Hướng dẫn du lịch Indonesia
I) CHUẨN BỊ
1) Xin Visa
Indo không yêu cầu Visa đối với Việt Nam nên bạn chỉ cần điền Form thông tin nhập cảnh là Ok. Form thông tin được tiếp viên hàng không phát trên máy bay. Ngoài ra khi làm thủ tục nhập cảnh đôi khi hải quan sẽ hỏi 1 số câu như: mục đích của bạn khi đến Indo, lịch trình đi chuyển của bạn, kiểm tra vé máy bay khứ hồi,…
2) Book vé
a) Máy bay: Mình sử dụng trang web sau:
http://www.skyscanner.com.vn/ - kiểm tra thông tin giá vé, chiều đi, chiều về, so sánh giá các hãng hàng không với nhau.
b) Xe lửa: Do phương tiện di chuyển chính của mình ở Indo là xe lửa nên mình book vé online trước cho chắc cú.
Có thể vào trực tiếp trang
https://tiket.kereta-api.co.id/index.php để book hoặc thông qua trang trung gian
http://www.utiket.com/en/trains/, chọn chuyến cần đi, chọn ngày, chọn giá và book. Mình chọn Ekonomic để có vé rẻ nhất. Trong mail xác nhận book vé thành công sẽ có Booking number, bạn sẽ dùng dãy số này để in vé tại máy tự động ở trạm xe lửa.
c) Khách sạn: Mình thường dùng Agoda, nhưng cũng có thể dùng booking hoặc trivago để kiểm tra vé và book. Quan trọng là dùng googlemaps kiểm tra xem địa chỉ hotel có nằm ở vị trí mình mong muốn hay không.
3) Hành trang:
- Tiền: Indo dùng tiền Rupee, có thể mang theo USD và đổi tiền ở sân bay hoặc các thành phố lớn. Lưu ý là người dân Indo đa phần dùng tiền Rupee nên vừa xuống sân bay thì nên đổi ngay 1 ít tiền Rupee tại quầy đổi tiền ở sân bay. Ngoài ra nên mang theo thẻ Visa để dự phòng.
- Trang phục: Mình đến Indo vào tháng 2, mùa này là mùa mưa ở Indo, sáng nắng, chiều tối thường có mưa dầm nên chọn đồ phù hợp với mùa mưa nếu đi vào tháng này.
- Nguồn điện: Indo dùng nguồn điện 220V giống với Việt Nam, ổ cắm đa phần là dạng ổ cắm tròn nên nếu sạc điện thoại và sạc pin máy chụp hình là chuôi vuông thì nên chuẩn bị thêm chuôi chuyển.
- Bản đồ: mình dùng bản đồ offline Maps.me trên điện thoại, bản đồ này mô tả khá chi tiết đảo Java, miền Trung và Nam đảo Bali, riêng miền Bắc Bali không thiên về du lịch nên bản đồ khu vực này khá thô sơ.
- Giấy tờ: trước khi đi thì in ra giấy tất cả giấy xác nhận book vé máy bay, xe lửa, khách sạn, photo thêm 1 bộ Hộ chiếu để dự phòng. Ngoài ra lưu thêm 1 bộ file mềm book vé và hộ chiếu trên điện thoại.
II) LỊCH TRÌNH THAM KHẢO
III) CHI PHÍ THAM KHẢO
IV) LƯU Ý
1. Tham quan đền Borobudur và đền Prambanan
- Vé tham quan đền Borobudur và Prambanan có thể mua riêng biệt từng vé nhưng nếu mua combo thì sẽ rẻ hơn.
- Vé tham quan của người nước ngoài sẽ đắt hơn gấp nhiều lần so với người bản địa.
2. Book vé du lịch tham quan núi lửa Bromo
- Lưu ý tham quan Bromo gồm các chi phí sau:
+ Thuê xe từ Probolinggo đến núi Bromo (mình thuê mất 900.000Rp (50km) vì chỉ có đoàn mình, không thể ghép đoàn với ai để share tiền).
