What's new

[Chia sẻ] Quy Nhơn - các tháp Chàm - thành Đồ Bàn - Gành Đá Dĩa - Tuy Hòa - Đại Lãnh

Quy Nhơn - các tháp Chàm - thành Đồ Bàn - Gành Đá Dĩa - Tuy Hòa - Đại Lãnh

Hành trình bắt đầu lúc 17 giờ, xe Phương Trang đi từ Bến xe Miền Đông, giá 170k/vé. Xe tốt, ghế ngồi thoải mái. Xe có dừng lại ở Đồng Nai để ăn tối, bữa cơm này đã tính trong tiền vé. Cơm nấu cũng ok, quá tốt so với cơm qua đường, có đến 6 món và canh trên bàn.
Sau một tối và một đêm trên xe, ê ẩm cả người, mình đến Quy Nhơn vào buổi sáng. Hành trình khám phá Quy Nhơn của mình bắt đầu với một tô bún sứa chả cá ngon không chịu được và to vật vã ở đường Trần Phú, ngay đối diện Tỉnh Ủy Bình Định. Lúc này đói quá nên đã không kịp lấy máy ra chụp. Quán ăn này do cô bạn Quy Nhơn dẫn đi, nói là ngon hơn ở Tăng Bạt Hổ, rất đông, bún cá 10k/tô, bún sứa 15/tô. Cô bạn nói gọi bún sứa, thì ra trong tô bún sứa có cả chả cá. Ngon thật.
Ăn xong đi Ghềnh Ráng. Ghềnh Ráng là một mũi đá nhô ra biển, dài vài trăm mét. Từ Ghềnh Ráng tầm nhìn thật đẹp, phía Nam với những dải núi xanh xanh trải từng lớp ra đến biển, phía Đông là biển xanh thẳm, mênh mông, chếch phía Bắc là bán đảo Phương Mai. Ghét một cái là chặn ngay tầm nhìn phía là nhà hàng, phía là khu resort của Hoàng Anh Gia Lai. Haiz.
Ở Ghềnh Ráng có bãi tắm Hoàng hậu, còn gọi là Bãi Đá Trứng, toàn là đá đủ kích cỡ, tròn tròn như trứng. Cô bạn đồng hành nói trước có nhiều trứng hơn nhiều, do người ta mang về nhà cất giùm mấy cục trứng to đẹp nên giờ không còn nhiều cục đá đẹp như trứng chim nữa.

3535898070_b2988841f3_o.jpg


Ở Ghềnh Ráng có mộ Hàn Mạc Tử, mà nghe nhiều người nói là Hàn nằm ở nơi khác, nên mình cũng chả viếng.
Từ Ghềnh Ráng, sau một ly cafe đậm đà, hai anh em chạy ra Nhà trưng bày gốm Lò Sành nhưng chả hiểu sao đóng cửa.
Đi tiếp đến Tháp Đôi, cụm tháp Chăm nằm ngay trong thành phố, gồm 2 tháp. Tháp Đôi còn gọi là Tháp Hưng Thạnh, niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, thời gian mà Chiêm Thành bị Chân Lạp (nước của người Khơme) chiếm. Người Pháp thì gọi là Tháp Khơme do tháp chịu ảnh hưởng kiến trúc Khơme. Tháp Nam thấp và nhỏ hơn tháp Bắc một chút, cả 2 tháp đều có cửa hướng về hướng Đông.

3535905188_7d8806556d_o.jpg


3535901820_01bded3ac0_o.jpg


Cửa tháp rất đẹp và độc đáo với thiết kế dạng vòm chồng:

05-thap-doi.jpg


Mình thấy Tháp Đôi khá đẹp, to lớn, những nét chạm khắc thì không còn nhiều, phần phục chế và trùng tu lại chán quá. Đứng dưới chân tháp Bắc, ngước nhìn lên mái có thể thấy những nét chạm vũ nữ nhảy múa. Những nét chạm ở tháp Nam thì không rõ lắm.
Theo tài liệu thì cụm tháp Đôi ngày trước có đến 3 tháp, cách bố trí và kiến trúc rất giống tháp Dương Long, nhưng đã sụp đổ 1 tháp.

