What's new

Chuyến đi ngày cuối tuần (từ Hà Nội)

Chào,

Mình dự định đi lòng vòng Hà Nội vào mỗi 01 ngày cuối tuần, mỗi tuần một địa điểm. Tìm hiểu vài điều muốn tìm hiểu, thăm thú các nơi thú vị và chụp ảnh các chỗ thấy hay.
Đi vào sáng sớm và về vào chiều muộn. Mọi người sẽ tự lo packed lunch (no alcohol or beer, pls!), chuẩn bị phương tiện đi lại phù hợp và các đồ đạc cần thiết khác cho cá nhân.
Hiện bọn mình chỉ có 2 người, mời mọi người đi chung cho vui (nhất là các bạn nữ nhé :) ) Mỗi chuyến đi sẽ dưới 10 người.

Đây là chuyến đi cho tuần tới, t7 28/8
Phương tiện: Xe máy
Điểm đến: Chùa Kiến Sơ - nơi khởi nguồn dòng thiền Vô Ngôn Thông

Chùa Kiến Sơ tọa lạc cạnh đền Phù Đổng (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1975. Chùa do Thiền sư Cảm Thành khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ thứ IX và là nơi khởi phát của Thiền phái Vô Ngôn Thông, cũng là nơi tu hành của nhiều bậc danh tăng nổi tiếng trong lịch sử: các Thiền sư Vô Ngôn Thông, Cảm Thành, Đa Bảo, Ni sư Diệu Nhân…

5HBULB_kienso.jpg


Theo sách Thiền uyển tập anh, bấy giờ có một vị phú hào ở hương Phù Đổng, người họ Nguyễn kính mộ việc trì giới đức hạnh cao cả của sư Lập Đức, tự nguyện cúng gia trạch để làm chùa, mời sư đến trụ trì. Ban đầu sư từ chối, nhưng đêm ấy sư chiêm bao thấy thần nhân đến bảo: "Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp được vận lớn". Vì thế sư bèn nhận lời, đến hương Phù Đổng lập chùa, chính là chùa Kiến Sơ ngày nay, sau này pháp danh của sư Lập Đức được đổi tên là Cảm Thành.

Thiền uyển tập anh chép: "Tháng Chín năm Canh Tý niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ 15 (820), sư (tức Thiền sư Vô Ngôn Thông) đến chùa Kiến Sơ. Ngoài hai bữa cơm cháo, suốt ngày sư chỉ ngồi quay mặt vào tường, không nói một lời, chuyên chú tu tập thiền định làm vui. Suốt mấy năm liền như thế nên người ngoài không ai biết sư, chỉ có sư trụ trì chùa là Cảm Thành hết lòng kính cẩn hầu hạ. Cảm Thành gần gũi bên cạnh sư để học hỏi những điều cơ vi huyền diệu, hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông". Vào ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Lịch thứ 2 thời thuộc Đường (826), Ngài Vô Ngôn Thông gọi sư Cảm Thành đến truyền bảo: "Ngày trước Tổ ta là Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư, khi quy tịch có đọc bài kệ rằng: Nhất thiết chư pháp/Giai tòng tâm sinh/Tâm vô sở sinh/Pháp vô sở trụ/Nhược đạt tâm địa/Sở tác vô ngại/Phi ngộ thượng căn/Thận vật khinh hứa. (Tất cả các pháp/Đều từ tâm sinh/Tâm không chỗ sinh/Pháp không chỗ trụ/Nếu đạt đất lòng/Làm gì chẳng ngại/Không gặp thượng căn/Cẩn thận chớ nói)". Mặc dù vẫn đang khỏe mạnh, nhưng nói xong thì Thiền sư Vô Ngôn Thông chắp tay thu thần thị tịch.

