What's new

[Chia sẻ] 37 ngày ở Tongatapu...chuyện đáng lẽ không kể

Thật tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Trong năm giác quan có lẽ thính giác của tôi nhạy nhất, nên nói về âm thanh trước cho dễ bắt chuyện. Hiện tại tôi đang ngồi đánh máy những dòng này trong một căn phòng chỉ để hé cửa sổ ngón tay út không lọt qua được mà nghe hỗn hợp âm thanh lớn nhỏ khác nhau; tiếng nhạc xập xình non-stop từ con đường lớn phía trước, nghe giai điệu như đang đến bài Macarena, tiếng trẻ con tiểu học la í ới vì đang giờ ăn trưa, tiếng cô giáo hơi ồm ồm lọt phía sau, tiếng một cô nhân viên phòng mạch đang cười qua điện thoại sát cửa, tiếng máy lạnh phà ngay sau lưng…Tôi có thể phân biệt từng âm thanh kia nhưng không thể tách rời từng tiếng rỏ ràng. Chưa nói đến ngôn ngữ mới tôi vừa làm quen chưa được hai tuần, tiếng Tonga.

Hay âm thanh tôi nghe được từ phòng khách nhà mình tối qua. Nhà hàng xóm có tiệc. Âm thanh vọng qua là tiếng nhạc lúc lớn chói tai lúc nhỏ xíu xiu như tiếng muỗi, tiếng hát của một nhóm người, tiếng trẻ con ré lên rồi tiếng cười rít rít, giọng của mấy em vừa vỡ tiếng gọi nhau. Cộng thêm tiếng chó sủa vẳng lại từ căn nhà đầu đường, mà không phải tiếng của một con đâu, tôi đoán chắc chừng bốn bạn đang bàn chuyện cuối ngày. Và ngay cửa sau nhà tôi, tiếng mấy mẹ con heo ột ịch trên đám lá khô, tiếng gió rẹt qua làm rụng một trái sa kê xén vô thành thau nước dành cho heo uống.

Thế đấy, âm thanh chung quanh là thứ tôi phải làm quen đầu tiên khi đặt chân đến Nuku’alofa, thủ đô của Tonga. Lúc nào bên tai cũng có ít nhất một hai tiếng động gì đó, bất cứ ở đâu. Không như ở Melbourne, có những trưa cuối tuần hai mắt tôi dán vào trang sách và dỏng tai nghe..im lặng.

Kể nghe.

Câu hỏi nhắm về hướng tôi nhiều nhất trong sáu tháng qua luôn bắt đầu bằng tại sao. Tại sao muốn làm thiện nguyện? Tại sao lại bỏ ngang vị trí công việc quá ngon you đang có? Tại sao chăn ấm nệm êm xe chạy bon bon không chịu lại tìm tới những nơi tệ hơn cả nơi mình sinh ra? Tại sao lúc này? Tại sao dịch bệnh, bạo động đang lan tràn khắp nơi mọi người đóng cửa tránh đi lại mà mình lại chọn bôn ba? Tại sao đi tới mười hai tháng mà không phải là ba hay sáu tháng? Tại sao là Tonga? Tại sao không chọn những nước ít thiên tai hơn một tí?.... The list goes on. Chưa kể những câu hỏi bắt đầu bằng chữ khác tại sao. Dấu chấm hỏi rất nhiều nhưng tất cả điều bắt nguồn từ một điều duy nhất, lo cho sự an toàn của tôi. Tôi có thể trả lời, giải thích từ tốn hầu hết các câu hỏi, khi nào lắc léo bí quá thì cười trừ.

Vô số câu hỏi nhưng giờ nhớ tôi trả lời vỏn vẹn chỉ lặp đi lặp lại mấy câu.

Vì đó là đam mê, đặt chân lên một vùng đất lạ.
Vì nguyện vọng làm thiện nguyện ở nước ngoài từ đó giờ.
Vì lời hứa với chính mình, cho phép mình nghỉ một năm, đi đâu làm gì chưa biết.
Vì lúc này hợp lý, đúng lúc đúng thời điểm. Time is the key. Hợp lý kiểu gì chắc tôi phải viết một bài dài khác.
Vì công việc thiện nguyện này có liên quan tới những gì tôi làm từ mười mấy năm nay, nói nhỏ nhe, tự tin mình đã làm rất khá.
Vì việc này Tonga đang cần người. Thời gian lâu mau mình không tự quyết được.
Và vì gì gì đi nữa thì tôi biết đi đâu, đi bao lâu tôi cũng sẽ có một nơi để trở về.

