What's new

[Chia sẻ] Campuchia: Ghi chép, tổng hợp và cảm nhận

FLOWERINTHEPARK5.jpg

Hoa muống tím - Ream national park, Sihanoukville

Cuộc sống luôn có một chữ duyên! Tôi chắc là thế. Lần đầu tiên đến Campuchia với tâm thế của một người đi công tác, tôi vốn dĩ không hề nghĩ rằng rồi mình sẽ có nhiều lần quay trở lại. Nhưng giờ đây tôi ngồi viết những dòng chữ này để tỏ lòng cảm ơn đến miền đất này – nơi đã cho tôi có thêm nhiều yêu thương với những vùng đất mới.

Bài viết có sử dụng thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều nhất từ “Ký sự Campuchia” của tác giả Binh Nguyên, báo Tuổi trẻ và “Mekong ký sự “ của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Nhân đây cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các tác giả!


01.07.2009 – CÂU CHUYÊN MỘT ĐÊM MƯA

Chiếc xe tuk tuk chạy lòng vòng hơn 30 phút qua những con đường nhỏ tối sẫm trong màn mưa. Anh chàng tài xế với thân hình cao béo và gương mặt phúc hậu đưa tay gạt những hạt mưa đang tuôn từ trên trán xuống và miệng không ngừng nói thứ tiếng Anh đặt sệt Khmer để trấn an chúng tôi rằng anh đang cố tìm ra đường về khách sạn.

Chiều này chúng tôi chỉ mất khoảng hơn 15 phút để đi từ khách sạn đến trung tâm mua sắm Sorya thế mà giờ đây chúng tôi vẫn còn ở trên những con đường vắng lặng chỉ có tiếng gió rít qua những tán cây.

Tôi và cô bạn đi cùng đâm ra cáu bẳn vì lúc lên xe anh chàng cứ gật đầu liên tục và nói Yes yes rằng biết khách sạn nơi chúng tôi ở . Chợt trong đầu thoáng qua ý nghĩ chắc là thằng cha này muốn làm tiền mình đây

Không chịu được nửa, chúng tôi ngồi từ phía sau mà nói vọng ra như đang thét
vào tai anh rằng hãy tìm nhà người dân mà hỏi và tụi tao chỉ trả 2USD như đã thỏa thuận thôi.

Một nhà, hai nhà rồi đến nhà thứ ba. Trời ạ! Hóa ra khách sạn mà chúng tôi đang ở chẳng có mấy người biết tới nó. Đưa danh thiếp khách sạn viết toàn bằng tiếng Anh ra mà mấy người Khmer cứ nhìn tới nhìn lui rồi gật gù chẳng biết trả lời hoặc có trả lởi chỉ dẫn thì cũng sai bét nhè.

Gọi điện về khách sạn nhờ một tiếp tân chỉ đường nhưng mãi đến hai lần chúng tôi mới về được nơi mình mong mỏi tới. Đồng hồ chỉ đã hơn 10 giờ. Thật hú hồn!

Chúng tôi rút ra 2USD trả cho một cuốc chạy bằng tuk tuk với gần một tiếng đồng hồ, rồi chạy vụt vào khách sạn.
Và đêm ấy tôi đã trằn trọc vì nhớ về nụ cười hiền hậu và tấm lưng ướt đẫm của người tài xế nghèo lúc chào chúng tôi ra đi. Anh đã không hề đòi them bất cứ khoản tiền nào dù rằng anh đã thực hiện tới mấy cuộc gọi và đã đốt biết bao nhiêu xăng trong cơn mưa lạnh buốt đêm đó. Vậy mà chúng tôi, những người khách lần đầu tiên từ Việt Nam sang lại đem lòng nghi ngờ anh và đã cư xử với anh chẳng mấy gì tốt.

Đem câu chuyện về một tiếng đồng hồ cho một cuốc tuk tuk từ Sorya về khách sạn, người tiếp tân cho biết rằng trước chúng tôi đã có nhiều trường hợp như vậy. Nguyên đây là một khách sạn nằm xa khu Tây balô ít người biết đến và rằng đường xá Phnom Penh phần lớn được đánh số nên những người lái xe tuk tuk nếu chưa từng qua đây thì thế nào cũng sẽ mò mẫm dò đường.

Trở lại campuchia đã biết bao nhiêu lần, tôi cứ mong mỏi rằng sẽ lại gặp được anh, người tài xế với tấm lưng ướt đẫm và nụ cười hiền hậu. Nhưng có phải tôi bị trừng phạt chăng khi cho đến tận giờ tôi vẫn mang mãi cảm giác nợ một lời xin lỗi chân thành với một người đã dạy cho mình phải biết tin vào thế giới này – một thế giới mà người tốt chắc chắn là nhiều hơn những kẻ xấu!


NHỮNG NGƯỜI TRẺ

MOLIDENGUESTHOUSEFLOWER.jpg

Moliden tiền sảnh

MELEDANKAMPOTICECREAM.jpg

Kem dâu Moliden

Là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ hàng trăm USD, cuộc sống với người Campuchia là những tháng ngày lao động và du lịch là một cái gì đó xa vời với số đông quần chúng.

