Bác bán kẹo cho trẻ em trong các phiên chợ ngày hội mặc quần áo giả trang thành chú hề. Bác này đến từ vùng núi biên giới Erzgebirge của Đức giáp với Tiệp. Vùng này nổi tiếng với nghề thủ công là đồ chơi tiện gỗ sơn nhiều màu và cung cấp đồ trang trí bằng gỗ cho dịp Giáng Sinh.
Người ta thiết kế bác bán kẹo có thể vặn rời thành hai phần. Thân của bác rỗng, làm thành khoang có thể để được trầm hương đốt trong đó. Khói và hương thơm thoát ra phía miệng bác bán kẹo.
Có nhiều loại búp bê tương tự thế này, nhiều kích cỡ, hình dạng theo nhiều nghề nghiệp khác nhau; nhưng đều có tên gọi chung là Räuchermänner hoặc loại bé thì gọi là Räuchermännchen.
Đứng cạnh bác bán kẹo hút thuốc nhả khói ra đằng mồm là một anh lính cũng cùng quê với bác kia. Vùng Erzgebirge vốn xa xưa là vùng khai thác mỏ quặng. Các anh lính được điều đến vùng núi này để làm việc tại mỏ. Họ cũng mang theo gia đình đến để an cư. Sau khi các mỏ khai thác cạn kiệt, công việc cũng ít đi. Các anh lính ngồi buồn gọt các mẩu gỗ làm đồ chơi cho con. Một lần, có người lính nằm mơ thấy một cô tiên với đôi cánh trắng bay tới đậu lên miếng gỗ anh đang gọt dở dang và bảo: Hãy tập hợp các anh lính khai mỏ lại, chúng ta có mỏ khác để khai thác. Quanh vùng này có rất nhiều gỗ tốt, và trẻ em khắp nơi đều cần có đồ chơi không chỉ riêng con cái các anh. Hãy dùng những đôi tay khéo léo của các anh tạo đồ chơi gỗ, đem sản phẩm đến mọi nơi.
Anh lính tỉnh dậy và họp các bạn mình lại.
Từ đấy nghề làm đồ chơi gỗ trở thành nghề truyền thống của vùng Erzgebirge, và cô tiên có đôi cánh trắng là người bảo trợ cho mọi gia đình làm nghề này. Trên hiên nhà trước lối vào, người ta thường đặt hai búp bê bằng gỗ rất to, có những nhà tạo búp bê to bằng kích thước người thật và thậm chí lớn hơn, một bên là anh lính mặc áo xanh đứng nghiêm trang, một bên là cô tiên với đôi cánh trắng muốt.
Tớ chỉ có anh lính thôi, vẫn còn thiếu cô tiên. Hí hí