What's new

[Chia sẻ] Một mình chinh phục Châu Âu

Simit bánh ngọt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Nhìn mấy đồng chí bán bánh Simit, tôi lại nhớ đến những tiếng rao bán ở Hà Nôi : « ai bánh mì đây, bánh mì nóng đây ! ». Tất nhiên là có sự khác nhau một chút. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta bán hàng rong với một xe đẩy, nhìn là thấy ngay từ xa.

20100123-203923.Full.jpg


Simit là một loại bánh ngọt sở trường của người Thổ. Hình dáng giống một chiếc nhẫn rất to và có rải hạt vừng trên bề mặt. Người Thổ ăn nó vào bất cứ lúc nào, như kiểu ăn quà vặt và thông thường họ ăn bánh kèm theo một cốc sữa chua. Vì có chứa hàm lượng hạt vừng khá lớn nên bánh simit chứa nhiều đạm nên dễ no nhanh. Mỗi lần tôi hơi đói là lại làm hai chiếc bánh, thế là ok.

20080323162735-21.jpg
 
Last edited by a moderator:
Re: Simit bánh ngọt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Mình đã ăn bánh này kèm sữa tươi, khá là ngon khi đang đói cồn cào và trời hơi lạnh. Cám ơn vì bài viết cả trong blog và diễn đàn nhé.
 
Brussels - thủ đô của liên minh Châu Âu

Nhiều người hỏi tôi : « nước Bỉ nói tiếng gì nhỉ ? Hình như hội nó nói tiếng Pháp mà thỉnh thoảng lại thấy nói thứ tiếng gì rưa rứa giống tiếng Đức». Cũng đúng, ở Bỉ người ta vừa nói tiếng Pháp vừa nói tiếng Hà Lan cổ. Sự pha trộn này được thể hiện rõ nhất ở thủ đô Brussel. Thủ đô của Liên Minh Châu Âu, Brussel là trụ sở chính của các bộ máy chính quyền châu âu và của Nato.

Bruxelles22.JPG

Tôi có dịp nếm thử những đặc sản của cửa hàng này, thành lập vào năm 1910 và là nhà cung cấp cho hoàng gia Bỉ. Ngay khi bước chân vào, một người dân địa phương nói với tôi : « Ah nhìn là biết cậu hiểu biết những địa danh cần đến của nước Bỉ đấy

grand_place_de.jpg

Nằm ngay giữa trung tâm là quảng trường Grand Place, tương đương hồ hoàn kiếm của Hà Nội. Xung quanh quảng trường này là một số con đường xuất xứ trung cổ với những cái tên nêu rõ rằng ngày xưa người ta bán một loại hàng cố định, cũng giống như Hà Nội 36 phố. Ở đây thì có Rue au beurre (phố « hàng bơ »), rue des Harengs (« phố hàng cá »), marché aux Herbes (phố « chợ hoa »), rue des Bouchers (phố « hàng thịt »)…

21740_Bruxelles-GrandPlace_%28c%29OPT-JosephJeanmart_tcm313-123341.jpg

Maison de corporations : được xây dựng sau khi cả thành phố bị quân đội Pháp phá hủy năm 1695 và trùng tu lại vào thế kỷ 19. Những ngôi nhà sát cạnh nhau có vai trò giống như miếu thờ trong phố cổ Hà Nội. Tức là một ngôi nhà là nơi tượng trưng cho tập hợp tất cả những người làm cùng một nghề, kiểu dạng « hiệp hội ». Sẽ có hiệp hội những người thợ rèn, hiệp hội những người làm bia…Thời trung cổ, dựa vào nghề nghiệp, người ta có thể đánh giá được cấp bậc hoặc giá trị của một công dân trong xã hội.

