What's new

[Chia sẻ] 37 ngày ở Tongatapu...chuyện đáng lẽ không kể

Thật tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Trong năm giác quan có lẽ thính giác của tôi nhạy nhất, nên nói về âm thanh trước cho dễ bắt chuyện. Hiện tại tôi đang ngồi đánh máy những dòng này trong một căn phòng chỉ để hé cửa sổ ngón tay út không lọt qua được mà nghe hỗn hợp âm thanh lớn nhỏ khác nhau; tiếng nhạc xập xình non-stop từ con đường lớn phía trước, nghe giai điệu như đang đến bài Macarena, tiếng trẻ con tiểu học la í ới vì đang giờ ăn trưa, tiếng cô giáo hơi ồm ồm lọt phía sau, tiếng một cô nhân viên phòng mạch đang cười qua điện thoại sát cửa, tiếng máy lạnh phà ngay sau lưng…Tôi có thể phân biệt từng âm thanh kia nhưng không thể tách rời từng tiếng rỏ ràng. Chưa nói đến ngôn ngữ mới tôi vừa làm quen chưa được hai tuần, tiếng Tonga.

Hay âm thanh tôi nghe được từ phòng khách nhà mình tối qua. Nhà hàng xóm có tiệc. Âm thanh vọng qua là tiếng nhạc lúc lớn chói tai lúc nhỏ xíu xiu như tiếng muỗi, tiếng hát của một nhóm người, tiếng trẻ con ré lên rồi tiếng cười rít rít, giọng của mấy em vừa vỡ tiếng gọi nhau. Cộng thêm tiếng chó sủa vẳng lại từ căn nhà đầu đường, mà không phải tiếng của một con đâu, tôi đoán chắc chừng bốn bạn đang bàn chuyện cuối ngày. Và ngay cửa sau nhà tôi, tiếng mấy mẹ con heo ột ịch trên đám lá khô, tiếng gió rẹt qua làm rụng một trái sa kê xén vô thành thau nước dành cho heo uống.

Thế đấy, âm thanh chung quanh là thứ tôi phải làm quen đầu tiên khi đặt chân đến Nuku’alofa, thủ đô của Tonga. Lúc nào bên tai cũng có ít nhất một hai tiếng động gì đó, bất cứ ở đâu. Không như ở Melbourne, có những trưa cuối tuần hai mắt tôi dán vào trang sách và dỏng tai nghe..im lặng.

Kể nghe.

Câu hỏi nhắm về hướng tôi nhiều nhất trong sáu tháng qua luôn bắt đầu bằng tại sao. Tại sao muốn làm thiện nguyện? Tại sao lại bỏ ngang vị trí công việc quá ngon you đang có? Tại sao chăn ấm nệm êm xe chạy bon bon không chịu lại tìm tới những nơi tệ hơn cả nơi mình sinh ra? Tại sao lúc này? Tại sao dịch bệnh, bạo động đang lan tràn khắp nơi mọi người đóng cửa tránh đi lại mà mình lại chọn bôn ba? Tại sao đi tới mười hai tháng mà không phải là ba hay sáu tháng? Tại sao là Tonga? Tại sao không chọn những nước ít thiên tai hơn một tí?.... The list goes on. Chưa kể những câu hỏi bắt đầu bằng chữ khác tại sao. Dấu chấm hỏi rất nhiều nhưng tất cả điều bắt nguồn từ một điều duy nhất, lo cho sự an toàn của tôi. Tôi có thể trả lời, giải thích từ tốn hầu hết các câu hỏi, khi nào lắc léo bí quá thì cười trừ.

Vô số câu hỏi nhưng giờ nhớ tôi trả lời vỏn vẹn chỉ lặp đi lặp lại mấy câu.

Vì đó là đam mê, đặt chân lên một vùng đất lạ.
Vì nguyện vọng làm thiện nguyện ở nước ngoài từ đó giờ.
Vì lời hứa với chính mình, cho phép mình nghỉ một năm, đi đâu làm gì chưa biết.
Vì lúc này hợp lý, đúng lúc đúng thời điểm. Time is the key. Hợp lý kiểu gì chắc tôi phải viết một bài dài khác.
Vì công việc thiện nguyện này có liên quan tới những gì tôi làm từ mười mấy năm nay, nói nhỏ nhe, tự tin mình đã làm rất khá.
Vì việc này Tonga đang cần người. Thời gian lâu mau mình không tự quyết được.
Và vì gì gì đi nữa thì tôi biết đi đâu, đi bao lâu tôi cũng sẽ có một nơi để trở về.