Từ đó, Thiền phái Vô Ngôn Thông ra đời, chủ trương đốn ngộ, trao đổi truyền bá đạo pháp không dùng nhiều lời nhưng người nghe vẫn thông (hiểu) được. Vào năm Canh Thìn, niên hiệu Hàm Thông thứ nhất thời Đường (860), sư Cảm Thành không bệnh mà nhập diệt, truyền trao y bát cho Thiền sư Đa Bảo. Đến thế kỷ XI-XIV, từ phái Vô Ngôn Thông phát triển thành một nền thiền học Việt Nam vô cùng rực rỡ, mỗi nhà sư đều trở thành những thi sĩ.

tamquanchuakienso.jpg


Kiến trúc chùa Kiến Sơ ngày nay khá bề thế. Cổng tam quan 5 gian chồng diêm 2 tầng, dóng ngang hàng với cổng đền Phù Đổng. Chùa chính theo kiểu nội công ngoại quốc như nhiều ngôi chùa cổ thường thấy ở Bắc Bộ. Trước tiền đường về phía bên trái có một chiếc khánh đá cổ tạc thô sơ, tuổi ít nhất 400 năm. Ni sư Thích Đàm Truyền, trụ trì chùa cho biết: "Tôi về trụ trì chùa từ năm 1971 đã thấy khánh đá bị vứt nằm chỏng chơ trong nhà Tổ, cột treo khánh bị gãy hết cả. Mãi tới cách đây 10 năm, nhà chùa mới xây mới 2 cột trụ phía trước tiền đường, rồi đem khánh đá ra treo".

Gây ấn tượng nhất đối với khách thập phương khi đến thăm chùa Kiến Sơ có lẽ là tòa động liên hoàn bằng đất thó, tuổi hơn 200 năm. Đây là tác phẩm động Cửu Long nhân tạo cổ xưa có kích thước lớn nhất Việt Nam: dài 8m, cao 3m, dày 2m. Tác phẩm gồm 5 tòa động liên hoàn. Hai bên hông gồm: động tội tái hiện tích truyện Mục Kiền Liên chứng kiến mẹ Ngài bị hành hạ khắc nghiệt dưới địa ngục; và động Tây Du Ký diễn tả thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ba tòa động chính đều có vòm là những mây, rồng xoắn xuýt tạo thành, ngự trên mây có rất nhiều chư Phật, Bồ tát, A Di Đà và các thần tướng nhà trời. Nếu như trung tâm của các tòa Cửu Long bao giờ cũng là Đức Thích Ca sơ sinh, nhưng ở các tòa động nơi đây đã được biến thể khác biệt. Trung tâm của động bên trái là Ngài Đạt Ma tay cầm một chiếc hài; ở tòa động bên phải là Quán Âm quá hải ngự trên đầu rồng.

Trong chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật cổ phong phú, bài trí thành 7 lớp tượng. Trong cùng của chánh điện có bàn thờ xây cao áp vào vách, bên trên tọa lạc bộ Tam thế Phật, niên đại thế kỷ XVII. Bộ tượng Tam thế được tạo tác khá giống nhau, tóc xoắn ốc, mặt tròn đầy phúc hậu ngồi trong tư thế tham thiền nhập định trên 3 tòa sen. Áo tượng nhiều nếp gấp chồng lên nhau, phủ kín lòng đùi. Bộ Tam thế được làm từ chất liệu đất thó, sơn son thếp vàng. Tòa sen không có đế bệ (có lẽ đã bị mất) hiện đã bong tróc hết sơn, kết cấu với 3 tầng cánh sen úp. Phật điện được đặt tách rời ra phía trước khỏi bộ Tam thế, với 6 lớp thứ tự từ trên xuống dưới: hàng thứ 1 là tượng A Di Đà; hàng thứ 2 gồm 5 pho tượng (tượng Di Lặc ở giữa); hàng thứ 3 là pho Quan Âm Nam Hải; Đức Thích Ca niêm hoa tôn trí ở hàng thứ tư; kế đến tượng Ngọc Hoàng; dưới cùng có tòa Cửu Long.

