Bài này chỉ có tính tư liệu, khuyến cáo các bạn không nên đọc, vì nó dễ gây mất ngũ, ngứa chân
----------
Mùa cá ra thường quanh quẩn trong tháng Mười và chính vụ là khoảng mồng Sáu đến Mười một tháng Mười. Lúc này nước trong các cánh đồng bắt đầu cạn. Phèn dậy, con cá bị cay mắt nên ùn ùn đổ ra sông tìm nước ngọt, rút hết xuống các kinh rạch để tranh thủ ra sông, tìm đường sống. Những lúc cao điểm ấy dân gian gọi “cá ra”.
Cá ra đủ loại, đũ cỡ. Dưới sông xuồng ghe tấp nập. Người bắt cá, kẻ thu mua rộn rã. Tiếng gọi ý ới hỏi thăm nhau thu hoạch khá không hay báo cho nhau cá đang ra tập trung cứ ồn ả từng khúc sông. Già, trẻ, lớn, bé với đủ loại phương tiện đi lại và đủ kiểu bắt cá. Từ xuồng, bè, mảng ai có gì dùng nấy. Lũ nhiều hay ít, mùa cá ra cũng có thay đổi. Nếu nước nhiều, khi cá ra sẽ ra nhiều đợt và số lượng nhiều, đa dạng. Nhiều nhất là đám "cá trắng" như cá Linh, cá Dảnh, cá Mè Dinh, cá He, cá Ét, cá Mè Hôi. Kế đến là tôm càng, cá bống tượng, cá hô đất, cá ngựa, cá chài, cá leo, cá lăng, cá chốt, cá ngát, cá cóc..., mùa cá ra là mùa dân sông nước ăn cá "thả giàn", muốn ăn thứ gì cũng có.
Đây là lúc toàn khắp, nhất là tại những miệng kinh, vàm rạch và cả ngoài sông sâu nước chảy đâu đâu cũng la liệt đăng ven, chài hội, lưới giăng… Muôn trùng “thiên la địa võng” như thế nhưng cũng không thể nào bắt hết được hằng hà sa số cá! Một bộ phận khá lớn vẫn lọt được ra sông và chen nhau chun vô những miệng đáy đang ngày đêm há mồm chực sẵn. Có khi chúng vô đáy nhiều quá, nếu không chuyển kịp lên ghe, buộc phải tức thời xả bỏ bớt, vì chậm trễ một chút là “bể đáy” như chơi!
Vào thời điểm ấy cá linh lội xanh nước, chỉ nói trên các kinh rạch thôi, dân ruộng, với cách đánh bắt thủ công truyền thống đã chuẩn bị sẵn các loại đồ nghề cần thiết. Bà con nông dân cắm chận đăng ngang kinh rạch, giữa lòng rạch có đăng cuốn chận nằm ngang, có phao (can nhựa) nổi trên mặt nước, ghe xuồng đi ngang đè nhận phao xuống, qua khỏi, phao lại trồi lên. Cá theo đăng vô rọ, chui vào cái “đó”, bị kẹt hom trở ra không được, người ta nhổ đó đưa lên ghe đổ cá ra. Mỗi lần như vậy được cả thùng, cả giạ. Bình quân chỉ khoảng 5, 10 phút trút cá một lần. Phải làm liền tay, nên không chờ người trên ghe đổ cá ra, mà lấy một cái đó khác đặt xuống ngay, không nghỉ, tránh thất thoát. Có điều hết sức lạ kỳ là, trên cùng một đoạn kinh, rạch, việc chận bắt cá thì đầy nghẹt, nơi này cách nơi kia chỉ trăm mét, thế mà ai cũng thu nhập nhiều vô kể, người đăng phía sau không hề thua kém người phía trước mình. Người ta không biết bằng cách nào mà cá đã vượt qua được hàng chục, thậm chí hàng trăm rào cản hết sức chắc chắn và không có một kẽ hở nào khả dĩ có thể chen qua – nó chỉ có thể “vượt rào” bằng cách thoát khỏi rọ khi người ta nhổ đó lên để đổ cá, nhưng thời gian ấy rất nhanh, không đáng kể so với lượng cá mà những người phía sau bắt được.
Lại một hiện tượng khác cho đến nay bà con vẫn thắc mắc là, vào những con nước kém cuối cùng của mùa cá ra, cá lội xanh nước, chúng chuyển địa bàn từ đồng xuống kinh rạch để chuẩn bị ồ ạt tiến ra sông, nhưng dường như nó còn lưu luyến đồng ruộng, không nỡ giã từ, cứ dàn tề mãi… Nhìn, ai nấy hình dung “ghe chài cũng không chở hết”. Thế mà hôm ấy, nếu có một đám mưa nhỏ thôi, cá tức thì biến mất sạch sành sanh! Chúng không thể ra sông được, vì vào thời điểm này bà con đã đồng loạt xuống đăng chận kín khắp các nẻo; cũng không lên đồng vì nước không lớn, đồng không ngập. Cho đến mấy ngày sau, lúc trời quang đãng cá mới chịu ra, nhưng quá ít, không được 1/10 so đã thấy trước đó mấy hôm. Thế là mùa cá năm ấy bị thất thu. Tại sao? Không ai biết. Người ta chỉ nhìn nhau cười trừ với một câu nói cho qua chuyện: “Bởi vậy nó mới có tên là cá Linh!”.