What's new

[Chia sẻ] [Dịch] Một dòng sông

Chào cả nhà,

Mình thích đọc sách và hay đọc các sách du lịch, thám hiểm. Mình muốn dịch và giới thiệu với mọi người một số sách "kinh điển" nhưng không quá nổi tiếng, nhất là ở VN. Cuốn Một dòng sông (One River - Wade Davis) là một trong những sách mình rất thích, dài tầm 550 trang nhưng mình chỉ ngồi đọc 2 lần là hết. Nếu được mọi người ủng hộ thì mình sẽ cố gắng dịch. Và mong mọi người góp ý chân thành với lời dịch của mình.


Giới thiệu [Amazon.com]: Năm 1974-1975, Wade Davis (tác giả) và Tim Plowman đi khắp Nam Mĩ, sống chung với nhiều bộ lạc da đỏ, thu thập cây thuốc, và tìm kiếm nguồn gốc coca, loại lá thiêng liêng vùng Andes và nguồn chiết xuất tai tiếng của cocaine. Hành trình này do người thầy và cố vấn của họ ở Harvard, Richard Evans Schultes, truyền cảm hứng và biến thành hiện thực. Schultes là nhà thám hiểm quan trọng nhất ở Nam Mĩ trong thế kỉ 20, và những kì công của ông ngang hàng với Darwin và những nhà thám hiểm tự nhiên học vĩ đại thời kì Victoria. Năm 1941, sau khi xác định danh tính của ololiuqui, loại cây gây ảo giác đã thất lạc từ lâu của người Aztec, và sưu tập được mẫu đầu tiên của teonanacatl, cây nấm thánh của Mexico, Schultes xin nghỉ phép ở Harvard và biến mất trong khu tây bắc Amazon ở Colombia. 12 năm sau, ông trở về từ Nam Mĩ. Ông đã đến những nơi mà chưa một người ngoại lai nào đặt chân đến, vẽ bản đồ những dòng sông chưa được thăm dò hay ghi tên, và sống cùng hai tá bộ lạc da đỏ. Ông thu thập được khoảng 20 nghìn mẫu thực vật, trong đó có 300 loài mới với khoa học, và ghi lại kiến thức quý giá của những shaman (tạm dịch là thầy cúng, pháp sư) bản địa. Chuyên gia hàng đầu thế giới về cây gây ảo giác, Schultes đối với các sinh viên là mắt xích sống tới một thời đã xa, khi những rừng mưa nhiệt đới còn mênh mông, bất khả xâm phạm, một chiếc áo khoác xanh trải khắp các lục địa. Đó là một thế giới đã có nhiều thay đổi lớn lao khi Davis và Plowman bắt đầu hành trình của họ, và từ đó đến nay lại biến chuyển nhiều hơn.


Một dòng sông
Thám hiểm và khám phá trong rừng già Amazon​

Lời nói đầu

Ý tưởng cho cuốn sách này hiện lên trong một phút giây buồn vô tận. Timothy Plowman là người đàn ông hào phóng, tốt bụng, khiêm tốn, và đầy danh dự; cái chết quá sớm ở tuổi 45 vì căn bệnh Aids ngày 7, tháng 1, năm 1989 đã cắt ngắn một sự nghiệp nhiều hứa hẹn. Một nhà thực vật dân tộc học xuất sắc, anh có khả năng khiến người da đỏ tin và tín nhiệm mình đến mức kì lạ. Anh còn là một học giả với năng lực khác thường, và một trong những nhà thám hiểm tinh tế nhất của thế hệ ấy. Ít ai nghi ngờ điểm này, vì anh là trò cưng của Richard Evans Schultes, nhà thực vật dân tộc học vĩ đại nhất mọi thời đại; những cuộc thám hiểm chỉ một thế hệ trước đó đã đặt ông vào đền thờ danh nhân cùng với Charles Darwin, Alfred Russel Wallace, Henry Bates, và người hùng của chính ông, nhà thực vật học và thám hiểm người Anh Richard Spruce.