Xưa giờ khi tôi đã quyết định việc gì thì rất hiếm khi thay đổi, vì thường tôi suy nghĩ khá lâu trước khi quyết, not impulsvie decision. Cản thì ai nghe qua cũng cản, quyết liệt hay không thôi nhưng đến ngày tôi rời nhà, từ gia đình bạn bè đồng nghiệp ai cũng ủng hộ.
Từ lúc nộp đơn xin đến lúc biết mình được nhận là gần 6 tháng, qua rất nhiều cuộc phỏng vấn, test, giấy tờ, khám sức khoẻ…phải nói là nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì gian nan hơn từ đó giờ mình xin việc gấp mấy lần. Đầu tháng Hai tôi mới chắc chắn mình sẽ đi, các việc sắp xếp từ đó trở đi như là lướt sóng chứ nói chạy cũng chưa đủ nhanh, đủ rock, đủ nhức đầu.

Nói thật, ngắn gọn thôi. Tôi biết mình may mắn.

79003BF0-8D3A-4FC6-8E70-71A9C20AEE77.jpeg

Và có tỉ chuyện mình tính thì tính vậy thôi chứ chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai không ai lường trước được.



E56A1346-5D22-425D-AE13-D14295425EA0.jpeg
CAADD38F-C779-4E5C-8872-C9148FF70EFD.jpeg
 
“Ở đây có một quán ăn Việt.”
“Thiệt?”
“Ừ. Hôm nào đi ăn hén.”

Một trong những cuộc đối thoại đầu tiên giữa tôi và bạn ở cùng nhà.

Ngạc nhiên hết sức. Và mừng. Dù chẳng quen biết, không cần giáp mặt nhưng mỗi lần ở một nơi lạ mà nghe có người Việt tự nhiên tôi thấy ấm ấm. Mà lại là ở Tonga nữa chứ; cái đảo quốc chỉ hơn một trăm nghìn dân chứ mấy. Tôi tưởng chỉ có mình tôi An Nam thứ thiệt, điên thứ thiệt (ngôn ngữ của hầu hết người quen khi biết tôi chọn đến đây thiện nguyện 1 năm) khi chọn cái nơi khỉ chẳng ho nổi mà cò cũng tắt tiếng này. Thay bằng chó sủa inh tai sớm tối.

Bạn cùng nhà chưa kịp dẫn đi ăn tôi đã đi lạc tới quán vào một xế đẹp trời. Đổ thừa những con đường không tên. Hôm đó tôi chọn một ngả khác đi về nhà từ chợ Talamahu.

Hoá ra quán rất gần nhà tôi, chắc chưa đến 10 phút đi bộ. Bề mặt trông rất mới, diện tích rộng, đằng trước có thể đậu ngang 10 chiếc xe, tông màu xám với bảng hiệu Vietnamese Cafe đỏ chói. Hoành tráng hơn trong tưởng tượng của tôi. Bước vào trong tôi càng ngạc nhiên hơn với độ rộng, trần cao, thoáng và ngăn nắp. Có mười mấy cái bàn đủ size, từ 2 ghế đến 6-7 ghế chung quanh. Khách có thể ngồi lại ăn hoặc mua mang đi. Thực đơn đồ mặn đồ ngọt đa quốc, rồi sinh tố, cafe đủ cả, mà hình như bánh ngọt chiếm đa số. Khách đông, toàn người bản xứ.

Tôi đứng phía có thực đơn đồ ăn Việt “nghiên kíu” hơi lâu. Cuối cùng chọn cà phê sữa đá...vì thèm. Lâu rồi không được uống mà. Em nhân viên tiếp tôi trẻ măng, đẹp trai nhất quán lúc đó vì hai bé nhân viên còn lại đều là người Tonga.

Sau khi trao đổi tiếng Anh vài câu tôi bèn nói tiếng Việt ‘Chắc chủ quán người Việt, thực đơn nét chữ Việt rành đều ’. Số là sau vài lần ghé quán Việt ở những nước khác biết được chủ không phải người Việt nên từ đó tôi hay hỏi mấy em nhân viên khi vào một quán mới. Em ‘ủa’ rồi cả hai cùng cười. Cái cười của những người cùng gốc trên một đất nước xa lạ lúc nào cũng vang, cũng ngỡ ngàng như một mối nối vô hình tưng âm lên.

