What's new

[Chia sẻ] Campuchia: Ghi chép, tổng hợp và cảm nhận

FLOWERINTHEPARK5.jpg

Hoa muống tím - Ream national park, Sihanoukville

Cuộc sống luôn có một chữ duyên! Tôi chắc là thế. Lần đầu tiên đến Campuchia với tâm thế của một người đi công tác, tôi vốn dĩ không hề nghĩ rằng rồi mình sẽ có nhiều lần quay trở lại. Nhưng giờ đây tôi ngồi viết những dòng chữ này để tỏ lòng cảm ơn đến miền đất này – nơi đã cho tôi có thêm nhiều yêu thương với những vùng đất mới.

Bài viết có sử dụng thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều nhất từ “Ký sự Campuchia” của tác giả Binh Nguyên, báo Tuổi trẻ và “Mekong ký sự “ của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Nhân đây cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các tác giả!


01.07.2009 – CÂU CHUYÊN MỘT ĐÊM MƯA

Chiếc xe tuk tuk chạy lòng vòng hơn 30 phút qua những con đường nhỏ tối sẫm trong màn mưa. Anh chàng tài xế với thân hình cao béo và gương mặt phúc hậu đưa tay gạt những hạt mưa đang tuôn từ trên trán xuống và miệng không ngừng nói thứ tiếng Anh đặt sệt Khmer để trấn an chúng tôi rằng anh đang cố tìm ra đường về khách sạn.

Chiều này chúng tôi chỉ mất khoảng hơn 15 phút để đi từ khách sạn đến trung tâm mua sắm Sorya thế mà giờ đây chúng tôi vẫn còn ở trên những con đường vắng lặng chỉ có tiếng gió rít qua những tán cây.

Tôi và cô bạn đi cùng đâm ra cáu bẳn vì lúc lên xe anh chàng cứ gật đầu liên tục và nói Yes yes rằng biết khách sạn nơi chúng tôi ở . Chợt trong đầu thoáng qua ý nghĩ chắc là thằng cha này muốn làm tiền mình đây

Không chịu được nửa, chúng tôi ngồi từ phía sau mà nói vọng ra như đang thét
vào tai anh rằng hãy tìm nhà người dân mà hỏi và tụi tao chỉ trả 2USD như đã thỏa thuận thôi.

Một nhà, hai nhà rồi đến nhà thứ ba. Trời ạ! Hóa ra khách sạn mà chúng tôi đang ở chẳng có mấy người biết tới nó. Đưa danh thiếp khách sạn viết toàn bằng tiếng Anh ra mà mấy người Khmer cứ nhìn tới nhìn lui rồi gật gù chẳng biết trả lời hoặc có trả lởi chỉ dẫn thì cũng sai bét nhè.

Gọi điện về khách sạn nhờ một tiếp tân chỉ đường nhưng mãi đến hai lần chúng tôi mới về được nơi mình mong mỏi tới. Đồng hồ chỉ đã hơn 10 giờ. Thật hú hồn!

Chúng tôi rút ra 2USD trả cho một cuốc chạy bằng tuk tuk với gần một tiếng đồng hồ, rồi chạy vụt vào khách sạn.
Và đêm ấy tôi đã trằn trọc vì nhớ về nụ cười hiền hậu và tấm lưng ướt đẫm của người tài xế nghèo lúc chào chúng tôi ra đi. Anh đã không hề đòi them bất cứ khoản tiền nào dù rằng anh đã thực hiện tới mấy cuộc gọi và đã đốt biết bao nhiêu xăng trong cơn mưa lạnh buốt đêm đó. Vậy mà chúng tôi, những người khách lần đầu tiên từ Việt Nam sang lại đem lòng nghi ngờ anh và đã cư xử với anh chẳng mấy gì tốt.

Đem câu chuyện về một tiếng đồng hồ cho một cuốc tuk tuk từ Sorya về khách sạn, người tiếp tân cho biết rằng trước chúng tôi đã có nhiều trường hợp như vậy. Nguyên đây là một khách sạn nằm xa khu Tây balô ít người biết đến và rằng đường xá Phnom Penh phần lớn được đánh số nên những người lái xe tuk tuk nếu chưa từng qua đây thì thế nào cũng sẽ mò mẫm dò đường.

