1.2/ Ngày 30-3-2012 : Long Xuyên-Sài Gòn (190km)
Các bạn thân mến,
Với tôi mọi chuyến đi rong đều bắt đầu từ Thành phố Long xuyên, dĩ nhiên, vì đó là thành phố quê hương của tôi. Nhưng đã mấy cuộc rong chơi rồi, tôi chưa giới thiệu gì về thành phố này cả.
Nằm trên bờ Tây Sông Hậu, Thành phố Long xuyên là tỉnh lỵ của An Giang, sầm quất thứ 2 sau Cần Thơ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long, dân số khoảng 300.000 người, cách Sài Gòn 190km.
Có lẽ đây là thành phố có hệ thống sông rạch chằng chịt nhất miền Tây. Ngoài kinh Long Xuyên - Núi Sập, các rạch Tầm Bót, Cái Sơn, Gòi lớn, Gòi bé...là những con rạch chính đan nhau trong nội ô, khiến thành phố có một vùng-quê-nội-thị hiếm nơi nào có được.
Nếu qui hoạch tốt, sạch hóa các dòng nước này tạo những con đường rợp mát chạy ven các bờ kinh, với những hàng bằng lăng tím hay bọ cạp nước vàng tươi...cả thành phố sẽ trở nên một khu vườn sinh thái tuyệt vời! Ha ha,tôi lại mơ mộng nữa rồi.
Thôi, xin hãy trở về thực trạng, dù sao Long Xuyên cũng là một thành phố đẹp, với con rạch Long Xuyên xẻ đôi khu vực trung tâm, chia nơi này thành 2 khu rõ rệt, khu hành chánh và khu thương mại. Nối liền 2 khu đó có 2 cầu, Hoàng Diệu và Duy Tân. Cầu Hoàng Diệu có lẽ là một trong những chiếc cầu thời thuộc địa còn sót lại ở miền Tây và là một chiếc cầu đẹp.
Công viên Nguyễn Du, nằm trên bờ sông Hậu, bên khu hành chánh, có một hồ nước vốn cũng là con rạch năm xưa, thật không hổ danh khi mang tên thi hào họ Nguyễn bởi cảnh quan quyến rũ của nó. Tiếc thay, gần đây người ta bỗng cho xây cây cầu bê tông “hoành tráng” một cách thô kệch, bắc ngang chiếc hồ không lấy gì lớn lắm, khiến cái nên thơ xưa đã không còn như cũ!
Ngay khu vực chợ có 2 di tích cấp quốc gia là Đình thần Mỹ Phước và Chùa Ông Bắc.
Trường Đại học An Giang, thành lập năm 1995, là trường Đại học công lớn thứ 2, sau Đại Học Cần Thơ.
Hò ơ...Long Xuyên nước ngọt gió hiền
Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang.
Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,
Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua...
Chèo vô núi Sập lựa con khô sặc cho thiệt ngon,
lựa trái xoài cho thiệt dòn,
đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm.
Em về em dọn một bữa cơm,
Để người quân tử, hò ơ... ăn còn nhớ quê...[12]
Cuối cùng, tôi xin trích dẫn mấy câu ca dao đó để khái quát một Long Xuyên đẹp đẽ, dễ thương và bắt đầu cuộc rong chơi...ngàn dặm!