Em tự giới thiệu là cháu của hai vợ chồng chủ quán. Nói chưa hết câu ẻm quay vào kêu lớn có khách người mình nè rồi đi ra phía sau màn chắn thuộc phần bếp. Mấy phút sau em quay ra mang theo ly cà phê đưa tôi và chị chủ đi phía sau. Bọn tôi chào hỏi, tự giới thiệu tại sao mình có mặt trên đất này và cùng ngạc nhiên. Anh chị từ NZ. Sau một chuyến du lịch ở Tonga họ thích quá nên quyết định khăn gói qua đây mở quán. Được vài năm rồi. Chị kể ban đầu cũng khó khăn, vừa có khách biết tới thì bão Gita làm sập gần hết quán. Mất nhiều tháng xây sửa lại, may, giờ nhiều khách biết đến quán hơn nên cũng khá. Nghe mừng. Chị còn rủ khi nào có hội hè sẽ rủ em.

Ly cà phê sữa đá hôm đó thơm ngon hơn bình thường bạn ạ.

Buổi chiều đó tôi kể với bạn cùng nhà vụ đi lạc ngang Vietnamese cafe. Chắc duyên. Bạn nói thêm, mừng vì quán giờ đông hơn trước nhiều; hôm trước cứ tưởng sau bão họ đóng luôn vì thiệt hại nhiều quá, cứ tưởng tao sẽ không còn ăn được món gỏi có mùi rau thơm ơi là thơm. Ừ, thiệt mừng.

Tôi còn ghé quán thêm ba lần nữa. Ghé mỗi khi thèm trò chuyện bằng tiếng Việt. Mua gì mua, lần nào cũng có một ly cà phê. Lần cuối cùng tôi ăn tối với hai bạn Úc đi cùng chuyến thiện nguyện và bạn cùng nhà. Tôi đùa, mấy nay ở nhà nấu đồ ăn Việt nhưng không ra mùi Việt lắm, ở đây mới đúng vị nè. Hôm đó bọn tôi ăn một bữa hoành tráng: bánh hỏi thịt nướng, chả giò, gỏi gà và phở. Mỗi người thử mỗi thứ một ít. Một buổi tối đầy tiếng cười và đầy mùi nước mắm quen thuộc.

Ba ngày sau bọn tôi rời đảo. Cứ tưởng về vài tháng hết dịch sẽ quay lại. Ai ngờ.

Ở đời có những bất ngờ
Lật tung bao kẻ thờ ơ như mình
May sao những sớm yên bình
Dỗ lòng đời mấy chuyên chinh cũng đừng
Bên lề mắt dõi dửng dưng...
 

Attachments

  • AE34797A-73D5-44AD-997A-2BBB521F1BEA.jpeg
    AE34797A-73D5-44AD-997A-2BBB521F1BEA.jpeg
    344.8 KB · Views: 137
“Ở đây có một quán ăn Việt.”
“Thiệt?”
“Ừ. Hôm nào đi ăn hén.”

Một trong những cuộc đối thoại đầu tiên giữa tôi và bạn ở cùng nhà.

Ngạc nhiên hết sức. Và mừng. Dù chẳng quen biết, không cần giáp mặt nhưng mỗi lần ở một nơi lạ mà nghe có người Việt tự nhiên tôi thấy ấm ấm. Mà lại là ở Tonga nữa chứ; cái đảo quốc chỉ hơn một trăm nghìn dân chứ mấy. Tôi tưởng chỉ có mình tôi An Nam thứ thiệt, điên thứ thiệt (ngôn ngữ của hầu hết người quen khi biết tôi chọn đến đây thiện nguyện 1 năm) khi chọn cái nơi khỉ chẳng ho nổi mà cò cũng tắt tiếng này. Thay bằng chó sủa inh tai sớm tối.

Bạn cùng nhà chưa kịp dẫn đi ăn tôi đã đi lạc tới quán vào một xế đẹp trời. Đổ thừa những con đường không tên. Hôm đó tôi chọn một ngả khác đi về nhà từ chợ Talamahu.

Hoá ra quán rất gần nhà tôi, chắc chưa đến 10 phút đi bộ. Bề mặt trông rất mới, diện tích rộng, đằng trước có thể đậu ngang 10 chiếc xe, tông màu xám với bảng hiệu Vietnamese Cafe đỏ chói. Hoành tráng hơn trong tưởng tượng của tôi. Bước vào trong tôi càng ngạc nhiên hơn với độ rộng, trần cao, thoáng và ngăn nắp. Có mười mấy cái bàn đủ size, từ 2 ghế đến 6-7 ghế chung quanh. Khách có thể ngồi lại ăn hoặc mua mang đi. Thực đơn đồ mặn đồ ngọt đa quốc, rồi sinh tố, cafe đủ cả, mà hình như bánh ngọt chiếm đa số. Khách đông, toàn người bản xứ.

