Bài này em đăng trên báo khoa học & đời sống. Mục "Dọc đường gió bụi" số ra Thứ 3 ngày 9/12. Cho đến giờ còn chưa biết mặt mũi bài báo mình nó ra làm sao. Chỉ có cái ảnh lờ nhờ. Không biết nội dung được biên tập lại như nào. Tớ đăng bản thảo lên nhá.... Nhiều ảnh và lời trùng lặp ở trên. em cứ xin phép post lại
CẢM NHẬN SYDNEY
Ngày đầu tiên: Ấn tượng về thành phố thương mại nhộn nhịp
Sydney chào đón tôi bằng hình ảnh bất thường với bầu trời nằng nặng và xám xịt, Cơn mưa có dấu hiệu không dứt do ảnh hưởng của cơn bão mới tràn qua. Nước Úc vốn khô hạn, nhất là khu vực Nam Úc và vùng hoang mạc trung tâm. Những cơn mưa thường đến bất chợt nhưng cũng đi rất mau. Khách bộ hành thậm chí chưa kịp xòe ô đã ngớt mưa rồi. Cơn mưa làm không khí lạnh thêm, bầu trời xám xịt khiến tôi có chút liên tưởng mùa mưa bão quê nhà. Những địa chỉ trong khả năng đi bộ của mình được tôi nhanh chóng điểm trong đầu. Darling Habour, Circular Quay – nơi có nhà hát Opera Sydney và the Rocks, một bến cảng cũ nằm chung trong quần thể kiến trúc vịnh Sydney. Cái tên Darling vốn thường dùng để gọi ai đó một cách thân mật và đầy trìu mến lại được đặt cho một bến cảng gợi sự tò mò khiên tôi không cưỡng được ý muốn thăm nơi đó trước cả nhà hát Con sò nổi tiếng.
Dảling Harbour trong chiều mưa
Khu cảng là nơi neo đậu của những du thuyền vừa và nhỏ, hệ thống các quán bar, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, bảo tàng, triển lãm, một vườn thú và một một thủy cung nhỏ. Mọi thứ được quy hoạch lề lối, hiện đại với công năng đa dạng, có khả năng phục vụ rộng rãi các nhu cầu giải trí, văn hóa, giáo dục của người dân thành phố ở mọi lứa tuổi.
Darling Harbour lung linh trong đêm
Khác với Melbourne - nơi tôi đang sống, Sydney có dáng dấp một trung tâm kinh tế hơn. Không rõ có phải do trận mưa hay không mà tất thảy đều hối hả khiến một kẻ đang lang bạt như tôi như rơi tõm vào trong lồng một chiếc máy giặt đang quay. Kiến trúc của Sydney là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Những công trình cổ mang đậm dấu ấn của người Anh với kết cấu bằng đá vững chãi và đường nét điêu khắc tinh tế. Tuy nhiên những công trình mới xây mang vẻ giản đơn, khỏe khoắn của người Đức với vật liệu chủ đạo từ kim loại như thép, nhôm hoặc hợp kim. Điều này cũng dễ hiểu khi những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến nước Úc là người Anh. Cho đến ngày nay, khi người Úc đang đầu tư xây dựng ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia thì ngay tại Úc, các tập đoàn xây dựng hàng đầu đều mang quốc tịch Đức.
Kiến trúc Sydney- sự hòa trộn mới- cũ
Hai công trình được coi là niềm tự hào của bang New South Wales cũng như toàn nước Úc đó là Nhà hát Opera Sydney-hay còn gọi là nhà hát Con Sò và cầu cảng Sydney. Nằm chung trong một quần thể kiến trúc, hai công trình này là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Sydney. Ý tưởng xây dựng một cây cầu nối hai bờ Nam Bắc của vịnh Sydney được đưa ra từ năm 1815. Cây cầu này được khởi công xây dựng năm 1924 và khánh thành năm 1932 với chi phí xây dựng hơn 4 triệu bảng Anh. Cầu cảng Sydney có thể so sánh với tháp Eiffel của Pháp- xây dựng cùng thời kỳ- về mức độ sử dụng vật liệu cũng như độ phức tạp của kết cấu.
Ngày nay, cây cầu này trở thành địa điểm lý tưởng để phóng tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vịnh. Hàng năm vào đêm giao thừa, màn bắn pháo hoa tại đây là một trong những điều được mong đợi nhất.
Cầu cảng nhìn từ nhà hát
Nhà hát Opera Sydney là nơi tôi mơ ước được đến từ rất lâu. Kiến trúc mái độc đáo như những cánh buồm căn gió.