Xưa giờ khi tôi đã quyết định việc gì thì rất hiếm khi thay đổi, vì thường tôi suy nghĩ khá lâu trước khi quyết, not impulsvie decision. Cản thì ai nghe qua cũng cản, quyết liệt hay không thôi nhưng đến ngày tôi rời nhà, từ gia đình bạn bè đồng nghiệp ai cũng ủng hộ.
Từ lúc nộp đơn xin đến lúc biết mình được nhận là gần 6 tháng, qua rất nhiều cuộc phỏng vấn, test, giấy tờ, khám sức khoẻ…phải nói là nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì gian nan hơn từ đó giờ mình xin việc gấp mấy lần. Đầu tháng Hai tôi mới chắc chắn mình sẽ đi, các việc sắp xếp từ đó trở đi như là lướt sóng chứ nói chạy cũng chưa đủ nhanh, đủ rock, đủ nhức đầu.

Nói thật, ngắn gọn thôi. Tôi biết mình may mắn.

79003BF0-8D3A-4FC6-8E70-71A9C20AEE77.jpeg

Và có tỉ chuyện mình tính thì tính vậy thôi chứ chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai không ai lường trước được.



E56A1346-5D22-425D-AE13-D14295425EA0.jpeg
CAADD38F-C779-4E5C-8872-C9148FF70EFD.jpeg
 
59C4F3F3-8DF4-418E-9099-AE9B83A89E76.jpeg

Những ngày mưa rùng mình
Tiếng chuông nhà thờ vang trưa nọ
Quên
mình đang ở một nẻo xa
Quên
dấu chân trôi trên đường phố lạ

Thoáng lời ca quen
Cửa xanh mở hé
Quen như âm thanh buổi sáng ở nhà
Mùi bánh nướng trong lò
Mùi cà phê thoảng nơi góc bếp
nắng lem
Quen như ngày ta trẻ
Chưa lo mất được những ngày

Hôm qua nay có cảm giác như hồi tháng 11 lúc đang ở Split.

Ở đây nghe tiếng chuông nhà thờ đầu ngày từ 5 giờ sáng. Chen lẫn tiếng gà gáy rất trong. Buổi trưa đôi khi cộng thêm tiếng nhạc từ căn nhà đối diện. Hôm trước mọi người than mùa mưa năm nay thiếu mưa, dư nắng; hổm nay ướt sũng mấy ngày liền. Dự báo thời tiết còn hứa hẹn mưa hết cả tuần sau.

Hồ nước sau nhà vừa tràn.
 
Last edited:
Hai tuần trước bạn gởi tấm hình chụp một trái khổ qua lốm đốm mốc, vài chỗ úng vàng để trên bàn ăn và hỏi mấy câu. Trái này nấu làm sao? Tui có thể google tìm cách nấu nhưng không biết trái này tên gì. Hay là để vô cơm rang?

Hôm thứ Bảy bạn lại nhắn hỏi gỏi đu đủ làm sao. Vừa mới soạn tủ lạnh nên tìm thấy trái đu đủ xanh kẹt dưới đáy thùng rau cải.

Sáng sớm nay bạn nhắn hỏi món yam dessert (món tráng miệng nấu bằng khoai từ mình chế) có khoai, gạo, gừng, đường với muối, còn gì nữa không? Vừa ăn sáng tôi vừa trả lời có thể để thêm nước cốt dừa và…nước mưa, những thứ bên đấy có thừa, vừa rẻ vừa tươi.

Đáng lẽ đã quên dần những ngày ở đảo nhưng mỗi lần nhận được tin nhắn của bạn ký ức của ba mươi mấy ngày lại tràn về. Thời gian nghe không dài mà sao có cảm giác mình đã ở đó rất lâu. Nhớ rất nhiều những chuyện linh tinh, chẳng quan trọng mấy. À mà chuyện ăn cũng thuộc hàng chuyện lớn chứ, tuỳ theo mình nhìn từ góc nào, tuỳ theo lúc bụng đói hay no.

Nhớ một buổi chiều kia sau khi ăn xong, tôi vừa bắt đầu rửa chén thì bạn từ nhà trên đi xuống rót nước uống. Bạn vừa uống vừa nhìn ra hướng cửa trước nói “Gần mười ngày từ khi you dọn vô mà tụi mình chưa ăn chung bữa nào, hai đứa luôn ăn lệch giờ.” “Ờ ha, nhưng sáng nào cũng ngồi ăn sáng chung trước khi đi làm mà”. “ Ta nói buổi chiều kìa”. “ Lo gì, còn ở chung lâu mà.” Những đoạn đối thoại ngắn kiểu này khá nhiều. Cũng là chuyện ăn uống thấy chưa.