Thế mà đất nước này lại còn là một trong những nước có tình trạng tham nhũng tồi tệ nhất thế giới.. Hẳn ai đã từng đi qua các cửa khẩu Bavet, Prek Chak, đặc biệt là Poi Pet đều biết được điều này. Những người hải quan ăn tiền một cách trắng trợn, và có lúc đã làm cho tôi phát xùng lên


Còn với khá nhiều người Việt nam mà tôi tiếp xúc khi được hỏi sao không du lịch sang Campuchia, họ đã trả lời một cách “giản dị” rằng Campuchia thì có cái gì mà xem?! Qua bển gặp Khmer đỏ hả?! người Campuchia đi ăn xin đầy đường, nghèo thấy mồ…

Nhưng rồi trong những chuyến hành trình trên vùng đất này, tôi đã nhận ra rằng nó đã và đang thay đổi, ít nhất tôi thấy được điều đó từ những người trẻ mà tôi đã được gặp ở nhiều nơi trên đất nước này.

Và đây là câu chuyện về một người trẻ ở vùng quê nghèo Kampot

Câu chuyện bắt đầu vào một sáng thứ bảy khi tôi đạp xe trên con đường song song với dòng Kampong Bay thì lập tức bị cuốn hút bởi một nhà nghỉ được làm toàn bằng gỗ với khuôn viên bên ngoài đầy cây xanh bóng cả và những chiếc ghế cây mộc mạc – một phong cách hoàn toàn Tây. Gía mỗi phòng từ 30USD trở lên.

Dừng xe vào thăm, một thiếu niên chỉ mới 16 tuổi nói tiếng Anh khá tốt, đón tiếp và đưa tôi tham quan một loạt các căn phòng. Trong cuộc trò chuyện sáng ấy tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng Giám đốc điều hành của nhà nghỉ có tên Moleden này chỉ mới 22 tuổi và sáng nay anh đang bận học đại học!

Hôm sau tôi phải về Việt Nam, sẽ là rất tiếc nếu không gặp được người giám đốc trẻ đó. Thế là tôi quyết định đến chiều nhất định phải quay lại.

Mặt trời khuất dần sao dãy núi Tượng và dòng Kampong Bay thật êm đềm. Bước vào Molenden ngồi xuống và gọi một ly kem, một anh chàng ăn vận rất giản dị với áo sơmi tay dài, quần jean rất thân thiện, niềm nở mang ly kem lên. Hóa ra đó chính là người mà tôi muốn tìm! Và đúng thật như cậu thiếu niên tiếp tân đã nói anh chỉ mới 22 tuổi và đang học thêm chuyên ngành luật.

Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện thú vị hơn 30 phút về nhiều vấn đề. Anh luôn tỏ ra là một người bặt thiệp, đầu óc khá nhạy việc kinh doanh và “già” hơn nhiều so với cái tuổi 22 mà nhiều người trong định hướng vẫn còn hết sức mơ hồ chứ đừng nói gì tới thực hiện hoài bão.

Con đường giờ đã lên đèn, tôi ngồi đó rồi chợt nghĩ về một ông chủ trẻ của một nhà hàng với trang trí nội thất theo gu Tây bên dòng Mekong của tỉnh lị Kampong Cham. Nếu tôi nhớ không lầm 19 tuổi anh đã bắt đầu kinh doanh và đi đến nhiều nước trong khu vực…​

KAMPOTHONGHN1.jpg

Hoàng hôn khuất dần sau dãy núi Tượng

TBC
 
Last edited:
SIÊM RIỆP VÀ CÁC PHỐ TÂY

Nền kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ thập niên 90 với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6% và được xem là một trong những nền kinh tế mở nhất châu Á. Đây có lẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để các nhà kinh doanh phương Tây tha hồ mà vào đây biến nhiều nơi thành những khu phố Tây chính hiệu

SIEMRIEPRIVER.jpg


Khi chưa đặt chân đến Campuchia, trong đầu tôi vốn dĩ chỉ nghĩ một cách giản đơn rằng đây là một nước nghèo hơn Việt Nam và rằng Campuchia chỉ có Angkor. Thế rồi ngay trong chuyến đầu tiên đến Siêm Riệp tôi đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn về nó.

Cũng giống như nhiều du khách trước khi đến với Siêm Riệp thường chỉ nghỉ về Angkor xong khi đã đến đây rồi thì mới nhận ra rằng bản thân thành phố cũng đã là một hấp lực.

Siêm Riệp mang vẻ đẹp của một tỉnh lẻ, sang trọng, thanh tịnh và không xô bồ. Ở một mức độ nào đó có thể nói thành phố như được che chở bởi cả một rừng cây với những hàng đại thụ nằm trong Quảng trường công viên thành phố và dọc theo dòng kênh Siêm Riệp.

Nhịp sống nơi đây không gì hối hả, và vì được hít thở trong một bầu không khí trong lành cùng những giây phút tản bộ hay nghỉ ngơi bên những chiếc đá khắp thành phố mà lòng cảm thấy nhẹ tênh, những muộn phiền biến mất đi tự lúc nào.

Có người đã thốt lên rằng Siêm Riệp có nét duyên ngầm. Với tôi, thì quả thậy đúng vậy, tôi đã và sẽ trở lại miền đất này. Nó như một nỗi ám ảnh thường trực của từng đêm sau ngày trở về!

Tôi có dịp tham quan khách sạn ở nhiều nơi nhưng không ở đâu như Siêm Riệp khách sạn ngay từ cái nhìn đầu tiên đã hút hồn tôi. Chúng không ngừng mọc lên như nấm và tên của chúng thường bắt đầu hoặc kết thúc với chữ Angkor, Apsara như để khẳng định mình là hậu duệ của một đế chế đã tạo nên một thời kỳ vàng son trong lịch sử:” Thời kỳ Đông nam Á dưới bóng Angkor”.

