What's new

[Chia sẻ] ĐẤT TRỜI VÂN NAM - 缘分/ĐỊNH MỆNH

32045786368_dcbc55c08c_c.jpg

Xin chào mọi người, mình vừa trở về sau chuyến đi kéo dài 1 tuần đến vùng đất đã được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh sắc thiên nhiên vô cùng xinh đẹp, cùng với những nét sống văn hóa phong phú, giàu tính nghệ thuật của người dân nơi đây - VÂN NAM.
Nói thế thôi chứ không phải là mình đã khám phá hết Vân Nam, Trung Hoa đất rộng người đông. Chỉ tính riêng 1 tỉnh Vân Nam thì nó cũng đã rộng lớn hơn đất nước Việt Nam của mình rồi. Nên lần này mình chỉ ghé thăm các nơi như Thành phố Côn Minh, Thành phố Lệ Giang, và châu tự trị Địch Khánh (mà chủ yếu là ở Shangri La).
___
1. THỜI GIAN CHUYẾN ĐI:

Từ ngày 02/11/2018 đến ngày 09/11/2018
Đối với Vân Nam thì các bạn thích đi mùa nào trong năm đều được vì nơi đây tọa lạc trên cao nguyên Vân Quý nên thời tiết mát mẻ - lạnh quanh năm. Riêng mình sau chuyến đi thì mình nhận thấy chọn tháng 11 là cực kỳ phù hợp, vì đây là lúc bắt đầu chuyển giao giữa mùa thu và đầu đông, nên mình vẫn có cơ hội trải nghiệm cái cảm giác lạnh giá mà ở Việt Nam không thể nào có được. Có những ngày nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và đỉnh điểm và tối ngày thứ 5 trong lịch trình là -9 độ C. Và nếu đi vào dịp này thì bạn cũng có cơ hội ngắm tuyết rơi vào buổi sáng. Nhưng do mới chuyển mùa nên thời tiết cũng chưa phải lạnh quá, vì nếu các bạn đi vào tháng 12 - tháng 1 thì đây là giai đoạn cực lạnh sẽ gây ra khá nhiều khó khăn khi đi du lịch, nhất là đối với người Việt chúng ta quanh năm sống quen với nóng bức. Tin mình đi, bạn sẽ được nếm trải cảm giác sợ tắm, sợ đánh răng chỉ vì quá lạnh, bất kể dù đã có máy nước nóng.
2. CHI PHÍ:
Chi phí chi tiêu cho 1 tuần: 1.900 nhân dân tệ (yuan) = 6.440.000 VNĐ/1 người
Tiền vé máy bay khứ hồi: 226 USD = 5.255.000 VNĐ (đã bao gồm 20kg hành lý ký gửi mua của China Eastern Airline)
Tiền quà cáp mình đã mua: 500 yuan = 1.695.000 VNĐ
TỔNG MỨC CHI PHÍ: 13.390.000 VNĐ/1 tuần/1 người

  • Mức phí trên tương ứng với kế hoạch du lịch của mình đã thực hiện, sau này nếu các bạn có đi thì sẽ tăng/giảm tùy vào nhu cầu khác của các bạn. Theo mình đã đọc khá nhiều bài review thì mình nghĩ đây là chi phí tốt nhất mà mình có thể có được và cũng đã phải tìm hiểu rất nhiều đã tìm cách sử dụng tiền một cách tốt nhất. Nếu các bạn không tốn tiền quà cáp thì chỉ xài tầm 11-12 triệu là tối đa. Và muốn biết 12 triệu đó mình đã chi tiêu vào những gì thì hãy theo dõi bài viết này nhé.
  • Để đổi tiền thì mình ở TP.HCM nên ra Đồng Khởi đổi với tỷ giá lúc đó là 1 yuan = 3.390 VNĐ. Mình đổi 4.000 yuan tương ứng 13.560.000 VNĐ, đi về dư bao nhiêu thì mang ra đổi lại thôi, không lo chuyện không bán lại được nhưng chịu lỗ một chút vì tỷ giá bán lại là 3.330. Nhưng các bạn nên đổi dư dả một chút chút đừng sát nút quá, vì qua đó các bạn sẽ không biết mình muốn mua thứ gì đâu :ROFLMAO:.
150931