Tôi đứng phía có thực đơn đồ ăn Việt “nghiên kíu” hơi lâu. Cuối cùng chọn cà phê sữa đá...vì thèm. Lâu rồi không được uống mà. Em nhân viên tiếp tôi trẻ măng, đẹp trai nhất quán lúc đó vì hai bé nhân viên còn lại đều là người Tonga.

Sau khi trao đổi tiếng Anh vài câu tôi bèn nói tiếng Việt ‘Chắc chủ quán người Việt, thực đơn nét chữ Việt rành đều ’. Số là sau vài lần ghé quán Việt ở những nước khác biết được chủ không phải người Việt nên từ đó tôi hay hỏi mấy em nhân viên khi vào một quán mới. Em ‘ủa’ rồi cả hai cùng cười. Cái cười của những người cùng gốc trên một đất nước xa lạ lúc nào cũng vang, cũng ngỡ ngàng như một mối nối vô hình tưng âm lên.

Em tự giới thiệu là cháu của hai vợ chồng chủ quán. Nói chưa hết câu ẻm quay vào kêu lớn có khách người mình nè rồi đi ra phía sau màn chắn thuộc phần bếp. Mấy phút sau em quay ra mang theo ly cà phê đưa tôi và chị chủ đi phía sau. Bọn tôi chào hỏi, tự giới thiệu tại sao mình có mặt trên đất này và cùng ngạc nhiên. Anh chị từ NZ. Sau một chuyến du lịch ở Tonga họ thích quá nên quyết định khăn gói qua đây mở quán. Được vài năm rồi. Chị kể ban đầu cũng khó khăn, vừa có khách biết tới thì bão Gita làm sập gần hết quán. Mất nhiều tháng xây sửa lại, may, giờ nhiều khách biết đến quán hơn nên cũng khá. Nghe mừng. Chị còn rủ khi nào có hội hè sẽ rủ em.

Ly cà phê sữa đá hôm đó thơm ngon hơn bình thường bạn ạ.

Buổi chiều đó tôi kể với bạn cùng nhà vụ đi lạc ngang Vietnamese cafe. Chắc duyên. Bạn nói thêm, mừng vì quán giờ đông hơn trước nhiều; hôm trước cứ tưởng sau bão họ đóng luôn vì thiệt hại nhiều quá, cứ tưởng tao sẽ không còn ăn được món gỏi có mùi rau thơm ơi là thơm. Ừ, thiệt mừng.

Tôi còn ghé quán thêm ba lần nữa. Ghé mỗi khi thèm trò chuyện bằng tiếng Việt. Mua gì mua, lần nào cũng có một ly cà phê. Lần cuối cùng tôi ăn tối với hai bạn Úc đi cùng chuyến thiện nguyện và bạn cùng nhà. Tôi đùa, mấy nay ở nhà nấu đồ ăn Việt nhưng không ra mùi Việt lắm, ở đây mới đúng vị nè. Hôm đó bọn tôi ăn một bữa hoành tráng: bánh hỏi thịt nướng, chả giò, gỏi gà và phở. Mỗi người thử mỗi thứ một ít. Một buổi tối đầy tiếng cười và đầy mùi nước mắm quen thuộc.

Ba ngày sau bọn tôi rời đảo. Cứ tưởng về vài tháng hết dịch sẽ quay lại. Ai ngờ.

Ở đời có những bất ngờ
Lật tung bao kẻ thờ ơ như mình
May sao những sớm yên bình
Dỗ lòng đời mấy chuyên chinh cũng đừng
Bên lề mắt dõi dửng dưng...
Hix, anh ơi, anh viết lần cuối từ ngày 20.4.2020 mà đến ngày hôm qua ngày 13.6.21 anh mới viết lại, thật sự rất hay ạ, cả phong cách viết, người viết và nơi để viết... Rất mong anh viết thêm và viết cho đến hết ạ
 
@hoaminh: Đính chính, kêu chị đi nhe bạn HoaMinh. Làm mình nãy giờ đọc tới đọc lui viết đi viết lại sợ thiếu dịu dàng. :))
—-
Hôm kia nói chuyện 18 tháng qua chợt nhớ góc chợ cá ngoài trời nằm gần bến cảng, dọc theo một đoạn đường ven biển ở trung tâm Nuku’alofa. Cái nơi lần đầu tiên tôi được biết đến nhờ bà chief pharmacist (dược sĩ trưởng của cả Tonga) chở ghé ngang. Hôm đó cũng là lần đầu tiên hai bên gặp mặt nhau để bà chở tôi đến nơi tôi sẽ làm cả năm, để giới thiệu với các bạn làm chung. Khi ngồi trên xe tôi nói hôm bữa giờ qua tôi tính mua hải sản tươi về nấu ăn mà chưa biết mua chỗ nào. Kết quả là ghé đây. Mua sò mua cá xong tôi lại nói không biết bên này có sả để hấp sò hay không. Lo gì, bà nói, đằng bãi đậu xe sau chỗ làm có mấy bụi to tướng. Thiệt. Có ba bụi to.

