last edited by a moderator:
Mình mới đi về hôm 4/11, theo mình bạn không cần đặt tour tại Công ty Du lịch đâu, bạn nên liên hệ mua vé sao cho lên được Sapa, từ Sapa bạn có thể liên hệ trực tiếp với các đội porter. Các anh này cực kỳ nhiệt tình và sẽ lo toàn bộ cho các bạn với giá cả mà chắc là bạn hài lòng. Mình tặng bạn số máy của đội porter bản Cát cát, đội trưởng là A Tình ĐT 01687921395. Họ rất chuyên nghiệp, trách nhiệm, tình cảm, nấu ăn ngon và ..đẹp trai (Mình nói thật, mình sẽ tìm ảnh để post lên ):))
 
Em có một thời gian làm hướng dẫn viên trên Sapa (nay đã giải nghệ he he) nên chắc cũng giúp được bác ít nhiều. Em là Hà, số đt của em là 0988357194.
Bác định đi vào tết dương ạ, thời điểm đấy lạnh nhưng không bị mù lắm. Bác Kiara nói đúng đấy, bác ko cần qua bên tour nào đâu, cứ chủ động mua vé tàu Hà Nội - Lào Cai rùi lên đấy mình sắp xếp là được. Nếu bác có khó khăn gì trong việc mua vé thì a lô em chắc em giúp được.
Còn về porter, đội của anh Tình ở bản Cat Cat được đấy ạ. Anh ý là người dân tộc nhưng đã đi bộ đội, tiếp xúc với người Kinh và cũng là hướng dẫn viên nghiệp dư nên có kinh nghiệm lắm.
Nếu pác cần một tour mẫu chi tiết thì ném em cái địa chỉ mail, em soạn cho pác chương trình tham khảo.
Chúc bác đi vui vẻ, may mắn ^_^
 
Tình hình là có 2 phương án để các bác tham khảo ạ.
1. Các bác mua tour của công ty du lịch. Cách này thì đơn giản và an toàn hơn. (Em gợi ý nên chọn cách này). Bác có thể liên lạc đặt tour với văn phòng du lịch tại khách sạn Hoàng Liên, nhưng em sẽ đưa bác số điện thoại của chú trưởng phòng ở đấy để các bác liên hệ trực tiếp chứ nhân viên thì làm ăn bớ lớ lắm ạ: chú Hòa, sđt 0912578324.
2. Nếu các bác chọn phương án tự đi, tự liên hệ thuê porters thì có mấy điểm các bác cần lưu ý.
- Mua vé leo núi tại Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (em quên số đt rồi, bác cứ gọi 0201080 để hỏi). Vé trên bao gồm bảo hiểm.
- Hỏi cụ thể và thương lượng trước với đội porter (đội ngũ porter đã gợi ý phần trước rồi ý) là thuê được trại của kiểm lâm để ngủ qua đêm. 1 trại ở độ cao 2900m, một trại ở độ cao 2100m. (giá khoảng 30k một người/đêm)
- Chuẩn bị túi ngủ
Sơ bộ là như vậy, nhưng theo cá nhân em, do lần đầu các bác đi và thời gian ko có nhiều, các bác nên theo tour để đảm bảo độ an toàn.
Chúc các bác vui vẻ.
 
Với 1 loạt biển chỉ đường của Viettel cũ và Vietnam Airlines mới rải rác từ chân Trạm Tôn lên tới chừng 2.300m (gần đến đoạn tay vịn) - thì chắc chắn bạn ko lo bị lạc đường,kể cả sang Sín Chải.

Nhưng với người đi lần đầu tiên,bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian để mò đường --> điều này ảnh hưởng cực kì tới tâm lí nhé !

VD như đoạn từ chân Trạm Tôn lên tới 2.200m đi vào của rừng,lối đi hoặc men theo suối,hoặc đi trong rừng thưa ... cũng khá rối mắt.
Hay tới ngã 3 rẽ vào lán nghỉ 2.800m ...

Cái chính là đi 1 mình rất không ổn,dù bạn có sức khỏe tốt hay rất gì gì đi chăng nữa.
Những bất trắc có thể xảy ra trên núi thường rất nguy hiểm.Bạn đừng chờ mong gặp được đoàn hay nhóm nào đó có thể giúp mình.Giữa rừng núi,tất cả mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn bình thường nhiều lần.(c)

Nói chung là mọi tính toán khi ở nhà đều đơn giản hơn nhiều so với tình huống mình sẽ gặp phải khi đi núi.:)

Tốt nhất,bạn nên thuê 1 porter dẫn đường.Giá cả rẻ hơn nhiều so với tour mà lại rất an toàn,đảm bảo sức khỏe,lại tha hồ ngắm nghía cảnh trên đường:D

Cuối tháng 6 là giữa mùa mưa rồi,nếu bạn đi thì sẽ phải tính tới chuyện may rủi với thời tiết.
Gặp trời nắng thì đi rất thích.Nhưng nếu trời mưa thì thôi rồi vất vả,hoặc có khi phải hủy kế hoạch !! :D
 
Mình leo Fan hồi tết 2009, có chút kinh nghiệm share với các bạn thế này:

- Sao lại không đi Sín Chải về Trạm Tôn? Đi khó, về dễ thì hay hơn chứ nhỉ. Đi khó khăn thì lên tới đỉnh mới thấm thía công sức cố gắng của mình. Chứ mà đi Trạm Tôn thì ối bạn lại kêu oai oái: Leo Fan chỉ có thế này thôi à??? Đoàn mình hôm về mà kinh ngạc với đường Trạm Tôn, xuống tới nơi mà chưa tin là mình xuống, vì đường ngắn và dễ đi.