Bên trong Thượng điện, thẳng hàng với 5 vị Diêm vương phía bên phải, có các pho tượng vô cùng giá trị: tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng vua Lý Công Uẩn và thân mẫu của nhà vua. Thiền sư Vô Ngôn Thông với thân hình mập mạp, đầu trần để lộ lớp tóc đen rất mỏng, tai to, mũi rộng, trên mép có hàng ria con kiến. Ngài mặc 2 chiếc áo: áo lót bên trong chỉ từ bụng trở xuống, để hở toàn bộ mảng ngực trần; áo khoác ngoài với rất nhiều nếu gấp uốn lượn đăng đối. Chân Ngài xếp bằng tròn, tay để trên đùi trái, tay phải cầm phất trần.

chua3.jpg


Tượng Lý Thái Tổ tạc dáng một ông vua ngồi trên ghế, mình mặc áo long bào, đầu đội mũ miện, chân đi hài, hai tay nâng ngọc khuê ngang ngực. Ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, người dân ở đây còn truyền tụng nhau sự tích về vua Lý Công Uẩn.

Tương truyền vào thời Tiền Lê, có câu sấm nói rằng một người họ Lý dưới chân có chữ Vương sau này sẽ thay thế họ Lê, vua Lê Đại Hành bèn truy tìm người như vậy để giết đi. Bởi dưới chân Lý Công Uẩn có chữ Vương, nên ông phải tìm về chùa Phù Đổng lẩn trốn để khỏi bị phát hiện. Bấy giờ truyền thừa dòng thiền Vô Ngôn Thông là Đa Bảo đã giấu kín Công Uẩn trong một cái hang bí mật dưới điện Phật. Lấy lý do người tu hành theo thiền phái này là phải học hạnh im lặng (vô ngôn) nên quan quân đến hỏi câu gì sư cũng không nói. Một đêm, Công Uẩn đang ngủ say trong hầm thì mơ thấy một người hiện lên, tự xưng Thánh Gióng là Thành hoàng của làng Phù Đổng. Thánh Gióng nói cho Công Uẩn biết rằng sau này sẽ thành đại sự và Thánh đọc cho câu sấm: "Nhất bát công đức thủy/Tùy duyên hóa thế gian/Quang Quang trùng chúc chiếu/Một ảnh nhật đăng san". Lúc đó, Công Uẩn không hiểu bài sấm này nói gì, nhưng vài trăm năm sau dân gian đã giải được nghĩa rằng, bài thơ dự báo nhà Lý truyền được 8 đời, và sẽ kết thúc vào thời một vị vua có chữ Nhật ở trên chữ Sơn (tức vua Lý Huệ Tông tên là Sảm).

Ngay sau khi Công Uẩn lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long, nhà vua đã cho trùng tu chùa Kiến Sơ và xây dựng đền Phù Đổng cạnh đó để tôn thờ Đức Thánh Gióng. Vua cũng nhiều lần đến thăm chùa, và mời Thiền sư Đa Bảo về Thăng Long bàn luận. Như vậy có thể nhận định rằng, truyền thuyết Thánh Gióng ra đời từ thời sư Đa Bảo, được vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Đại vương, đến đời Trần được tôn vinh thành một vị thiên tướng thời Hùng Vương.

Nguồn bài viết: Chương Phượng - Báo Giác ngộ
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Tham khảo thêm về dòng thiền Vô Ngôn Thông tại: http://www.thuvien-thichnhathanh.or...chng-02-2-3-thin-phai-vo-ngon-thong?showall=1
 
Last edited by a moderator:
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Rất tiếc là đi chùa Kiến Sơ vừa rồi F không đi được, đi làng Chuông tuần này lại trùng vào ngày làm bù dịp nghỉ lễ nên lại lỡ thêm lần nữa. Hy vọng sẽ tham gia cùng mọi ngươi vào dịp tuần sau. Chúc mọi người đi vui vẻ! :)
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