Do mình đã đi đổi hết về tiền VNĐ nên mình chỉ còn giữ lại vài tờ mệnh giá nhỏ kỷ niệm thôi, 2 tờ ngoài bìa trái tương ứng là 1 yuan và 5 yuan, cái tờ kế tờ 5 yuan là 5 jiao (1/2 yuan), đồng xu bạc tương ứng là 1 yuan nhưng là tiền xu thôi, còn đồng vàng thì là 5 jiao bằng với tờ ở trên. Cái tờ 5 jiao ấy hơi bị ít thấy đấy nhé, mãi đến ngày cuối cùng đi về mình mua chai nước ở ga tàu hỏa thì mới được thối lại tờ này. Ngoài ra, cũng như quy luật in ấn tiền tệ thì họ còn các tờ tiền mệnh giá 2 yuan, 10 yuan, 20 yuan, 50 yuan và 100 yuan. Khi mình đổi tiền thì họ đưa cho nguyên 1 cọc toàn tờ 100 yuan thôi. Mình nghe nói còn tờ 500 yuan lớn hơn nhưng mình chưa bao giờ thấy.
* Một lưu ý với các bạn là nếu không muốn giữ kỷ niệm thì nên tránh nhận tiền xu, kêu họ đưa tiền giấy vì tiền xu về lại Việt Nam không đổi được.
3. ĐỒ CẦN MANG THEO:
Đây cũng là một vấn đề khá quan trọng, sau chuyến đi những kinh nghiệm mình đúc kết được và chia sẻ lại hy vọng mọi người sẽ có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hơn.
3.1 Về quần áo thì các bạn thích mang bao nhiêu thì mang, thích phối đồ chụp hình sao thì chụp nhưng nên tuân theo 1 quy tắc 4 lớp khi mặc đồ theo thứ tự từ trong ra ngoài: Đồ lót - đồ giữ nhiệt - quần áo - áo khoác.

  • Đồ lót: highlight khuyến nghị đi bao nhiêu ngày thì mang bao nhiêu bộ hoặc hơn, quần áo mặc ngoài có thể mặc lại nhưng đồ lót bên trong thì xin hãy thay mỗi ngày vì vấn đề sức khỏe, vệ sinh. Cái hại của đi du lịch xứ lạnh là mình không có đổ mồ hôi, nên thành ra không có cảm giác dơ, nhưng thật chất là các bạn đang dơ vãi nồi và nếu không cẩn thận giữ vệ sinh thì gây bệnh.
  • Đồ giữ nhiệt: rất cần thiết, chỉ khi đã đi qua xứ lạnh bạn mới hiểu được sự cần thiết của một bộ đồ giữ nhiệt. Sự thoải mái hay không giữa một người có và không có mặc đồ giữ nhiệt thể hiện rất rõ trong các hoạt động thường ngày. Các bạn của thể tìm mua dễ dàng từ heattech uniqlo của Nhật là phổ biến nhất, nhưng mình chọn sản phẩm của thương hiệu Moncross Switzerland.
32046335008_6470942ddb_z.jpg