Dân ở đây họ không biết dùng củ/tép sả để ướp hay nấu ăn. Họ chỉ lấy lá nấu uống bằng cách hái một nắm lá sả bỏ vô ấm đổ đầy nước mưa rồi bấm điện nấu thôi. Một loại trà tươi, thơm và dễ uống. Tôi mê.

Buổi chiều đó tôi được chở về nhà, tay cầm mấy tép sả to được một cô sẽ làm chung nhổ cả rễ rồi gói cẩn thận trong bao. Biết thêm một món trà mới giúp dễ tiêu ấm bụng mỗi lần ăn đồ tươi nhiều.

Biết thêm cái chợ cá gần nhà bán đồ thật tươi thật rẻ, nơi tôi lê la nhiều lần trong thời gian ở đảo. Biết thêm món ota ika, cá tươi trộn với nước chanh tươi rau cải dưa leo tuỳ thích tiêu ớt hành và nước cốt dừa. Một món rặt Tonga và các nước thuộc Nam Thái Bình Dương nơi cá biển tươi dư dã. Hơi giống món ceviche của Peru, chỉ khác ota ika có nước cốt dừa. Sẽ nói chi tiết hơn về món đặc sản này ở một post khác.

Bởi vậy khi đến một nơi lạ nếu bạn muốn biết gì thì nên hỏi, đừng ngại. Nếu người kia không trải lời được câu hỏi của bạn họ sẽ hỏi người kia hoặc người kia nữa. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, bảo đảm trên 90% thắc mắc của bạn sẽ được người địa phương giải đáp/giúp bằng cách này hay cách khác, dù bạn là khách du lịch hay dù bạn đến với một nhiệm vụ gì gì đi nữa. Không biết, cứ hỏi.

Trước khi xắn tay áo ống quần làm việc gì dù nhỏ dù to trong một nền văn hoá mới, với người bản địa thì việc quan trọng nhất vẫn là hội nhập. Mà để hoà vào với họ thì trước tiên mình phải sống như cách họ sống cái đã. Từ ăn đến ở đến cách đi đứng trò chuyện… May, tôi dễ thích nghi và quen ở đâu ngủ đâu cũng được. Tôi hay đùa mỗi lần đi xa tôi như một người khác ở nhà 270 độ, 360 độ là nói thách cần trả giá.

Ở nhà sống như Đoàn gia
Đi la cà nhìn thua xa Cái Bang đệ tử

Hai câu thơ trên tôi đã viết sau nhiều chuyến đi trước nhưng tới Tonga rồi mới thấy thấm đậm. Ai mê kiếm hiệp Kim Dung sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Nói cho dễ hiểu, khi ở nhà tôi tươm tất chừng mực bi nhiêu thì khi đi xa tôi lè phè bấy nhiêu, như một kẻ đi bụi, hay ăn lề đường ở hostel ở Airbnb trong vùng đáng lẽ không nên qua đêm và ở ké nếu có chỗ. Người quen gặp tôi trên đất lạ thường giật mình mém té ngửa.

À, còn nữa, dưới đây là một đoạn tôi viết chia sẻ với tổ chức thiện nguyện sau khi trở về có liên quan tới vụ trà sả:

“…Gone are the days when we were waken up by multiple sounds stretching all over the decibel scale; church bells, kids giggling, dogs barking/fighting, roosters crow and pigs ecccccy (my new vocab, created by me in Tonga), breadfruits bang on colorbond roof, neighbours knocking with breakfast in hands...Didn’t expect a workmate would yank a bunch of lemongrass from our work carpark and taught me how to brew lemongrass tea on my first day….”

7F5D308B-9267-41B0-919B-F5C8E9662A04.jpeg

36669A13-86AB-4751-AE89-BBA80EA4801B.jpeg
 
Last edited:
1460B862-5C8E-4151-BD20-BB719CA53F62.jpeg
2F07B3FF-9503-49E0-BE5A-61022887B45F.jpeg


Kava, Phượng đỏ và những cánh cổng sắt ở các tiệm tạp hoá.