ý tưởng của chị thật là hay ! sống ở Hà Nội đã lâu nhưng vẫn không khám phá hết vẻ đẹp của Hà Nội ^^ chị cho em đăng kí cùng đi làng Chuông nha !
Như Trang - sdt : 01693371369 ( em mới mất máy, 2,3 hum nữa sẽ làm lại sim )
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Vài thông tin khác về nón làng Chuông:

Cách Hà Nội 30 km có một ngôi làng cổ kính nổi tiếng về nghề làm nón lá. Cho dù bây giờ tên hành chính của nó là xã Phương Trung, huyện Thanh Oai nhưng có lẽ không ai lại quên cái tên làng Chuông đã từng đi vào dân ca Việt Nam.

Muốn ăn cơm trắng cá trê

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông!

Trong thế kỷ trước, ở khắp Việt Nam đã có tới hơn 50 loại nón lá khác nhau, tuy vậy loại nón còn phổ biến tới bây giờ là nón hình chóp nhọn cổ điển, mô phỏng theo nón Huế. Hiện nay ở làng Chuông có tới 85% hộ làm nón, sản xuất 3.5 triệu chiếc nón một năm. Nón làm rất thủ công, một ngày có khi chỉ có thể làm được 3-5 chiếc.

187010860_0846d9c616.jpg


Để làm một chiếc nón cần năm loại nguyên vật liệu :

Khuôn : được làm bằng tre để dựng nón. Tre thường được lấy từ Hòa Bình. Khuôn làm nón làng Chuông thường được sản xuất ở Làng Vác (hoặc làng Lụa) cách đó 3km. Khuôn này khác với khuôn làm nón ở Huế vì ở Huế người ta dùng khuôn gỗ.

Nan tròn tạo khung nón : Nón làng Chuông có 16 khung còn ở miền Trung thường có 20 khung. Người ta sẽ đặt các lớp khung lên khuôn để định hình chiếc nón.

Lá nón : Lá được lấy từ Hòa Bình, từ miền Trung hoặc thậm chí từ Lào.

Mo tre : được lấy từ Hải Giang, đặt xen giữa các lớp lá nón

Chỉ khâu bằng nilon (cước khâu nón)

Để tìm hiểu rõ hơn về cách làm nón, bạn hãy tới thăm làng Chuông. Đi từ Hà Nội xuôi theo quốc lộ 6 đi Hòa Bình, qua thành phố Hà Đông thì rẽ trái vào quốc lộ 22 (đường đi chùa Hương). Đi qua xã Kim Bài sẽ tới Phương Trung và đường vào làng Chuông nằm ở phía bên phải. Bạn nên đến làng Chuông vào các ngày mười và bốn theo lịch âm lịch để tham gia các phiên chợ : ngày mùng 4,10,14,20,24 và 30 âm lịch. Hãy hỏi đường và tới thăm nhà của ông Trần Văn Cảnh (người có thể làm nhiều loại nón khác nhau), bà Hoàng Thị Sang (xưởng sản xuất nón xuất khẩu) và bà Tạ Thu Hương (người có thể làm những chiếc nón lá thời xưa).

Ảnh và bài: Sưu tầm :p
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Bây giờ sẽ tìm thêm thông tin về vài nơi tiện đường đi hôm đó:

1. Nơi sản xuất khuôn nón cho nón Chuông:

Ai về làng Vác…
(VOV) - Vác là tên nôm của làng Canh Hoạch nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội), nơi có các nghề truyền thống: làm quạt, làm khuôn nón, làm lồng chim.
Nghề làm lồng chim ở Canh Hoạch (Vác) đã có từ nhiều đời trước. Từ xưa đã có câu ca dao:
Ai về làng Vác nhắn nhờ
Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng…

