Sông Seine và những cây cầu
Mỗi lần tới Paris công tác, dù bận đến mấy, tôi vẫn luôn cố gắng bố trí thời gian tản bộ dọc theo bờ sông Seine để ngắm những cây cầu. Và mỗi lần lang thang ấy, dường như lại phát hiện ra thêm một một nét mới cho riêng mình.
Cầu - những điểm nhấn của dòng Seine
Dòng sông Seine chảy lượn ngang thành phố mang theo mình 37 cây cầu lớn nhỏ. Mỗi cầu mỗi vẻ, từ cây cầu có cái tên rất trẻ: Pont Neuf (Cầu Mới) nhưng thực ra lại là cây cầu từ thế kỷ 16, có tuổi đời già nhất cho đến những cây cầu mới được xây dựng khoảng chục năm trở lại đây như cầu Simone-de-Beauvoir hay cầu Charles-de-Gaulle… mỗi cây cầu có một nét kiến trúc rất riêng biệt và độc đáo, góp phần tô điểm cho sự đa dạng của kinh đô giàu văn hóa này.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu nghe tên cây Cầu Mới (Pont Neuf) và rồi được biết đó cũng chính là cây cầu đá cổ nhất. Có cái tên Cầu Mới là bởi vì trước khi có cầu này, một vài cầu bắc qua sông Seine đều được làm từ gỗ có độ bền không cao. Đây là cây cầu làm bằng đá khối đầu tiên qua sông nên đã được đặt tên như thế. Được xây dựng từ năm 1578 dưới thời vua Henri Đệ Tam, nhưng mãi đến năm 1607 cầu mới được khánh thành. Trên Pont Neuf, phần chạy qua đảo Île de la Cité, có bức tượng vua Henri Đệ tứ đang cưỡi ngựa, là một trong những pho tượng cổ xưa và thu hút du khách nhất Paris. Dưới những bệ cầu, hai bên hành lang và tại các trụ cầu là hàng trăm khuôn mặt của các vị thần được điêu khắc công phu. Pont Neuf quả xứng đáng là một trong những cây cầu cổ kính và đẹp nhất kinh thành ánh sáng.
Nói đến cầu đẹp của Paris, chắc chắn phải kể đến cầu Alexandre III, cây cầu với kiến trúc và các hình khối điêu khắc hoa lệ nhất trong số các cây cầu sông Seine. Cầu được khởi công từ năm 1896 và hoàn thành năm 1900, được Pháp coi là di tích lịch sử và UNESCO đánh giá là di sản văn hóa từ năm 1975. Với những họa tiết trang trí kiểu hoàng gia cuối thế kỷ XIX, cầu Alexandre Đệ tam được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ do nhiều nghệ nhân dày công sáng tạo. Ở trên bốn cột đá cao nơi đầu cầu là những bức tượng bằng đồng được dát vàng lấp lánh. Phía dưới thân cầu, ngoài dãy cột đèn chính là bốn cột đèn lớn có tượng những thiên thần bao quanh đẹp rực rỡ. Trên thành cầu là những bức phù điêu tinh vi, sắc sảo. Cầu Alexandre Đệ tam được xem là chiếc cầu rộng rãi và lộng lẫy nhất Paris.
Cầu – những kiến trúc mang hồn văn hóa…
Cầu ở Paris được làm từ vài loại vật liệu chính như: đá, bê tông và sắt. Mỗi loại vật liệu đem lại cho những cây cầu một sắc thái riêng. Nếu như đá và các điêu khắc trên đá đem lại vẻ phong trần, cổ kính thì những cây cầu kim loại lại mang đến vẻ mềm mại qua những đường nét thanh tao và những họa tiết đúc nổi trên thành cầu. Nhiều cây cầu được thiết kế theo phong cách cổ điển, ngược lại cũng có những cầu mới xây dựng trong vòng non thế kỷ trở lại đây lại mang phong cách hiện đại với những đường nét mạnh mẽ, những nhịp cầu, dầm cầu kiên cố thẳng băng… Dù bằng vật liệu gì hay thiết kế đa dạng thế nào, mỗi cây cầu vẫn là một điểm nhấn đầy ấn tượng với khách phương xa và thật thân thuộc với dân Parisien.
