Re: TBG: Cào cào Tây Côn Lĩnh-câu chuyện rùng rợn giữa rừng thông già.7 ngày và 12 th
(Tiếp tục)
Cái giống cào cào thật là vừa yêu vừa ghét. Yêu vì gầm cao máy thoáng lại khỏe như sơn dương, dê núi phi vào đá vào cây cứ gọi là phăm phăm. Nhưng ghét vì con nào con đấy cao lênh khênh lại còn nặng xác nữa chứ. Vật được nó lên cùng đống đồ thì chùn cả tay, mỏi cả gối. Nhớ chuyến Chế Tạo – Mường La năm ngoái, cậy bé hạt tiêu, mình cứ đổ xe là không nói không rằng tự vật xe đứng dậy. Vợ chồng nhà Chi rỉm đi sau cứ gọi là mắt lồi ra khỏi hốc… năm nay thêm tí tuổi tác đồng thời do đã chạy trước mấy ngày nên chân khí cũng đôi phần suy giảm. Chân thì ngắn nên khả năng chống cũng có giới hạn, chuyến này mình đổ cứ tành tạch. Chóa má thế chứ lại. Cũng may, chuyến này đi có lão Háu làm chã nên cũng đỡ, gặp chuyện là hai anh em lại hè nhau đỡ dậy. Cảm ơn anh Háu nhiều anh Háu nhé !... Những chuyến trước mỗi khi có sự cố mình ức lắm… ai đời xe thì phi vào hàng rào chuồng lợn, chân thì sùng sục vào đống lầy nhầy mà đáng ra vị trí của cái đống đấy phải là ở hầm Bioga mới đúng, mồm thì kêu toáng lên : help me, pls…pls, help me !!! Lúc đấy thì VIP vô cùng tận. Mình như diễn viên chính của Đời Cười… khán giả thì ngoác mồm ra cười, cười sằng sặc, cười hô hố, cười chảy nước mắt, cười rơi cả kính áp tròng… máy ảnh thì chớp lia chớp lịa… ờ, thù đời thế chứ lại. Đã thế chuyến này mình phải khác. Ngã 1 choác là giữ nguyên hiện trường, không cho ai dựng xe, đợi máy ảnh đến pose đủ kiểu rồi mới dựng xe… Cho bõ công ngã… Nhưng lần này cũng đỡ tủi thân vì chuyến này các anh nhà mình ngã cũng nhiều : yamaha, suzuki, honda… hãng nào cũng được nằm ngang nếm đất của Tây Côn Lĩnh.
Vất vả qua được khu rừng lau và cây bụi. Chúng tôi đến được độ cao hơn của Tây Côn Lĩnh. Lúc này chỉ còn tre, đường đi cũng thấy dễ hơn đôi chút. Dễ hơn là do không còn nhiều cây bụi nữa nên dễ quan sát hơn mà thôi. Còn độ khó thì vẫn thế, chán chẳng buồn nhận xét.
4h chiều, không hạ trại nhanh thì tối mịt !
Khi trung đội gặp tiền đội ở một bãi đất trống mà thực chất chỉ là 1 vòng cua rộng, thoáng trên đường lên. Lúc đó tiền đội đã bắt tay vào hạ trại, người chặt tre, kẻ dựng lều… mỗi người một việc dưới sự chỉ đạo của lão Balota trông có vẻ quy củ và tổ chức lắm… Vị trí hạ trại khá thoáng tuy nhiên không có nhiều không gian để sinh hoạt tập thể. Đồng thời cũng không kín gió lắm… Vấn đề lớn nhất là nước, phải kiếm được nước để nấu nướng. Mình và Loops đảm nhiệm việc tìm nguồn nước. Hai anh em dắt nhau đi dần lên trên, vừa đi vừa dỏng tai nghe tiếng nước chảy.
Địa hình chỗ này được phân chia khá rõ ràng, sườn núi được cắt làm 2 phần được ngăn cách bởi con đường mòn chúng tôi đang đi. Phía dưới là rừng tre rậm rạp, phía trên là một rừng thông xen lẫn tre và cây bụi. Đi được gân 100m mình chợi thấy một lối đi lên rừng thông. Tò mò thế nhỉ... mình lò dò đi lên. Ồ, tuyệt quá ! Một vị trí khá đẹp. Bãi đất có độ dốc thoai thoải gần như bằng phẳng được che chắn bởi tán thông phía trên, dưới nền được phủ một lớp lá thông dày nên khá ráo nước so với nền đất, không gian thoáng nữa và rộng đủ cho cả đội hạ trại đây !!! Ồ, lại có 1 đống củi than chưa cháy hết, chứng tỏ là đã có người đã từng hạ trại ở đây ! Quá ổn ! Không quan sát kĩ thêm mình ới lão Loops để lão đi tiếp tìm nguồn nước còn mình quay về gọi Balota tới để đánh giá tình hình.