Rời Tháp Đôi, hai anh em chạy xe qua cầu Thị Nại, đến bán đảo Phương Mai rồi chạy xe về. Cầu vượt biển dài, gió lộng, cảm giác chạy xe mà lạng gió, vừa thích vừa sợ.
 
Last edited:
Buổi trưa, định đi ăn cua huỳnh đế mà bạn nói lúc này cua không ngon. Thế là đi ăn cơm gà ở đường Tăng Bạt Hổ. Miếng gà chiên dòn, thơm thơm là, ngon ngon là. Tay chân dính mỡ, không dám cầm máy ảnh. Cô bạn giành trả tiền nên mình cũng không biết bao nhiêu một suất, thấy chỉ đưa 1 tờ 50k có tiền thừa trả lại, chắc giá cũng thơm.

Buổi chiều là dành cho hành trình về kinh đô xưa của Vương quốc Chiêm Thành, đầu tiên là thăm Tháp Bánh Ít. Trong các cụm tháp ở Bình Định, tháp Bánh Ít còn giữ được phần nhiều, có nhiều tháp nhất nên cụm tháp này mình tham quan lâu nhất.
Đi từ Quy Nhơn lúc gần 2 giờ rưỡi, chỉ khoảng 20 phút là đến Tháp Bánh Ít. Tuy nhiên các bạn đừng đi đường 18 ra ngã ba Phú Tài, ở đó có nhiều máy bắn tốc độ lắm. Mình đi đường Tuy Phước. Đi từ Quy Nhơn ra, khi đến một ngã ba hỏi đường đi Tuy Phước, chạy một đoạn là đến ngã ba giao với Quốc lộ 1A, có con đường nhỏ bên tay phải là đường vào tháp.
Tháp nằm trên một ngọn đồi ở huyện Tuy Phước, còn có tên là Tháp Đại Lộc, người Pháp gọi là Tháp Bạc. Cụm tháp có 4 tháp, gồm tháp Đông, tháp chính và tháp phụ ở giữa, tháp Nam. Tháp được xây vào thế kỷ XI, mang kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Chămpa ở giai đoạn được coi là đỉnh cao này.

Tháp chính, tháp phụ và tháp Đông

3535464329_dbffaab458_o.jpg


Tháp Đông, đóng vai trò cổng chào của cả cụm tháp. Tháp có vòm cửa hình mũi giáo, một nét kiến trúc đặc trưng của tháp Chàm vùng Bình Định. Tháp cao chừng 13m, còn khá đẹp.

3535459585_d260711f3a_o.jpg


Tháp chính, cao khoảng 20m, rất đẹp. Phần mái đẹp hơn tháp Đôi và tháp Dương Long. Những nét chạm trổ cũng đẹp hơn, duyên dáng hơn, có chỗ nhìn thấy hình người hay hình chim. Đứng từ cửa tháp, gió thổi mát rượi, nhìn ra cảnh xung quanh đẹp một cách yên bình.

3535464325_2a065aa389_o.jpg


11-thap-banh-it.jpg


Cạnh đó là tháp phụ, chỉ cao chừng 10m, mái tháp cong lõm ở giữa như chiếc thuyền, hai đầu mái vút lên. Mình thích kiểu dáng này, thích cả chân tháp giật cấp, cả tháp nhìn hài hòa, vững chãi và rất đẹp. Theo tài liệu, tháp phụ chỉ dùng để kinh sách, đồ tế tự.

3535464319_29b37a5fd7_o.jpg


Tháp Nam nằm hơi riêng ra, mái nhìn độc đáo so với các tháp Chàm với những tầng mái nhỏ dần, cạnh nhô ra.