Khu vực trung tâm của Paris, còn được gọi là Île de la Cité và những khu vực lân cận là nơi cuốn hút dân du lịch đến đông nhất. Hấp dẫn không chỉ bởi những công trình kiến trúc trứ danh đã đi vào lịch sử, vào văn chương như Nhà thờ Đức Bà, cung điện và bảo tàng Louvre mà có lẽ còn bởi nét duyên dáng của những cây cầu cổ nơi đây. Nếu lần đầu đến Paris, sau khi đi thăm Nhà thờ Đức Bà, bạn hãy dừng chân trên cây cầu cùng tên – cầu Notre Dame, để thưởng thức màn trình diễn mang màu sắc “rất Paris” của những nghệ sĩ đường phố. Tôi đặc biệt thích một nghệ sĩ da đen có tuổi với giọng hát Blues khàn khàn cùng cây đàn contrebass, mỗi năm qua Paris tôi đều vẫn thấy ông biểu diễn trên cây cầu này. Còn gì thú vị hơn khi đứng ngắm dòng sông Seine lộng gió và bên tai văng vẳng tiếng đàn bập bùng của người nghệ sĩ già.
Nếu bạn là một nghệ sĩ, đừng bỏ qua cây cầu sắt mang tên Pont des Arts (cầu Nghệ thuật). Chính cây cầu này đã được đặt làm tên và làm bối cảnh cho bộ phim tình lãng mạn “Le Pont des Arts” của đạo diễn Eugène Green. Cây cầu này chỉ dành cho người đi bộ, nên thu hút rất nhiều nghệ sĩ, giới nhiếp ảnh và khách du lịch đến dạo chơi.
Sau khi khám phá qua những cây cầu ở trung tâm Paris, bạn hãy tiếp tục xuôi theo dòng nước sông Seine để đến cầu Iéna - cây cầu nối liền chân tháp Eiffel với quảng trường Trocadéro, trên cây cầu này, khách du lịch ngắm tháp Eiffel đi lại nườm nượp từ sớm tới đêm khuya. Từ năm 1975, công trình này cũng được xếp hạng di tích lịch sử của Pháp. Từ cầu Iéna, chịu khó quá bộ xuôi về hạ lưu sông chừng 2 km nữa, bạn sẽ gặp cây cầu Grenelle bắc ngang qua đảo Thiên nga (Cygnes). Từ cây cầu này, bạn sẽ đi xuống đảo và đừng quên ngắm phiên bản Nữ thần Tự do giống y chang như bức tượng ở NewYork, chỉ khác là bức tượng ở đây chỉ cao có 9m mà thôi. Và đứng trên cầu Grenelle, bạn sẽ thấy cây cầu Mirabeau gần đó, một công trình làm bằng sắt nhưng mỗi đường nét lại rất đỗi mềm mại nhẹ nhàng, soi bóng trên dòng sông. Chính trên cây cầu này, những vần thơ buồn man mác về tình yêu, về cuộc đời của nhà thơ Pháp G. Apollinaire đã được bắt đầu:
“Thời gian trôi đi mãi
Kỷ niệm rồi xa xôi
Như sông Seine mãi chảy
Dưới cầu Mi-ra-bô…”
Paris còn vô số những chiếc cầu lớn nhỏ khác mà nếu có thời giờ, bạn có thể lượn lờ đi từ bờ Đông sang bờ Tây và ngược lại hết ngày này qua tháng khác cũng chẳng bao giờ thấy chán. Mỗi khi đi dọc sông Seine tôi đều nghĩ vẩn vơ, Paris nếu thiếu những chiếc cầu, hoặc Paris mà không có dòng Seine chắc sẽ chẳng còn “hồn vía” của một Paris thơ ca, một Paris của tình yêu và của cái đẹp lãng mạn muôn đời.
