Re: Dân Hải Phòng buôn chuyện
Báo cáo cả nhà Đoàn đi Nhìu Cồ San bọn em đã về đến nhà an toàn. xin gửi các bác một số hình em chụp trên đường.
Con đường đá do người Pháp làm để thu hoạch thảo quả.
....
Cảm ơn các Bác đã theo dõi, em lượn đây.
Em xin phép góp gạo với bác Minsk bằng bài chém gió của em nhé. Chưa cóp đc ảnh nên văn chay thôi ạ. Có ảnh thì bác post lên nhiều nhiều nữa chứ, mới có vài cái thế kia.
)
"
11-3-2011.
Về đến HN đã 4 ngày. Sao lâu thế!! Lại công việc, lại kẹt xe, lại cưới hỏi…và lại thấy nhớ rừng. Cũng là ngần ấy thời gian, 4 ngày cho 1 cung đường trekk : Nhìu Cồ San, Bát Xát, Lào Cai – Sàng Ma Pho – Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu. Chúng tôi đã đi, đã đến và đã trở về. Những cái tên làng, tên bản Sàng ma sáo, Nhìu Cồ San, Sàng ma Pho, Trảng Phàng, Nậm Xe, những Mường Hum, Mường So…đã không còn lạ lẫm. Những gia đình người Mông, người Giáy như A Tráng, A Của, vợ chồng anh Nguyên, chị Quanh… cũng trở nên gần gũi. Yêu lắm những đôi mắt trong veo ngơ ngác của lũ trẻ khi mở to nhìn chúng tôi lạ lẫm. Thương lắm những cánh tay nhỏ xíu, đen nhẻm rụt rè xòe ra khi chúng tôi cho kẹo. Ấm áp lắm tấm lòng của những gia đình nơi ấy dành cho những người lạ chúng tôi.
Một chút ít thông tin: Nhìu Cồ San (tiếng Hà Nhì, nghĩa là Ba ngọn núi to; hay còn được biết đến với cái tên núi Sừng trâu) là dãy núi thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn, kéo dài từ Lai Châu sang Bát Xát - Lào Cai, có đỉnh cao hơn 2600m. Ở Bát Xát, núi có "hộ khẩu" ở địa phận 3 xã: Sàng Ma Sáo, Dền Sáng và Y Tý, trong đó Sàng Ma Sáo và Y Tý đều có thôn tên là Nhìu Cồ San (có vẻ NCS của Y Tý được biết đến nhiều hơn).
Đầu thế kỷ 20 miền Tây Bắc vẫn còn là một xứ sở hoang sơ, hoàn toàn cách biệt với đồng bằng. Phong Thổ khi ấy có lẽ là một trong những địa danh xa xôi nhất, hoang vu nhất, nhưng lại chiếm giữ một vị trí chiến lược trấn giữ biên giới phía Bắc. Năm 1927, người Pháp huy động hàng ngàn dân phu người Mèo Thái trong vùng làm một con đường mòn vượt dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền Phong Thổ với thung lũng Mường Hum (thuộc huyện Bát Xát Lao Cai). Thời ấy, đây là con đường liên lạc duy nhất giữa hai tỉnh Lao Cai và Lai Châu. Tổng cộng chiều dài con đường này là 80 km, tuy nhiên giờ chỉ còn 30 km là giữ được tình trạng nguyên thuỷ của nó, hàng vạn tảng đá cuội xếp chặt vào với nhau, trơ trơ ra với nắng gió suốt gần một thế kỷ nay. 30 cây số đường rừng này cực kỳ hoang vu, vắt vẻo qua dãy núi Nhìu Cồ San, xuyên qua một cánh rừng già nguyên sinh.
Đó là những thông tin vội vàng google được vào buổi chiều trước khi lên đường, sau khi nghe Thị Nở thỏ thẻ “Cua ơi, có cung Nhìu Cồ San đấy đi không?”. “Khi nào đi?”. “Cho Cua 10 phút suy nghĩ rồi trả nhời ngay nhé, chiều nay đi đặt vé xe”. Thế là đi thôi chứ còn nghĩ gì nữa – Sẵn sàng cho 1 cung trekk mà không có tập chạy, tập leo, không test thể lực ).
Chúng tôi, 8 người, hăm hở cho chuyến hành trình vào con đường đá cổ xuyên rừng vượt dãy Hoàng Liên Sơn. Leader Hoàng Kòi, tổng quản mama Chuê, bác Ell, bác Mink, Tũn Béo, Sơn râu, Thị Nở, Banhdacua. Đôi chân của 8 chúng tôi đã cùng in dấu trên con đường đá tuyệt đẹp ấy.
Những buổi trưa dừng lại bên con suối, bắc bếp nấu 1 nồi mỳ xì xụp cùng nhau, nhâm nhi ly cafe, chia nhau ngụm trà gừng ấm nóng …Chà…Cực kỳ đáng nhớ đấy.
Đó là những buổi chiều cắm cúi leo dốc, hối hả, í ới giục giã nhau để tìm đường vào bản trước khi trời quá tối. Chân đau, vai đau, bụng đói. Lúc đấy mới thấy yêu thế cái ánh đèn điện tù mù đỏ quạch hắt ra từ những ngôi nhà trong bản, tiếng chí chóe của lũ trẻ con, và cả tiếng sủa nhặng xị của bọn chó khi nghe tiếng chân người lạ.
Những buổi tối ngủ bản, vừa ngủ vừa lo không biết bọ chó nó có hỏi thăm mình không (mặc dù đã được mợ Chuê đưa cho chai Soffel phòng thân). Giấc ngủ đến trong bản giao hưởng các tiếng ngáy với đủ các cung bậc trầm bổng . Để rồi sớm mai thức dậy lại tràn đầy hào hứng tiếp tục gói buộc balo và bước tiếp những con dốc, những triền núi khác.