Điểm nổi bật của các khách sạn này là chúng rất sang trọng nhờ vào việc sử dụng gỗ quý cho trang trí nột thất và xét về mặt kiến trúc chúng hút hồn người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên: vừa có cái gì đó cổ kính vừa hiện dại nhờ kết hợp kiến trúc Khmer cổ, Pháp thuộc địa và nét hiện đại bây giờ.

Tổ hợp liên hoàn của các khách sạn với những kiến trúc tương tự nhau đã tạo thành đấu ấn riêng của Siêm riệp mà ở Đông Nam Á khó có nơi nào có thể so sánh được. Đó là suy nghĩ của riêng tôi .

TPHCM có phố Tây Phạm Ngũ Lão – Đề Thám – Bùi Viện, Bangkok có Khaosan – Con đường ngắn nhất có giấc mơ dài nhất, nhưng với tôi nói tới phố Tây tôi lại nhớ về Siêm Riệp và Sihnaoukville…

Chúng mang một phong cách lịch lãm và thơ mộng. Ở đó bạn có thể ngồi hàng giờ liền đề ngắm ngươi qua lại, thả mình theo những dòng nhạc trừ tình, trò chuyện với những người bạn mới gặp mặt và nhắm nháp bia hơi Anchor chỉ với giá 0,5USD/ly…

Ở đó gần như không có đất sống cho sự xô bồ và những thứ “phá cách”. Và khu phố được chỉnh chu bài bản với những con hẻm nhỏ êm đềm với ánh đèn rực sáng và trông có gì đó như Hội An mà lại hiệu ứng hơn về cảm nhận tổng thể. Lần đầu tiên tôi đã phải thốt lên rằng “ăn đứt Đề Thám – Phạm Ngũ Lão (Cảm nhận riêng).

Mời các bác tìm đọc Sihnaoukville – Đêm trọn vẹn của biển trên diễn đàn để hiểu thêm về phố biển Tây.
 
Last edited:
ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP VÀ VÀI CÂU CHUYỆN VUI

Theo ước tính CPC hiện có khoảng 1000 ngôi tháp và 5000 ngôi chùa. Có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, các ngôi tháp cổ hơn và trở thành phế tích nhiều hơn do Ấn Độ Gíao thịnh hành trước Phật giáo. Thứ hai, số lượng các ngôi chùa vượt trội hơn hẳn số lượng các ngôi tháp do CPC hiện nay là một đất nước Phật giáo với 95% dân số theo Phật giáo nguyên thủy

CHUASIHANOUKVILLE1.jpg

Sa la song thụ

Từ lâu ở CPC, Phật giáo đã trở thành cội nguồn của sức mạnh, là động lực và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, là đối tượng để tôn thờ và phụng sự. Chính chùa chiền là nơi sản sinh ra đại bộ phận nền học vấn dân tộc, nghệ thuật và các nghề thủ công của đất nước. Tín ngưỡng nói chung có thể làm giảm đi nỗi đau nhân thế, nâng tâm hồn lên cõi cao siêu. Riêng đạo Phật chưa bao giờ làm cho người ta trở nên cuồng tín. Chính vì thế với người CPC niềm tin và yêu mến Đức Phật là tự đáy lòng là vô bờ bến. Chùa chiền xây bao nhiêu cũng chưa đủ, tượng Phật đúc tạc bao nhiêu cũng vẫn thiếu. Đây là điểm nổi bật của Phật giáo CPC và cũng là điểm tương đồng với Phật giáo Thái Lan, Lào, Miến Điện.

Trong suốt những cuộc hành trình trên đất nước này tôi đã từng nhiều lần cảm nhận như thể mình đang lạt vào một thế giới khác xa trần tục khi chứng kiến những hình ảnh thiêng liêng về đạo Phật giữa chốn đời thường.

Đó là hình ảnh một người đàn ông trung niên trong bộ quần áo sờn rách, kiếm sống bằng nghề đạp xích lô ỏ thủ đô Phnom Penh, kính cẩn thành tâm quỳ tặng lễ vật cho một vị sư trẻ. Giữa thủ đô ồn ào náo nhiệt, khi bắt gặp hình ảnh ấy lòng tôi như lặng đi.

Hay như tôi không hiểu vì sao, mỗi khi đến với Siêm Riệp dù dạo bước đâu đâu thì khi chiều đến đôi chân lại đưa tôi tìm về với ngôi chùa may mắn, nơi tôi được nghe các vị sư đọc một bài kinh bằng tiếng Phạn. Khi ấy cảm nhận như thể thời gian đang ngừng trôi, lòng thật bình lặng, không còn những muộn phiền lo toan của cuộc sống đời thường…

Rõ ràng với CPC đạo Phật là lẽ sống. Và sư sải là một tầng lớp đông đảo trong xã hội được nhiều người kính trọng, là biểu tượng của một ngày mai tươi sáng không còn những khổ hạnh của kiếp người.

Từ đó dễ dàng để hiểu rằng nhà cửa của người dân có thể sơ xài nhưng nhà chùa thì lại rất kiên cố và đẹp. Tinh hoa nghệ thuật kiến trúc Phật giáo tập trung cao độ trong việc xây dựng chùa chiền, tiền của công sức, trí tuệ, niềm tin tài năng của cộng đồng được quy động vào đây để tạo dựng chỗ dưa tinh thần cho xã hội. Phần lớn chùa chiền ở CPC được xây dựng nhờ vào sự đóng góp của người dân. Chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi, bên này sông bên kia sông, giữa phố phường hay trên đỉnh núi. Mỗi kẻ lữ hành dù đang ở chốn nào khi chiều về mà vẫn chưa có chỗ dừng chân đều có thể nghĩ về một ngôi chùa với một tình cảm ấm áp, gần gũi.

