Re: TBG: Cào cào Tây Côn Lĩnh-câu chuyện rùng rợn giữa rừng thông già.7 ngày và 12 th
Đời: Tháng 6 – Tháng 11
Đường: Hà Giang – Thanh Thủy – Lao Chải – Tây Côn Lĩnh – Bốt Đen
Đời: Giai đoạn khốn khó khi mà khó khăn chồng chất khó khăn, khủng hoảng đến dồn dập. Đã có những lúc mình tưởng quỵ ngã mà không đứng dậy được. Điều ngu xuẩn là mình lại dấu hết tay chân mà đáng ra phải chìa ra để bấu vào một điểm tựa nào đó hay để một bàn tay khác kéo mình đứng dậy. Hay đơn giản chỉ là một chút hơi ấm để thấy rằng mình không phải là cá thể duy nhất trên hành tinh này… mình còn có người thân, bè bạn và cả cuộc đời…
Đường:
Đường từ Thanh Thủy lên Tây Côn Lĩnh xưa là tuyến đường tuần tra biên giới của ta. Theo lời cán bộ Loops thì khi xưa tình hình biên giới giữa ta và anh bạn láng giềng có nhiều bất ổn. Anh bạn láng giềng cậy có cái cao điểm cứ nã pháo òm òm sang nước ta chính vì vậy mà ta phải mở đường tuần tra biên giới vòng quanh Tây Côn Lĩnh để đối phó. Cung đường này đã bị bỏ hoang rất lâu và gần như không có người qua lại. Cây cỏ mọc che hết lối đi với vô số những dốc cao, bãi lầy trơn nhẫy… cung đường này ngày trước khá rộng, đủ để xe tăng có thể chạy qua nhưng bây giờ ít người đi lại nhiều nên cây cỏ mọc che gần hết đường. Phần đường còn lại thật khó khăn khi 1 bên là vực sâu còn bên kia chỉ là những lằn rãnh, bụi cây. Mặc dù đã chạy con xe nhỏ nhất trong dòng cào cào là Serow nhưng chạy cung này mình vẫn hơi cóng vì nhiều lúc hụt hẫng, chẳng biết chống chân vào đâu chỉ biết mặc cho xe đổ mà thôi.
Đoàn du lịt TBG năm nay thật là xôm, có vài anh bỏ công bỏ việc từ tận phương Nam xa xôi để nếm cái mùi bụi phủi miền Bắc nó ra làm sao. Cũng có vài anh tha lôi cả chị nhà đi cùng để cùng sướng, cùng khổ trên cái cung đường này. Lại có anh lôi cả hài nhi đi cùng, ắt hẳn là muốn rèn luyện quý tử từ hồi còn bi bô đây…
24 nam phụ lão ấu, 14 chiếc xe trong đó có 13 cào cào… ui chu choa… đúng là đại vũ hội chứ còn gì nữa Tây Côn Lĩnh nhỉ?
Sáng sớm ngày 31, khi xe tải chở lũ cào cào còn xe khách giường nằm chở đống xế và ôm đổ uỵch xuống thành phố Hà Giang thì không khí đã trở nên sôi động lắm rồi. Những nhân vật chính thì hỉ hả kẻ ăn người uống, buộc đồ, sửa xe vang động cả một góc phố nhỏ. Còn khán giả là cư dân địa phương thì cũng chẳng mấy khi nhìn thấy cái đống xe cộ người ngợm như thế thì thấy làm thích thú mà chỉ chỏ bình luận liên hồi. Mình chẳng lạ, lúc nào mà chẳng thế. Sau khi để anh Háu hì hục buộc đồ lên xe, mình chui ngay vào tổ cấp dưỡng để nạp năng lượng. Một bát mì tôm, một bát cơm nguội, vài miếng sườn của nhà hàng. Thế là đủ no và chắc dạ…Kinh nghiệm sống còn ở đây là phải ních cho thật no, thật chắc dạ vào buổi sáng để có sức mà đi mà đẩy, mà kéo, mà dựng xe.
Thế rồi cái đống người ngựa kia cũng đã sẵn sàng sau một hồi huyên náo, những tiếng đề máy đã nổi lên. Máu trong người cũng đã sôi sôi, mình hô hoán lão Háu cùng lên đường.
Yên vị trên lưng serow, mình bóp côn, vê ga rồi nhả côn giật cục. Chẳng hiểu sao mình thích cái cảm giác chiếc xe bị giật tưng lên cùng tiếng máy gầm gào rồi lại ngoan ngoãn khuất phục bởi những cú đạp số, những nhát vê ga thế cơ chứ lại… 2 thân người và đống hành lí to vạc được chú sơn dương phi nước đại theo quốc lộ 2C hướng về cửa khẩu Thanh Thủy.
Đoạn đường này vẫn giống đoạn đời hồi đầu tháng 6: Còn nhiều thảnh thơi và dễ dàng nhiều lắm…
Đến cửa khẩu Thanh Thủy, khi đàn lũ còn bận chè chén hướng dương ở ngoài thì các cán bộ đường lối như: Balota, Tabalo, Hùng SG chạy vào đồn biên phòng để làm thủ tục. Nghe đâu cũng có nhiều vướng mắc, phải sau vài lần dây thép, đường đi mới được rộng mở. Các anh biên phòng còn cẩn thận cử cán bộ chạy theo đoàn đến hết địa phận xã mới yên tâm quay lại.