Belgique_Bruxelles_Atomium_site_8bdeb93683554f61bf29f93bb20ded4f.jpg

Atomium : Đây là một trong những công trình kỳ lạ nhất hành tinh. Được xây hoàn toàn bằng thép bọc bằng nhôm vào năm 1956, Atomium cao hơn 102m và muốn thể hiện hình ảnh một phân tử đang phát triển ra nhiều lần.

bruxelles-eglise-st-jacques-sur-coudenberg-statue-de-godefroid-de-bouillon-6387-08-7-cpf-268.jpg

Palais Royal : cung điện hoàng gia nhưng vua Bỉ lại không sống ở đây. Đây chỉ là nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, khi mà cờ Bỉ được treo trên nóc, thế có nghĩa là vua đang ngồi bên trong. Hàng năm, nhân dịp quốc khánh, vua Bỉ lại đến đây tham gia ngắm nhìn duyệt binh

PIR-J27+028.jpg

Mont des arts : với những khoảnh sân đầy hoa và đài phun nước, mont des arts là cầu nối giữa nữa trung tâm phố cổ của Brussel và cung điện hoàng gia. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, quảng trường này là nơi dành cho nghệ thuật với sự có mặt của viện bảo tàng nghệ thuật, thư viện hoàng gia

park-with-belgian-royal-palace-in-brussels-photo_1394860-770tall.jpg

Cung điện hoàng gia. Vua Bỉ hiếm khi ở đây, chủ yếu là nhân dịp đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, khi thấy có cờ cắm phấp phới trên nóc nhà, tức là vua đang tạm ở bên trong
 
thăm trường đại học Coimbra - Bồ Đào Nha

Thăm trường đại học ? Ở Châu Âu, chỉ có 5 trường đại học là có lịch sử lâu đời nhất và đáng để tìm hiểu về mặt kiến trúc cũng như cuộc sống đời thường của các sinh viên : Salamanca (Tây Ban Nha), Bologna (Ý), Sorbonne (Pháp) ,Oxford (Anh) và cuối cùng là Coimbra của Bồ Đào Nha. Tôi may mắn thăm được 4 cái trừ Oxford của Anh.

215249437_172072671b_o.jpg


Được thành lập vào thế kỷ XIII, trường đại học Coimbra ngay từ đầu là một trung tâm văn hóa hàng đầu của Bồ Đào Nha và thu hút rất nhiều sinh viên Châu Âu. Nhưng chính điều đó lại là vấn đề vì nhiều sinh viên quá thì không có đủ chỗ ở. Thế là trường Coimbra bị chuyển về Lisbon và tọa lạc tại thủ đô trong vòng 200 năm. Sau đó, vua Bồ Đào Nha cảm thấy nhiều sình viên ở thủ đô quá nên…lại cho chuyển về Coimbra nhưng lần này vị vua tôt bụng ban tặng cả tòa cung điện mùa hè tại Coimbra để làm ký túc xá. Thế kỷ XVI là thời kỳ vàng son của trường đại học Coimbra nói riêng và Bồ Đào Nha nói chung khi quốc gia này trở thành cường quốc về thương mại đường biển.

Toàn bộ khuôn viên trường Coimbra nằm trọn trên một quả đồi và muốn đi lên đó thì phải qua các con phố nhỏ quấn khúc quanh co bên sườn đồi.

Bu%C3%A7aco,Penacova,Coimbra+049.JPG


Cái đáng thăm nhất của trường đại học Coimbra là thư viện Joanine nổi bật với bài trí nội thất cực kỳ hoành tráng. Vật liệu nội thất được nhập từ các thuộc địa của Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 bao gồm : gỗ đen từ Brazil, vàng và đá cẩm thạch từ Châu Phi.

coimbra-biblioteca.jpg

Toàn bộ bề mặt tường đều được bao phủ bởi các giá sách làm bằng gỗ sơn mài nhiều màu với kiểu bài tiết sặc sỡ mang nhiều ảnh hưởng của phương Đông (đặc biệt là Trung Quốc). Thư viện này chứa khoảng 250.000 đầu sách và được phân chia theo niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Và những lĩnh vực có nhiều đầu sách nhất là môn luật, triết học và tôn giáo học.

