Chuyến tàu đêm cuối cùng cũng cập ga Vĩnh Định nhỏ bé của tỉnh Phúc Kiến khi xung quanh màn đêm vẫn còn bao phủ lấy nơi đây. Lác đác vài người cũng quảy túi rời ga như kẻ lữ khách phương Nam. Chỉ vài bước đi bộ là ra đến cửa ga, hoàn toàn khác với bến Quảng Châu Đông nghìn nghịt người và rộng lớn. Bên ngoài ga, có rất nhiều xe con đợi sẵn với những tiếng mời chào đến tham quan các cụm Thổ lâu.
Phải, kẻ lữ khách bắt chuyến tàu đến đây cũng là để được chiêm ngưỡng di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận này. Di sản nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Phúc Kiến.
Thời điểm đến Phúc Kiến cũng là khi trong nước còn đang sục sôi vụ án công dân Việt Nam vượt biên trái phép bằng đường bộ để đến với xứ trời Âu lạnh lẽo khắc nghiệt với mong muốn đổi đời. Trên hành trình đó, Phúc Kiến - nơi vốn từ lâu là địa điểm nóng của các băng đảng buôn người, băng đảng "đầu rắn" khét tiếng không từ chút thủ đoạn nào để kiếm lợi trên đồng loại, lại nổi lên trong loạt tin tức bi thương như là điểm xuất phát cho hành trình chết chóc đó. Rất nhiều người đã tìm nhiều cách khác nhau, từ đường thủy, đường bộ, theo chân những kẻ môi giới, để đến Phúc Kiến. Từ đây, không chỉ người Việt mà còn có thể là rất nhiều những con người khổ hạnh tứ xứ Á Châu, tụ hội lại, chính thức từ bỏ bản thân, từ bỏ dân tộc với tấm hộ chiếu bị tịch thu, xé rách hoặc đốt cháy, để dấn thân vào một cuộc đời mới, một cuộc sang trang chứa đầy hi vọng sau khi cuộc sống tuyệt vọng bỏ lại đó.
Là một tỉnh ven biển nhưng Phúc Kiến lại không phải mảnh đất phù hoa màu mỡ, dễ an cư lập nghiệp cho người Hoa. Thực tế, mảnh đất này chứng kiến không biết bao nhiêu lớp người Hoa từ đây bỏ xứ mà đi. Vượt bờ sang đảo Đài Loan, xuôi dòng biển Đông xuống Malaysia, làm ăn ở Singapore, định cư tại Việt Nam, rồi trời Âu, đất Mỹ. Những người ra đi từ Phúc Kiến trải rộng khắp năm châu bốn bể, mang theo những văn hóa, kiến trúc đặc trưng tới vùng đất mới, khiến cho người ta bỗng biết đến Phúc Kiến nhiều chẳng kém các xứ phồn thịnh khác của Hoa lục. Chẳng hạn như kiểu nhà cổ ở Penang, món mì Hokkien lừng lẫy làm say đắm bao thực khách.
Nhưng những gì mà còn ở lại với Phúc Kiến thì cũng đủ để bao kẻ lang thang tìm tới. Đó là các quê hương của trà đen ở vùng Tongmu, đó là Vũ Di Sơn non xanh nước biếc, có trà Đại Hồng Bào trứ danh tuyệt đỉnh, ... và đặc biệt là Thổ lâu Hakka.
Phúc Kiến có cả trăm cụm thổ lâu Hakka, tập trung nhiều ở Vĩnh Định, Nam Tĩnh... Vì thời gian eo hẹp, lại vì thuận đường đi nên kẻ lang thang chọn đến Vĩnh Định, để thăm hai cụm thổ lâu HongKeng và Chuxi.
HongKeng là cụm thổ lâu quen thuộc, dễ đi nhất trong các cụm Thổ lâu ở Vĩnh Định. Chuxi thì ít người biết đến hơn, nhưng lại mệnh danh là một trong những cụm Thổ lâu có phong cảnh đẹp nhất ở Phúc Kiến.
Chỉ một từ đẹp thôi là đủ thôi thúc người lữ khách phương Nam tò mò khám phá rồi. Ra ngoài ga, rất nhiều bác tài chào đi HongKeng, nhưng hỏi đến Chuxi thì hơi ngần ngừ. Chuxi cách Vĩnh Định tầm 40 km và không thuận đường để đi các Thổ lâu khác, bắt buộc phải quay ngược lại. Xe con 4 chỗ bao cả ngày thì chừng 200 tệ. Xe đi ghép với người ta là 50 tệ. Trong lúc ngần ngừ thì có một ông chú chào đi Chuxi, còn giới thiệu là có văn phòng tại chỗ. Quả thực là ông chú có văn phòng ngay tại sân ga, chào đi Chuxi lẫn HongKeng tổng cộng 180 tệ. Vì đi một mình và cũng khá tin tưởng vào ông chú nên chấp nhận đi luôn. 180 tệ bao xe sẽ là cao với kẻ độc hành, nhưng mọi người đi theo nhóm thì giá đó sẽ khá là ổn.
Lên xe, nói linh tinh với ông chú một lúc rồi mình cũng gật gà ngủ (vì dậy sớm quá). Đường đi Chuxi khá ngoằn ngoèo, hay có khúc cua, trời còn nhập nhèm tối nên chẳng ngắm được phong cảnh gì. Đành chợp mắt một chút. Hễ chợp mắt thì thời gian sẽ trôi rất nhanh. Chẳng mấy chốc, Chuxi trong sương mờ buổi sớm bảng lảng đã hiện ra trước mắt mình.