Trở lại campuchia đã biết bao nhiêu lần, tôi cứ mong mỏi rằng sẽ lại gặp được anh, người tài xế với tấm lưng ướt đẫm và nụ cười hiền hậu. Nhưng có phải tôi bị trừng phạt chăng khi cho đến tận giờ tôi vẫn mang mãi cảm giác nợ một lời xin lỗi chân thành với một người đã dạy cho mình phải biết tin vào thế giới này – một thế giới mà người tốt chắc chắn là nhiều hơn những kẻ xấu!


NHỮNG NGƯỜI TRẺ

MOLIDENGUESTHOUSEFLOWER.jpg

Moliden tiền sảnh

MELEDANKAMPOTICECREAM.jpg

Kem dâu Moliden

Là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ hàng trăm USD, cuộc sống với người Campuchia là những tháng ngày lao động và du lịch là một cái gì đó xa vời với số đông quần chúng.

Thế mà đất nước này lại còn là một trong những nước có tình trạng tham nhũng tồi tệ nhất thế giới.. Hẳn ai đã từng đi qua các cửa khẩu Bavet, Prek Chak, đặc biệt là Poi Pet đều biết được điều này. Những người hải quan ăn tiền một cách trắng trợn, và có lúc đã làm cho tôi phát xùng lên


Còn với khá nhiều người Việt nam mà tôi tiếp xúc khi được hỏi sao không du lịch sang Campuchia, họ đã trả lời một cách “giản dị” rằng Campuchia thì có cái gì mà xem?! Qua bển gặp Khmer đỏ hả?! người Campuchia đi ăn xin đầy đường, nghèo thấy mồ…

Nhưng rồi trong những chuyến hành trình trên vùng đất này, tôi đã nhận ra rằng nó đã và đang thay đổi, ít nhất tôi thấy được điều đó từ những người trẻ mà tôi đã được gặp ở nhiều nơi trên đất nước này.

Và đây là câu chuyện về một người trẻ ở vùng quê nghèo Kampot

Câu chuyện bắt đầu vào một sáng thứ bảy khi tôi đạp xe trên con đường song song với dòng Kampong Bay thì lập tức bị cuốn hút bởi một nhà nghỉ được làm toàn bằng gỗ với khuôn viên bên ngoài đầy cây xanh bóng cả và những chiếc ghế cây mộc mạc – một phong cách hoàn toàn Tây. Gía mỗi phòng từ 30USD trở lên.

Dừng xe vào thăm, một thiếu niên chỉ mới 16 tuổi nói tiếng Anh khá tốt, đón tiếp và đưa tôi tham quan một loạt các căn phòng. Trong cuộc trò chuyện sáng ấy tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng Giám đốc điều hành của nhà nghỉ có tên Moleden này chỉ mới 22 tuổi và sáng nay anh đang bận học đại học!

Hôm sau tôi phải về Việt Nam, sẽ là rất tiếc nếu không gặp được người giám đốc trẻ đó. Thế là tôi quyết định đến chiều nhất định phải quay lại.

Mặt trời khuất dần sao dãy núi Tượng và dòng Kampong Bay thật êm đềm. Bước vào Molenden ngồi xuống và gọi một ly kem, một anh chàng ăn vận rất giản dị với áo sơmi tay dài, quần jean rất thân thiện, niềm nở mang ly kem lên. Hóa ra đó chính là người mà tôi muốn tìm! Và đúng thật như cậu thiếu niên tiếp tân đã nói anh chỉ mới 22 tuổi và đang học thêm chuyên ngành luật.

Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện thú vị hơn 30 phút về nhiều vấn đề. Anh luôn tỏ ra là một người bặt thiệp, đầu óc khá nhạy việc kinh doanh và “già” hơn nhiều so với cái tuổi 22 mà nhiều người trong định hướng vẫn còn hết sức mơ hồ chứ đừng nói gì tới thực hiện hoài bão.