Khoảng 5 năm trở lại đây nhu cầu mua lồng chim tăng vọt, nhờ đó làng làm ăn khấm khá. Ngoài những lồng chim thông thường (hàng chợ) làng còn làm những chiếc lồng tinh xảo (hàng tinh) có giá hàng chục triệu đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người lại thích lồng chim Canh Hoạch. Người sành chơi cho rằng, lồng chim Canh Hoạch đạt ba tiêu chuẩn: đẹp, bền , sang trọng. Làm được như vậy là nhờ bí quyết từ bao đời truyền lại của người làng Vác. Lồng làm đến đâu bán hết đến đó, nhiều chủ buôn tận Lạng Sơn, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh… cũng đặt lồng của làng. Không chỉ thế lồng làm ra còn xuất đi Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đến Canh Hoạch hôm nay bạn sẽ thấy đường xá khang trang, nhiều nhà cao tầng mới xây, ít thấy hộ nghèo.

Anh Đào Văn Vững (31 tuổi) một người chuyên làm lồng chim cao cấp ở làng, đang làm chiếc lồng cao 3 mét, đường kính 1,2 mét của một “đại gia” Hà Nội về đặt với giá hơn 10 triệu đồng. Anh hào hứng giới thiệu từng chi tiếp nhỏ đều được gia công tinh xảo, nan lồng cũng phải là loại trúc đặc biệt. Anh Vững tự hào kể anh chuyên làm hàng tinh, ngay cả khi khách đặt lồng cao 6 mét anh cũng tiếp nhận. Ngày công của anh cao gấp nhiều lần so với những người khác cùng làng.

5-LongchimCanhHoach-(15).jpg

Một họa tiết ở cửa lồng chim đựợc chạm khá tinh xảo

Chúng tôi đến gia đình anh Lương Văn Vỹ, một người làm lồng lâu năm ở làng. Anh Vỹ cũng chuyên làm hàng kỹ.

7-LongchimCanhHoach-(10).jpg


Mong sao một ngày không xa, mô hình mỗi làng một nghề được quy hoạch và phát triển, để thương hiệu lồng chim Canh Hoạch sẽ được nhiều người trong nước và quốc tế biết đến như gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông, tranh Đông Hồ, sơn mài Hạ Thái… Làng sẽ thành điểm du lịch văn hóa để giới thiệu về một nghề lâu đời của đất Bắc./.

Nguồn: Lê Bích (thực hiện) VOV

Hoặc sẽ đi một nơi làm mây tre đan nào đó bất kì ở gần Chuông.
 
Last edited:
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

2. Một nơi khác gần đó:

CỔNG LÀNG ƯỚC LỄ
Phần lớn cổng làng truyền thống ở Hà Tây được xây dựng lần cuối ở thời Nguyễn thế kỷ XIX đến 1945. Song cũng có nhiều cổng được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, XVII, như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm, Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai...

ConglangUocLe-081a2.jpg


Làng Ước Lễ chỉ cách trung tâm Hà Nội trên 30km. Làng vốn có một cổng trước, một cổng sau. Năm 1988, người ta đã làm lại một cổng mới ngay gần cổng trước. Cổng làng nói ở đây là cổng trước, nằm ở đầu làng, được xây từ thời Mạc. Cổng này cũng đã bị sửa chữa ở phần lầu gác trên đỉnh, chỉ có phần dưới là còn nguyên như cũ. Cổng làng Ước Lễ là một trong những cổng làng vào loại sớm và đẹp nhất ở Hà Tây còn lại đến ngày nay. Nhìn từ xa, nó cho ta cảm giác về một công trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ như một công trình quân sự.

Cổng nằm ở đầu làng, chiếm một không gian lớn với cây cầu, cổng vòm, tường gạch có kích thước khá lớn. Cổng hình vòm cuốn, mái cong vút, hai cột bên và trên hai mặt đều đắp nổi chữ Hán. Thoạt trông cổng như một gác chuông chùa nhưng lại gây một cảm giác chế ngự của một công trình quân sự. Có thể nói, cổng làng Ước Lễ là một công trình kiến trúc đậm chất cổ kính và mang nhiều ý nghĩa đối với không gian văn hóa làng Việt. Có thể kể ra một số cổng đẹp, độc đáo, tiêu biểu như: cổng làng Ước Lễ, cổng làng Mông Phụ, cổng làng Cự Đà, cổng làng Đồng Kỵ, cổng làng Vạn Phúc...