Rễ Kava được giã ra rồi hoà với nước thành một hỗn hợp đùng đục đựng trong những cái thố cây to, dùng gáo dừa thay ly/chén để múc uống là một món đặc sản truyền thống Tonga. Nghi thức phục vụ kava theo truyền thống làm người ta liên tưởng đến geisha hầu trà bên Nhật, những cô gái còn độc thân phục vụ và khách hầu hết thường là nam giới.
Rễ kava khô được xuất khẩu từ Tonga cũng khá nổi tiếng đấy. Tôi chưa có cơ hội thử qua, nghe nói có vị chát khó uống, dễ nôn nếu uống chưa quen, có thể làm bạn say cũng có thể làm bạn tỉnh táo hơn. Bạn cũng có thể ngậm rồi nhả ra đủ tê đầu lưỡi hay làm một thứ nước súc miệng có một không hai. Và món này có thể gây nghiện.

Còn những tiệm tạp hoá nhan nhãn khắp các ngả đường mới đầu làm tôi thấy lạ vì những chắn song nhưng thấy mỗi ngày riết rồi quen, tôi lại thấy set up hay cho thời đại Covid này. Họ bán đủ thứ,
mỗi thứ một ít như tạp hoá dưới quê bên mình. Nơi mà các bà mẹ thường sai mấy đứa nhỏ chạy qua mua chút muối chút dầu cái quẹt ga.. trong trường hợp khẩn.
Bên Tonga khách và chủ trao đổi mua bán qua lần song sắt. Dễ kiểm soát, hàng hóa ăn ngay ngắn, không tiếp xúc với nhiều người cùng một lúc và tiết kiệm tiền mướn nhân viên. Nghe đâu thường người chủ đứng bán. Mỗi con đường tôi qua ở Tonga thường thấy ít nhất một vài tiệm tùy trong phố Nuku’alofa hay ra làng xa. Biết đâu sau dịch COVID đây là cách set up những nước khác nên học hỏi và áp dụng.

Và phượng đỏ khắp nơi, cũng đầy các sân trường, nhất là cái trường tiểu học mỗi sáng tôi đi bộ ngang. Tiếng bọn trẻ cười giỡn vang cả một đoạn đường. Đồng phục áo trắng quần short hay váy xanh, có đứa đi chân không đứa mang giày dép nhưng chúng cũng leo cây leo rào, thảy ba lô ra ngoài rồi chui rào ra đường như thường. Những cảnh rất quen nếu bạn từng lớn lên từ một vùng quê nào đó.
 
Chào bạn @NhatviD ,

Mình vô cùng ngạc nhiên khi thấy bạn đến Tonga. Đối với rất rất nhiều người, kể cả các bạn Âu và Mỹ, cái tên Tonga còn rất xa lạ, huống hồ chi là đặt chân đến đó. Vì vậy, khi thấy bài của bạn, mình phải lập tức tạo tài khoản để comment. Trước đây mình có quen một người bạn là người Tonga. Bạn nữ này từng học đại học ở NZ, ngành toán, rồi về nước để hoàn thành việc học còn lại và đi dạy, tên là Tali. Hồi xưa mình nói có dịp sẽ đến Tonga, nhưng thời gian trôi đi, càng xa Tonga hơn, chẳng biết khi nào có dịp gặp lại.

Người ta nói trái đất hình cầu và Tonga cũng không quá đông và rộng lớn. Mình để comment ở đây, hi vọng trái đất tròn. Nếu có gặp, nhờ bạn gửi lời hỏi thăm tới bạn đó từ một người bạn VN đã học chung trường và là flatmate một thời ở NZ.

Hi vọng đọc tiếp những câu chuyện của bạn ở Tonga!
 
Hôm qua nay có cảm giác như hồi tháng 11 lúc đang ở Split.
Có phải Split ở Croatia không?

Hầu như tất cả các sinh hoạt bán mua, việc gì phải dùng sức như tập thể dục, bơi lội, kể cả câu cá đều bị cấm. Thứ gì cần mua cần trao đổi, điện thoại cần nạp tiền… thì hãy làm trước Chủ Nhật.
Ủa, sao vậy? Người ta có nói lý do gì mà cấm không? Nếu vậy thì theo thông lệ thì mọi người thường làm gì vào chủ nhật? Ca hát hay là... ăn cóc :D.

Khác với cây cóc bên Việt Nam là cây ở Tonga chỉ cao tới vai hay đầu tôi đã ra rất nhiều trái, nhớ hồi nhỏ phải leo hụt hơi và nhiều khi phải với ra mấy cành cheo leo mới hái được trái.