Con đường giờ đã lên đèn, tôi ngồi đó rồi chợt nghĩ về một ông chủ trẻ của một nhà hàng với trang trí nội thất theo gu Tây bên dòng Mekong của tỉnh lị Kampong Cham. Nếu tôi nhớ không lầm 19 tuổi anh đã bắt đầu kinh doanh và đi đến nhiều nước trong khu vực…​

KAMPOTHONGHN1.jpg

Hoàng hôn khuất dần sau dãy núi Tượng

TBC
 
Last edited:
To: Pvnguyen,

Lần đó nhóm của chúng tôi đã gửi tặng cho trường một khoản rất khá. Trong đó một chị Việt kiều Úc gửi 100AUD.
Chị ấy là kế toán viên. Và hiển nhiên chúng tôi cũng nhìn ra được vấn đề vận hành tài chánh như bạn đã đề cập...
Ít nhất mình nghĩ rằng nó cũng sẽ giúp được cái gì đó...
Bằng chứng là mình trở lại đây lần thứ hai thì mấy đứa bé đã có đồng phục là áo trắng để đi học...
Hy vọng vậy...
Và ước mơ có một sự thay đổi lớn lao nơi đây!

Cảm ơn mấy bức hình nhá. Nhờ chúng mà mình chợt nhớ ra lại những gương mặt đã từng gặp trên biển hồ.
Hai lần đến đây nhưng chẳng lần nào mình chụp hình cả.
 
Đúng là có những cảnh mà mình không thể cầm máy chụp đc, như ở đây và dân tộc cổ dài bị làm cảnh bên Miến.

Riêng với cậu bé và con trăn này, mình đã chụp sau khi thấy 1 câu chuyện nhỏ, chả là anh bạn mình có vác sang 1 hộp bánh côky để ăn đường, tiền thì chắc bà con cho họ khá..nhưng bánh ngon thì chả mấy khi.
Mình gởi 1 vốc bánh ( trong gói giấy) cho cậu bé này và bảo em ăn đi thì thấy nó cứ cầm và bơi lùi ra, mình để ý thấy nó bơi vòng ra phía sau, nơi 1 chiếc thuyền khác có 2 nhóc và 1 chị chắc là mẹ nó, nó liền chuyển hết số bánh cho hai đứa em và nhìn em ăn vẻ ngon lành lắm..
 
Mình có nghe vài người Khmer kể lại dưới thời Pol Pot hầu hết nhửng vủ công, nghệ sĩ, trí thức đều bị thảm sát, mãi sao nầy họ mới biết trong đoàn vũ công hoàng gia còn 1 người sống sót, và nhu cầu múa Apsara rất cao, nên họ phải sang VN để rước những vũ công người Miên (Khmer, sinh trưởng tại VN) ở miền Tây Nam bộ sang Campuchia đễ huấn luyện cho họ.
 
LAI RAI KIỂU… SIÊM RIỆP

Hiển nhiên là chẳng phải ở khu phố Tây với mấy anh chàng mắt xanh mũi đỏ thường ngồi tại các quán Banana Leaf, Temple Club uống Anchor draft với giá từ 0,5USD/ly trở lên. Lai rai kiểu Siêm Riệp chỉ cần một tấm chiếu trải ra giữa trời, ở một nơi còn náo nhiệt hơn cả khu phố Tây…

Dân Siêm Riệp gọi nó bằng một cái tên nghe rất Việt Nam – khu Trung Du.

NHAUTRUNGDU.jpg


Phải nói rằng lần đầu tiên theo một anh bạn người Campuchia đến đây tôi đã kết Trung Du và biết rằng mỗi khi có dịp trở lại Siêm Riệp, tôi lại sẽ tìm tới nó. Đơn giản bởi vì Trung Du hội đủ các yếu tố cho một buổi lai rai dân dã và hơn nửa có phần giống như một picnic gia đình… nhậu!

Ở đó hàng quán thường là những chiếc xe đẩy đứng nép bên một cánh đồng tù mù, chuyên bán các đặc sản nướng từ cá Biển Hồ, gà quay Siêm Riệp và vô số các loại dế, ếch, nhền nhện chiên giòn.