- Giờ hào hứng thì tưởng rằng vác ba-lô 7 - 8 kg ngon lành. Đoàn mình leo Sín Chải, 100% phải bỏ cả áo khoác, vì thấy sao mà nặng và nóng thế, dù hôm đó là mồng 3 tết, chứ đừng nói gì ba-lô. Vác ba-lô lê lết hôm đầu tiên thôi, đến trạm dừng thì vất sạch ở lại. Đến chai nước mà còn đưa cho porter vác hộ. Vì vậy, ba-lô càng gọn nhẹ càng tốt. Không cần mang đồ rét đâu. Bọn mình leo mồng 3 tết, rét mà đi toàn phải cởi áo thôi, leo núi nóng lắm.

- Thay vì vác những cái không cần thiết, thì các bạn thủ sẵn vài thứ hoa quả, như táo, lê, dưa chuột. Mỗi người một hai quả, lúc nghỉ lôi ra ăn. Leo núi nó háo, chỉ có ăn hoa quả là thích nhất, uống nước thì ít thôi. Đoàn mình lúc nghỉ lôi hoa quả ra ăn thấy rất tốt.

- Nói chung leo Fan ai cũng lên tới nơi thôi, đừng có tham đi nhanh, bước dài, cứ bước ngắn mà chơi, không cần đua với ai. Quan trọng là bạn bền sức. Đoàn mình leo Sín Chải, nhiều đoạn dốc há mồm, nhưng cố một tí, cố một tí, rồi cũng qua. Nghĩ lại lên đến nơi mới thấy "mình phục mình thế".

Tuy nhiên thấy đoàn các bạn hơn 40 người thì đúng là nên đi Trạm Tôn, vì nó dễ nên không bị tách nhóm quá nhiều, dễ quản lý. Chứ leo lên Sín Chải thì quản không nổi từng này người.
 
Về hoa quả thì mình nhắc lại đó là thứ rất thiết thực và đáng quý nhất. Có một quả táo mà bọn mình chia làm 8, ăn ngon lắm lắm. Còn lại bao nhiêu quần áo, lúc chưa leo thì lèn chặt ba lô, về sau vất sạch dọc đường, chả thiết gì.

Về giày đi thì không nhất phải phải là giày bộ đội. Giày nào cũng ok, miễn là đôi giày vừa chân bạn, thấy thoải mái nhất. Mình leo Sín Chải bằng giày thể thao. Tuy một số đoạn hơi bị trơn (đế giày thể thao trơn), nhưng mình cẩn thận nên không có vấn đề gì.

Mình cũng mặc quần jeans. Nói tóm lại là giày dép, quần thì miễn sao là đồ dùng mà các bạn thấy vừa vặn, thoải mái nhất, không nhất thiết phải đi mua đồ mới, tốn tiền.

Đêm nằm trong lều thì không lạnh dù hôm đó là mồng 3 tét, ngoài trời gió to. Lý do là quá đông người nằm, lại nằm sát nhau và có tủi ngủ, vì vậy đâm ra nóng, cựa quậy suốt.

Một số hình ảnh leo Sín Chải của đoàn mình.

Chưa leo thì tham, mặc rất nhiều quần áo, đeo balo to đùng, hí hửng lẳm:

sieuthiNHANH2009090324536otuxm2nmmd192790.jpeg


Nhưng đến khi đi vài km thì vất hết cho các anh khuân vác:

sieuthiNHANH2009090324536zmfjnzzlnj2848223.jpeg


Quần áo cởi hết, vất hết. Thậm chí còn to miệng bảo "mất cũng được, mệt lắm, không vác đâu". Tuy nhiên anh guide dẫn đường động viên, cứ gom vào vệ đường rồi anh gọi người khác lên lấy về hộ, không mất đâu.

sieuthiNHANH2009090324536mwqyyzazm22597651.jpeg


Do các bạn đi Trạm Tôn thì có thể sẽ không mệt như đoàn tớ. Trạm Tôn chỉ một số đoạn leo trèo thôi, còn lại đường bằng bằng.

Đoạn leo dây Sín Chải, leo xong cái này thì chỉ mất nửa tiếng nữa lên đỉnh:

sieuthiNHANH2009090324536ztq2otqzog2714488.jpeg


sieuthiNHANH2009090324536ytg3nzg2mm228373.jpeg


sieuthiNHANH2009090324536zdkzzmiwmw274387.jpeg


Có gì thắc mắc cứ hỏi tớ nhé. Tớ sẵn sàng share kinh nghiệm đã trải qua.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,146
Bài viết
1,173,964
Members
191,971
Latest member
ykubecom
Back
Top