Đọc bài này lại càng thèm cái cảm giác se sắt, đơn côi trong một cõi bao la … ta gặp nhau tình cờ …
Tết trên mái tây Ngọc Linh
(Trích nhật ký) Mây trắng vờn vào mắt mũi không mùi vị. Mây tạo cảm giác lực cản rất rõ khi tay mình quơ chạm. Có lúc mây cuồn cuộn phủ kín tưởng như mình ở trong phòng xông hơi, chỉ có điều với mây thì lạnh buốt. Thật ra mình đang trèo lên nóc "mái nhà xanh" Ngọc Linh có độ cao trên 2.000 mét so với mặt biển.
Bút ký của Vĩnh Quyền
Đến Trung tâm Bảo tồn giống sâm Ngọc Linh, tôi ngửa mặt nhìn lên có ý thăm dò đâu là đỉnh núi đã trở thành huyền thoại. Ông Bút - Giám đốc Công ty đầu tư phát triển lâm nông công nghiệp Đăk Tô, cũng là chủ dự án bảo tồn sâm Ngọc Linh - vội can: "Thôi, gẫy cổ chừ, dân ở đây cũng không mấy khi được chiêm ngưỡng đỉnh Ngọc Linh. Vào văn phòng làm chén trà bắc cho ấm người đã".
Hương trà có chút gì là lạ nhưng tôi không nói với chủ nhân. Sau mới tình cờ trông thấy những sân nhà chung quanh nhân ngày nắng đẹp bày phơi các giống dược thảo hái từ núi cao và tôi hiểu rằng mùi ải thơm đặc biệt của thuốc nam đã thầm lặng lan tỏa cả một vùng, làm biến đổi cả hương vị chén trà.
Ông Bút nói: "Các chương trình sâm Ngọc Linh phía Quảng Nam phát triển khá thành công. Phía Kon Tum cũng có điều kiện tốt nên tháng 10.2004 Chính phủ ra công văn số 1441 đồng ý cho Kon Tum thực hiện dự án này. Cái mới của dự án là cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật trồng cây sâm cho người Xê Đăng sống quanh núi Ngọc Linh thiết lập vùng sản xuất cây sâm hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...".
Kết thúc tuần trà, ông Bút đứng lên: "Anh đến đúng lúc, hôm nay tôi lên "chốt" đây!". Dân trồng sâm gọi trại giống của họ trên đỉnh Ngọc Linh như vậy, như cách nói của lính tráng đóng quân nơi vùng biên máu lửa. Chỉ một tiếng thôi đủ cho ta hình dung một không gian xa khó, một không khí trấn thủ lưu đồn... Ông Bút nhắc điện thoại gọi ai đó. Mấy phút sau một chàng trai bước vào, Hưng. Sau này, tôi biết mình may mắn gặp được một hướng đạo như vậy.
Hưng nhìn chiếc ôtô điền dã của tôi bằng con mắt khinh thị: "Mười cầu cũng vất huống chi hai cầu! Chỉ có hai chân mới lên tới đỉnh Ngọc Linh!". Nói thế, nhưng Hưng lại dắt chiếc Honda Win ra: "Nó sẽ giúp cắt ngắn gần hai chục cây số trước khi leo trèo bằng hai chân!". Tôi dè dặt: "Thế sau đó leo bộ bao xa?". "Khoảng hai chục cây nữa. Nếu chỉ thăm bà con Xê Đăng trồng sâm thì bằng nửa thôi". Đã hơn 5 năm nay tôi chỉ có cuộc "chinh phục" núi Voi ở Lâm Đồng là đáng kể, nhưng so với Ngọc Linh thì vô nghĩa. Vùng trồng sâm phải đạt độ cao tối thiểu trên 1.800 mét, lý tưởng là 2.000 mét. Tôi lặng lẽ chấp nhận đợt tổng kiểm tra sức chịu đựng sau thời gian dài luẩn quẩn bên bàn viết.
Chiếc Win chỉ vận hành trên hai số 1 và 2, khó nhọc leo lên những con dốc 25, 30 độ nghiêng trơn trượt, loạng choạng vượt những chiếc cầu gỗ vắt qua suối, tiếng gầm rú đơn độc của con ngựa sắt chỉ làm tăng thêm độ vắng lặng của cánh rừng già thâm nghiêm.
Lưng chừng núi thì đến xã Ngọc Lây. Mây trắng bay la đà như thể đứng trên nóc nhà rông có thể chạm tới được. Chúng tôi đi qua những nụ cười, những lời chào hỏi thân thiện bằng tiếng Kinh và tiếng Xê Đăng. "Làm nghề rừng mà không được bà con dân tộc thương thì coi như phá sản. Mà để được thương lắm khi bầm giập! Cái hay ở đây là phải thật lòng, sai bỏ qua được, giả dối coi chừng!" - Hưng nói. Dẫu được "cán bộ" dẫn đường, người lạ như tôi cần trình diện lãnh đạo xã mới có thể đi tiếp lên vùng trồng sâm.
Bí thư xã A Thuyên vai mang súng carbin ra tiếp khách ở hội trường. Ông vỗ lưng tôi: "Lên ăn Tết hả?". Nghĩ mình nghe nhầm, tôi chưa biết đối đáp thế nào thì Hưng vớt lời: "Đúng rồi, có gì cho nhà báo ăn Tết với!". A Thuyên vỗ vào báng súng: "Mình đi săn đây, thế nào cũng có thịt, rượu thì khối!". Tôi nói mới tháng mười đã ăn Tết sao. A Thuyên cười khà khà: "Người Kinh ăn Tết ít, ăn tiệc nhiều. Người Xê Đăng mình ít tiệc nhưng nhiều Tết lắm. Mà Tết Ka-pa-neo tháng mười này là to nhất đấy. Nhà nào, làng nào cũng uống rượu mừng lúa mới".