Việt Nam cũng là một đất nước Phật giáo, nhưng sẽ là một thú vị để biết rằng ở CPC có tập tục đi tu đại trà có thời hạn, đặc biệt là đối với các trẻ em trai. Đó là cơ hội để báo hiếu cha mẹ, nâng cao nhân cách, rèn luyện đạo đức và để được xã hội kính trọng khi vào đời. Nó tồn tại từ rất xa xưa như một quy ước về đạo đức hơn là một hoạt động tôn giáo.

Một lần có duyên tôi gặp được một vị sư Việt Nam đã từng tu học tại Ấn Độ và hiện tại là người phụ trách đưa các sư Việt sang đất nước chùa vàng Myanmar tu học. Trên chuyến xe từ Phnom Penh đi Siêm Riệp, tôi thật sự vô cùng hứng thú khi được nói chuyện với thầy – một con người mà từ khuôn mặt như toát ra một thứ ánh sáng đẹp lạ, thanh bình. Trong cuộc nói chuyện đó tôi có biết được thông tin từ thầy rằng Campuchia đã từng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của vùng Đông Nam Á và có rất nhiều cao tăng nhưng chế độ Pol Pot với “cải cách” tàn bạo của chính nó đã tàn phá đi rất nhiều chùa chiền và trong số hơn cả triệu người nằm xuống có không ít các cao tăng. Phật giáo Campuchia rõ ràng đã gánh chịu những tổn thất nặng nề và “tụt lùi” ít nhiều (Nhận xét riêng)

Giờ đây theo một tài liệu, Campuchia có khoảng 60,000 sư nhưng…
Tôi xin kể ra đây những câu chuyện vui để bạn hiểu được cảm nhận sau ba chấm ấy.

Một lần tôi có dịp ghé thăm ngôi chùa Wat Leu trên ngọn đồi Sihanoukvile. Cái nắng hầm hập của tháng 7 đủ làm cho chiếc áo thun đẫm ướt nhưng khi vừa lên tới đỉnh núi thì cảm giá thật thoải mái, những làn gió mát thổi vào và thoang thoảng hương thơm của đóa hoa Sala. Đón chúng tôi là những đứa trẻ với làn da đen nhẽm và một bầy khỉ hoang.

Ngôi chùa óng ánh trong nắng vàng nhưng khi bọn trẻ đưa tôi vào thăm chính điện thì mới nhận ra rằng nó đã xuống cấp trầm trọng, các bức họa mô tả về cuộc đời đức Phật như bệu rã ra. Nơi đây có lẽ ít tín đồ đến cúng bái và góp tiền tu sửa.
Đôi khi du khách tìm đến đây không hẳn bởi vì ngôi chùa mà vì đích ngắm là đỉnh đồi Sihanoukville.

Kể dài dòng để bạn có thể mường tượng về không gian xung quanh và giờ đây tôi xin đi vào vấn đề chính.
Hôm ấy tôi đã gặp được một tăng sinh trẻ với nụ cười ngây thơ và cách trả lời các câu hỏi của thầy cũng hết sức hồn nhiên. Sau một hồi tán chuyện, tôi mạo muội hỏi lý do vì sao thầy đi tu. Và câu trả lời là đây: “một trong những lý do là ngôi chùa là chỗ dựa vật chất – hay nói trắng ra là ở chùa thầy có thể gặp được các tín đồ gửi cho thầy ít tiền để tiếp tục ăn học” và mong muốn của thầy là “ trở thành một quản lý Resort” bởi thầy đang học chuyên ngành quản lý khách sạn!

Rồi một lần khác tôi gặp một thầy người Khmer quê Trà Vinh đang tu tại tỉnh Battambang. Trên chuyến xe Capitol từ Phnom penh về Sài Gòn, thầy là người đưa các du khách Battambang đi Trà Vinh tham quan cúng chùa, một ít thì tới Sài Gòn khám chửa bệnh.

Ngồi cạnh thầy, tôi có dịp nghe được những câu chuyện thật lòng: hồi trẻ thầy đã từng yêu nhưng rồi người yêu lấy người khác vì thầy không giàu sang. Không trình độ và còn những cái không khó nói khác mà thầy đi tu. Đi tu không phải vì muốn đạt chánh quả mà vì đó là một chỗ dựa về vật chất và cả tinh thần. Này nhé thầy sử dụng điện thoại xịn và cả việc đã từng đi nhiều nước chơi, kể cả Úc nhờ vào sự đóng góp của các tín đồ đấy.

Nghỉ về các thầy, tôi chợt đâm ra buồn cười – không phải trêu trọc hay châm biếm mà là cười sự thật thà của thầy!
Vậy đấy, giờ thì các bạn đã hiểu được chữ nhưng kia và là một lát cắt nhìn vào đời sống rộng lớn của Phật giáo ở Campuchia.
 
Last edited:
Một bài viết rất hay, sâu sắc.......Đang chờ để đọc các phần tiếp theo của bạn.
Tại sao mình không thể "cám ơn" được vậy ta, có ai chỉ giùm mình cách không?
 
