Đi lại ở Nhật như thế nào?
Tiếp tục chủ đề về ăn ủ ụ ị, thông tin dành cho bạn nào sắp đi Nhật tham khảo, nếu không thì nên bỏ qua vì khá buồn tẻ :d
Trước khi tìm hiểu về đi lại ở Nhật thì nên xem qua trang web này:
http://www.hyperdia.com/en/
Bạn chỉ cần gõ điểm đi, điểm đến, giờ đi (có thể lựa chọn nâng cao với loại hình phương tiện…), nó sẽ cho bạn các lựa chọn về lịch trình, thời gian đi lại, Km, giá vé… Lưu ý công cụ này chỉ áp dụng cho máy bay và tàu (tất cả các loại).
Các thông tin chi tiết hơn về phương tiện tại Nhật thì ở đây:
http://www.japan-guide.com/e/e627.html
1. Máy bay
Nhiều người không tính đến phương tiện này khi di chuyển ở Nhật. Tuy nhiên, nếu bạn đi ngắn ngày hoặc xác định đích đến là các điểm ở xa như Hokaido, Okinawa… thì không hẳn bay là phương tiện tốn kém nếu so với các loại hình khác, tất nhiên là budget airlines.
Ví dụ: Từ Tokyo đến Sapporo (thủ phủ Hokaido): khoảng 1200km
- Nếu đi kết hợp Shinkansen và commuter train thì bạn đi mất hơn 22,000 Yên, 10 tiếng
- Nếu bay tối bằng Skymark thì bạn chỉ mất 9.500 Yên, 1.5 tiếng
Tất nhiên, ở đây nói đến trường hợp bạn không muốn la cà dọc đường mà chỉ muốn đến thẳng Hokkaido. Nếu có thời gian và mua được JR Pass thì rẻ hơn rồi.
Một số hãng hàng không giá rẻ:
Skymark:
http://www.skymark.co.jp/en/
Airdo:
http://www.airdo.jp/share/eng/index.html (bay lên Hokaido)
Skynet:
http://www.skynetasia.co.jp/eng/fare/price/visit.html (bay xuống phía Nam)
Bạn nào muốn đi nhanh từ Tokyo xuống Okinawa thì Skynet quá tuyệt vì chỉ mất 10,000 Yên.
Một số hãng kháng nhưng Web không có tiếng Anh như JAL express (thuộc JAL), Air Next (thuộc ANA).
2. Tàu Shinkansen
Niềm tự hào của người Nhật. Đoàn tàu Shinkansen có tốc độ khai thác cao nhất ở Nhật hiện đang chạy ở Akita với tốc độ 320km/h. Hiện Hokkaido chưa có tàu Shinkansen
Về vé
Mua vé đi Shinkansen giống như mua vé tàu thường, bạn ra ga và mua vé ở máy bán vé tự động hoặc vào quầy vé trong những ga lớn. Có hai loại vé: reserved và non-reserved. Vé reserved bạn phải trả thêm khoảng 500-1000 Yên nhưng chắc chắn có ghế ngồi. Vé non-reserved thì ai lên trước ngồi trước, không có ghế thì đứng (cũng không phải là vấn đề lắm vì khoảng cách 500km bạn chỉ phải đứng khoảng 2 tiếng). Một đoàn tàu 8 toa thì có khoảng 3-4 toa là non-reserved.
Trong số các toa reserved, bạn có thể bỏ thêm vài ngàn Yên nữa để ngồi toa Green, rộng rãi thoải mái hơn.
Về Pass
Đường sắt ở Nhật chia thành 6 công ty đường sắt khai thác độc lập: JR Hokkaido, East, West, Central, Shikoku, Kyushu và khai thác theo khu vực. Ngoại trừ JR Pass và Seishun 18 Kippu có thể chạy thông suốt giữa các khu vực, vé thường bạn phải mua cho từng khu vực, khi sang khu vực khác thì phải mua vé mới (cũng không mất thời gian lắm). Tương ứng, mỗi công ty đường sắt có Pass riêng, cho phép bạn đi không hạn chế ở một số tuyến/ toàn bộ mạng lưới trong khu vực khai thác của công ty đường sắt đó. Tham khảo trang web của các công ty để biết thêm về tuyến và vé hoặc ở đây:
http://www.japan-guide.com/e/e2357.html
(Đáng tiếc loại Pass này chỉ áp dụng cho người nước ngoài đến Nhật du lịch (temporary vist visa), thế nên mình không có thông tin thực tế).