  • Quần áo: như mình đã nói ở trên, quần áo mặc chính thì tùy sở thích mỗi người, nhưng mình vẫn khuyến khích các sản phẩm có khả năng giữ ấm như áo hoodie... Riêng quần thì các bạn không nên mặc quần jean, vì đặc tính quần jean là không co giãn và có tính lạnh. Nên sẽ hạn chế sự vận động của các bạn, nên chọn các mẫu quần outdoor. Mình thì chỉ mang theo 2 cái quần của Karrimor và BFL Outdoor.
  • Áo khoác: món đồ cực kỳ quan trọng, quan trọng nhất và bạn không cần mang theo nhiều, chỉ cần mang theo 1 cái, nhưng nếu bạn mang đúng thì 1 cái là đủ. Mình khuyến nghị chọn mua áo khoác lông vịt (siêu nhẹ càng tốt), và có chống gió, chống thấm. Lý do là vì phao lông vịt các bạn có thể dễ dàng xếp gọn, nén lại và để trong vali rất gọn chứ không to kềnh như các chất liệu khác. Mình chọn áo lông vịt của Millet Court Fitness.

150928
150929
150930

3.2 Các đồ phụ kiện khác:
Ngoài ra các bạn nên chuẩn bị bao tay đi lạnh, như trên hình mình mua của Rossignol là dòng bao tay đi tuyết, hơi lố một chút nhưng bù lại giữ đôi tay luôn ấm áp là điều quan trọng. Nón trùm đầu, khăn len bọc cổ, vớ (cái này cũng quan trọng như đồ lót, mang 1 ngày 1 đôi hoặc hơn nếu bị hôi chân), kính râm, khẩu trang (nghe có vẻ lạ nhưng thực tế bên đó sử dụng khẩu trang khá nhiều, không phải để chống bụi mà là chống nắng, vì là vùng đất cao hơn 2.400m so với mặt nước biển nên đồng thời ánh nắng trực tiếp cũng sẽ gay gắt hơn dù không khí rất lạnh, nên nếu cứ phơi mặt trần đi chơi thì về Việt Nam sẽ thành mọi da đỏ).
4. NƠI LƯU TRÚ:
Đi du lịch thì nơi ăn chốn ở là cái quan trọng giúp cho chuyến đi được trọn vẹn, hoặc ít nhất nếu chuyến đi không được như ý thì nơi ở tốt cũng khiến ta có được phần nào thiện cảm về vùng đất mình đã đi qua. Sau khi nghiên cứu trên tripadvisor thì mình lựa chọn 2 nơi như sau:

  • Lệ Giang: Mama Naxi Guesthouse
  • Shangri La: High Altitude Homestay
4.1 Mama Naxi Guesthouse:
32045783348_b3db1f5a12_c.jpg

Vị trí: Theo như mình tìm hiểu thì hiện nay ở Lệ Giang có 2 chi nhánh của Mama Naxi Guesthouse, chi nhánh 1 đầu tiên là ở trong khu Đại Nghiên Cổ Trấn, còn hôm mình đến thì mình ở chi nhánh 2. Chi nhánh 2 thực chất nó là một căn nhà nằm trong một khu dân cư biệt lập có tên gọi Lệ Cảnh Đài. Khu dân cư này có mô hình khá giống với bên Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM, có cổng vào, có bảo vệ canh gác an ninh, và bên trong khuôn viên thì rất yên tĩnh. Thực sự phải nói mình rất hài lòng về vị trí của nơi này, không còn gì có thể phàn nàn vì lý do sau:

