Bác Phương Nam: đúng hang này rồi bác..nhờ tên hang bác đưa mà em tìm được một số thông tin..các bác đọc thêm:
Những hang đá trên con đường huyền thoại
TT- Những hang động như Lèn Hà, Va, Tám Cô, Phong Nha… trên tuyến đường Hồ Chí Minh năm xưa đã từng gắn với những câu chuyện chiến tranh bi tráng mà mỗi khi nhắc lại ai cũng cảm thấy nhói đau nơi lồng ngực.
Nhiều cái tên, nhiều sự hi sinh đã được khắc nhớ. Trở lại con đường huyền thoại hôm nay, chúng tôi bất ngờ trước những câu chuyện của ngày hôm qua, bởi không phải câu chuyện nào cũng được nhắc nhớ.
Kỳ 1: Lèn Hà bi tráng
Hang Lèn Hà ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là một câu chuyện bi tráng không khác gì ngã ba Đồng Lộc hay Truông Bồn, hang Tám Cô..., nhưng có lẽ nói đến hang Lèn Hà thì mấy ai biết từng có 13 chiến sĩ của trạm thông tin A69 đã hi sinh oanh liệt ở đây, trong 13 liệt sĩ ấy có mười cô gái tuổi 16-20, họ còn trẻ hơn cả những cô gái Đồng Lộc hay Truông Bồn. Nhiều cô chỉ vừa 16 tuổi, rời ghế cấp III là đi thẳng vào chiến trường để làm công việc gìn giữ thông suốt huyết mạch thông tin của tuyến đường và mãi mãi nằm lại với Lèn Hà.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Truông Bồn cách ngã ba Đồng Lộc chừng 50km đường chim bay và Đồng Lộc cũng chỉ cách Lèn Hà khoảng cách tương tự như thế. Nếu số người hi sinh ở Truông Bồn là 13 thì số người hi sinh ở Lèn Hà cũng 13 người (và cả hang Tám Cô cũng có 13 người hi sinh). Nếu Đồng Lộc là nơi mười cô gái thanh niên xung phong ngã xuống thì Lèn Hà cũng đúng mười cô gái. Những sự trùng hợp thật ngẫu nhiên.
Có nhiều cách để đến với Lèn Hà, từ đường Hồ Chí Minh đi từ phía bắc vào, qua khỏi địa phận giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình sẽ đến ngã ba Thanh Lạng, ở đây có một tấm biển chỉ đường khá to đề dòng chữ “Di tích lịch sử hang Lèn Hà - nơi 13 chiến sĩ trạm thông tin A69 hi sinh ngày 2-7-1972-cách 3km”. Tấm biển ấy cũng chỉ vừa được dựng lên bởi đến cuối năm 2008 hang Lèn Hà mới được công nhận là di tích lịch sử. Lèn Hà sẽ cũng chỉ là “một vùng cỏ áy bóng tà” nếu không có sự trở lại của những người cựu binh trung đoàn thông tin 134 cách nay ba năm.
Ông Hoàng Quang Tiếp, bí thư đảng ủy xã Thanh Hóa, đưa chúng tôi từ trung tâm bản Hà vào lèn đá. Từ xa đã thấy ngọn Lèn Hà vươn lên đột khởi giữa một thung lũng nhỏ. Lưng chừng núi có một hang đá ẩn hiện sau những tán cây rừng. Dưới chân núi là cái miếu nhỏ với 13 bát nhang tưởng niệm 13 liệt sĩ đã hi sinh trong buổi chiều mùa hè năm 1972 khốc liệt.
Ông Tiếp là thế hệ sau này, nhưng hình như câu chuyện Lèn Hà ở đất này đã được các thế hệ kể cho nhau nghe như một truyền kỳ lịch sử của quê hương. “Chiến tranh, hi sinh, đổ máu là điều không tránh khỏi, nhưng sự hi sinh của những anh chị ở Lèn Hà này quá khốc liệt! - ông Tiếp trầm giọng - Hồi đó tui còn nhỏ nhưng cụ Nậy, xã đội trưởng xã Thanh Hóa thời điểm ấy, người trực tiếp lên cứu anh chị em trong trận bom ngày 2-7-1972, mỗi năm đến dịp 27-7 lại kể với những thế hệ con em bản Hà cái hình ảnh găm sâu vào tâm khảm”.