3535457043_a808ef547d_o.jpg


Từ ngọn đồi này, nhìn xa xa là một nhánh của sông Kôn chảy giữa những cánh đồng, lũy tre làng, bãi sông là những bãi cát vàng, phong cảnh thật yên bình.

3536284500_02c75582ba_o.jpg
 
Rời cụm tháp, mình qua Đập Đá, đi một đoạn thấy có bảng chỉ đường bên trái, rẽ trái đi vào thành Đồ Bàn xưa của Vương quốc Chiêm Thành. Xưa ở đây là cung điện, là thành quách, trung tâm của thành Đồ Bàn là tháp Cánh Tiên. Theo sử sách thì thành Đồ Bàn xưa rất rộng, nguy nga, bị phá hủy vào năm 1471 khi nhà Lê đánh tới tận đây. Trong cuộc chiến Tây Sơn - chúa Nguyễn, những dấu tích còn lại của thành Đồ Bàn trở thành thành Hoàng Đế, là bãi chiến trường. Nhà Nguyễn dẹp Tây Sơn, san bằng thành. Thiên nhiên và con người tàn phá, cả kinh thành xưa giờ chỉ còn lại tháp Cánh Tiên đang hư hại và 2 tượng voi.
Tháp Cánh Tiên nằm trên một gò đất không cao lắm, niên đại vào thế kỷ XII. Vừa đi vừa hỏi đường, từ xa xa thấy ngọn tháp với màu gạch và ... dàn giáo. Hic, tháp đang trùng tu, đóng cổng ngay từ bên ngoài, không cho thăm quan. Có thể thấy tháp này rất đẹp, nhìn đúng là như ... những cánh tiên. Hic, tiếc thật.

3535910578_e394772251_o.jpg


Hai tượng voi ở ngay gần đó, xưa là hai tượng chầu hai bên cửa cung điện. Tượng voi rất to, tượng voi đực to hơn voi cái.

3535096523_e67c528a54_o.jpg


Rời khu phế tích (thực ra cũng chả còn "được" là phế tích nữa), trong lòng bâng khuâng nhớ về mối tình Chế Mân - Huyền Trân.

Ra khỏi khu thành cổ, mình chạy về hướng tháp Phốc Lốc. Trên đường đi qua một cánh đồng vàng rực, những người nông dân đang hồ hởi thu hoạch.

3536284122_433e4defd5_o.jpg


Đi một đoạn nữa, thấy tháp Phốc Lốc nằm riêng biệt trên một ngọn đồi, nhìn xuống đồng ruộng bao la.

3536283890_8bfac22298_o.jpg


Hỏi người dân đường lên tháp. Người chỉ đường này, người chỉ đường kia, người nói không có đường lên. Lúc này đã là 4 giờ rưỡi, thời gian không còn nhiều, hai anh em đành quay xe đi. Tiếc vì tháp Phốc Lốc cùng niên đại với tháp Cánh Tiên, được người Pháp gọi là Tháp Vàng (chả hiểu họ xét theo cái gì, nhưng thăm Tháp Bạc tháp Đồng mà không thăm tháp Vàng thấy tiếc tiếc). Ngoài tên Phốc Lốc, tháp còn có tên là Thốc Lốc, Phú Lốc, Phú Lộc, Phước Lộc, nghe cũng tựa tựa nhau.

Rời An Nhơn, xe chạy về Tây Sơn, qua những làng quê với cánh đồng lúa, với những con đường thơm mùi rơm, với những lũy tre, cảnh vật yên bình đến độ mình ước gì được nằm đong đưa trên võng ở đây. Đến hơn 5 giờ thì đến tháp Dương Long. Một cụm tháp lớn, 3 tháp đều rất to. Tháp Dương Long còn có tên là tháp Bình An, An Chánh, Vân Tường, còn được người Pháp gọi là Tháp Ngà. Tuy nhiên khi đến, mình lại tiếc ngẩn ngơ vì tháp đang trùng tu do hư hại nặng. Đứng nhìn mấy phiến đá được neo buộc thấy ớn ớn.
Chả muốn chụp vì không có chỗ lấy góc rộng, cũng không muốn chụp dàn giáo chi chít, đành đi về.