  • Do không nằm trong cổ trấn nên rất yên tĩnh, để đến cổ trấn thì rất gần, bạn thích đi bộ thì cũng được hoặc đi taxi 10 yuan/1 chiều.
  • Bước ra ngoài mặt tiền Jixiang Road thì 2 bên là 2 cửa hàng tạp hóa lớn, bạn hoàn toàn có thể mua bất cứ thứ gì cần thiết tại đây từ mì gói, nước uống, bánh kẹo, bia, rượu, sữa, thuốc lá, băng vệ sinh, vớ, dao cạo râu.v..v...
  • Nơi đây sát bên văn phòng bán vé tàu hỏa Lệ Giang. Nếu bạn có nhu cầu mua vé trước vì sợ hết chỗ, bạn chỉ cần đi bộ 5 phút là đến nơi để mua được chứ không cần phải đi ra tận nhà ga tàu hỏa Lệ Giang. Lưu ý khi bạn đi tìm văn phòng bán vé tàu hỏa là nó nằm ở bên trong một khách sạn 4 sao trên Kangzhong Road. Mình không có chụp lại khách sạn đó nhưng bạn cứ hỏi người ta sẽ chỉ. Ngoài ra một điểm cộng nữa là cũng trên Kangzhong Road cách đó 50m chính là bến xe bus Lệ Giang, từ đây bạn có thể mua vé bus để đi đến Shangri-La, Deqin, Đại Lý, Nộ Giang, Phàn Chi Hoa.v..v...
Bà chủ quản lý rất thân thiện và đặc biệt nói tiếng Anh rất tốt, khi bạn đã đến Vân Nam rồi thì bạn mới thấu được tìm được một người bản xứ có thể hỗ trợ bạn và nói được tiếng Anh nó có ý nghĩa như thế nào.
Các dịch vụ khác: wifi, giường ngủ có hệ thống làm ấm, phòng tắm máy nước nóng, có louge (tầng 2, cửa kính trên hình) để uống trà, thư giãn, có locker riêng nhưng nếu vali to thì không có, có nhận đặt tất cả các tour tại Lệ Giang (mình sẽ nói phần này chi tiết sau).
Chi phí: 120.000 VNĐ/1 người (giường dorm)/1 ngày. Mình ở đây 3 ngày hết 360.000 VNĐ.
4.2 High Altitude Homestay
44102164550_99dea16d87_c.jpg

Shangri-La là một nơi gần với Tây Tạng, còn hoang sơ và thôn quê hơn Lệ Giang rất nhiều nên vấn đề nói tiếng Anh ở đây gần như không thể. May mắn là mình tìm được một anh chàng chủ của High Altitude biết sử dụng tiếng Anh dùng cũng không lưu loát lắm, nhưng cũng đủ hỗ trợ các bạn trong các vấn đề về du lịch tại đây.
- Vị trí: đối với mình ở bất kỳ đâu vị trí là quan trọng hàng đầu, "nhất cự ly nhì tốc độ", và tại Shangri-La cũng vậy, High Altitude có vị trí cực kỳ tốt do nó nằm ngay cửa ngõ đi vào khu phố cổ, để đi vào trung tấm phố cổ bạn chỉ cần đi bộ 5 phút là đến. Trên đường đi cũng có 1 tiệm cửa hàng tạp hóa để bạn có thể mua những đồ dùng cần thiết.
Anh chủ homestay rất hiền và nhìn rất lãng tử, tóc dài nhìn râu ria kiểu bặm trợn con bò Yak :ROFLMAO:, nhưng hỏi gì cũng cười rồi giúp mình cả.
Các dịch vụ khác: có wifi, giường ngủ có hệ thống làm ấm, nhà vệ sinh chung (mình ở giường dorm), có bán một số đặc sản ở Shangri-La.
Chi phí: mức giá rẻ kinh hoàng mà mình có thể nghĩ đến là chỉ gần 70.000VNĐ/1 người (giường dorm)/1 ngày.
* Một lưu ý thêm là vì thực chất căn nhà này thuộc phạm vi của phố cổ nên bản thân nó cũng đã rất cổ và cũ, nên nhà làm từ gỗ, hơi xập xệ chứ không lung linh, cao sang đâu nhé. Cầu thang đi lên tầng trên cũng khá dốc nên đi cẩn thận.
44102165980_d0d3e0daac_c.jpg

Sơ lược tổng quát về chuyến đi vậy thôi, phần sau mình sẽ kể về chuyến đi lý thú của mình nhé
...........................(Còn tiếp)
 