Nói đến chuyện ăn ở làm tôi nhớ vụ đi coi nhà mấy ngày đầu khi vừa tới Tonga. Buổi sáng ngày thứ hai sau khi đặt chân lên đảo mỗi người chúng tôi được phát cho một list những nơi đang cho thuê, trên đó in đủ thông tin một người đi thuê cần: vùng nào, cách trung tâm bao xa, nhà mấy phòng hay share phòng, giá bi nhiêu một tháng, tên và số liên lạc của chủ nhân, và một cột remarks hay thông tin đặc biệt cần để ý. Lần lượt nhân viên chịu trách nhiệm chăm sóc các thiện nguyên viên chở chúng tôi coi từng căn nhà trong list trừ một nơi. Lý do cái nơi trọ kia bị lọt ra ngoài tour coi nhà là vì họ nghĩ sẽ không ai chịu dọn vào một căn nhà với chi tiết như vầy: nhà có 2 phòng, một phòng trống cho share từ ngày…đến ngày….Gần 3 tháng tổng cộng. Mỗi tháng rẻ chỉ có $..., nhà ở phía sau nhà thuốc abc, ngay trung tâm, không nước nóng, không wifi. Wifi, hay digital life ở đất này là điều xa xỉ, rất đắt lại rắc rối.

Ai trong nhóm cũng tính chuyện lâu dài, chuyện bày biện cả năm, dọn nhà là cơn ác mộng của không ít người. Tôi chẳng mang theo gì nhiều, hành lý cho một năm chỉ vỏn vẹn hai valy một lớn một nhỏ, bằng hành lý đi một tháng. Tám ngày sau tôi dọn vào “căn nhà không có nước nóng”, cách mà mọi người gọi nơi này. No hot water house. Với khí hậu nhiệt đới gần như cả năm thì tắm bằng nước lạnh không phải là điều đáng lo nhất đối với tôi. Sau khi dọn vào tôi thêm câu …nhưng nhà có hồ nước mưa rất lớn, rất trong (tôi đoán) vì uống vào mát rười rượi.

Và tiện lắm bề. Vầy nhé, tôi chỉ mất 5 phút đi bộ từ nhà đến chỗ làm, 5 phút đến trung tâm hay đến con đường chạy dọc bờ biển ngời ngời nắng, con đường trước nhà đủ vắng.Tôi chỉ việc dọn vào và ngả lưng trên cái ghế dài ngay phòng khách như ở nhà mình vào buổi trưa hôm đó. Thứ Tư. Một kiểu Airbnb dài hạn, mọi thứ đều có sẵn. Tưởng xui, ai ngờ cuối cùng thấy mình may mắn hơn so với những người trong nhóm vì họ phải mua sắm đủ thứ, phải dọn dẹp lau chùi khi dọn vào những căn nhà trống trơn.
Bạn ở chung nhà người NZ, đã trụ ở Tonga 8 năm và đang làm quản lý cái nơi đứng ngay cửa sổ bếp nhìn qua thấy. Cùng ngành, từ bạn tôi có thể học tiếng Tonga chuyên ngành và hỏi cách làm việc, kinh nghiệm sống của người địa phương cũng như rất nhiều thứ mà chỉ có những người ở một nơi đủ lâu mới biết.

3 tháng thật ra đã dư, tôi chỉ đi được hơn một phần ba thời gian. Bởi vậy.

Thôi chẳng nói chi nhiều
Chiều dán ngoài cửa sổ
Bóng nắng tàn trên môi

Thôi đừng tính toan nhiều
Những cơn mưa bất chợt
Ướt dầm rồi lại khô

0827054B-5926-436D-87A2-0F5D75D7238E.jpeg


FC33049A-CC5F-4B21-8BD0-5C29B69A7E5B.jpeg


B00D745C-B690-4A8A-ACC8-3A76036AD4DB.jpeg
 
(Xin lỗi trước, sẽ dịch ra tiếng Việt khi rảnh)

Sunday is the day-of-not-doing-much in Tonga. No physical work, not even swimming or walking/exercise. Their Sunday cycle is pray-eat-sleep then repeat...

My Sunday afternoon snack is vi ( trái cóc in Việt or June plum in Eng) seasoned with salt, sugar and chilli powder. Almost every house here has at least one vi tree in their gardens. The only difference to those vi trees I grew up with in Vietnam is the height. Highest ones I have seen in Tonga only reach my shoulders, bearing plenty of fruits; in Vietnam, we had to climb up a fair bit to be able to pick the fruits. One of our childhood afternoon adventures, or thrill I would say.