Trên đường về, mình ghé vào tháp Thủ Thiện, khi đó đã 6 giờ, trời tối. Tháp Thủ Thiện được người Pháp gọi là Tháp Đồng. Tháp đã bị hư hại nặng, nằm hoang phế ở một cánh đồng, sâu trong làng. Chụp vài tấm rồi về luôn, nghĩ mà buồn cho một di tích.

19-thap-thu-thien.jpg


3535447509_ec7aa83817_o.jpg


Về đến Quy Nhơn là 7 giờ tối. Cô bạn dẫn đi ăn bò née (ở đây viết là née) ở Bảy Quán, số 93 Trần Phú. Chẹp, bò né ở Quy Nhơn ngon thật, miếng thịt bò không dày như bò bít tết, ngon, trong phần bò né có cả bơ, patê, nem. Giá 22k/suất. Định chụp mà mỡ bắn xèo xèo, sợ bắn vào máy nên thôi.

Buổi tối, sau khi ra biển đi dạo, hai anh em đi ăn nem nướng ở quán vỉa hè đường Ngô Văn Sở. Ở đây có hẳn một dãy hàng ăn ngon. Hic, chuyến đi Quy Nhơn này sao ăn nhiều thế.

Ngày hôm sau, mình đi Phú Yên. Hành trình khám phá Quy Nhơn xem như trọn vẹn một ngày. Một ngày dĩ nhiên là không đủ, nhưng cũng đã đến được kinh đô xưa, đã thăm được hầu hết các tháp Chàm còn tồn tại, đã ăn được mấy món ngon của Quy Nhơn.

Ngày mai mình sẽ post tiếp phần Phú Yên, giờ ngồi lựa ảnh đã.
 
Last edited:
Vắn tắt lộ trình:
- Đi Ghềnh Ráng: chạy từ Trần Phú gặp Nguyễn Huệ rẽ phải, đi thẳng, qua bùng binh rất to vào đường An Dương Vương, đường ven biển, thấy có bảng chỉ đường bên trái.
- Đi tháp Đôi: ngay trong thành phố, đường Trần Hưng Đạo. Từ chỗ này đi tiếp ra đường 18.
- Từ Quy Nhơn đi theo đường 18 khoảng 5km là đến ngã ba, rẽ phải đi Tuy Phước. Từ ngã ba này đến Tháp Bánh Ít chừng 16-18km.
- Từ tháp Bánh Ít theo đường cũ ra lại đoạn giao quốc lộ 1A. Từ ngã ba này đến chỗ rẽ vào thành Đồ Bàn chừng 7km.
- Từ ngã ba này vào tháp Cánh Tiên chừng 3km, tượng voi cách tháp vài trăm mét.
- Quay lại ngã ba, đi tiếp 3km là đến ngã tư. Nhìn bên phải là tháp Phốc Lốc. Nhìn bên trái là bảng chỉ đường đi sân bay Phù Cát. Rẽ trái để đi Tây Sơn, thăm tháp Dương Long. Từ giao lộ này đến tháp Dương Long chừng 10km. Đi thêm 7km là bảo tàng Tây Sơn.
- Từ chỗ này hoặc là quay lại đường cũ để đi về Quy Nhơn, hoặc rẽ trái ở Phú Phong để đi Quy Nhơn theo đường 19. Nếu rẽ trái thì sẽ đi ngang tháp Thủ Thiện. Đi từ Phú Phong tới tháp Thủ Thiện khoảng 12km, đi tiếp 20km thì gặp lại Quốc lộ 1A. Nếu rẽ trái, rồi rẽ trái ngay cách đó vài trăm mét thì về Quy Nhơn theo đường Tuy Phước, gần hơn. Không thì rẽ phải, đi 8km gặp ngã ba Phú Tài, rẽ trái đi theo đường 16 6-7km là đến Quy Nhơn.
 