Mỗi lần tới Paris công tác, dù bận đến mấy, tôi vẫn luôn cố gắng bố trí thời gian tản bộ dọc theo bờ sông Seine để ngắm những cây cầu. Và mỗi lần lang thang ấy, dường như lại phát hiện ra thêm một một nét mới cho riêng mình.
Cầu - những điểm nhấn của dòng Seine
Dòng sông Seine chảy lượn ngang thành phố mang theo mình 37 cây cầu lớn nhỏ. Mỗi cầu mỗi vẻ, từ cây cầu có cái tên rất trẻ: Pont Neuf (Cầu Mới) nhưng thực ra lại là cây cầu từ thế kỷ 16, có tuổi đời già nhất cho đến những cây cầu mới được xây dựng khoảng chục năm trở lại đây như cầu Simone-de-Beauvoir hay cầu Charles-de-Gaulle… mỗi cây cầu có một nét kiến trúc rất riêng biệt và độc đáo, góp phần tô điểm cho sự đa dạng của kinh đô giàu văn hóa này.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu nghe tên cây Cầu Mới (Pont Neuf) và rồi được biết đó cũng chính là cây cầu đá cổ nhất. Có cái tên Cầu Mới là bởi vì trước khi có cầu này, một vài cầu bắc qua sông Seine đều được làm từ gỗ có độ bền không cao. Đây là cây cầu làm bằng đá khối đầu tiên qua sông nên đã được đặt tên như thế. Được xây dựng từ năm 1578 dưới thời vua Henri Đệ Tam, nhưng mãi đến năm 1607 cầu mới được khánh thành. Trên Pont Neuf, phần chạy qua đảo Île de la Cité, có bức tượng vua Henri Đệ tứ đang cưỡi ngựa, là một trong những pho tượng cổ xưa và thu hút du khách nhất Paris. Dưới những bệ cầu, hai bên hành lang và tại các trụ cầu là hàng trăm khuôn mặt của các vị thần được điêu khắc công phu. Pont Neuf quả xứng đáng là một trong những cây cầu cổ kính và đẹp nhất kinh thành ánh sáng.
Nói đến cầu đẹp của Paris, chắc chắn phải kể đến cầu Alexandre III, cây cầu với kiến trúc và các hình khối điêu khắc hoa lệ nhất trong số các cây cầu sông Seine. Cầu được khởi công từ năm 1896 và hoàn thành năm 1900, được Pháp coi là di tích lịch sử và UNESCO đánh giá là di sản văn hóa từ năm 1975. Với những họa tiết trang trí kiểu hoàng gia cuối thế kỷ XIX, cầu Alexandre Đệ tam được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ do nhiều nghệ nhân dày công sáng tạo. Ở trên bốn cột đá cao nơi đầu cầu là những bức tượng bằng đồng được dát vàng lấp lánh. Phía dưới thân cầu, ngoài dãy cột đèn chính là bốn cột đèn lớn có tượng những thiên thần bao quanh đẹp rực rỡ. Trên thành cầu là những bức phù điêu tinh vi, sắc sảo. Cầu Alexandre Đệ tam được xem là chiếc cầu rộng rãi và lộng lẫy nhất Paris.
Cầu – những kiến trúc mang hồn văn hóa…
Cầu ở Paris được làm từ vài loại vật liệu chính như: đá, bê tông và sắt. Mỗi loại vật liệu đem lại cho những cây cầu một sắc thái riêng. Nếu như đá và các điêu khắc trên đá đem lại vẻ phong trần, cổ kính thì những cây cầu kim loại lại mang đến vẻ mềm mại qua những đường nét thanh tao và những họa tiết đúc nổi trên thành cầu. Nhiều cây cầu được thiết kế theo phong cách cổ điển, ngược lại cũng có những cầu mới xây dựng trong vòng non thế kỷ trở lại đây lại mang phong cách hiện đại với những đường nét mạnh mẽ, những nhịp cầu, dầm cầu kiên cố thẳng băng… Dù bằng vật liệu gì hay thiết kế đa dạng thế nào, mỗi cây cầu vẫn là một điểm nhấn đầy ấn tượng với khách phương xa và thật thân thuộc với dân Parisien.