+ Vé tham quan núi lửa Bromo có 2 mức: 320.000Rp vào mùa du lịch và 220.000Rp vào mùa thấp điểm. Mình đi vào tháng 2, mùa mưa nên giá vé là 220.000Rp.
+ Có thể thuê ngựa để cưỡi leo lên núi.
+ Trèo lên đỉnh View Point để ngắm bình minh sẽ không mất tiền vé.
P.S: Sáng sớm ở núi Bromo rất lạnh và tối nên đêm theo áo ấm và đèn pin.
- Tình trạng lừa đảo ở Probolinggo rất nhiều, hãy cẩn thận.
+ Mình nhờ lễ tân khách sạn Tampiarto giới thiệu tour đi Bromo mà vẫn bị lừa. Mình đi ngay đợt núi lửa Bromo đang phun trào nên cấm du khách lại gần, nghĩa là không mất tiền vé vào tham quan núi lửa Bromo (220.000Rp/1 người) nhưng bên tour vẫn thu tiền mình dịch vụ này. Sau khi không được leo lên núi Bromo để tham quan, mình thắc mắc thì tài xế đánh trống lãng rồi bán cái sang bên dịch vụ, vì người thu tiền và tài xế là 2 người khác nhau. Kẻ thu tiền có đặc điểm là cao, to, đen, 1 bên mắt bị tật, lưu ý kỹ đặc điểm của kẻ này để tránh xa khi đến Probolinggo.
+ Mình book xe ve lửa từ Probolinggo đi Bali vào lúc 0h đêm, mình gặp lại tên lừa đảo ở Ga xe lửa, hắn trơ tráo đánh trống lãng rồi lại tìm cách lừa mình bằng cách liên tục hù dọa ban đêm không có xe lửa đi Bali. Mục đích là dụ mình thuê hắn chở đến thành phố Surabaya, chứng tỏ đây là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Cách đối phó là tránh mặt hắn đi, xác nhận lại thông tin tàu chạy bằng cách vào quầy dịch vụ trong ga.
3. Book vé xe lửa từ Probolinggo đi Bali
Vì Bali là đảo nên vé này là Combo gồm 2 vé: xe lửa và xe bus. Đi xe lửa đến ga cuối là Banyuwanki Baru, xuống ga đi ra ngoài cổng sẽ có xe bus Damri chở tiếp ra bến phà, xuống xe bus trình hộ chiếu, lên phà qua đảo rồi tiếp tục lên xe bus khi nãy để đến trung tâm Denpasar ở Bali
4. Chạy xe máy ở Indo
Về cơ bản thì chạy xe máy ở Indo cũng không khác Việt Nam là mấy, chỉ có 1 vài khác biệt sau:
+ Ở Indo chạy xe bên trái, lưu ý kỹ để không chạy ngược chiều. Do chạy bên trái nên khi ôm vòng xoay cũng khác mình, họ ôm phía trước vòng xoay (nói chung cứ chạy từ từ xem dân địa phương chạy thế nào thì mình chạy thế ấy là ok).
+ Đoạn từ Yogyakarta đến đền Borobudur thường có công an giao thông nên chạy từ từ, không vi phạm tốc độ.
+ Người Indo ít bấm còi loạn xạ như VN
5. Giao tiếp với người bản địa:
Một vài trường hợp bạn sẽ phải giao tiếp với người bản địa không biết Tiếng Anh, thông thường nhất là Hỏi đường và Hỏi giá
+ Hỏi đường: ví dụ ở Jakarta bạn muốn hỏi đường đến ga Gambir, gặp người bản địa bạn chỉ cần phát âm đúng 1 chữ “Gambir”, không cần nói nhiều vì sẽ làm cho người ta rối.
+ Hỏi giá: bạn chỉ cần chỉ vào món đồ muốn mua, mở Máy tính trên điện thoại rồi đưa cho người ta, người ta sẽ nhập số tiền vào đó.