Tại sao người Châu Âu và đặc biệt là giới trí thức thời ấy lại chú trọng những môn học này đến vậy ? Riêng về điểm này, tôi xin giải thích qua một chút vì nó có thể giúp các bạn có được những kiến thức cơ bản để hiểu rõ hơn nền văn minh Châu Âu. Vào thời Trung Cổ, dân Châu Âu nó ngu lắm. Tất cả những gì liên quan đến kiến thức hiểu biết đều nằm trong tay những người biết chữ và những người biết chữ thì chỉ nằm trong thiểu số (tầng lớp thượng lưu, vua chúa và tăng lữ). Và nơi truyền giáo kiến thức thì không nằm đâu khác ngoài Thiên Chúa giáo (nhà thờ, tu viện). Và cũng chính từ các trung tâm tu viện này mà khơi mào lên phong trào xây dựng các trường đại học với mục đích đầu tiên là đào tạo ra những chuyên gia nghiên cứu về các đạo luật của Thiên Chúa giáo vào thế kỷ 13 (mục đích chính là để mị dân). Các trường đại học cổ nhất Châu Âu lần lượt sinh ra vào thời điểm này (Oxford, Sorbonne, Bologna, Coimbra). Như đã nói, vào những thế kỷ đầu, môn học chính chỉ giới hạn đến việc nghiên cứu đạo. Nhưng dần dần, các môn khác được bổ sung thêm bao gồm triết học, khoa học, văn học, y học…

Chính vì có nguồn gốc tôn giáo mà hầu hết các trường đại học có niên đại vài trăm năm của Châu Âu đều có ít nhất một nhà thờ bên trong. Đó là nơi các sinh viên sùng đạo lui đến tĩnh tâm hay sám hối. Tôi đã từng đi thăm khá nhiều trường đại học Châu Âu có thâm niên hơn 200 năm và đều có điểm chung đó. Còn tại Coimbra, nhà thờ quan trọng nhất của trường đại học là thánh đường Saint Michael.

Coimbra được mệnh danh là « thành phố sinh viên » không chỉ bởi tầm quan trọng bậc nhất về giá trị lịch sử mà còn là nơi có đông sinh viên nhất Bồ Đào Nha (30% dân số là dân sinh viên). Lý do tôi cất công đến đây không phải là vì giá trị lịch sử của Coimbra mà là những nét sống rất độc đáo của sinh viên nơi đây.

coimbra04.JPG


Thứ nhất là phải kể đến trang phục. Khác hoàn toàn với 4 trường đại học cùng thâm niên khác (Sorbonne, Oxford, Bologna, Salamanca), toàn bộ sinh viên nơi đây đều mặc đồng phục suốt năm chứ không chỉ tập trung vào dịp tốt nghiệp. Khi tôi đi khắp khuôn viên trường, có thể nhận thấy các sinh viên ăn mặc rất lịch sự như nhân viên nhà bank.
Ai cũng thắt cà vạt, cả trai cả gái nhưng có một điểm nữa rất đặc biệt là họ mang theo một dải khăn treo đầy huy chương. Tôi có hỏi một vài sinh viên liệu có phải họ chỉ mang nó vào những sự kiện lớn của trường hay không. Câu trả lời là không. Trên thực tế, tất cả sinh viên đều có bộ trang phục này và đều mặc nó mỗi khi lên giảng đường. Tất nhiên không phải tất cả đều siêng năng lần nào cũng mặc bộ đó, giống như học sinh cấp 2 nhà mình đâu phải ai cũng chịu khó đeo khăn quàng đỏ.

Đặc thù đồng phục của Coimbra còn được nhấn mạnh hơn vào tuần lễ bế giảng của trường vào đầu tháng 5, người Bồ Đào Nha gọi là la queima das fitas. Nhân dịp này, Coimbra có một truyền thống là các sinh viên năm đầu tiên đi mua bộ đồng phục như nói ở trên tại một cửa hàng đồng phục của trường và gìn giữ bộ đồng phục đó cho đến hết năm cuối. Giá thành khá là đắt, khoảng 400 euro một bộ.

IMG_4244.JPG


Sinh viên năm đầu thì vậy, thế còn sinh viên năm cuối thì sao ? Ở Coimbra có một truyền thống là họ đốt dải dây có mầu sắc được phân theo chuyên ngành học. Dải dây này được giữ trong suốt quá trình học, giống như đồng phục và chỉ nhân dịp tốt nghiệp thì mới đốt. Tất cả dải dây được đốt trong một cái hũ khổng lồ và đây chính là nguồn gốc sâu xa của tuần lễ bế giảng. Thật vậy, la queima das fitas trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là « đốt cháy các dải dây ».

