Conques
Hai thế kỷ sau, đồng thời với tu viện, làng Conques trở nên một thị trấn trù phú và trong Cuốn sách các phép lạ thánh Foy, tác giả Bernard d'Angers miêu tả một thành phố quan trọng, mở rộng ra lên đồi bao quanh tu viện. Sách còn nói đến một ngành thương mãi phát đạt bán sáp và đèn cho khách thập phương. Quán trọ, quán ăn cũng là một mối lợi tức đáng kể vì các tu sĩ không thể bảo đảm lương thực và phòng nghỉ cho tất cả khách hành hương. Trong ngành xây dựng nhà thờ, tu viện, thành lũy, cửa ô,...nếu các thợ đẽo đá, thợ chạm gỗ từ xa mời lại, nhân công, thợ đào đất được tuyển mộ tại chỗ cống hiến một số công ăn việc làm cho dân bản địa. Năm 1341 Conques sổ sách kê 730 hộ gồm có khoảng 3000 nhân mạng, sầm uất hơn nhiều cái làng nhỏ bây giờ. Và tất cả dân cư nầy sống quanh tu viện với một kiến trúc tất nhiên thiết dụng đáp ứng hai nhu cầu tiếp đón quần chúng hành hương đồng thời đảm nhận trong nhà thờ mỗi ngày bảy lần các buổi lễ từ kinh mai đến kinh tối, đúng theo nghi thức của dòng thánh Benoït. Nơi Dadon chọn lựa trước kia đúng là chỗ để xây dựng một nhà tu nhỏ bé, khổ hạnh, bây giờ chỉ mở rộng ra thành được một nhà thờ thu hình : hậu cung không sâu, gian giữa ngắn (20,70m) đối với một cánh ngang tầm rộng ít thấy (35m). Để bù vào kích thước nhỏ bé ở mặt đất, nhà thờ chỉ có thể phát triển lên chiều cao (22m), cao ngang hàng với những nhà thờ dài gấp đôi trong vùng. Trong thực tế, ba nhà thờ đã tiếp tục nhau mọc lên. Cái thứ nhất xây dựng vào khoảng cuối năm 800 là để thờ Chúa Cứu Thế. Khi thánh tích của thánh Foy được đem về đây, vì khách thập phương quá đông, vào giữa thế kỷ 10, trưởng tu viện Etienne cho xây một nhà thờ lớn hơn, tồn tại không được một trăm năm. Qua thế kỷ 11, với đoàn khách hành hương Saint-Jacques de Compostelle dồn dập đổ xô, trưởng tu viện Oldoric bắt đầu thực hiện nhà thờ tu viện phong cách roman ta thấy ngày nay, thường được xem là một kiệt tác miền nam nước Pháp. Bắt đầu với phần dưới mặt ngoài gian giữa, nhà thờ được mở rộng ra hướng tây để kết thúc sau ba phần tư thế kỷ, với nhiều lúc gián đoạn, dưới thời trưởng tu viện Boniface. Sau Cách Mạng, nhà thờ bị bỏ rơi, may nhờ có nhà văn Prosper Mérimée, hồi ấy là thanh tra các Di tích lịch sử can thiệp tác động, nhà thờ mới được trùng tu từ năm 1837. Viếng nhà thờ Conques ngày nay, khách không sao dửng dưng được trước kho tàng kim hoàn những hòm thánh tích bằng vàng, bạc, đá quý, men khảm. Người yêu chạm trổ mặc sức chiêm ngưỡng hơn 300 mũ cột với đủ loại trang trí, từ hoa, lá qua thú vật, đến những cảnh tượng hàng ngày hay nguồn gốc tôn giáo.
Ô trán nhà thờ Sainte-Foy ở Conques
Nhưng tức khắc đập vào mắt khách đến viếng nhà thờ là cổng vào với ô trán khổng lồ (rộng 6,75m, cao 3,62m) trình bày 124 nhân vật sắp trên ba tầng (thiên đàng, trần thế, địa ngục hay nơi chuộc tội tartare) hoàn toàn được bảo quản tốt đẹp. Với thời gian, màu sắc đã bị phai lạt ít nhiều, nhưng nhìn kỹ cũng còn thấy vài vết làm nổi bật những nét chạm trổ, màu xanh trội nhất ở chốn thiên đàng, các màu đỏ, son nơi địa ngục. Ô trán đặt cách mặt đất chỉ 3,60m, khá thấp để có thể nhận rõ các chi tiết mặc dầu số nhân vật phong phú, những cảnh tượng nhiều dáng vẻ. Nếu tầng trên cùng dành cho các thiên thần, tất cả xếp đặt quanh đức Chúa Cứu Thế trong một khung hình bầu dục mandorle ở tầng giữa, thanh thản, không nghiêm nghị, chẳng yếu đuối, hai mắt một thoáng xa vời nhìn thẳng ra đằng trước, mình phủ một tấm quàng vai pallium hở bên mặt, hai tay phác họa một cử chỉ tín hiệu ít thấy trong khoa tranh ảnh các ô trán nhưng rất quan trọng : tay mặt hướng lên cao như được kéo lên trời trong thời kỳ Thăng thiên, cũng là để đón nhận những ân huệ của Chúa ; tay trái ngã xuống đất tỏ lời từ biệt vì Ngài sẽ trở lại, nhưng bàn tay ngửa ra cũng có nghĩa là để chia sẻ ân huệ với những ai cần vì Ngài sẽ trở lại để cứu vớt chứ không phải để phán quyết : vinh hồi và cứu thế. Cử chỉ nầy gợi lên sự song tính của đấng Christ, vừa là thần thánh, vừa là hóa thân. Hai chân đặt trên một cái bệ nghiêng xuống âm phủ nhắc lên chuyến xuống cõi chết trước khi sống lại, nghĩa là Ngài mang cả ơn giải thoát xuống địa ngục. Giêsu mất đi, xuống địa ngục, sống lại để lên trời, rồi trở về trần xét xử người sống và người chết. Vào thời roman, phán quyết chưa phải là một xét xử mà là sự hiện hình một đấng Christ siêu việt, chúa tể cả cái sống lẫn cái chết, vị cứu tinh những ai tin tưởng ở Ngài. Đây ta đứng trước một đấng Christ thắng trận, trong dáng vẻ lộng lẫy huy hoàng một vị hoàng đế La Mã, vừa là nhà vua vừa là quan tòa, chễm chệ trên một chiếc ngôi đầy sao bao quanh, dưới chân có hai thiên thần cầm nến soi sáng địa cầu. Người Pháp thường tôn vinh Ngài là le Christ en Majesté (Đức vua Christ) ngồi trong một ô trán mang tên Phán quyết cuối cùng (Jugement dernier) trong Phúc âm theo Matthieu, bên tay mặt là những vị được ân sủng ở Thiên đàng, bên tay trái là những kẻ bị tội về Địa ngục.