Last edited:
Hi bạn! Mình cũng tính đi Kunming- shangri la vào đầu năm 2019. Mình cũng check vé của China eastern bay tư Hn đi shangrila thì transit qua kunming, thời gian chờ là 3 tiếng nhưng mình chỉ lo chuyến từ Hn nó delay thì kéo theo chuyến sau cũng bị lỡ thế thì chết
Chuyến b đi có bị trễ hay gì k?
Vé mình check qua Sky scanner thì rẻ nhưng khi qua trang web của Ce cũng đúng ngày giò đó lại đắt hơn thì k hiểu là do làm sao
Btw: hóng b viết tiếp về chuyến đi
 
Chào ngoboi, mình không chủ ý săn vé rẻ nhưng có thể là do mình may mắn (1 phần), và mình book vé rất sớm, trước 6 tháng lận.
- Đầu tiên mình sử dụng một số website đại lý trung gian để tìm vé rẻ như traveloka, skyscanner (với skyscanner thì bạn để chế độ tháng rẻ nhất) để tìm xem giá vé thấp nhất là bao nhiêu, của hãng bay nào và vào thời điểm nào.
- Sau khi mình tìm được chuyến bay ưng ý là 226USD/khứ hồi/20kg hành lý ký gửi của China Eastern Airline thì mình không book vé thông qua đại lý mà mình vào trực tiếp website của hãng để mua luôn. Website của China Eastern Airline: us.ceair.com/
- Nhập thông tin chuyến bay đúng y như cái mình tìm được trên skyscanner thì thấy nó còn rẻ hơn được vài USD nên mình mua luôn.
Bạn phải chấp nhận mua rất sớm, mình nghĩ điều này cũng ít ai đủ kiên nhẫn như mình mà ngâm cái plan hơn nửa năm ^^, và một phần may mắn. Chúc bạn sớm tìm được vé giá tốt.

thanks thông tin hữu ích của b , đợt trc mình cũng hay vào mấy web tq tìm vé bay nếu mua trước trên 6th giá rẻ mà còn ko cần phải quá cảnh nữa , mình ko dám đặt trước vì sợ rớt visa , thanks b
 
Hi bạn! Mình cũng tính đi Kunming- shangri la vào đầu năm 2019. Mình cũng check vé của China eastern bay tư Hn đi shangrila thì transit qua kunming, thời gian chờ là 3 tiếng nhưng mình chỉ lo chuyến từ Hn nó delay thì kéo theo chuyến sau cũng bị lỡ thế thì chết
Chuyến b đi có bị trễ hay gì k?
Vé mình check qua Sky scanner thì rẻ nhưng khi qua trang web của Ce cũng đúng ngày giò đó lại đắt hơn thì k hiểu là do làm sao
Btw: hóng b viết tiếp về chuyến đi
Xin chào Haelee, chuyến bay của mình rất may mắn là cả chiều đi lẫn chiều về rất chính xác, không bị delay phút nào. Thật ra trước đó mình có tìm hiểu hãng bay China Eastern này và cũng thấy khá nhiều phản hồi không tốt, riêng mình có biết một chị đã bị hãng này cho delay 4 ngày (chiều về) nên mình cũng hơi hoang mang. Nhưng đến lượt mình đi thì thuận buồm xuôi gió ^^.
Mình thì chưa từng bay theo kiểu quá cảnh, vì thật ra đây là lần đầu tiên mình ra nước ngoài luôn ấy, đó giờ toàn bay nội địa không à, nên mình không biết nếu chuyến 1 bị delay thì chuyến 2 sẽ như thế nào. Nhưng đúng là cũng hơi đáng lo, vì hầu như những người mình quen biết có đi Côn Minh (Kunming) từ phía Bắc thì hầu hết là đi đường bộ chứ ít ai đi đường hàng không. Thành ra nhiều khi lượng khách ít quá có khi nó sẽ delay để dồn khách cho chuyến sau đó. Nên bạn cũng cân nhắc chỗ này nha.
 