Ngoài những bộ đồng phục, sinh viên Coimbra còn nổi tiếng là yêu ca nhạc. Nếu như cây đàn ghita gắn liền với đời sống sinh viên Việt Nam thì điệu hát fado là đặc sản của Coimbra. Duy chỉ có một điều khác, ghita thì chỉ cần một người biết chơi là OK. Còn fado thì phức tạp hơn, đòi hỏi phải thành lập thành một đội : một người hát dòng fado, một người chơi đàn ghita cổ điền Bồ Đào Nha (hình thù kỳ dị, giống quả lê) và người chơi accordéon

Tại đây, mỗi khoa đều có một ban nhạc chơi fado và họ thường biểu diễn vào những dịp lớn như la queima das fitas. Họ vừa chơi vừa mặc đồng phục của trường cộng với việc đeo dải dây có màu sắc đặc trưng chuyên ngành học của họ. Dưới đây là sinh viên khoa y với dải dây màu tím.

p1090648.jpg


Đặc thù cuối cùng của trường Coimbra là các ký túc xá mà dân sinh viên ở đây gọi là republicas. Nằm trong phần cổ nhất của trường đại học, các ký túc xá này có đặc điểm không phải do trường Coimbra quản lý mà là do chính hội sinh viên quản lý.

SDC11915.JPG


Theo truyền thống lâu đời, đây là các căn hộ lớn mang tính tư nhân . Các khu căn hộ được phân chia theo chuyên ngành học, vì thế có khu dành cho dân khoa y, khoa tin, khoa xây dựng… Mỗi một căn hộ chứa khoảng hơn 10 sinh viên và có một « thủ lĩnh » và họ phân công nhau quản lý tiền sinh hoạt của căn hộ. Nhìn từ bên ngoài vào, rất dễ nhận ra đâu là ký túc xá sinh viên bởi trên bề mặt tường có gắn các biệt hiệu đặc tính sinh viên : cờ, vẽ bậy, xoong nồi treo loạn xạ…
 
Re: Brussels - thủ đô của liên minh Châu Âu

Nhìn ảnh của bác chủ thớt lại nhớ Brussell rồi. Công nhận cái quảng trường Grand Palace đáng yêu thật.Nếu có dịp đến đây các bạn nên ngồi ở quán bia ngay sát quảng trường, uống 1 ly bia Bỉ chính hiệu với chiếc ly hình oval đặc trưng và chờ tới lúc 23h nhé. Khi đó dàn đèn ở Nhà thờ quảng trường vụt tắt, nhạc thánh ca sẽ vang lên trong khoảng 15 phút...và cảm giác lâng lâng trầm lắng đó sẽ khó có thể nói lên được bằng lời.
 
Re: Simit bánh ngọt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Hì bác thông cảm, em quen viết nhật ký bằng tiếng Pháp nên trình độ tiếng việt còn củ chuối lắm
 
Re: Simit bánh ngọt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Plitvice - vịnh Hạ Long của người Croatia

Trong cuộc nói chuyện với một anh chàng người Mỹ cùng phòng trọ ở thủ đô Zagreb, tôi được biết là sẽ có rất nhiều du khách đến thăm vườn quốc gia Plitvice nên phải book vé trên mạng trước để tránh phải xếp hàng dài. Plitvice đối với Croatia cũng giống như vịnh Hạ Long của Việt Nam vậy. Tôi biết công viên này cũng là do đã từng tổ chức tour cho các đoàn Pháp đi và đã luôn ao ước có một ngày được đi dạo qua những con hồ trong vắt của nó. Plitvice là điểm khơi mào cho thú đi du lịch thiên nhiên của tôi.