KHI NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG CÒN DÙNG…

DATTRAUSIHANOUKVILLE.jpg


Sihanoukville, một đêm mưa tháng 7 và giấc ngủ thật sâu.

Từ khách sạn Beach Road tôi bước ra đường nhắm về hướng bãi biển Serendipity. Rõ là cơn mưa đêm đã có tác dụng thần kỳ, vạn vật như khoác một lớp áo mới và con đường trưa hôm qua như dài hun hút dưới cái nắng đổ lửa thì giờ đây lại như một thiếu nữ yêu kiều.

Tôi hít một hơi mạnh. Hương cỏ và sự trong lành của những làn gió biển.Thật sảng khoái.

Sihanoukville đúng là một thành phố biển của hoàng hôn và màn đêm. Tôi nghĩ thế, ít nhất là lúc này khi mà những du khách phương Tây vẫn còn chìm trong giấc mộng và đường xá thật sự thưa vắng. Yên tỉnh thật. Con đường lên dốc thoai thoải mà bước chân nhẹ tênh. Có cảm giác gì đó như một Đà Lạt giữa lòng biển khơi.

Đang nghĩ ngợi vu vơ, bất chợp thật thú vị tôi gặp được hai đứa nhóc tì, một đứa khoảng hơn 6 tuổi còn đứa kia chỉ chừng mới bước sang 4. Cả hai đứa mắt tròn xoe, làn da nâu xẫm, đi chân trần và đứa nhỏ thậm chí chỉ có một cái áo nhào cũ trên người. Chúng dắt hai con bò trắng đi trên phố - chắc là đi tìm cỏ non. Đứa lớn cầm dây mà dẫn bò còn đứa nhỏ thì để con bò “dẫn “ sau!!!

Thật hay! Giữa thành phố toàn những khách sạn nhà nghỉ cho Tây lại bắt gặp hình ảnh này.
Đưa máy ảnh lên chụp mà bọn chúng cứ tròn mắt ngạc nhiên. Hồn nhiên là thế. Rồi một lúc sau hai con bò như bất chợt chọn được miền cỏ non mà vùng dây chạy đi. Cả hai đứa nhóc để mặc cho hai con bò chạy và chỉ đứng nhìn một cách ngon ơ, chẳng lo lắng gì. À giờ thì tôi đã hiểu ra đây là một trong những lý do mà thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những con bò đi hoang!

Bạn có cảm thấy rằng tôi đang đi lòng vòng và lạc đề với cái tít trên?

Trên miền đất Campuchia không biết đã bao lần tôi bắt gặp hình ảnh của những đứa bé ngây thơ nhưng cái nghèo đã cướp đi ở chúng những ngày tháng chỉ để ăn ngủ nghịch đùa. Không ít đứa đã phải vào đời quá sớm và nếu nhìn trên tổng thể thường thân hình của chúng còm cỏi và già hơn quá nhiều so với tuổi đời non nớt.

Khi còn ở tuổi học trò,bạn có bao giờ phải mang tiền hàng ngày đi đóng học phí cho thầy? Nghe thật lạ! Nhưng đó là những gì đang diễn ra ở Campuchia. Khi người nghèo còn phải lo miếng ăn hàng ngày thì chắc chắn sẽ có không ít trẻ em không bao giờ mơ tới những ngày tháng cắp sách tới trường. Đây có lẽ cũng là lý do tỷ lệ biết chữ của người Campuchia vẫn còn thấp.

Giàu và nghèo thật sự là hai thái cực nghịch chiều chạy song song ở Campuchia. Trong khi Phnom Penh được ví von là thành phố Lexus nhằm nói tới một bộ phận tầng lớp giàu xụ chuyên sử dụng loại xe này chạy khắp đường phố thì cũng ở đó còn quá nhiều những mảnh đời đáng thương.

Rồi rời xa Phnom Penh trên những chuyến xe đò về các tỉnh , trông gương mặt gầy còm của đại đa số hành khách mà nao núng lòng dạ người khách phương xa.

Du lịch là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Campuchia nhưng có đi nhiều tôi mới nhận ra rằng đằng sau những quán xá, khách sạn sang trọng là những người chủ phương Tây. Tự hỏi liệu bao nhiêu người dân được thụ hưởng từ chính Angkor, Sihanoukville…? Chỉ nhớ đằng sau của dãy khách sạn sang trọng ở Siêm Riệp là những căn nhà lá xụp xệ chạy theo dòng kênh đã lên màu. Hay đứng bên cạnh những biệt thự đang mọc lên ở Sihanoukville là những con người ngụ cư trong những túp lều rách nát….

Bạn có nhiều đồ dùng như quần áo giày dép đã lỗi thời? Chúng sẽ là những món quà thật sự ý nghĩa với những thân phận nghèo trên mảnh đất này!

Còn nhớ một lần tôi gửi một bao đồ củ cho một ông bố của ba đứa con nhỏ kiếm sống bắng nghề chạy tuk tuk, ông đã phấn khởi và vui mừng biết bao. Thế đấy, người đàn ông suốt ngày đi trong nắng trong mưa với chiếc áo sơmi bạc màu sờn rách thì bao đồ còn nguyên vẹn mà tôi gửi là cả một gia tài...


DIHOCVETRENXEBO1.jpg

Trên đường đi học về

CHOINHAC.jpg

Van yeu doi
 
Last edited:
GIỮA HAI LÀN RANH

Bạn có bao giờ đứng giữa hai con đường mà lại không biết mình sẽ đi đâu về đâu?
……………………………………………

Người phụ nữ gầy còm với chiếc áo bà ba đã rách vá nhiều chỗ ra sức khua chèo đưa con thuyền tiến về phía trước. Mưa càng lúc càng nặng hạt và dòng Châu Giang chảy xiết lên màu đỏ ngầu.

