Thời gian trôi đi nhanh quá, thấm thoát cũng gần 3 năm rồi giờ mới có dịp ngồi nhớ lại cảm giác mê đắm khi đọc: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thuý. Ngày đó tôi mê mải đọc, từ trên ghế tôi nhảy xuống đất, từ phòng đọc lăn sang phòng khách, nóng quá lại chui xuống gầm bàn, đọc và đọc, đọc đi đọc lại, có đoạn hay quá còn học thuộc nữa cơ.
Tôi cảm giác như đang bồng bềnh trong một không gian núi cao, trời rộng của đại ngàn Tây Bắc cùng réo rắt âm thanh trầm bổng của điệu hát gầu Plềnh mê đắm. Từ trên cao tôi say sưa ngắm dòng Nho Quế “ bé như một sợi chỉ dưới chân núi Mã Pì Lèng”, và rồi tôi giật mình khi phát hiện ra những chấm nhỏ li ty trên đỉnh núi, lại gần thì ra là những chàng trai cô gái người Mông mặt đỏ nhừ, mắt cười tít “ nhìn thấy nhau không đứa nào nói gì, cứ như không quen, quay mặt đi mới tủm tỉm cười” đang theo nhau đi chơi chợ hai bảy: “phiên chợ chỉ để cho người mua và người bán uống với nhau. Uống cho say, rồi người mua không nhớ trả tiền cũng được mà nhớ nhưng trong túi chỉ còn vài đồng không đủ mua túi muối , mang ra trả cũng được. Đàn ông quên dao, quên nỏ, đàn bà quên chảo cám, quên cái đũa cả chẳng ai chê cười...”
Cùng với cơn lốc cơm áo gạo tiền là cái tuổi già xồng xộc tới, tôi cũng mắc cái bệnh hay quên, nhưng tôi có thể quên nhiều thứ chứ chưa bao giờ tôi quên Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, phải chăng tôi bị ám ảnh mãi câu của Mẹ già nói với May: “ Con gái à, làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cái cục đá kê chân cột nhà chồng thôi. Ở hai mươi, ba mươi năm, ở đến lúc chết cũng chỉ là cục đá kê cột ...” hay là tôi bị mê hoặc bởi nỗi nhớ da diết nhất, thẳm sâu nhất, ruột thịt nhất mà tác giả Đỗ Bích Thuý đã gửi vào tác phẩm Ngải đắng ở trên núi . Có lẽ là cả hai !
Còn nữa ...