Last edited:
thanks thông tin hữu ích của b , đợt trc mình cũng hay vào mấy web tq tìm vé bay nếu mua trước trên 6th giá rẻ mà còn ko cần phải quá cảnh nữa , mình ko dám đặt trước vì sợ rớt visa , thanks b
Mình hiểu cảm giác của bạn, mình cũng y chang thế. Việc mua vé sớm như vậy đúng là một ván bài may rủi, nhưng cũng còn tùy vào bạn làm visa như thế nào nữa.
Nếu bạn tự túc làm visa, thì bạn có đầy đủ hồ sơ yêu cầu, có công việc (hợp đồng lao động), và có VÉ MÁY BAY KHỨ HỒI thì gần như bạn đậu visa rồi. Vì xét cho cùng, bài toán đậu hay rớt visa đều quy về một thứ đó là "khả năng bạn quay trở về nước cao hay thấp". Còn nếu bạn làm visa thông qua các công ty dịch vụ thì mới đáng ngại, nếu bạn có khả năng tài chính thì quất gói "bao đậu" :ROFLMAO:, còn chỉ làm bình thường thì đành phó cho ý trời vậy.
 
ĐẤT TRỜI VÂN NAM (TIẾP THEO): CÔNG VIÊN HẮC LONG ĐÀM (黑龙潭公园)
Đã từng đi đây đó khá nhiều, nhưng Vân Nam thật sự là một nơi có nét văn hóa rất đặc biệt. Mình thấy phổ biến nhất là người dân nơi đây rất thích âm nhạc và nhảy múa. Họ thường tập trung theo nhóm và nhảy theo nhạc, những điệu nhảy truyền thống nhẹ nhàng, khỏe khoắn, tươi đẹp. Cũng có người chỉ cần một góc nhỏ và một bài nhạc là có thể tạo nên một thế giới riêng của mình. Mọi thứ ở đây sống động và con người rất hòa hợp với thiên nhiên. Cỏ cây, hoa lá ở đây cũng như được sức sống từ con người mà nảy nở sinh sôi, tô điểm thêm màu sắc cho cuộc sống.
46000141791_8bc424058b_c.jpg

Ngoài ra, động vật ở đây cũng rất trù phú. Với khuôn viên gần 40 héc ta, Hắc Long Đàm tạo thành một mảnh đất lành cho chim thú cư ngụ. Nói một cách thật lòng, nếu không phải vé vào công viên với mức giá 80 yuan dùng để tu dưỡng, bảo trì di sản Lệ Giang mà chỉ dùng để tham quan công viên thì mình cũng sẵn sàng chi trả. Vì phải đến đây mới biết, điều đó hoàn toàn xứng đáng các bạn ạ!
31061214057_c8fe65174c_c.jpg

Khuôn viên của công viên Hắc Long Đàm rất rộng, nếu muốn tham quan thưởng ngoạn một cách đầy đủ thì các bạn phải dành ra trọn vẹn cả một buổi sáng. Ngày mình đi thì Long Thần Từ (龙神祠) đang để trống hoang bên trong nên cũng không có gì tham quan, mình chỉ vào xem một chút rồi quay ra.

45088640265_2610c64ac3_c.jpg

Bên trong công viên còn có nhiều điểm di tích để tham quan khác như Ngọc Hoàng Các (玉皇阁), Ngũ Phong Lâu (五凤楼), nếu bạn đi đến gần cuối công viên thì có Bảo tàng Văn hóa Đông Ba - được xây dựng năm 1984, đây là nơi nghiên cứu và lưu trữ các hiện vật của nền văn hóa Đông Ba. Và với các bạn nào đến Lệ Giang tầm tháng 3 thì lưu ý là vào thời gian này, người dân địa phương thường tập trung tại Long Thần Từ để cầu nguyện và tìm kiếm phước lành. Vì họ tin rằng dòng nước suối ngọc lục bảo nổi tiếng với sự linh thiêng diệu kỳ có thể chữa được bệnh tật.
Nếu đến Lệ Giang, đừng bỏ qua cơ hội ghé thăm Hắc Long Đàm, hãy đến đây một lần để được một lần cảm thấy gần gũi với thiên nhiên, ngắm nhìn cảnh sắc và để học cách sống an nhiên từ những người đi trước, người già ở đây rất an nhàn và họ tận hưởng cuộc sống như một thú điền viên, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc là nước có lượng người cao tuổi chiếm rất lớn.