Nè ACE nào có đi ngang qua Đại Lãnh nhớ ăn lẩu mực, cháo mực nha, ở đây là ngon tuyệt luôn đó, mực tươi vừa bắt ở biển lên hàng ngày nên ăn con mực vừa ngọt vừa ngon, nói mà thèm rồi, hic. Nói chung hải sản ở Vạn Ninh (Đại Lãnh) ăn ngon, nhưng khuyến cáo ACE đừng vào nhà hàng nó chém ráng chịu đó.
 
Last edited by a moderator:
Anh này qua cầu Thị Nại, đến bán đảo Phương Mai rồi chạy xe về thôi ah?
Không biết chạy sâu vào đấy có cái gì vui không?
 
Rời khu phế tích (thực ra cũng chả còn "được" là phế tích nữa), trong lòng bâng khuâng nhớ về mối tình Chế Mân - Huyền Trân.
Thực ra thì cũng có thể gọi là phế tích đấy chứ bác . (NT) Hiện thời chắc bác cũng thấy trong khu này đang tiến hành khai quật để phân loại niên đại và cũng rất băn khoăn với nhiều kết quả đạt được để chỉ rõ ra rằng đâu là dấu vết của thành Đồ Bàn, đâu là thành Hoàng đế ...Bác chịu khó để ý 1 tí sẽ thấy vòng trong của thành Hoàng Đế còn gần như là nguyên vẹn với chiều cao có nơi lên đến hơn 2m .Về cổ vật văn hóa Chăm pa tại khu phế tích này và ở các khu tháp khác mà bác có nhắc tên thì phần lớn đều đang nằm ở ...bảo tàng Chăm Đà Nẵng, 1 ít ở bảo tàng Bình Định và rải rác 1 vài nơi trong tỉnh.Gần với đôi voi đá đó nhất còn có 1 ngôi chùa lưu giữ 2 pho tượng đá của người Chăm được "Việt hóa " thành tượng ông Thiện - ông Ác và thờ cúng rất trang nghiêm .Em cam đoan bác có những ấn tượng mạnh khi nhìn 2 pho tượng này trên thực tế...

Nhan%20Son%202.jpg

Nhan%20Son%201.jpg


(mượn tạm 2 tấm ảnh này trên google để các bác dễ hình dung)
Thông tin thêm để các bác đọc tí cho vui về quê hương em .
1
2
3
4
...
Anw,thank bác @namnguyen rất nhiều vì đã có những hình ảnh rất đẹp về xứ Bình Định, mong được nhiều bác khác trong diễn đàn ghé thăm nơi này ...
 
Nè ACE nào có đi ngang qua Đại Lãnh nhớ ăn lẩu mực, cháo mực nha, ở đây là ngon tuyệt luôn đó, mực tươi vừa bắt ở biển lên hàng ngày nên ăn con mực vừa ngọt vừa ngon, nói mà thèm rồi, hic. Nói chung hải sản ở Vạn Ninh (Đại Lãnh) ăn ngon, nhưng khuyến cáo ACE đừng vào nhà hàng nó chém ráng chịu đó.

Ơ tớ cứ tưởng Vạn Ninh thuộc Khánh Hoà còn Đại Lãnh thuộc Phú Yên chứ nhỉ ;)
 
