Để thuận tiện cho việc lưu giữ lại các thông tin về chuyến đi, tôi sẽ viết lại toàn bộ lịch trình cũng như diến biến của chuyến đi Trung Quốc lần này.
I. Các công cụ được sử dụng:
1. Giao tiếp:
Ngôn ngữ: Ngoại ngữ của chúng tôi ẹ lắm. English cơ bản, tiếng Trung = none. Nhưng cứ liều mà đi thôi, chủ yếu là chỉ chỏ. Ra ngoài đường hoặc ở sân bay, ga tàu, cứ trông ai sáng sủa có vẻ sinh viên thì nhào vào xì xồ tiếng Anh. Thử 10 người kiểu gì chẳng có chú hiểu được mình nói gì
Google dịch: bạn in sẵn các địa điểm cần đi, các câu giao tiếp cơ bản ra giấy, cần gì thì giơ ra cho họ xem. Cập nhật hơn thì sang đó làm quả sim 3G rồi cầm ipad dạo phố. Thắc mắc cái gì thì cứ anh Google mà gõ. Tuy nhiên giá cước viễn thông bên TQ khá đắt. Tôi nạp 100 RMB mà chỉ dùng được khoảng 4 ngày, tổng cộng gọi chắc được 15p điện thoaị nội địa TQ. Đến ngày thứ 5 là thấy báo cái gì pú tủa rồi tít tít. Hết tiền. Nhưng quả thực là rất nên đầu tư khoản internet 3G này. Rất có ích đối với những người xa lạ như chúng tôi.
2. Tài liệu giấy: Lonely Planet China 2009: Bản photocopy mua tại phố Tây - Phạm Ngũ Lão
3. Các trang web thông tin về China:
http://www.travelchinaguide.com : trang web này giới thiệu rất chi tiết về các thành phố lớn và các địa điểm attraction tại đó. Trang web này cũng đặc biệt hữu dụng khi tra tuyến tàu hỏa (địa điểm, giá vé, thời gian). Đến thời điểm chúng tôi đi đợt vừa rồi, các thông tin đều chính xác tuyệt đối. Nhược điểm duy nhất của trang web này trong tra cứu đường sắt là không hiẻn thị các chuyến tàu giữa 2 địa điểm không có tuyến tàu hỏa trực tiếp với nhau. Để khắc phục nhược điểm này, ta cần phối hợp thêm Google maps. Rất may là Google maps thể hiện việc nối chuyến giữa 2 địa điểm về cả thời gian lẫn số hiệu tàu.
http://maps.google.com : sử dụng để tìm đường đi (đường bộ và tàu hỏa) giữa các thành phố của Trung Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung. Tuy nhiên sau khi có được số hiệu tàu và thời gian, cần check lại bẳng trang travelchinaguide cho chắc chắn vì thông tin trên Google không cập nhật bằng trang này.
Tuy nhiên, tại quy mô hẹp như trong thành phố, Google maps lại rất thuận lợi trong việc tra cứu đường đi từ sân bay, ga tàu về KS và lộ tuyến giữa 2 điểm trong cùng thành phố. Các khoảng cách khá chính xác. Việc này giúp các bạn ước lượng được khoảng cách, thời gian và phương tiện di chuyển có thể.
http://rail.assistanceinchina.com/: tra giờ tàu và lộ tuyến tàu rất trực quan bằng hình ảnh và giờ tàu đi, đến cụ thể.
http://cityguide.china.org.cn/ : hướng dẫn về các địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Trang web khá trực quan và dễ tìm hiểu.
http://www.easytourchina.com/ : tham khảo về các lộ tuyến các tour điển hình của Trung Quốc. Các bạn có thể tham khảo hướng đi để xây dựng tour của riêng mình.
4. Các trang web booking
a. Khách sạn:
www.agoda.com: đây là trang web đầu tiên mình dùng để booking khách sạn. Cảm nhận là khá ổn và tiện dụng. Có thể kiếm được KS giá rẻ nếu chịu khó canh thời gian. Cái này hơi dở là phải chuyển hết tiền thanh toán trước qua thẻ tín dụng.
www.worldhostel.com : cái này được phổ biến từ bạn KevinAuto (1 lần nữa cảm ơn Kevin nhé, giờ này Kevin và nhóm của bạn chắc vẫn đang ở Shangrila). Đặt phòng cũng đơn giản và chỉ phải thanh toán trước 10% tiền phòng.