Điều đặc biệt ở Ước Lễ, nếu hầu hết nhà dân ở trong làng có qui mô nhỏ, gặp phổ biến trong các làng xã cổ truyền ở Việt Nam, thuộc loại hình kiến trúc dân gian, thì cổng làng Ước Lễ không chỉ hàm chứa những yếu tố dân gian này mà còn mang đặc điểm của dòng kiến trúc chính thống bao gồm các thể loại: kiến trúc cung điện, dinh thự, kiến trúc lăng mộ, thành trì, kiến trúc tôn giáo như chùa, đình làng... thường có qui mô lớn, có sự tập trung tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân, thợ cả.

Tương tự như chức năng của cổng nhà và cổng thành, cổng làng được hình thành nhằm cản chống thú dữ và địch họa, bảo vệ an ninh cho một cộng đồng và cổng làng Ước Lễ hội tụ đủ điều kiện đảm bảo chức năng này. Nếu kiến trúc của cổng thành xưa thường có sông hoặc đào hào bao quanh thì cổng làng Ước Lễ cũng có lạch nước phía trước mặt. Người vào làng sẽ đi qua một cái cầu bắc qua lạch nước rồi mới qua cổng và vào làng. Ngoài giá trị bảo vệ, lạch nước và chiếc cầu này đóng một vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp nên thơ cho cổng làng Ước Lễ.

10.jpg


Giống như những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ của Việt Nam có mặt bằng bố cục và những hình thức tạo hình gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác kết hợp với nhau. Cổng làng Ước Lễ có dáng chung là hình thang, cao 6m, ngang 12m, được xây bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn toàn bằng gạch và bê tông, mang đầy sự bề thế, chắc chắn, thể hiện rõ sự đảm bảo về an toàn như ý nghĩa ngăn chặn kẻ thù ở những cổng thành, và nhờ có những bàn tay tài hoa của người thợ nên dù được làm với chất liệu hiện đại, cổng làng vẫn đậm nét xưa, cổ kính.

316936423_92ed192a8b_o.jpg


Bên cổng làng, trước đây còn có con chó bằng đá xanh, nhẵn bóng ngồi trên mặt đất, ngày đêm như canh chừng kẻ gian vào làng, được xem như một liệu pháp tinh thần phục vụ cho việc bảo vệ trị an.

Giống như một số cổng làng khác, cổng làng Ước Lễ có bốn mảng kiến trúc: vòm cổng, mặt cổng, trụ cổng và mái cổng. Những thành phần kiến trúc này không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo sự bền vững, hài hòa, có giá trị thẩm mỹ.

Trên mặt trước cổng, đắp nổi ba chữ Ước Lễ môn (Cổng làng Ước Lễ). Ước Lễ không chỉ là tên làng mà còn là triết lý của Nho Giáo được dân làng tiếp nhận. Ước, Lễ là chữ dùng xuất phát từ lời của Khổng Tử (Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ), ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hóa); học đã rộng rồi thì phải chế định (Ước) bằng Lễ, ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng thể hiện quan niệm trong cuộc sống phải luôn luôn giữ lễ.

ở mặt sau cổng làng Ước Lễ và ở nhiều cổng làng khác có chữ Thiểu cao đại. Ba chữ này là một điển tích trong Hán thư, nói về ông quan đời Hán tên là Vu Định Quốc, làm quan trong triều. Khi về quê ông thấy con cháu đang làm nhà, bèn dặn con cháu, làm cửa phải cao hơn một chút (thiểu cao đại). Có ý mong cho sau này con cháu làm quan to, thì xe ngựa mới đi vừa. Dùng điển tích xưa đắp trên cổng nơi dân làng thường qua lại, cũng là nhắc nhở mọi người phải có chí học hành, tiến thủ để được thành đạt trong cuộc sống.