Công viên quốc gia Plitvice nằm khá gần biên giới với Bosnia và cách thủ đô Zagreb khoảng 200km về phía nam. Plitvice nổi tiếng bởi đây là một khu rừng nguyên sinh toàn là cây thông trắng và sở hữu một quần thể 16 hồ nước nằm trồng chéo lên nhau và 92 thác lớn nhỏ

plitvice.jpg


Nước từ các con suối nhỏ chảy qua các vách đá rồi chảy thẳng qua những đoạn thác có khi cao đến 160m. Cùng với thời gian, nước chảy sói mòn đá tạo ra những hang động

Pliticka_jezera_1_%282%29_0.jpg


Plitvice cũng là nơi có bề dày lịch sử ấn tượng. Khoảng 2000 năm trước công nguyên đã có dấu vết của nhiều bộ tộc qua đây : Thrace, La Mã, Byzantine, người Croate rồi người Hungary. Sau đó, Plitvie nói riêng và Croatia nói chung lần lượt là lãnh thổ của đế chế Ottoman và Áo-Hung. Plitvice đối với người Croate cũng giống như Điện Biên Phủ của Việt Nam bởi tại đây đã xảy ra trận chiến quyết định sự độc lập của Croatia khỏi sự kìm hãm của người Serbia năm 1995.

Plitvice-Lake-Croatia.jpg


Hồ và rừng Plitvice hàm chứa nhiều truyền thuyết. Theo người ta kể, một mụ phù thủy, «hoàng hậu đen », đã tạo ra vùng này bằng cách cho mưa thật nhiều để đáp lại lời cầu nguyện của nông dân vùng này sau một trận đại hạn hán. Một số câu truyện khác kể rằng Plitvice xưa kia có biệt danh « khu vườn của quỷ dữ » bởi có nhiều người chết đuối ở đây.

plitvice1_bridge.jpg


Công viên Plitvice là một ví dụ cho khả năng quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái đáng để Việt Nam học hỏi. Lượng du khách vào đây cũng không kém vịnh Hạ Long nhưng người ta tuân thủ nghiêm túc các nội quy về bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, các con đường đi bộ được quy hoạc rất tốt, đảm bảo du khách không phải va chạm hay xếp hàng dài. Các con đường lát gỗ được sắp xếp rất khéo léo nên người đi có cảm giác như đi vào một khu rừng nhân tạo.

water-falls-Plitvice-Lake-Croatia.jpg


Các con hồ lấy nguồn nước từ 2 nơi : Bijela Rijeka « sông trắng », tên như vậy vì màu trắng của cát vôi, và Crna Rijeka, « sông đen », bởi màu đen của rong rêu dưới đáy sông. Các vũng nước chia cắt thành hồ ở trên cao và dưới thấp theo độ cao, tạo ra những màu sắc khác nhau. Màu sắc của nước phụ thuộc vào độ sâu của hồ cũng như hàm lượng chất khoáng và ánh sáng mặt trời.

Plitvicecascatenellago-vi.jpg


Lần theo những dòng nước chảy xuống thác, tôi đi từ hồ trên cao xuống hồ dưới thấp, ít ồn ào và nông hơn. Vì độ sâu khiêm tốn, « plitvak » trong tiếng croatia, nên tên công viên là plitvice. Các con hồ này cũng chịu sự hóa đá của lòng hồ bởi có chất travertin. Loại đá vôi màu trắng này có nguồn gốc từ sự sói mòn vôi, qua thời gian đọng lại dưới lòng hồ, trong rong rêu và « đá hóa » tất cả những gì nó nằm lên. Quá trình này cứ diễn đi diễn lại nhiều lần, tạo ra cảm giác như ta đang ở trên mặt trăng.

Plitvice_underwater.jpg
 
Croatia đẹp thật, đã nghe nói rất nhiều và cũng bỏ lỡ vài cơ hội đi Croatia :(
Tớ vừa ghé trộm blog của bác thấy bác chịu khó viết thật. Giá mình cũng có đủ thời gian và kiên nhẫn để viết như vậy. Tiếp tục topic đi bác.
 
Mình cũng không có nhiều thời gian chăm sóc cho blog cá nhân nhưng mình viết bài mục đích như là tiêu khiển, làm một việc gì đó có ích cho cộng đồng du lịch phượt.

Theo thông tin mình được viết, Croatia sắp sửa vào liên minh châu âu và chắc là năm tới thì sẽ gia nhập khối visa schengen.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,349
Bài viết
1,175,322
Members
192,061
Latest member
sunwinrepublican
Back
Top