Ở đó, không có bàn ghế và chén muỗng. Dân lai rai bia bọt cứ thế mà ngồi bẹt xuống một tấm chiếu dã chiến giữa bốn bề trống hoắc chỉ có gió với gió. Và thức nhắm được gói trong các lá sen mà dâng lên cho thực khách. Tay cứ thế mà bốc, ngay cả loại muối me chua chua, ngọt ngọt, cay cay cũng bốc nốt.

Ở đó hiếm khi nào bắt gặp một bóng dáng mắt xanh mũi đỏ mà phần đông là những người dân Siêm Riệp đi theo nhóm hoặc theo dạng… gia đình. Điều thú vị là không ít trong số đó đến bằng xe hơi và bởi vì đi theo dạng gia đình có cả con trẻ nên có cảm giác như thể đi picnic hóng mát.

Bạn có hứng thú với Trung Du ? Nhớ là đừng ăn tối mà hãy dành bụng để thưởng thức các loại cá nướng Biển Hồ rất tươi, ngọt và dai.Tôi chắc chắn là bạn sẽ có một buổi tối hoành tráng với giá cả khá bình dân.

Đi thế nào?
Từ phố Tây bạn đi về hướng quần thể Angkor. Tời “khách sạn 6 sao” (Jayavarman VII hospital nơi các thượng đế nhí được các phục vụ viên tắm rửa cho nên gọi vui là khách sạn 6 sao) là một ngả ba, bạn quẹo phải và đi thẳng là sẽ tới Trung Du.

Nếu đi bằng tuk tuk, bạn nên đặt xe cho cả hai chiều với giá khoảng 6USD trở lên. Lý do: rất ít thấy bóng dáng tuk tuk ở Trung Du. Bạn sẽ mất khoảng 15 phút một chiều để tới đây bằng tuk tuk.

PHNOMPENHROASTEDCHICKEN.jpg

Gà quay với xoài Campuchia giòn ngọt cũng là những lựa chọn tuyệt với cho bửa tối lai rai ở Trung Du.
Hình này chụp tại Phnom Penh mang tính minh họa.

HOTVITLON.jpg

Nước chấm mặn ngọt cay và tỏi thơm. Chẹp chẹp còn thiếu một ly sinh tố. Orussey mảket
 
Mình cũng mới đi SR-PNP 4 ngày, về hồi 2/5. Tiếc là không đi được Biển Hồ (SR), và mấy cái Local Market (PNP) tụi bạn mình không chịu đi theo lịch trình do mình soạn sẵng, mà cứ ngồi cafe, club. Chán
 
To: Sathu2006

Vui lên Sathu2006!
Ít nhất là bạn đã biết mình sẽ làm gì cho những chuyến du lịch sau.
Chúc bạn có những chuyến đi đẹp!

tom_the_star
 
Cảm ơn bạn tom_the_star đã chia sẻ. Đọc cái đoạn về bác tuk tuk đẫm mồ hồi tìm đường trong đêm thật cảm động, đôi lúc sự nghi ngờ của mình trở nên độc ác...
Mình đã đến CPC, Siêm Riệp chào đón mình bằng một chiều mưa tầm tã, từ một bến xe rất nhỏ và xa (không phải bến xe SR), những đứa trẻ Cam quần áo ướt, mong manh, lạnh run rẩy xòe tay xin ăn, mình đưa cho chúng gói bánh ăn dở và một ít trái cây mang theo. Thật sự hình ảnh 3 đứa trẻ ngấu nghiến từng miếng bánh đẫm nước mưa cứ ám ảnh mình mãi. Đã đọc nhiều về biển Hồ nhưng chưa có dịp đến, hẹn 1 dịp gần gần nào đấy.
CPC mang lại cho mình cảm giác bình yên, lần đầu tiên trước khi đi, mình luôn luôn chuẩn bị tinh thần để không bị chặt chém, không bị lừa đảo,... Thật bất ngờ vì CPC thân thiện và để lại cho mình nhiều thiện cảm.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,032
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top