2.jpeg

Buổi sáng đó chỉ có vậy thôi, đi dạo - ngắm cảnh - chụp ảnh - hòa mình vào thiên nhiên - học hỏi bằng cách quan sát mọi thứ xung quanh. Chỉ vậy thôi mà nó ngốn của mình gần cả buổi sáng đấy các bạn ạ. Gần xế trưa thì mình cũng chuẩn bị đi ra để đi ăn trưa và đến một điểm tham quan khác. Chi phí thì hầu như không có gì ngoài việc các bạn phải mua một vé vào với giá 80 yuan/người thôi nhé.
...............................(Còn tiếp)
 
Last edited:
ĐẤT TRỜI VÂN NAM (TIẾP THEO): THÚC HÀ CỔ TRẤN (束河古镇)
1.jpeg

Sau khi kết thúc chuyến tham quan và dành trọn buổi sáng tại công viên Hắc Long Đàm, mình di chuyển tiếp đến Thúc Hà Cổ Trấn và dự định sẽ ăn trưa tại đây luôn. Cố trấn Thúc Hà là một trong 3 cố trấn tại Lệ Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất của người Nạp Tây và được hình thành do nhu cầu buôn bán trao đổi trên tuyến đường trà mã cổ đạo.
Thúc Hà cổ trấn nằm cách Đại Nghiên cổ trấn khoảng 5km về phía bắc, tọa lạc sát dưới chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn nên Thúc Hà dường như được tận hưởng nguồn sinh khí từ dãy tuyết sơn làm cho không khí nơi đây giá lạnh quanh năm và luôn luôn trong lành. Để đi đến Thúc Hà các bạn có thể đón xe bus số 6 hoặc số 11 tùy vị trí lúc đó của mỗi người, hoặc chọn phương tiện linh hoạt hơn đó là taxi. Mình chọn taxi để tiết kiệm thời gian, tiền taxi hết 18 yuan/1 chiều. Điều đầu tiên mình ấn tượng với Thúc Hà chính là hình ảnh đối lập hoàn toàn với Đại Nghiên cổ trấn. Nếu như Đại Nghiên cổ trấn luôn luôn tấp nập dòng người bất kể ngày hay đêm, thì Thúc Hà lại mang trong mình một vẻ đẹp trầm mặc, hiu quạnh, một vẻ đẹp lặng lẽ, man mác buồn, buồn nhưng đẹp.

2.jpeg

Mình có quen một bà chị, có thể nói người này là "chuyên gia về Vân Nam" vì chắc chị ấy đã đến Vân Nam không dưới 20 lần. Trong một dịp tình cờ chị được đến Vân Nam và đã phải lòng với vùng đất này, thế là cứ đều đặn mỗi năm chị đều du lịch đến đây, có năm phải vài lần. Chị ấy không phải người yêu du lịch, nhưng Vân Nam là một nơi có thể làm cho trái tim con người ta luôn nhung nhớ và mong được một lần quay lại. Với chị ấy, Thúc Hà cổ trấn còn đóng một vai trò quan trọng hơn cả Đại Nghiên cổ trấn. Một suy nghĩ hoàn toàn mang tính cá nhân thôi, nhưng chắc có lẽ vì Đại Nghiên giờ đây đang bị thương mại hóa quá nhiều, nó gần giống như một khu ăn chơi hiện đại mang trong mình một chiếc áo cũ. Ta không thể tìm được một cảm giác quay ngược dòng thời gian, lắng đọng cảm xúc với một khung cảnh hoài cổ bằng tại đây, tại Thúc Hà cổ trấn.
3.jpeg