Khi nhận được hiệu lệnh xuất phát đã là gần trưa, cả đoàn hùng hục chạy tới điểm dừng chân đầu tiên là đồn biên phòng Lao Chải. Đường từ Thanh Thủy lên Lao Chải lầy nhầy bùn và đá. Những chiếc cào cào như được tham gia một vũ hội tha hồ mà gầm rú và nhảy tưng trên những đống đá.
Đường đi đã khó khăn hơn nhiều. Cũng như đoạn đời cuối tháng 6: Đã có nhiều vật cản và xuất hiện màn sương bao phủ…
Cảm giác đột ngột mù mịt vì sương núi… Sương bay trước mặt, tràn từ đỉnh núi xuống, sương làm mờ mắt kính, làm giảm tầm nhìn. Đoàn người giảm tốc độ và nắn nót hơn trong từng vòng cua. Những hình ảnh rõ ràng dần dần biến mất, thay vào đó chỉ còn là một màng sương lạnh và mờ mịt. Mình còn nhìn rõ được những hạt sương bay phất phơ trong không khí…
Một khúc cua tay áo, mình gồng tay để gim chặt tay lái tránh bị trượt và nhả ga đều. Chiếc xe ngoan ngoãn nhích dần qua khúc cua dốc đứng trơn trượt. Qua khúc cua mình thở mạnh một hơi dài, ngay lập tức làn hơi oái oăm đó làm mờ ngay cặp kính cận. Không nhìn được đường mà ngay trước mắt là một đống đất sét quánh, mình loạng choạng ngã… Vậy là đã có cú ngã đầu tiên trong ngày rồi đây… quyết định không đeo kính nữa. Mình và lão Háu hè nhau dựng xe dậy rồi tiếp tục đoạn đường. Sương mù bao phủ làm mình không thể nhìn ngó được cảnh vật xung quanh, cũng tiếc thật…
Gần 12h, đồn biên phòng Lao Chải kia rồi! Cả đoàn hí hửng vì sắp được nghỉ chân nạp thêm năng lượng. Các cán bộ đồn Lao Chải rất mến khách, dành riêng cho chúng tôi một gian nhà lớn để tha hồ mà lăn lê, ăn uống… chị em ngay lập tức túa ra mì mì, trứng trứng… còn anh em thì hồ hởi, khuôn miệng tròn vo, mắt mũi hấp háy, anh nào anh đấy rút con dao to dài hùng hục chém vào ngọn gió lớn nghe sao hào sảng và khí thế quá đi. Lại có những kẻ thì nghịch ngợm với những cảnh vật xung quanh, luyện kamasutra với cái vòi nước…
Hàng về! Một nồi đại tướng mì tôm với thịt hộp được khệ nệ bưng lên. Chưa bao giờ cái câu “ Nhà đông con” nó lại được lột tả một cách chân thực đến như vậy. Những cái bát chìa ra tơi tới, những tiếng kêu thất thanh “ Mì, mì” thật là huyên náo… Mình cũng cố len kiếm cho được một ca mì lớn và lỉnh ra ngoài. Mình biết mình phải mò ngay xuống bếp. Không phải để tránh xa cái chốn thị phi xô bồ đó đâu, mà là mình thấy các anh biên phòng vừa ăn cơm dưới đó, làm gì chẳng la liếm được tí ti… Hơ hơ… Bếp đây, bếp đây rồi! Vừa bước chân vào mình sững người, đôi mắt cận, cái hàm râu rầm rậm gắn trên một gương mặt to uỵch... nhìn thấy mình, cái gương mặt đó nở nụ cười nham hiểm… lão Balota đấy! Tư tưởng lớn gặp nhau rồi. Không đáp lại nụ cười của lão, mình lao ngay mở cái vung nồi 30, một mùi thơm quyến rũ bay lên: Cơm! Cơm nóng! Không nói không rằng mình lấy muôi xúc 3 muôi tướng ấn vào cái ca mì… sống rồi! Ti nay ngủ rừng mà không có cơm từ lúc này thì vỡ nợ. Sức đâu mà “sinh tồn” nhỉ… Giải quyết được phần cơm mình liếc lên bàn: ô hô ngon quá, các anh biên phòng để lại 1 bát canh bí đỏ tướng với sườn, kệ bí, rau dưa tính sau. Mình hớt ngay miếng sườn vào bát rồi mới chiêu thêm vài thìa canh… gắp thêm tí ruốc… ước chừng cũng đã khá tươm, mình khoan khoái ngồi xuống bắt đầu thưởng thức. Lúc này mình mới ngó sang lão, thấy lão đang nhìn mình trìu mến “ Phải biết quan sát ông em ạ” nói rồi lão và một miếng cơm tướng vào miệng. Mình thấy vài hạt cơm vẫn bám quanh hàng ria của lão… mình kệ… tập trung vào chuyên môn đã…
1h, khi sức người đã hồi, sức máy đã được nghỉ. Lão Hùng SG lại lớn tiếng hô hào đi tiếp. Vài tiếng càu nhàu vang lên… Nhưng rồi đoàn du lịt cũng lại lục tục lôi nhau dậy để lên đường.
Tình quân dân ở đâu cũng vậy, thắm thiết vô cùng. Anh biên phòng nhất định đòi dẫn đoàn 1 đoạn và chụp ảnh chung. Và rồi sáu cái máy ảnh cùng hoạt động để ghi lại một khung cảnh nhung nhúc đám người thành thị ham vui chụp với anh cán bộ biên phòng oai vệ.
Bắt đầu vào cung hành xác!…