Ở Tonga tôi chưa thấy trái chín nào, hay tôi ở chưa đủ lâu?
Nghe bạn mô tả và nhìn hình thì mình nghĩ đây là cóc Thái. Mình cũng không biết cóc Thái trồng ở Thái Lan thì sao, nhưng khi trồng ở VN, cây cũng tuy lùn mà lại ra rất nhiều trái và nhỏ nhỏ, đầy chùm. Trước đây nhà mình có trồng và cũng không khi nào thấy nó chín.

Rễ kava khô được xuất khẩu từ Tonga cũng khá nổi tiếng đấy. Tôi chưa có cơ hội thử qua, nghe nói có vị chát khó uống, dễ nôn nếu uống chưa quen, có thể làm bạn say cũng có thể làm bạn tỉnh táo hơn. Bạn cũng có thể ngậm rồi nhả ra đủ tê đầu lưỡi hay làm một thứ nước súc miệng có một không hai. Và món này có thể gây nghiện.
Kava-kava có chất kích thích, thành ra gây cảm giác giảm đau và nghiện, kiểu làm tỉnh táo nhất thời (psychoactive substance). Dùng nhiều sẽ hại gan. Một số nước đã cấm dùng hoặc hạn chế mua bán. Beware!
 
Last edited:
Hix, anh ơi, anh viết lần cuối từ ngày 20.4.2020 mà đến ngày hôm qua ngày 13.6.21 anh mới viết lại, thật sự rất hay ạ, cả phong cách viết, người viết và nơi để viết... Rất mong anh viết thêm và viết cho đến hết ạ
Trời ơi, đọc nữ tính vậy mà :) Chỉ riêng đọc đoạn gọt trái cóc đã biết nữ roài :)
 
Chào OrangeBlue,

Bạn từng học ở đại học nào bên NZ và khoảng năm nào? To filter the search. Nếu không tiện trả lời ở đây bạn có thể PM. Mình sẽ hỏi thăm những người bạn mình còn liên lạc bên Tonga. Hi vọng sẽ sớm có tin tốt cho bạn.

Xin phép trả lời hết các thắc mắc của bạn trong một post nhé.

Tonga đúng là một cái tên xa lạ với hầu hết mọi người, kể cả chính mình và những người quen biết xung quanh. Mình chỉ biết tới Tonga và tìm hiểu về đảo quốc nhỏ này khi bắt đầu xin tham gia lần thiện nguyện đầu tiên hồi năm rồi. Chắc do duyên, khi được phỏng vấn online với những người gốc bên đó họ cho mình biết project đã quảng cáo gần cả năm mà chỉ có vài người apply, và chưa ai đạt yêu cầu.

Mình cười trả lời chắc project này dành riêng cho mình, chờ mình, xui khiến làm sao vào một ngày Chủ Nhật lang thang các trang mạng thiện nguyện để mình bắt gặp. Như mình vẫn thường nói, đã đi đã về nguyện vẹn, mang về mấy xe tải kinh nghiệm dù chỉ ở đó 5 tuần ngắn ngủi chưa là ra trò gì đáng kể nhưng ko hối hận tí nào, mừng vì đã can đảm gác lại công việc, dây nhợ đủ thứ ở nhà để đi một chuyến.

Trả lời tiếp nhe.

1. Split ở Croatia. Một nơi đáng ghé, và đoạn đường từ Zagreb đến đấy đẹp mê.

2.Chủ Nhật là ngày dành cho đạo/ cho Chúa nên chỉ ở không, đi lễ, ăn ngủ. Gần như thành luật bên đó. Kiểu như ngày sabbath. Còn ăn cóc ngày Chủ Nhật là luật riêng của mình vì rảnh. :) Còn họ ăn khoai đủ món, khoai môn khoai mì khoai lang khoai mì khoai mỡ khoai từ… được chế biến nhiều cách khác nhau. Lá khoai nhất là lá khoai môn cũng được dùng nhiều.

3. Kava đúng là bị cấm ở nhiều nơi nhưng vẫn đầy ra ở các nước Nam Thái Bình Dương và một số bang bên Mỹ.
Trong hình bên dưới là một góc bàn làm việc của mình vào ngày cuối cùng, có cái thố kava do các bạn làm chung tặng mình mang về, có khắc tên hẳn hòi chỉ là chưa từng đựng kava cho đến giờ này. :))
F864106D-2E66-4B5B-9358-74D997A337D6.jpeg
 
Cái thố nhìn đẹp ghê. Ở VN không có kava nhưng chắc có thể để oải hương, rosemary, hoa khô lên đó :))

Sorry NhatviD vì comment dưới đây ngoài lề một chút:
Trời ơi, đọc nữ tính vậy mà :) Chỉ riêng đọc đoạn gọt trái cóc đã biết nữ roài :)
Haha, vì nếu là nam, thì chắc không có vụ tách ngang chừng một phân phải không? Nhiều khi gọt vỏ xong còn cầm ăn luôn :)).
 