When green, vi is crunchy, sour and a bit starchy with a hairy stone seed. Once ripen, it turns golden inside out, watery and tastes like mangoes(?).

Leave a few ripen vi in your dining room for decor and pleasant citrusy scent.

Happy Sunday!! 23.2.20

C2440DB1-C6BA-42E6-ABC1-022E918601D8.jpeg
65959682-7D14-437A-B6E9-A60DE49C0C9C.jpeg
 
(Phóng dịch đoạn trên)

Chủ Nhật luôn là một ngày thảnh thơi ở Tonga, một ngày nghỉ ngơi theo đúng nghĩa của nghỉ ngơi. Chỉ ba việc: cầu nguyện, ăn, ngủ.

Từ năm giờ sáng đã nghe tiếng chuông nhà thờ. Ngoài đường vắng hoe, người đi lại trên đường chủ yếu là đi lễ. Thường tôi là ngừoi đi bộ duy nhất trên đường. Người Tonga luôn mặc đồ truyền thống khi ra đường kể cả khi đi lễ, nam với áo sơ mi và váy đen, nữ áo đầm hoặc áo kiểu che vai và váy dài đến mắt cá chân. Mọi người đều mang một miếng đệm hay phần nhiều phụ nữ đeo một chiếc thắt lưng dài đan hoặc thắt nhiều kiểu khác nhau gọi là kei kei. Chân đi dép lê (trên 60%) hay giày, tay cầm quạt. Có nhiều cô bới tóc kiểu rất khéo, một bên tai cài thêm cái hoa tươi. Tôi không theo đạo nhưng từ khi đến Tonga mỗi Chủ Nhật tôi đều đi lễ lúc 10 giờ sáng vì thích nhìn quang cảnh vì sắc màu, vì tiếng nhạc thánh ca, vì những lúc yên lặng cầu nguyện và vì để hoà vào một nền văn hoá mới thì việc tham gia vào những lễ lạc tụ họp đông người là cách để bắt đầu. Lễ thường diễn ra toàn bộ bằng tiếng Tonga nhưng đôi khi mục sư có giảng một đoạn bằng tiếng Anh dành cho khách nước ngoài. Bạn ở chung nhà chỉ tôi tải xuống một ứng dụng kinh thánh bằng tiếng Anh nên mặc dù không hiểu toàn bộ buổi lễ nhưng vẫn nắm được họ đang nói về đoạn nào, mục sư giảng phần nào…

Hầu như tất cả các sinh hoạt bán mua, việc gì phải dùng sức như tập thể dục, bơi lội, kể cả câu cá đều bị cấm. Thứ gì cần mua cần trao đổi, điện thoại cần nạp tiền… thì hãy làm trước Chủ Nhật.
Nói thì nói vậy nhưng họ không gắt gao lắm, những điều lệ này được áp dụng quanh khu trung tâm Nuku’alofa dành cho người dân địa phương, một khi mình ở đó thì nên tôn trọng luật. Từ khi ngành du lịch phát triển ở đây, vào Chủ Nhật các khu resort vẫn hoạt động bình thường và những chuyến phà qua các đảo gần đó vẫn chạy. Nếu bạn là khách nước ngoài họ cũng chống chế. Có hôm Chủ Nhật oi bức quá buổi trưa tụi tôi vẫn đi ra những bãi biển vắng xa trung tâm để tắm hay đi dạo.

Với khí hậu nhiệt đới gần như quanh năm, ở Tonga họ có thể trồng được hết các loại cây trái như các nước Á Châu nhưng họ không trồng nhiều loại, đơn giản vì ngừơi dân họ không biết ăn. Nhớ có một lần ai đó cho một trái thanh long, gần như mọi ngừơi trong chỗ tôi làm đều chưa từng ăn qua.

Để no bụng, các loại khoai là nông phẩm chính, và chuối xanh nấu chín. Lúc tôi qua đang là mùa bơ nên bơ được bán đầy đường. Đu đủ, dưa hấu, dừa, sa kê…rất nhiều. Và họ không bán từng ký hay trái, họ bán theo khúm kiểu như nửa bán sỉ nửa bán lẻ. Tôi mê uống nước dừa tươi nên thường lúc nào trong tủ lạnh cũng có. Có khi mua được khế ngọt, ở nhà lâu lắm rồi không thấy bán.