Cả 2 trang web đặt phòng trên đều có lượng thành viên đông đảo, có ảnh ọt rõ ràng, số lượng review nhiều nên có thể tham khảo thoải mái. Cứ chỗ nào được khen nhiều thì vào.
b. Vé máy bay:
www.ctrip.com: có giao diện Tiếng Anh, thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế (24h trước khí bay) hoặc thẻ của Trung Quốc (lúc nào cũng được). Tiện lợi nữa là gọi vào tổng đài của Ctrip được miễn phí trong China đại lục.
www.qunar.com: trang này toàn tiếng Trung và phải sử dụng thẻ Trung Quốc
www.airchina.com.cn: trang web của Hãng Air China. Có giao diện tiếng Anh, mình chưa thử bao giờ nhưng chắc cũng ổn vì Hãng này cũng uy tín. Nhìn các em tiếp viên trong nuột hơn hẳn các hãng địa phương như Sichuan Airlines.
c. Vé tàu hỏa: cái này phải nhờ người bên Trung Quốc mua hộ. Tại các ga tàu lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng Châu,… đều có máy bán vé tự động. Tốt nhất nên mua trước khi đi tầm 2, 3 ngày. Máy bán vé này kết nối với hệ thống bán vé toàn quốc nên bạn có thể mua vé đi bất cứ đâu trong Trung Quốc miễn là còn chỗ và có đường tàu. Tại các sân bay lớn cũng có quầy bán vé tàu hỏa, bạn có thể hỏi tại Information desk của các sân bay.
5. Các diễn đàn tham khảo:
www.phuot.com; www.otofun.com; www.ttvol.com;...
II. Lịch trình
Chuyến đi vì mục đích công việc là chính nên tóm tắt lộ trình dự kiến của chúng tôi như sau:
Ngày1:
Hà Nội – Thượng Hải: bay
Shanghai – Hangzhou: đi bus đường dài ngay tại sân bay Pudong. Có 1 lựa chọn khác là đi tàu thì phải về thành phố rồi ra ga mua vé tàu. Chú ý Thượng Hải có 3 ga tàu hỏa nên phải xem kỹ là khởi hành tại ga nào.
Ngày 2: làm việc với đối tác buổi sáng, chiều đáp tàu đi Zhengzhou. Tàu K656 khởi hành 17h34
Ngày 3: làm việc với đối tác, chiều đáp tàu đi Yichang – Nghi Xương. Tàu K745 khởi hành 17h58.
Ngày 4: làm việc với đối tác, trưa đáp tàu đi Xiangfan – Tương Phàn (tàu 1166, khởi hành 11h30). Đây là địa danh ghép bởi 2 địa danh cổ là Tương Dương và Phàn Thành, thấy bảo là cách nhau 1 con sông thì phải. Bạn nào chơi Võ lâm truyền kỳ chắc đã quá quen thuộc với chiến trường Tống Kim.
Chiều ngày 4: từ Xiangfan đáp tàu đi Guangyuan – Quảng Nguyên. Tàu K961 khởi hành lúc 14h33. Thực ra cái vụ nối chuyến này là biết thông qua anh Google chứ bên travelchinaguide không hiển thị tàu từ Yichang đến Guangyuan.
Ngày 5: sáng đến Guangyuan, đến bến xe khách cạnh ga tàu (tra trên Google thì đi bộ khoảng 300m từ ga tàu ra), lên bus đi Jiuzhaigou. Chiều tối đến Jiuzhaigou.
Ngày 6: Chơi Jiuzhaigou
Ngày 7: Sáng bay Jiuzhai – Shanghai. Chiều bay Shanghai – Hà Nội.
Lịch trình là như vậy nhưng có 1 số thay đổi về giờ giấc và 1 đối tác hủy hẹn nên phút cuối chúng tôi lại phải thay đổi lịch trình. Lịch trình mới có vẻ nhẹ nhàng hơn do thêm được 1 chút thời gian chơi ở Shanghai và Hangzhou.
Ngày1: Hà Nội – Thượng Hải: bay. Về KS ở phố Nanjing. Chơi ở Shanghai đến trưa hôm sau
Ngày 2: 11h31 bắt tàu K533 đi Hangzhou. Chơi ở Hangzhou đến sáng hôm sau.
Ngày 3: làm việc với đối tác buổi sáng, chiều đáp tàu đi Zhengzhou. Tàu K656 khởi hành 17h34
Ngày 4: Sáng và chiều làm việc với đối tác. Tối bay Chengdu.
Ngày 5: Sáng đến bến xe khách Xin Nanmen, lên bus đi Jiuzhaigou. Chiều tối đến Jiuzhaigou.
Ngày 6: Chơi Jiuzhaigou. Tối bay Jiuzhaigou – Mianyang sau đó nối chuyến Mianyang – Shanghai ngay trong đêm.
Ngày 7: Sáng chơi Shanghai. Chiều bay Shanghai – Hà Nội.
Trong post sau tôi sẽ mô tả kỹ hơn về hành trình kèm ảnh minh họa.