Cảm xúc của mình thật sự lắng lại khi vào Thúc Hà cổ trấn. Lang thang trên những con đường đá xanh, len lỏi trong cổ trấn là dòng sông Thanh Long chảy hiền hoà dưới chân cầu Thanh Long. Trong tầm mắt ta luôn thấy màu vàng của cây dương và màu xanh của những cành liễu đan xen giữa màu gạch ngói đen phủ tầng tầng lớp lớp trên những bức tường. Phía sau lưng trấn, lấp lánh màu trắng bạc sáng lấp lánh giữa khung trời xanh. Đó chính là màu của ngọn núi tuyết Ngọc Long hùng vĩ.
7.jpeg

.........................(Còn tiếp)
 
Last edited:
Đây là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất của người Nạp Tây và được hình thành do nhu cầu buôn bán trao đổi trên tuyến đường trà mã cổ đạo.
Trà mã cổ đạo tức là sao vậy bạn? Bạn up tiếp hành trình đi, bài viết rất hay và chi tiết vì mình cũng sắp đi Vân Nam rồi.
 
ĐẤT TRỜI VÂN NAM (TIẾP THEO): THÚC HÀ CỔ TRẤN (束河古镇)
Thúc Hà buồn lắm các bạn ạ, mình có thể cảm nhận được một nét buồn man mác của một sự hoang tàn, để lại sau lưng là một quá khứ hùng tráng của một nơi từng là kinh đô giao thương bậc nhất vùng Vân Nam của người Nạp Tây. Ngày xưa, người Nạp Tây vốn lấy việc làm nông là công việc chính, kể từ sau khi các mã bang mang trà hảo hạng từ Trung Nguyên tiến xuống khu vực sinh sống của người Tạng để trao đổi lấy ngựa, đi ngang qua vùng này mới dần hình thành một nơi tụ tập buôn bán, trao đổi, dần dần biến thành chợ rồi sau đó thành huyện trấn. Thúc Hà cổ trấn chính là bằng chứng lịch sử của sự chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang thương nghiệp của người Nạp Tây.
4.jpeg

Trong Thúc Hà có rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, có khi mình đi lạc vào một khu vực gần như hoang tàn và không có một bóng người, nhà cửa vẫn còn đấy, thậm chí mình nhìn vào bên trong nhà vẫn còn đồ đạc sử dụng hằng ngày, nhưng chẳng thấy một ai, trên những mảng tường đã đóng bụi, phủ rêu theo thời gian. Mình được biết ngày xưa Thúc Hà cũng rất tấp nập, nhưng dần dà theo thời gian và cơm áo gạo tiền, người dân nơi đây đã bỏ về Đại Nghiên cổ trấn để dễ làm ăn hơn. Và cũng vì vấn đề tâm lý của khách du lịch, hầu hết mọi người đều cho rằng đã là phố cổ thì chắc ở đâu cũng như nhau, đi tham quan cái nào lớn nhất, nổi tiếng nhất là được, để dành thời gian còn đi nơi khác. Nên theo thời gian, Thúc Hà cổ trấn và kể cả Bạch Sa cổ trấn mà mình sẽ nói sau dần bị rơi vào quên lãng.
6.jpeg

......................(Còn tiếp)
 
Last edited:
Trà mã cổ đạo tức là sao vậy bạn? Bạn up tiếp hành trình đi, bài viết rất hay và chi tiết vì mình cũng sắp đi Vân Nam rồi.
Là do ngày xưa các mã bang mang trà hảo hạng từ Trung Nguyên tiến xuống khu vực sinh sống của người Tạng để trao đổi lấy ngựa và nhu yếu phẩm, đi ngang qua vùng này nên từ đó con đường này có tên gọi là Mã trà cổ đạo hoặc Trà mã cổ đạo.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,430
Bài viết
1,175,888
Members
192,103
Latest member
789clubvn5com
Back
Top