Last edited:
Nhân một buổi sáng trời trong gần cuối tháng 9, năm Covid thứ 2 nhận được tin nhắn của bạn cùng nhà ở Tonga gởi tấm hình chụp cái chai mật ong mà bên trong đựng nước màu mình để lại với câu hỏi thứ này để làm gì tao quên rồi làm mình nhớ những buổi sáng bên đó.

Cũng cà phê, cũng bánh ngọt, cũng trái cây hay khoai luộc đủ loại nhưng là những sáng thong thả chứ không như những sáng chạy đua như từ khi trở về. Nói vậy không có nghĩa mình đang than phiền, chỉ là sự so sánh những điều vặt vãnh thôi. Thời này còn có công chuyện làm, còn có nhà kín chăn ấm nệm êm cơm nước chẳng thiếu đã là một đặt ân, than phiền chắc bị đánh đòn.

Một câu mình hay xài sau khi trở về từ những chuyến đi là trở về để mỗi sáng ăn nhanh lát sandwich uống vội ly cà phê và chạy. Nhiều năm nay vẫn vậy.

Trở lại những sáng thong dong ở Tonga, bất kể ngày trong tuần hay cuối tuần. Thức dậy từ 6:30 hay trễ hơn tí vào cuối tuần. 8:30 mới bắt đầu làm và chỗ làm ở cách nhà chưa đầy 10 phút đi bộ thì tội gì phải vội.

Thong thả ra lấy nước mưa vô đun, thong thả để cà phê vô bình lọc, thong thả lấy bánh lấy khoai ra bàn.. Nói chung là nhịp độ nửa thiền nửa slow motion cố ý. Chuyện ngoài sân gà chó sa kê rụng ầm lên mặc kệ, tịnh tâm mà.

Cả Tonga chỉ có một nơi rang cà phê, chỉ có một hiệu cà phê Tupu’Anga cho cả nước nên mình giúp kinh tế địa phương xài đồ sản xuất ngay nơi mình sống là lẽ đương nhiên mặc dù có vài quán họ cũng nhập cà phê nước ngoài. Khi sang đó mình mang đủ thứ trừ cà phê. Nước màu là một thí dụ đáng cười của nhiều người. Vòng vo vậy thôi chứ cà phê của họ không tệ đâu theo vị giác amateur của mình, thật.

Cái cảm giác ngồi gác chân uống từng ngụm từng ngụm thơm đăng đắng ngay trong căn bếp mới bắt đầu quen, trong căn nhà bắt đầu quen quen, lọt giữa tạp âm mình quen lắm rồi thiệt nhàn nhã thiệt nên trải qua mỗi sáng nếu điều kiện cho phép, một cách sống cho hôm nay, cho hiện tại.

Hôm qua quá khứ
Lo chi ngày tới
Ta sống hôm nay quà tặng ấy mà..
(Present=hiện tại=quà tặng)

Sáng nay mình nhắn lại bạn cái dung dịch đó người ta phải mất bao nhiêu củi lửa mới nấu cô lại như thế đấy nhé. (Giải thích tí, nước màu có màu nâu sậm đặc quánh được nấu từ nước của trái dừa thành).
Còn công mang từ Vn qua Melb. rồi lại xách qua Tonga, trên đường lại quá cảnh ở NZ bị gặng hỏi mấy lần nên bạn xem là hàng hiếm quý đi. Rồi còn chỉ nên xài/nấu nó với món gì, chứ ăn với yoghurt nghe hơi kỳ kỳ. Bạn nói mới đầu tưởng mật ong nên ăn với yoghurt, xong mới vỡ lẽ bèn dán miếng sticky note để tự nhắc mình. Bạn kết luận, lỡ mà ngon nhé, thử đi. Mình kêu thôi sẵn đà lần sau thử chan tí nước màu lên kem vanilla xem sau, không tệ đâu.

Vậy nhe.
Khi nào rảnh lại dông dài về một thứ trái thơm tho mắc mỏ hơn gấp bao nhiêu lần cà phê mà khi nói về Tonga bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, vanilla. Đây cũng là một trong những lý do râu rìa khiến mình hứng thú khi chọn đến Tonga.
92845A77-9398-4CDA-948C-195A0D050161.jpeg
2F5424E3-6908-499A-A72D-061FB950D6DA.jpeg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,748
Bài viết
1,136,873
Members
192,573
Latest member
thienvmex
Back
Top