Ông cho biết người Xê Đăng có nhiều lễ tết trong năm như Ka-pa-ton là ăn lúa kho vào giêng, hai trước khi làm mùa rẫy mới; tháng ba có On-đrô-kneng-te uống rượu làm máng nước; tháng tư có On-đrô-lo-choi uống rượu cúng Giàng và trỉa lúa; tháng năm có Ka-tre-ton uống rượu làm cỏ lúa; tháng bảy có Ka-la-pa uống rượu cầu xin sâu bọ đừng ăn hại lúa; và... nhiều nhiều nữa, kết bạn với nhau cũng có lễ On-đrô-tơ-chiêng để mà uống say! Tôi không đủ kiên nhẫn chờ miếng thịt rừng đang chạy nhảy đâu đó trong rừng của A Thuyên nên đành uống suông chén rượu Tết Ka-pa-neo vì còn phải leo tiếp lên buôn Lộc Bông ở khuất trên từng mây trắng.
Buôn Lộc Bông như tách khỏi thế gian bởi vào mùa này nhìn lên là mây, nhìn xuống cũng là mây. Hưng cho biết 24/45 hộ ở đây có vườn sâm dưới tán rừng dẻ, rừng chò và dẫn tôi thẳng vào bếp của A Thi: "Mình ăn Tết với "vua sâm" Ngọc Linh!". Vợ chồng A Thi đang xếp gỗ chuẩn bị làm nhà mới. Ông phủi tay bắt tay tôi rồi quay sang mắng "cán bộ" đã lâu không thấy ghé chơi. Trong khi Hưng phụ một tay với bà chủ làm vài món nhắm, tôi ngồi trên bậc thang uống rượu sâm với A Thi và ngắm mây trời. Câu "nhà vườn ăn cau sâu" của người Kinh có thể vận vào hũ rượu của A Thi. Chỉ có rễ và lá. A Thi cười: "Củ về xuôi hết rồi!". Nhưng tôi lại thấy chén rượu rất đượm. Có lẽ cũng nhờ khí lạnh và câu chuyện của A Thi làm "phụ gia".
Từ nhỏ A Thi đã biết cây sâm như một loại dược thảo hiếm quý mà người Xê Đăng gọi là thuốc dấu chữa bá bệnh. Đến năm 1976, khi tiếp xúc với các nhà khoa học lên Ngọc Linh khảo sát cây sâm, A Thi mới hiểu hơn về giá trị dược liệu và kinh tế của nó. Hiểu thế thôi chứ không trồng thành vườn vì hồi ấy ở Lộc Bông không có khái niệm hàng hóa, chẳng biết buôn bán với ai. Năm 1999, A Thi trở thành người đầu tiên lập vườn sâm và bây giờ, sau 5 năm chăm sóc, đang bước vào mùa thu hoạch vàng. A Thi cạn chén, mắt rưng rưng: "Mình nhiều nghề rồi, làm rẫy, làm ruộng, bảo vệ rừng, làm cả y tá nữa nhưng năm nào cũng đói. Còn bây giờ chỉ cần chăm gần 1.000 gốc sâm trồng trong mảnh vườn 300 mét vuông, rộng hơn cái sân nhà mình chút thôi, nhưng mà no. Mỗi tháng chỉ cần bán ra 1,5 cân sâm là thu vào khoảng 5 triệu đồng. Có tiền, mình trồng mới 1.500 gốc và đang ủ được gần 2.000 mầm mới...".
Tôi bảo thế là A Thi khiêm tốn rồi, không phải no mà là giàu. Ông cười: "Nhà báo biết một mà không biết hai, bầy con mình nó ăn gần hết cái sâm mình trồng rồi!". Thì ra A Thi là người duy nhất ở Lộc Bông có khả năng cho hết 7 đứa con đi học, con gái lớn đang học lớp 10 Trường Nội trú dân tộc ở thị xã Kon Tum. A Thi triết lý: "Cái chữ mới cứu người Xê Đăng thoát đời u tối chứ không phải củ sâm!". Tôi nhớ trong bản dự án của ông Bút viết rằng đến năm 2013 sẽ có khoảng 1.000 người Xê Đăng được cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật để trồng sâm gia đình dưới tán rừng tự nhiên Ngọc Linh. Vốn là kẻ hoài nghi về những con số trên các loại văn bản, nhưng trước một "vua sâm" bằng xương bằng thịt như A Thi, tôi mong rằng nỗi hoài nghi của tôi chỉ là thứ lo xa vô hại.
Biết nhà A Thi có khách, những người Xê Đăng trồng sâm ở Lộc Bông như A Lớp, A Ne, A Nam rủ nhau đến uống rượu. Được hơi men nâng đỡ, tôi nảy ra một ý tưởng rất Xê Đăng và nói thành lời với những người bạn mới: "Xê Đăng mình đã có lễ uống rượu lúa kho, lễ uống rượu lúa mới,... bây giờ hãy bổ sung vào hệ thống lễ tết phong phú đó một lễ uống rượu sâm. Gọi là gì nhỉ.. On-đrô-sâm?". Cả buôn Lộc Bông đồng thuận, bằng cớ là ai cũng vung tay nốc cạn chén rượu sâm sau khi tôi dứt lời!
Nguồn:
http://www1.laodong.com.vn/sodara/xuan2005/xahoi/xh16.htm