Cổng làng Ước Lễ được xây dựng ở đầu làng, mở lối đi lại trên con đường chính vào làng. Do vậy, thành phần kiến trúc thứ hai, phần rất quan trọng của cổng là vòm cổng (lối cổng). Vòm cổng làng Ước Lễ xây cuốn hình vòm parapol, đây chính là sự phối hợp của hình vuông và hình tròn theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn khéo léo. Trước đây, dưới vòm cổng còn có cửa làm bằng gỗ lim kiên cố, do tuần đinh đóng mở theo giờ quy định. Vòm cổng có tỷ lệ khá đẹp, vừa vặn với tỷ lệ của cả cổng, chiều cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Tỷ lệ này không chỉ hợp với nhu cầu đi lại của người dân mà có tác dụng cản những xe quá lớn vào làng để giữ cho không gian của làng được yên tĩnh và sự vững bền của các công trình trong làng không bị ảnh hưởng.

Xét về tính chất tạo hình, có lẽ trụ cổng và mái mới chính là bộ phận tạo nên bộ mặt thẩm mỹ, tạo nên sự khác biệt về hình thức giữa các cổng làng. Nếu trụ phía dưới được xây nằm lẫn vào mảng tường cổng thì các trụ bên trên lại góp thêm phần làm đẹp dáng cho cổng. Hai bên trụ cổng dưới còn được trang trí hình cá chép như nhắc đến tích cá vượt vũ môn nhắc nhở con cháu trong làng luôn phải chăm lo cho việc học hành. Phía trên vòm và mặt cổng được xây một vọng lâu có mái che cong vút.

Những trụ cổng bên trên vút lên cùng đầu đao của mái cổng tạo nên sự thanh thoát. Đây cũng là một thành phần không thể thiếu ở các cổng thành và cả cổng làng mang tính chất quân sự, ta có thể tìm thấy sự tương đồng này ở một vài kiến trúc xưa hiện còn, ví dụ như ở Ô Quan Chưởng.

Vọng lâu trước đây có tác dụng như chòi canh gác những kẻ xấu hay địch xâm nhập làng. Ngày nay, nó chỉ còn tác dụng làm đẹp cho cổng làng và để trong những ngày hội, làng treo cờ trên đó. Mái của vọng lâu cổng làng Ước Lễ gồm hai tầng, tám mái, được lợp bằng ngói ống lưu li. Mái cổng có mang đôi chút đặc điểm của Trung Hoa nhưng bật lên vẫn mang đặc trưng của Việt Nam với mái thẳng và hếch cong ở góc mái tạo nên sự thanh thoát của đầu đao, lấy từ cảm hứng mũi thuyền của nền văn hóa sông nước.

Phía trên cùng là bờ nóc có đặt gạch hoa chanh, đỉnh mái tạo hình đầu rồng nhìn chính diện, trên cùng là hình mặt trời với những tia lửa. Trang trí cầu kỳ trên mái đã thực sự trở thành điểm nhấn của nghệ thuật tạo hình cho kiến trúc cổng.

Các kiểu thức kết hợp chạm khắc, trang trí với kiến trúc cổng làng Ước Lễ đã có sự thay đổi. Thực tế, đây là một vấn đề khó nhận định bởi các chạm khắc, trang trí trên cổng có số lượng ít. Hầu hết tất cả các phù điêu, chạm khắc trên cổng đều là sản phẩm của các thế kỷ sau, không mang dấu ấn, đặc điểm của chạm khắc thời Mạc. ở đây, ngoài ý nghĩa làm đẹp, chúng là những thành phần thêm vào, làm tăng thêm yếu tố biểu hiện cũng như ý nghĩa tượng trưng của cổng.