“ Chỉ kiếm được có vài ngàn đồng thôi chú ơi!” – tôi cố nghe người phụ nự chèo thuyền đáp lại câu hỏi của mình trong tiếng gió vù vù giữa bốn bề sông nước.

Cơn mưa đã đến bất ngờ quá và tôi ướt như chuột lột vì chẳng có chuẩn bị gì. Cái lạnh thấm vào người theo từng cơn gió. Người phụ nữ tiếp tục chèo chống con thuyền và mưa tạt xiêng qua chiếc nón lá mỏng manh .

Hơn 30 phút – tôi ước chừng thế - từ bến đò tới làng Chăm.

Thật khó tưởng tượng rằng tôi đã đi một tiếng đồng hồ cho hai chiều sông nước mà người phụ nữ chèo thuyền kia chỉ được trả có vài ngàn đồng. Nhưng đó là sự thật và rằng ở cái bến đò Châu giang này biết bao thân phận nghèo làm nghề đưa đò hàng ngày phải đợi tới lược đưa khách du lịch của mình thì mới được xuất thuyền. Ngày nào ít khách như hôm nay thì chèo thuyền ra rồi lại phải chèo về không.

Lon gạo phải đong từng bửa và đau ốm thì cứ mặc mà nằm chèo queo như những con tàu nằm nép bên những khóm lục bình trôi nổi. Con cái nhút nha nhút nhít. Đứa thì học tới lớp 5 đã theo mẹ bắt đầu kiếm sống bằng cái nghề chèo thuyền “mẹ truyền con nối”. Có đứa chả biết cái chữ mặt nó ra sao.

Cuộc sống chẳng biết ngày mai ra sao. Nhưng đây vẫn là Việt Nam.

………………………………….

Bạn có biết rằng người giàu nhất ở Campuchia là một người Việt Nam?

Bạn có biết rằng cộng đồng Việt kiều đông thứ hai trên thế giới này chính là cộng đồng Việt kiều ở campuchia?

Và hẳn nếu bạn đã từng đến Campuchia chắc bạn đã từng viếng thăm Angkor.

Người đã bỏ tiền ra đấu thầu và giờ đây quản lý quần thể Angkor chính là ông Sokha – một người Việt Nam và cũng là người giàu nhất Campuchia. Ông cũng là chủ của hai khách sạn 5 sao: Một ở Siêm riệp và một ở Sihanoukville.

Nhưng… Việt kiều nghèo nhất thế giớ cũng có lẽ là Việt kiều Campuchia!

Và lần đầu tiên tôi chợt hiểu ra cái gì là thân phận giữa hai làn ranh chính là tại đây – Campuchia. Nói chính xác là tại Biển hồ Tonle Sap…

Chiếc tàu máy rẽ nước tiến vào con rạch hai bên lau sậy um tùm hướng về biển hồ rộng lớn. Đội khi có những làn gió nhè nhẹ thổi qua nên không át được cái nắng trưa nóng rát cả người. Thằng bé lơ thuyền chỉ độ 7 tuổi với làn da nâu sẫm vẫn ngồi ở mạn thuyền nảy giờ. Bên trong, nhiều du khách từ phương xa tới, ngồi dịch vể bên khuất nắng làm cho chiếc thuyền đi trong nghiêng nghiêng.

Cảnh vật dần mở ra sinh động hơn: những chiếc tàu nhà rách nát nằm ngủ nép hai bên; những đứa bé đen nhẽm thả theo dòng nước trên những chiếc thau nhôm miệng kêu la í ới bằng tiếng Việt; vài người đang sàng cá và mấy cô đang làm thịt gà vịt…

“Khiếp” một du khách buộc miệng – nước đen ngòm mà lại dùng để rửa thịt rau…

Hóa ra con rạch mà thuyền đang lướt qua chính là xóm ngụ cư của rất nhiều bà con Việt Nam.

Đột ngột tôi giật bắn người lên khi một chiếc tàu máy nhỏ chạy như đâm xầm vào chiếc thuyền chở chúng tôi. Một đứa bé chỉ với gỏn gọn một chiếc quần cụt lũn chơi trò chơi tướng cướp?. Không, nó nhảy phóc từ tàu máy nhỏ lên thuyền chúng tôi với một rổ đựng mấy lon nước ngọt và vài nải chuối là để bán cho du khách. Ah, Thằng nhóc nói tiếng Việt! Mấy người trên tàu ồ lên. Nhưng cái thứ tiếng Việt của nó thật lởm ba lởm bởm.

Bà con mua được ba lon nước ngọt – tôi nhớ thế. Thằng nhóc đi về phía sau thuyền. Tôi quan sát theo và thật không thể ngờ nó đang đóng tiền “lên thuyền” cho cái thằng lơ thuyền cỏn cỏn mới 7 tuổi kia!

Qủa là có luật nhưng cái luật này sau lại làm người ta cười mà xót đau cả người.