Buổi chiều định mệnh
Bà Nguyễn Thị Thanh - một trong ba người may mắn sống sót trong buổi chiều định mệnh ấy - đã không giấu được nghẹn ngào khi nhớ về những ký ức bi hùng của một thời lửa đạn. Bà Thanh nhớ lại: “Sau bữa cơm trưa 2-7-1972 trong lúc ba chị em gồm tôi, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực, mười nữ chiến sĩ còn lại đang nghỉ trưa ở ngôi nhà vừa dựng được 21 ngày thì từng tốp máy bay gầm rú trên đầu. Từng tiếng nổ long trời phát ra phía dưới khu vực đóng quân của đơn vị. Lúc đó từ trong hang nhìn xuống chỉ thấy khói mù mịt bao trùm dãy nhà ăn, nhà ở… của trạm. Sức ép của bom giội vào lèn núi khiến cả máy tải ba chao đảo, chân máy gắn vào giá gỗ bong ra. Ba chị em lao vào giữ máy. Bom không đánh nữa nhưng lửa vẫn bùng lên ở khu lán dưới chân Lèn Hà. Đúng lúc đó đại đội phó Nguyễn Văn Hựu từ dưới chân lèn chạy lên thông báo “nhà cháy nhưng không ai việc gì, mọi người phải bảo vệ máy, nối thông liên lạc là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này”.
Năm 1965-1966 không quân Mỹ đánh phá ác liệt trên toàn tuyến Trường Sơn, tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đi thị sát hiện trường và phát hiện hệ thống thông tin liên lạc quá yếu. Ngay lập tức hàng chục trạm thông tin từ vô tuyến, hữu tuyến, tải ba… được lắp đặt nối thông suốt đường dây liên lạc từ trung ương đến các trạm. Trạm cơ vụ A69 được thành lập trong bối cảnh đó. Nằm cách tuyến đường chiến lược 15 khoảng 3km, nhưng với lợi thế tận dụng mái đá của hang Lèn Hà khá rộng rãi nằm lưng chừng núi, trước cửa hang cây cổ thụ phủ kín nên vị trí của trạm vừa an toàn, vừa bí mật, bất ngờ.
Lửa vẫn rừng rực cháy dưới chân lèn, mãi đến khi ba phát súng báo yên vang lên, khi dân quân địa phương vào tiếp ứng vô tình thông báo thì lúc ấy cả ba chị em mới biết bên dưới tất cả đã hi sinh. Cả ba òa khóc đòi chạy xuống nhưng anh Hựu chặn lại: “Chỉ còn ba em thôi. Mỗi phút đứt liên lạc là chiến trường biết bao hi sinh. Phải ở lại giữ máy, nối thông liên lạc”.
Gạt nước mắt, ba chị em quay trở vào khắc phục máy, vừa làm vừa khóc. Sau hơn một giờ, liên lạc đã nối thông trở lại. Mười ba chiến sĩ của trạm A69 hi sinh hôm đó gồm anh Trình trạm trưởng và anh Chấn, anh Xay, còn lại 10 nữ chiến sĩ là các chị Lan, Lung, Mạnh, Luận, Linh, Anh, Châm, Xuyến, Loan, Thảo, trong đó Chu Thị Mạnh và Hoàng Thị Linh đều sinh năm 1956, khi hi sinh chỉ vừa 16 tuổi.
Bây giờ trên chính vị trí các chiến sĩ hi sinh, một ngôi miếu nhỏ vừa được dựng lên để 13 bát nhang thờ vọng và trong lòng hang Lèn Hà, dấu tích của tổ máy thông tin liên lạc vẫn còn vương lại với những đoạn dây, những mảnh nhựa vỏ máy. Ba năm trước Bộ tư lệnh Thông tin đã về đây cùng bà con địa phương dựng một tấm bia khắc ghi tên tuổi 13 liệt sĩ trong buổi chiều bi tráng mùa hè năm 1972.
Từ trên hang Lèn Hà, chúng tôi nhìn xuống con đường thẳng tắp đang được người dân xã Thanh Hóa xây nối từ tuyến đường “dốc Bà Tôn” vào chân làn đá. Ông Tiếp bảo: “Kinh phí này thuộc diện hỗ trợ hạ tầng các xã biên giới, nhưng người dân quyết định đầu tư tuyến đường vào đây để những ai biết đến Lèn Hà và câu chuyện hi sinh của các chiến sĩ A69 muốn vào đây dâng nén nhang cho các anh chị cũng được thuận tiện hơn thay vì làm đường cho dân trong bản”.
Lòng dân muôn đời vẫn thế, không sự hi sinh nào bị lãng quên. Nhưng Lèn Hà đâu chỉ là chuyện riêng của người dân xã biên giới còn rất nghèo khó này.(tuoitre.vn)
@các bác: Ông lão Tiếp nói câu "Kinh phí này thuộc diện hỗ trợ hạ tầng các xã biên giới, nhưng người dân quyết định đầu tư tuyến đường vào đây để những ai biết đến Lèn Hà và câu chuyện hi sinh của các chiến sĩ A69 muốn vào đây dâng nén nhang cho các anh chị cũng được thuận tiện hơn thay vì làm đường cho dân trong bản”...đáng để chúng ta suy nghĩ quá các bác..em chưa một lần vào, dù đã đi qua nhiều...