Uhm, được đấy. Chuyển trại thôi ! Balota nhìn qua một lượt rồi bảo tôi như vậy. Đang định quay về trại cũ để hô hào chuyển trại. Bỗng… cả 2 anh em cùng nhìn thấy :
Một cặp chân gà teo tóp được treo trên cọc tre cắm ngay gần lối đi. Cái cọc tre vẫn còn xanh như mới chặt còn cặp chân gà mới chỉ khô quắt lại, kiến, côn trùng còn chưa nhấm được hết thịt. Một cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng… mình và lão già đảo mắt quan sát tiếp. 3 thân cây thông được xếp thành hình chữ U vuông vắn, nhìn kĩ thì thấy đầy chân hương cắm xung quanh, ở giữa chữ U là những mảnh nhỏ đo đỏ như xác pháo… 2 anh em nhìn nhau không nói gì. Cách đống củi 20m là 4 gốc thông lớn mọc thành hình vuông, mỗi cây đều bị phạt đi một lớp vỏ gần dưới gốc để lộ phần thân trắng hếu. Ở giữa bốn cây thông nổi lên một ụ lớn như chiếc ô tô con được che phủ bởi những cành cây… Gai ốc mình nổi lên rần rần… Chỉ vì sương mù che phủ nên lúc nãy mình không nhìn thấy tất cả những thứ này.
- Mộ mới chôn anh ạ, chắc chỉ được 4,5 ngày… !
- Ừ, không ổn rồi, chắc phải trưởng bản đấy !
- Tính sao anh ?
Liếc nhìn kim đồng hồ chỉ sang con số 5, liếc nhìn trời càng ngày càng xây xẩm, sương rừng đã bao phủ một lớp bàng bạc mù mịt, lại nghe thấy tiếng một số bạn đang ý ới rủ nhau tới xem trại mới. Balota quả quyết :
- Không còn chỗ nào ổn hơn đâu ! Tiến hành đi. Đừng nói gì cả !
Hai anh em liền chắp tay hướng về phía ngôi mộ lầm rầm xin phép được hạ trại. Tôi nhanh chóng thu gọn lại đống chân hương, cọc tre, chân gà… Vừa lúc đó anh em ùa đến, mỗi người một chân một tay. Người phát cây bụi, người thu củi, người dựng trại… ai cũng tập trung làm vì trời lúc đó đã tối dần đưa bàn tay ra trước mặt đã không nhìn rõ ngón tay rồi. Đã có loang loáng những ánh đèn tikka, lửa trại đã được đốt. Không ai biết mình đang ở đâu… chỉ có ngôi mộ khi mờ, khi tỏ bởi làn sương đang quan sát chúng tôi.
Mình vừa dựng trại vừa thấy nóng ruột. Cảm giác rờn rợn mỗi khi liếc mắt về phía ngôi mộ mới đắp. Hàng nghìn câu hỏi luẩn quẩn trong đầu. Không hiểu ngôi mộ là của ai ? Được chôn mấy ngày rồi nhỉ ? Người ta có đào hố sâu để chôn không, hay chỉ đặt xác trên nền đất rồi phủ đất đá cành cây lên ? Cái chỗ cắm đầy chân hương đó có phải là chỗ người ta đặt xác tạm nghỉ làm lễ trước khi chôn ? Hình ảnh đám ma ở Mèo Vạc bổng hiện ra trước mắt mình rõ mồn một. Tử thi được quấn kín mít, cứng đờ, người phụ nữ vừa khóc vừa bón cơm cho tử thi… ! Bỗng một cảm giác lạnh từ gan bàn chân chạy dọc lên tận đỉnh đầu mình ! Hai tay bổng run run… Mọi người ai cũng thích chọn chỗ đặt tử thi lúc trước để dựng lều vì bằng phẳng và ráo nước. Dần dần các lều đều được dựng túm tụm tại đó. Mình cố chọn vị trí thật xa nhưng vẫn nằm xen giữa các lều khác… Một đêm ma mị đây! Mình nghĩ thầm. Liếc sang lão Balota thì thấy lão vẫn thật điềm tĩnh vun vén cho đống lửa cháy đùng đùng.