12 ngày sau khi Tim qua đời, lễ tưởng niệm được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago. Lúc đó bản thân Schultes cũng đang lâm bệnh nặng, và dù ông coi Tim như con trai, vị giáo sư già đã không thể đến dự. Thay vào đó ông gửi một băng ghi âm, và tôi là người chịu trách nhiệm đưa bài điếu văn. Tôi cũng là học trò của Schultes, và Tim là một người bạn thân, dù anh hơn tôi mười tuổi. Còn hơn cả thân thiết. Hơn một năm trời chúng tôi đi cùng nhau, sống giữa một tá các bộ tộc, thu thập cây thuốc, và nghiên cứu cây coca, nguồn chiết xuất cocaine. Trong hành trình thám hiểm khắp chiều dài và bề rộng Nam Mĩ, Tim giới thiệu cho tôi kì quan của thế giới thực vật dân tộc học và cuộc đời thám hiểm phiêu lưu, giúp tôi thực hiện tất cả những giấc mơ trai trẻ.

Cái chết của Tim thực sự khó khăn với thầy Schultes, vì với sự từng trải ông hiểu rằng học trò cũng quan trọng như người thầy trong phả hệ kiến thức. Những người trong nhà thờ, các nhà thực vật học và những người bạn, ngồi im lặng khi giọng nói mệt mỏi của ông vang lên trong loa. Ông kết thúc với mấy câu nổi tiếng trong vở Hamlet: “Thế là một trái tim cao cả đã tan vỡ rồi, thái tử kính yêu ơi, xin vĩnh biệt người! Cầu xin các thiên thần cử khúc hoan tống để người yên giấc ngàn thu.” Chính lúc đó đứng trên bục diễn giả, tôi quyết định viết một cuốn sách kể câu chuyện của hai người đàn ông đặc biệt này.

Ngay từ đầu tôi đã biết sẽ không thể soạn được một tiểu sử chính xác. Tiểu sử gia đúng nghĩa, người ta nói, phải là một kẻ thù có lương tâm của nhân vật, và tôi thì lại quá gần gũi với hai người để đạt được tiêu chuẩn này. Trường hợp của thầy Schultes thì đặc biệt phức tạp. Ông không phải là người đánh dấu một thời đại; ông là một cá nhân lẩn trốn những hạn chế của thời thế để trải nghiệm một vùng đất kì lạ trên bờ thay đổi. Cuộc đời thám hiểm thực vật của ông, khu rừng che chở ông, những người bản địa và hiểu biết siêu nghiệm của họ về cây cối – đây là những chủ đề hấp dẫn. Tôi không mấy quan tâm đến những năm thành hình của ông, cũng như là trải nghiệm sau này với vai giáo sư Harvard, khi đã là chuyên gia hàng đầu thế giới về các loại cây gây ảo giác, ông khơi mào kỉ nguyên ảo giáo bằng những khám phá của mình. Tôi không muốn chỉ tập trung vào một người đàn ông đơn lẻ mà vào cả những người và những nơi đã làm ông trở nên vĩ đại, vào những thay đổi đồ sộ mà Amazon đã trải qua trong những thập kỉ từ khi ông bị nó mê hoặc đến nay.

Tôi quyết định kể 2 câu chuyện. Lời tường thuật đi theo những chuyến rong ruổi của Tim và tôi trong 15 tháng năm 1974, 1975, một hành trình không chỉ do thầy Schultes truyền cảm hứng và biến thành hiện thực, mà lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết của thầy. Bao quanh câu chuyện này là những chương tiểu sử, đánh dấu theo năm, miêu tả quãng thời gian lạ thường nhất của cuộc đời thầy, một khoảng thời gian gần như liên tục với những chuyến công tác thực địa từ năm 1936 đến năm 1953, đưa ông từ giáo phái peyote của người Kiowa và cuộc tìm kiếm teonanacatl và ololiuqui, những cây thánh đã bị mất từ lâu của người Aztec, tới vùng tây bắc Amazon ở Colombia. Ở đó, trong lúc tìm nguồn gốc của curare, ông tham gia một trong những cuộc điều tra thực vật quan trọng nhất của thế kỉ 20: săn lùng nguồn cao su dại mới, cuộc khảo sát này càng mang tính cấp bách hơn khi thế chiến 2 nổ ra.