Mê nhất là trái cóc. Lúc được dẫn đi coi nhà trọ tôi hơi ngạc nhiên vì nhà nào cũng có ít nhất một cây cóc trừ nhà tôi chọn, thứ trái tôi tưởng chỉ có mấy nước A Châu mình biết ăn. Nhà cô giáo dạy tiếng Tonga cho bọn tôi trồng chắc đâu mừoi mấy cây, chung quanh còn vô số những cây con trong chậu. Khác với cây cóc bên Việt Nam là cây ở Tonga chỉ cao tới vai hay đầu tôi đã ra rất nhiều trái, nhớ hồi nhỏ phải leo hụt hơi và nhiều khi phải với ra mấy cành cheo leo mới hái được trái. Nhớ những buổi trưa trốn ngủ đi la cà, đi trộm. Cóc giòn chấm mắm ruốc là một phần tuổi thơ (không dữ dội tí nào nhe) khó quên. Nhớ mùi thơm của cóc chín, thơm nhẹ dễ chịu đủ chảy nước miếng, khi hái được trái chín cây mừng còn hơn trúng số. Cắn vào một miếng, nước chảy đến khuỷu tay và cái vị thơm chua ngọt thiệt đáng công leo trèo. Ở Tonga tôi chưa thấy trái chín nào, hay tôi ở chưa đủ lâu?

Tất cả các loại rau quả tôi đều phải mua duy trừ trái cóc. Khi nào muốn ăn thì ới mấy bạn đi thiện nguyện chung một tiếng báo trước rồi tới nhà họ hái mang về. Và ăn cóc rất tốn thời gian gọt, có thể ăn cả vỏ nhưng chua lắm cho nên đó cũng là một món tôi dành cho ngày nhàn nhã nhất trong tuần, ngày Chủ Nhật. Thường vào buổi xế trưa. Gọt vỏ, tách miếng ngang chừng một phân, ướp chút đường chút muối chút ớt bột…Heaven!! Ngồi trước hiên nhà vừa nhâm nhi vừa nhìn người qua kẻ lại hay vừa đọc sách, lâu lâu nhón một miếng. Nghe đủ thứ tiếng động chung quanh và buổi trưa oi nồng trôi thật chậm.
Chủ Nhật an lành!!

Tôi vẫn là người ngoại đạo..

306D8C95-8B28-4DDC-BAF4-4A3023C7B73C.jpeg


C125ABBB-153E-4E67-B1A5-8D183409772D.jpeg
 
Nếu sợ chốn thị thành nhiều va chạm
Bỏ đi nghen
Về phố nhỏ vắng người
Chỉ có biển
ghe chài
và những ngõ êm, ru
Cho tóc rối môi run bước chân hoài chưa mỏi.

—-
Mấy câu trên mình đã quote nhiều lần nhưng vẫn muốn lặp lại mỗi khi ở hay khi nhớ về một nơi yên ả và đẹp.
Hình chụp hoàng hôn ở bãi biển Ha’atafu vào một ngày cuối tuần. Bãi biển này nằm bên hướng Tây của Nuku’alofa, nổi tiếng với dân lướt sóng cũng như lặn ngắm san hô. Tuỳ vào thủy triều và gió nhưng thường sóng cao, mạnh hơn vào sáng sớm, buổi chiều êm hơn.
Vẫn luôn thích nền trời sau khi mặt trời lặn hơn là lúc sắp lặn. Hôm đó thấy cả trăng lưỡi liềm. Một ngày trong, không gió.

4816FA6B-75B1-44EA-AD3F-BA49779354D6.jpeg


0BD7D14D-307D-40C3-8064-921203D3ACC8.jpeg
 
Last edited:
Chiều, mưa. Nghĩ, tháng này bên đảo chắc phượng nở đỏ rực. Tiết trời hầm, nóng như mùa hè ở quê.
Những con đường đất không có tên, khi trời mưa nước ngập qua mắt cá chân. Những căn nhà không số. Ngoài hàng rào ngay cổng chính lủng lẳng miếng gỗ trên đó ghi họ của chủ nhà. Có lần hỏi vậy ông đưa thư sao biết nhà nào của ai mà đưa thư, trả lời là cái nhún vai. Vậy mới hay.
Và cái quán bar ghi thêm dòng chữ nhỏ vừa đủ ngay dưới tên quán chảnh thiệt chảnh. “ probably the best bar in Tonga”.

Những chuyện vặt như thế lâu lâu lại len vào mớ bùi nhùi cơm áo hiện tại. Một nơi cho đến giờ này vẫn nằm trong cái list ngắn ngủn, CoVid-free countries.

105A5A15-5680-4D92-AB5E-20C6A90BC32E.jpeg
4F90A2B3-FA02-4701-A880-37471BE9CF4D.jpeg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,749
Bài viết
1,136,877
Members
192,573
Latest member
thienvmex
Back
Top