Thường xuất hiện nhiều ở các cánh cửa, nghi môn... là hình tượng dơi dưới dạng ngậm chữ phước, gắn với yếu tố cầu phúc. ở cổng làng Ước Lễ, dơi được thể hiện trong tư thế bám vào cạnh mặt cổng có ghi đại tự, đầu lộn xuống hướng về câu đối cạnh cổng. Dơi được tạo hình gần với thực nhưng cánh mảnh và dài hơn, đầu cánh được cuộn tròn lại và phần nào trông giống như hoa lá cách điệu. Hai con dơi chạm trên cổng này ít nhiều đã được khái quát hóa, hình thức mảnh mai và được vũ trụ hóa bằng vân xoắn trên thân để mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Như thế, nó không chỉ mang tư cách trang trí đơn thuần mà còn chứa đựng một ý nghĩa cao xa hơn: con đường, lối cổng vào làng chính là cánh cửa đến nơi hạnh phúc.

Hình ảnh cá chép thể hiện trên cổng gần gũi với thực tế, có đường nét sinh động mà cách giải quyết lại hết sức đơn giản. Khúc đuôi của cá được uốn nhẹ chút ít, tạo nên thế cong vừa đủ để phá đi cái nặng, tĩnh của đầu và thân. Từ trên hai trụ cổng, đôi cá lao xuống chầu vào mặt và vòm cổng, giống như hình ảnh của tranh dân gian Lý ngư vọng nguyệt. Ở nhiều di tích kiến trúc, lân là một linh vật khá phổ biến. Lân có nhiệm vụ đứng ở cửa đình, đền với tư cách là thú chầu hai bên linh đạo.

ở cổng làng Ước Lễ, lân được chạm khắc cũng với ý nghĩa như vậy. Lân được chạm tròn và xử lý khéo về hình thức khiến nó hòa nhập hoàn toàn với mảng chạm đại tự trên mặt cổng, làm cho phần mặt cổng trở nên sinh động hơn. ở đây, lân được chạm đi đôi với rùa trong hình thức đắp nổi. Biểu tượng muôn thủa mà rùa thường mang theo là sự bền vững, tượng trưng cho sự trường tồn và cao quý, thể hiện cho mong muốn những lời dạy bảo của người xưa dành cho con cháu sẽ được giữ mãi

Nhiều và phủ dày đặc nhất trên kiến trúc cổng là các đồ án trang trí hoa thị chạy dọc trên diềm mái vọng lâu và thành lan can phía trên cổng làm thay đổi cảm giác về những đường thẳng đơn điệu trên kiến trúc cổng, tạo nên một nhịp điệu lên xuống nhịp nhàng của những cánh hoa. Sự có mặt của các đồ án hoa văn này đã phần nào làm thay đổi diện mạo của kiến trúc cổng làng Ước Lễ, làm cho nó duyên dáng hơn, nhẹ nhàng hơn cái kết cấu kiểu cổng thành vốn bề thế, chắc chắn nhưng nặng nề.
Cổng làng Ước Lễ hơi thiên về chất hoành tráng và điêu khắc nhưng trên nguyên tắc không thiên về tính đồ sộ, đối chọi hay lấn át thiên nhiên.

316932700_a63d0fc0e7_o.jpg


Quách Thị Ngọc An - Theo vietnamfineart.com
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Mình cũng chưa chắc chắn có được nghỉ hôm thứ 7 hay không. Nhưng vẫn đăng ký tạm 1 chân nhé :) mình có xe rồi, nếu hôm đó đi được mình sẽ tự lo xe cộ và sẽ tới đúng giờ. Thanks :)
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Nhóm đi làng Chuông được bao nhiêu người đăng ký rồi chị paper ơi? Tình hình nhìn chung mỗi người đăng ký 1 suất thì hôm đó cứ mỗi người 1 xe rồng rắn đi ạ?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,766
Bài viết
1,137,619
Members
192,657
Latest member
123bukcom
Back
Top