Cuối cùng những thành tựu vĩ đại nhất của cả Plowman và Schultes đều bị bác bỏ và thậm chí là phản bội bởi chính chính phủ đã tài trợ cho nghiên cứu của họ. Miêu tả tinh tế của Tim về lá coca, một chất kích thích nhẹ và lành tính, tâm điểm của văn hóa và tôn giáo của người da đỏ châu Mĩ, và phát hiện của anh về vai trò thiết yếu của lá trong chế độ ăn uống của nông dân vùng núi Andes, chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu” với những người tận tâm bài trừ cây coca bằng chất độc, làm ô nhiễm nhiều sông ngòi chảy vào Amazon. Trong trường hợp của Schultes, hậu quả của sự quan liêu xuẩn ngốc có thể còn nghiêm trọng hơn. Phá hủy công trình trong một thập kỉ của ông, và của rất nhiều nhà thám hiểm dũng cảm khác gắn bó với chương trình cao su, những công chức đã bị người ta quên đi từ lâu của Bộ Ngoại giao Mĩ để lại cho chúng ta một di sản đáng sợ. Theo lời một đồng nghiệp của Schultes, “Thanh kiếm của Damocles* đang treo lơ lửng trên đầu thế giới công nghiệp. Chúng ta đã tạo ra tình huống mà chỉ một hành động khủng bố sinh học chủ tâm, đơn giản đến mức ngay cả bà ngoại anh cũng làm được, sẽ xúc tác khủng hoảng kinh tế ở mức độ chưa từng thấy. Không ai biết đến điều này. Tệ hơn nữa, chúng ta đã có cơ hội tránh được tất cả.”
[*Damocles là một nịnh thần dưới triều vua Dionysius II, một độc tài ở Syracuse, Ý vào thế kỉ 4 trước CN. Một lần, Damocles nịnh rằng Dionysius thật là người may mắn vì là một vĩ nhân đầy quyền lực sống trong nhung lụa. Dionysius ngỏ ý nhường chỗ cho Damocles để Damocles được nếm mùi may mắn, và Damocles nhận lời ngay lập tức. Damocles ngồi trên ngai vua, nhưng Dionysius đã cho người treo một thanh kiếm to lo lửng ngay trên ngai, chỉ bằng một sợi lông đuôi ngựa. Dionysius cho Damocles thấy những người quyền lực thì phải luôn sống trong sợ hãi như thế nào, và Damocles cuối cùng cũng phải lạy lục xin trả lại ghế vì không muốn được may mắn đến mức như vậy.]

Sự sụp đổ của chương trình cao su là thất vọng lớn đối với Schultes và khẳng định niềm tin lâu năm của thầy là hầu hết các công chức là những tên ngốc, nhưng nó không làm ông cay đắng. Ông đơn giản là bước tiếp, trở về Harvard, và ngày tháng qua đi, ông dành ngày càng nhiều thời gian cho những người sẽ tiếp tục công việc của mình. Trải nghiệm thời sinh viên của tôi không quá khá biệt. Đầu năm 1974 tôi đi vào văn phòng ông và giải thích là tôi đã tiết kiệm được một ít tiền và muốn đi xuống Amazon để thu thập mẫu cây. Tại thời điểm đó, tôi hầu như không biết gì về Amazon và lại càng không biết về cây cối. Thầy thoáng nhìn lên từ đống mẫu vật và nói, “Khi nào em muốn đi?”

10 ngày sau, trang bị với hai lá thư giới thiệu, tôi hạ cánh xuống Bogota. Chỉ một tuần sau tôi được mời đi cùng một chuyến thám hiểm thực vật, dự tính vượt vịnh Uraba để đến rừng mưa nhiệt đới Darien. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ thật thanh bình còn chuyến đi thì êm đềm lặng gió cho đến khi ra đến ngoài khơi. Gió lạnh phía bắc thổi suốt đêm, chiếc thuyền đâm dữ dội qua nước. Rồi ngay trước khi bình minh lên, cơn bão đi qua. Trời quang, và dưới sự chở che của bầu trời phương nam kì lạ đan chéo sao băng, màn đêm nhường chỗ cho ban ngày. Các hình thù dần hiện lên từ bóng tối, những con sóng xanh tròn rộng và những hòn đảo dừa. Cứ như là bước vào một giấc mơ và bắt gặp mặt biển khơi rộng mở với bờ biển ban sơ của lục địa trải dài xuống phía nam chân trời.
 
@duturi: Hiện giờ mình chỉ quan tâm dịch travel writing thôi bạn ạ. Các thể loại khác đã và vẫn được dịch khá nhiều ở VN.
Thú thật là nhiều lúc dịch cũng hơi oải không hiểu sao mình lại chọn dịch cuốn này :) Vì nó vừa dài, lại vừa nhiều từ chuyên môn, mà mình chỉ dịch những lúc nào rảnh thôi. Chương 2 lại còn dài nữa (gấp 2,5 lần chương 1) nên cũng mất thời gian.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,002
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top