Sáng hôm sau, hai anh em khởi hành đi Ghềnh Đá Dĩa.
Lộ trình dự kiến của tớ là đi Ghềnh Đá Dĩa rồi quay về Quy Nhơn ăn trưa, sau đó sẽ ra bến xe mua vé đi Tuy Hòa, từ Tuy Hòa mượn xe máy của người bạn đi tháp Nhạn rồi đi Đại Lãnh, hoặc mua vé xe đi Ninh Hòa, xuống xe ở Đại Lãnh. Ngủ lại ở đây, đón bình minh ở hải đăng Mũi Điện, sáng hôm sau về.
Với sự háo hức về một lộ trình hấp dẫn, ăn sáng xong, hai anh em khởi hành. Từ thành phố, đi ra bùng binh lớn, theo đường An Dương Vương, qua khỏi bến xe là vào cung đường Quy Nhơn - Sông Cầu, hay còn gọi là quốc lộ 1D. Đường này chạy nói chung là song song với quốc lộ 1A, nhưng tránh được đèo Cù Mông, thay vào đó là chạy dọc theo bờ biển. Dọc theo con đường này, đoạn giáp ranh Bình Định - Phú Yên có một loạt các bãi, cùng với các quán gà chỉ, đặc sản của vùng này. Gà chỉ là chỉ con gà, nghĩa là khách chỉ con gà đang túc tắc trong sân, một lát sau con gà đó khỏa thân trên đĩa.
Từ bến xe, chạy theo đường 1D 9km là hết địa phận Bình Định, vào địa phận Phú Yên. Đường đoạn này có đoạn, một bên là biển, một bên là đầm Cù Mông, cảnh đẹp. Từ chỗ giáp ranh 2 tỉnh, chạy 26km là gặp quốc lộ 1A. Rẽ trái, vào quốc lộ 1A, đi tiếp 4km là vào thị trấn Sông Cầu. Có một ngã ba lớn, đi thẳng, chạy chừng 1km là cầu Tam Giang.
Qua cầu Tam Giang, đi gần 6km là cầu Phong, qua cầu Phong một chút gặp một ngã ba, quốc lộ 1A đi về hướng bên trái. Đi tiếp trên quốc lộ 1A 12km là cầu Ngân Sơn. Qua cầu này một đoạn ngắn, thấy có bảng Nhà thờ Mằng Lăng bên tay trái, rẽ trái. Từ chỗ rẽ ở quốc lộ 1A, đi chừng 1km thấy có đến 3-4 quán cafe nằm cạnh một con sông hay mương lớn. Hai anh em lúc này đều hơi hơi buồn ngủ, thế là xuống làm ly cafe, giá rẻ bất ngờ: 5.000 đồng/ly cafe sữa đá. Cafe tuy không thơm lắm nhưng đậm đà, nói chung là được.
Từ quán cafe, đi tiếp thấy một bên tay trái thấy có một đập nước tràn hay hay, bên kia là nhà thờ Gò Chung. Đi tiếp 1km thấy nhà thờ Mằng Lăng bên tay trái.
Nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng và kiến trúc đó tồn tại đến bây giờ. Nhà thờ còn gọi là Đền thánh Anđrê Phú Yên.

3550465723_e0ddf4ec0f_o.jpg


3550465707_eebeda6441_o.jpg


Tớ không phải là người theo đạo, nhưng tớ rất thích kiến trúc của các nhà thờ. Nhà thờ Mằng Lăng gây ấn tượng mạnh với tớ. Cũng có vài chỗ được sửa sang, nhưng không phá vỡ kiến trúc, nhất là phía trước nhà thờ, những đường nét, góc cạnh được giữ nguyên, mang một vẻ uy nghiêm.

3550465717_6f3e7555ac_o.jpg


3550465715_0cb1119004_o.jpg


3550465705_7c97a6e83d_o.jpg
 
Bạn tả rất chi tiết và chụp hình rất đẹp! :)
Mình cũng đã đi lộ trình tương tự ngay sau Tết cùng nhóm bạn. Đọc bài của bạn thấy mình đã bỏ qua vài thứ. Với lại thời điểm đi đang là lúc cao điểm nên cuối cùng đã không ghé Đại Lãnh được, quá buồn! :(
Mong đọc tiếp bài của bạn!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,751
Bài viết
1,136,920
Members
192,581
Latest member
oldgmailacc7
Back
Top