3. Tàu, bus đô thị:
Hệ thống tàu điện có ở hầu hết các thành phố lớn của Nhật. Hệ thống vé có thể khác nhau. Ví dụ ở Tokyo thì bạn mua vé theo chặng (từ 160 Yên cho 1-2km đến 300 Yên cho khoảng dưới 40km) thì Nagasaki (tàu điện mặt đất – tramway) lại áp dụng giá vé đồng hạng 100 Yên bất kể khoảng cách di chuyển (trong nội thành). Hầu hết các thành phố đều có Metro Pass, cho phép bạn đi không giới hạn trên một số tuyến/ toàn tuyến trong một/ một số ngày. Ngay khi xuống các ga trung tâm, bạn nên vào phòng vé/ information counter để hỏi các loại pass tiện lợi này.
Một số thành phố không có mạng lưới Metro rộng khắp thì phải chọn bus để đi lại. Ví dụ Kyoto chỉ có hai tuyến chạy Metro trong nội đô thì Bus Pass một ngày (500 Yên) là phương thức tối ưu. Nếu không bạn phải trả 220 Yên cho mỗi lần lên bus bất kể khoảng cách (trong nội thành). Khi mua Pass thì thường sẽ có kèm theo bản đồ tiếng Anh cho bạn sử dụng.
4. Bus đêm:Đây là phương tiện đi lại rẻ nhất ở Nhật nếu bạn di chuyển đường dài. Ví dụ, từ Tokyo đến Kyoto, nếu bạn đi Shinkansen thì mất 13.500 Yên (khoảng 2h) nhưng nếu đi bus đêm loại standard thì chỉ mất 4500 Yên (7 tiếng) đến 6000 Yên. Hoặc khoảng cách Tokyo – Niigata mất hơn 10,000 Yên cho Shinkansen nhưng chỉ mất 5000 Yên cho bus. Tất nhiên cả đêm nằm trên xe thì không thoải mái lắm (dù ghế đều ngả được) và hầu hết các xe mình đã đi thì đều dừng lại một đến ba lần trong đêm để lái xe nghỉ và khách ăn đêm, tè tiểu.
Tại Tokyo, các hãng bus hầu hết đón khách tại Tokyo Disney Land, ga Tokyo, (Shibuya), Shinjuku, Yokomama (nếu bạn đi xuống phía Nam) và ga Ikebukuro (nếu bạn đi lên phía Tây Bắc.
Bạn phải mua vé từ trước chứ không bán vé tại cửa xe (có thể mua ngay trước khi khởi hành tại phòng vé nếu vé còn). Có thể mua vé bằng Credit Card, tại phòng vé hoặc reserve rồi xuống Convenience Store (như Familimart, Lawson...) để thanh toán qua máy. Một số hãng bus có tiếng:
- Willer bus:
http://willerexpress.com/bus/pc/3/top/
Hãng này khá uy tín và yêu nhất là Website bạn ấy có…tiếng Anh; giá cả vừa phải nhưng điểm yếu là xe không có …toilet (trên loại xe mình đi Kyoto) nên đêm đó xe dừng lại đến 3 lần, khá mệt vì mất ngủ. Thích nhất ở hãng này là …chỗ check-in, đẹp – lịch sự - chu đáo hơn Việt Nam ai le nhiều lần.
-Vip Liner:
http://vipliner.biz/
Website không có tiếng Anh nhưng giá cả khá tốt. Mình chỉ phải trả 3000 Yên để đi từ Tokyo đến Nagoya (6.5h). Trên xe có toilet nhưng đêm đó vẫn dừng lại cho khách nghỉ 2 lần (chắc hãng nào cũng vậy). Hãng không có phòng đợi, đón khách ở vỉa hè nên nếu hôm nào mưa thì hơi vất vả.
Ngoài ra bạn có thể search nhiều hãng khác như Orion-bus, Kanto-bus...
Còn nghĩ ra cái gì mình sẽ post sau