Khu vực trung tâm của Paris, còn được gọi là Île de la Cité và những khu vực lân cận là nơi cuốn hút dân du lịch đến đông nhất. Hấp dẫn không chỉ bởi những công trình kiến trúc trứ danh đã đi vào lịch sử, vào văn chương như Nhà thờ Đức Bà, cung điện và bảo tàng Louvre mà có lẽ còn bởi nét duyên dáng của những cây cầu cổ nơi đây. Nếu lần đầu đến Paris, sau khi đi thăm Nhà thờ Đức Bà, bạn hãy dừng chân trên cây cầu cùng tên – cầu Notre Dame, để thưởng thức màn trình diễn mang màu sắc “rất Paris” của những nghệ sĩ đường phố. Tôi đặc biệt thích một nghệ sĩ da đen có tuổi với giọng hát Blues khàn khàn cùng cây đàn contrebass, mỗi năm qua Paris tôi đều vẫn thấy ông biểu diễn trên cây cầu này. Còn gì thú vị hơn khi đứng ngắm dòng sông Seine lộng gió và bên tai văng vẳng tiếng đàn bập bùng của người nghệ sĩ già.
Nếu bạn là một nghệ sĩ, đừng bỏ qua cây cầu sắt mang tên Pont des Arts (cầu Nghệ thuật). Chính cây cầu này đã được đặt làm tên và làm bối cảnh cho bộ phim tình lãng mạn “Le Pont des Arts” của đạo diễn Eugène Green. Cây cầu này chỉ dành cho người đi bộ, nên thu hút rất nhiều nghệ sĩ, giới nhiếp ảnh và khách du lịch đến dạo chơi.
Sau khi khám phá qua những cây cầu ở trung tâm Paris, bạn hãy tiếp tục xuôi theo dòng nước sông Seine để đến cầu Iéna - cây cầu nối liền chân tháp Eiffel với quảng trường Trocadéro, trên cây cầu này, khách du lịch ngắm tháp Eiffel đi lại nườm nượp từ sớm tới đêm khuya. Từ năm 1975, công trình này cũng được xếp hạng di tích lịch sử của Pháp. Từ cầu Iéna, chịu khó quá bộ xuôi về hạ lưu sông chừng 2 km nữa, bạn sẽ gặp cây cầu Grenelle bắc ngang qua đảo Thiên nga (Cygnes). Từ cây cầu này, bạn sẽ đi xuống đảo và đừng quên ngắm phiên bản Nữ thần Tự do giống y chang như bức tượng ở NewYork, chỉ khác là bức tượng ở đây chỉ cao có 9m mà thôi. Và đứng trên cầu Grenelle, bạn sẽ thấy cây cầu Mirabeau gần đó, một công trình làm bằng sắt nhưng mỗi đường nét lại rất đỗi mềm mại nhẹ nhàng, soi bóng trên dòng sông. Chính trên cây cầu này, những vần thơ buồn man mác về tình yêu, về cuộc đời của nhà thơ Pháp G. Apollinaire đã được bắt đầu:
“Thời gian trôi đi mãi
Kỷ niệm rồi xa xôi
Như sông Seine mãi chảy
Dưới cầu Mi-ra-bô…”
Paris còn vô số những chiếc cầu lớn nhỏ khác mà nếu có thời giờ, bạn có thể lượn lờ đi từ bờ Đông sang bờ Tây và ngược lại hết ngày này qua tháng khác cũng chẳng bao giờ thấy chán. Mỗi khi đi dọc sông Seine tôi đều nghĩ vẩn vơ, Paris nếu thiếu những chiếc cầu, hoặc Paris mà không có dòng Seine chắc sẽ chẳng còn “hồn vía” của một Paris thơ ca, một Paris của tình yêu và của cái đẹp lãng mạn muôn đời.