Thuyền tiếp tục theo dòng và cái nghèo hiện ra ngày càng rõ rệt. Đến bên vòng ngoài biển hồ, nhìn tứ phía nước mênh mang. Lúc này những chiếc đò nhỏ từ đâu vây bủa tới. Toàn người Việt mà lại là phụ nữ và trẻ con mặt mày đen đúa trông rõ khắc khổ. Họ nheo nheo xin bà con cho chút tiền ăn cơm. Có đứa leo thẳng từ đò lên thuyền chúng tôi và quanh người còn ôm cả con chăn to tướng.

Rồi những chiếc đò dần xa nhưng oái thay trên thuyền chúng tôi vẫn còn một con bé. Nó “tranh thủ” xin tiền nên mẹ nó chèo đò đi rồi mà nó vẩn còn ở đây. Đang tự hỏi làm sao nó về nhà thì nó nhảy tủm xuống dòng nước mà lội về!

Đúng là chúng tôi lại một phen hú vía. Có người ngạc nhiên vui, có người thì lòng quặn thắt. Làm sao lại để diễn ra tình trạng này mà như người lái thuyền là hết sức bình thường.

Xong cảnh đau lòng nhất là khi thuyền ghé một nhà nổi bên dưới nuôi cá sấu và cá basa. Bà con Việt Nam ở biển hồ lúc này bu lại như kiến. Nhìn tứ phía cũng toàn phụ nữ và con nít. Trong đó có mấy chiếc đò nhỏ gây ấn tượng mạnh. Chiếc thì chở phụ nữ mang thai, phía trước một đứa con khoảng bốn tuổi, phía sau một đứa chắc chỉ mới lên hai; chiếc thì một ông lão mù và một đứa bé còm nhom; chiếc thì bà lão yếu ớt bị “tạt” sang một bên vì tranh không nổi với mấy cô mạnh khỏe…

Nghèo, nghèo, nghèo…
Làng nổi của người Việt ở biển hồ là thế đấy. Đời ba mẹ với chiếc tàu che nắng che mưa, đời con cháu nheo nhút học hành không tới nơi tới chốn. Ngay cả cái mảnh chứng minh thư nhiều người cũng chưa chắc có thì nói gì tới cái gọi là quyền công dân. Mà quan tâm gì đến quyền công dân khi cái ăn vẫn là cái trực chờ…

Chúng tôi lên một ngôi trường nổi giánh cho người Việt. Trường chỉ dạy tới khoảng lớp 5. Khi bọn trẻ ca lên bài ca Bốn phương trời, vài người trong nhóm đi thuyền chúng tôi chợt rơm rớm nước mắt!

Campuchia cách xa Việt Nam là mấy mà con đường về xứ sở thật sự mịt mù.
 
Bạn có biết rằng người giàu nhất ở Campuchia là một người Việt Nam?

Bạn có biết rằng cộng đồng Việt kiều đông thứ hai trên thế giới này chính là cộng đồng Việt kiều ở campuchia?

Và hẳn nếu bạn đã từng đến Campuchia chắc bạn đã từng viếng thăm Angkor.

Người đã bỏ tiền ra đấu thầu và giờ đây quản lý quần thể Angkor chính là ông Sokha – một người Việt Nam và cũng là người giàu nhất Campuchia. Ông cũng là chủ của hai khách sạn 5 sao: Một ở Siêm riệp và một ở Sihanoukville.
--------------------------------------
- Người giàu nhất tại Cambodia là ông Hun Sen, người giàu thứ nhì là ông SokCung (Sáu Cò), cha người Hoa, mẹ Việt, sinh trưởng tại Cambodia và lấy vợ người Việt.
Sokha là tên của công ty/tập đoàn chứ ko phải là tên của ông. (ko phải người Việt)

- Cộng đồng Việt kiều trên thế giới
1- Hoa Kỳ
2- Pháp
3- Úc
4- Canada
5- Đức
6- Triều Tiên
7- Đài Loan
@-Việt kiều - kiều bào sinh trưỡng tại VN, sống ỡ 1 quốc gia khác.

người Việt bạn gặp ỡ hồ Tonle Sap đa số là sinh trưởng tại đây, họ đã
sinh sống tại đây từ 40-50 năm, tỉ lệ người Việt kiều sống rải rác trong nước Cambodia ko nhiều.
@- Người có nguồn gốc VN - cha/mẹ là người Việt nhưng sinh trưởng tại 1 quốc gia khác.

attachment.php


Trường học

attachment.php


Nhà bè

attachment.php


attachment.php


Tiếp cận du khách

attachment.php


ko được lên trên mặt bằng kinh doanh
 
Last edited:
To: Petedy

Cảm ơn bạn nhiều!
Thông tin mà mình có được là từ tổng hợp mà ra nên rất cần các bác nào có thông tin chắc chắn post lên để mọi người cùng biết.

Về Cộng đồng Việt Kiều.
Mình có nhớ là đọc được từ báo Tuổi Trẻ nhưng tiếc là giờ không tìm ra được nên mình tải lên đây thông tin của Wiki để có được cái nhìn rộng hơn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_kiều

Phân bổ

Tổng số: 3 triệu
Quốc gia: Hoa Kỳ
1.521.353 (2005[1])

Campuchia
600.000[2]

Pháp
250.000[3]
Úc
174.200 (2001[4])
Canada
151.410 (2001[5]

Đài Loan
120.000 - 200.000[6] [7]
Đức
83.526 (2004[8])
Nga
từ 80.000 đến 100.000 (theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 16/1/2007), 85.000[9] [10] [11]
Cộng hòa Séc
60.258-80.000[12]
Anh
35.000[13]
Trung Quốc
khoảng 20.000[14]
Na Uy
16.944 (2003[15])
Nhật Bản
12.965 (2000[16])
Ba Lan
khoảng 10.000[17]
Slovakia
khoảng 2000 người[18]
Israel
khoảng 200[19]
Nơi khác
400.000

THEO MỘT SỐ NGƯỜI VIỆT ĐÃ TỪNG SỐNG Ở CAMPUCHIA MÀ MÌNH GẶP CON SỐ 600,000 ĐÓ CÓ THỂ CÒN NHIỀU HƠN.

Về VIỆT KIỀU:

Mình thật sự khá hứng thú khi tra nghĩa từ này (với Wiki) nên đưa lên để mọi người có thêm cái nhìn nhá:

Nghĩa chính xác của từ và cách dùng từ đó trong đời sống hàng ngày là 2 khái niệm khác nhau và có nhiều khi chống đối nhau. Một thí dụ mà chung ta đều biết là "Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ" vs. "Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ". Một thí dụ khác là cách dịch từ league, như trong Premiere League; league có nghĩa là một liên đoàn mà các thành viên trong nó là hội đoàn nhưng đa số các bài tại đây vẫn cứ dịch là "Giải Ngoại hạng". Cái đó không sai vì một hội đoàn bóng đá, như Liverpool FC, khi tham gia Premiere League thì mục đích chính là cái giải của Premiere League nên cái nghĩa "Giải Ngoại hạng" có thể dùng cho trường hợp đó. Nhưng khi Premiere League họp báo để thông báo là, thí dụ, họ sẽ mở một buổi quyên góp trong mùa Giáng sinh để giúp trẻ em nghèo thì không thể nào dịch Premiere League thành "Giải Ngoại hạng" được, mà phải viết là "Liên đoàn bóng đa ngoại hạng Anh đã họp báo để tuyên bố..."

Từ "Việt kiều" cũng vậy. Bẻ vỡ nó ra thành từng thành phần chữ Hán để dùng nghĩa chính xác của từ không có nghĩa là sai (mà là một việc phân tích từ ngữ trong ngôn ngữ học) nhưng khi tổng hợp chúng lại thì có thể đúng với cách dùng phổ thông nhưng cũng có thể sai. Một thí dụ mà chúng ta đều biết là từ "khốn nạn". Cái cụm từ "Việt kiếu", theo cách dùng thông dụng, thì đã là đồng nghĩa với "người Việt hải ngoại" dù chúng ta chẻ tóc cho đến khi Mặt Trời hết nhiên liệu chúng ta không thay đổi được nó (cho đến khi đa số thay đổi). Một thí dụ khác là từ "học máy" mà chúng ta biết là theo ngữ nghĩa thì sai, nhưng nó đã thành cách dùng phổ thông (hãy đọc thảo luận thật dài tại Thảo luận:Học máy).
Một cách khác, khi muốn dùng cái nghĩa "sống tại nước ngoài" của từ "kiều" thì hãy xem "Việt kiều" có cái nghĩa "người Việt sống tại ngoài nước Việt" thì thấy nó không phải là không có nghĩa.

VÀ:

Bài này mang tên "Việt Kiều", tức là đang nói đến những người Việt đang "ở nhờ tại xứ lạ quê người" nhưng không có quốc tịch nước đó, giống như là các "Hoa Kiều" ở Chợ Lớn ngày xưa một mực giữ quốc tịch Trung Quốc chứ không chịu lấy quốc tịch Việt Nam, và muốn mọi người gọi họ là "Hoa Kiều" để khẳng định rằng họ chỉ là khách chứ không phải là công dân VN (sau 1975, rất nhiều Hoa Kiều quay trở lại nước họ, những người quyết định ở lại và lấy quốc tịch Việt thì trở thành "Người Việt gốc Hoa"). Thế nhưng nội dung của bài "Việt Kiều" thì từ trên xuống dưới lại đề cập đến tất cả những người Việt Hải Ngoại (Vietnamese Overseas) nói chung, kể cả người không còn giữ quốc tịch Việt Nam hoặc sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, ví dụ như là thành phần người Mỹ gốc Việt (có quốc tịch Mỹ) mà còn gọi họ là "khách" trên đất Mỹ thì rõ ràng là sai bét nhè. Những chi tiết đó thì bỏ vào bài "Người Việt Hải Ngoại" thì mới hợp lý, còn bài "Việt Kiều" thì chỉ nên chú thích ngắn gọn là "Những người Việt sinh sống tại nước ngoài, nhưng chưa phải là công dân chính thức của các quốc gia đó", cũng giống như là thành phần Hoa Kiều sinh sống tại Việt Nam trong thập niên 60 vậy.
 
--------------------------------------
- Người giàu nhất tại Cambodia là ông Hun Sen, người giàu thứ nhì là ông SokCung (Sáu Cò), cha người Hoa, mẹ Việt, sinh trưởng tại Cambodia và lấy vợ người Việt.
Sokha là tên của công ty/tập đoàn chứ ko phải là tên của ông. (ko phải người Việt)
vietbalo google thì thấy hai bài viết này trên Tuổi Trẻ về ông Sok Kong, thấy nói ông là người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam và Cambodia, cha mẹ Việt, sinh ở Cambodia):
http://tuoitre.vn/The-gioi/56609/“Toi-la-nguoi-Viet-Nam.html
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/64574/Thang-tram-phan-Viet.html (Phần "Công tước Campuchia quốc tịch VN")
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,136
Bài viết
1,173,921
Members
191,957
Latest member
vinhlekingdoor
Back
Top