Đêm trắng ở Seattle
Một buổi sáng, tôi rời khỏi Las Vegas, đi chuyến bay của hãng Alaska Airlines đến Seattle. Trong khi chờ chuyến bay cất cánh, tôi cũng kịp cúng thêm cho Las Vegas vài chục đô la (đau đớn). Khi đến những thành phố khác, tôi có nhiều thông tin hơn thì khi đến với Seattle, tôi hoàn toàn mù tịt. Trong đầu là mập mờ những thước phim của Tom Hanks và Meg Ryan trong Đêm trắng ở Seattle cùng với những cơn mưa mù trời và rừng thông của ma cà rồng không tuổi trong Chạng Vạng. Vậy thôi, còn lại là mù tịt. Cái hay của mù tịt là khi khám phá ra cái gì là lạ thì hào hứng không chịu nổi. Mà đời này nhiều người khôn quá rồi, nên mình làm người mù tịt có khi lại hay ☺
Seattle đón tôi bằng cơn mưa nhẹ hạt. Ồ, cơn mưa trứ danh của Seattle. Sẽ không có cảnh “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng” mà cơn mưa ở đây kéo dài đăng đẵng. Có tuần liền mưa hết 7 ngày. Trung bình một năm chỉ có khoảng 60 ngày nắng, còn lại toàn bộ là mưa. Vào đông, hàng cây nhỏ hai bên đường ngả sang vàng đỏ nổi bật lên cái nền xanh thăm thẳm của rừng thông sau lưng. Bình yên quá, tôi nghĩ thầm. Và trong những ngày lưu trú ở thành phố của những cơn mưa này, cảm xúc như bị tê liệt vì những hình ảnh khác nhau cứ đan xen. Như những cơn mưa mỗi ngày vẫn rơi đều trên những tán thông già, tôi lờ lững đi qua thành phố, qua những khuôn mặt người và những vòng khói thuốc đậm đặc giữa mùa đông lạnh lẽo. Ừ, và cả những đêm trắng ở Seatte…
Cậu hay bảo tôi: Tâm, ra hút thuốc với cậu. Tôi và cậu có điểm chung duy nhất đó, ra cửa sau, đốt điếu thuốc lên và thả những làn khói giữa khung cảnh xám mù lạnh lẽo. Im lặng. Người đàn ông hơn 50 tuổi, ra đi khỏi Sài Gòn hơn 20 năm mà chưa một lần quay lại. Ngày cậu đi chắc cũng trạc tuổi tôi đây giờ. Cái tuổi nhiều ước vọng. Nhưng chừng ấy năm ở cái thành phố mù mưa này làm cậu thành một người ít nói. Thỉnh thoảng cậu hỏi tôi Sài Gòn bây giờ thế nào, rồi thôi. Cái im lặng của hai con người nếu nhìn từ xa chắc là buồn bã lắm, tôi nghĩ vậy. Thật ra tôi không nghiện thuốc lá, nhưng giữa cái lạnh 4 độ C ngoài trời thì khi rít khói thuốc ấm vào trong người là cảm giác không thể nào quên, sau này, khi sống những ngày nóng ở Sài Gòn, tôi vẫn còn thòm thèm cái cảm giác cô đơn rít thuốc vào một buổi chiều chạng vạng nào đó giữa mùa đông xứ người. Và tôi muốn hiểu cậu. Tôi, hay ai kia, rồi một ngày cũng sẽ đến cái xế chiều của cuộc đời, sẽ im lặng ngồi trên bậu cửa nhìn ra thế giới bên ngoài để nhớ về những ngày trẻ tuổi. Chỉ khác là bây giờ, có tôi ngồi với cậu, thả những vòng khói lên khoảng không gian. Cậu nói cậu hay xem phim Việt Nam, xem hết, xem để biết xã hội đang như thế nào. Rồi cậu hỏi góc ngã tư đó còn người bán hàng rong, quán phở đó còn nằm ở chỗ kia không? Hai mươi năm không về, chắc mọi thứ đã không còn như xưa. Sài Gòn thay đổi chóng mặt cậu ạ. Tôi đánh liều hỏi cậu một câu, sao cậu không về? Cậu trả lời là cậu sợ ngồi máy bay. Rồi cậu trầm tư, cậu sợ quay lại, mọi thứ đã không còn như xưa nữa…
Đó là lần đầu tiên tôi gặp cậu. Cũng không phải là cậu của tôi, mà là cậu của bạn tôi. Nhưng tôi thấy hình ảnh của cậu ở nhiều người lắm. Là những người đàn ông ở xứ người, đã qua thời thanh niên sôi nổi. Mỗi buổi sáng tụ tập ở khu Lion, khu Phước Lộc Thọ đánh cờ, nói chuyện, uống cà phê cho đến chiều. Nhưng khác những người đàn ông kia ra ngoài chém gió, thì cậu hiền lành chỉ ở nhà nghe nhạc, xem phim và hút thuốc.
Ở xứ người buồn lắm. Khi các con lớn lên và thành đạt, chúng bay đi các phương trời khác. Những người bước qua bóng xế cuộc đời sẽ trở thành những con người cô đơn trong ngôi nhà của chính mình. Tôi vẫn hay tự trào rằng xứ Mỹ tự do lắm. Vâng, cũng chính vì chữ tự do đó mà tuổi trẻ tha hồ ra ngoài bay nhảy, trong khi cha mẹ, ông bà thì cứ im lặng đếm từng ngày. Tuổi của cậu, nếu giờ này, ở Việt Nam chắc đang cùng mấy ông bạn lai rai trong một quán nhỏ này đó, hay đang chăm chút cho những con chích choè, chào mào hay đang chơi với thằng cháu nội cháu ngoại vừa bắt đầu biết nói. Chẳng có gì là hoàn hảo cả, tôi không dám hỏi cậu có vui không. Nhưng tôi ước gì cậu leo lên máy bay, về Việt Nam một lần thôi, để tìm lại những người bạn, ngã tư cũ, thành phố mà cậu đã bỏ lại 20 năm. Rồi cậu sẽ đưa ra một chọn lựa. Cậu sẽ nhìn Sài Gòn bằng xương bằng thịt chứ không phải qua những thước phim thực thực hư hư. Ở Sài Gòn, mỗi ngày có bao nhiêu người quay về…
Ở xứ người buồn lắm. Bà ngoại rất già nhưng lại ở một mình trong nhà dưỡng lão. Căn phòng không quá rộng cũng không quá hẹp, có đầy đủ tiện nghi cho một người ở. Mỗi ngày, ngoại phải tự nấu ăn, và hình như có người đến dọn dẹp sơ sơ căn phòng. Ngoại sống ở đó, có vài người bạn gần phòng. Không phải vì ngoại không có con cháu. Cậu là con của ngoại, và các anh chị con của cậu cũng ở cùng trong một thành phố, và các con cháu của ngoại ở Sài Gòn thì phải gọi là siêu giàu. Nhưng cái tự do của Mỹ làm mỗi người có một cuộc sống riêng, không ai làm phiền đến ai. Thật ra thì tôi thích cuộc sống đó, khi mình còn trẻ. Nhưng ví dụ như mẹ tôi bây giờ, nếu không có các anh chị tôi sống gần bên thì tôi có thể tự do bay nhảy đi các phương trời hay không? Văn hoá gia đình Á Đông có những ràng buộc không lời, văn hoá Mỹ là tự do. Nhưng tôi vẫn thấy buồn vô hạn với những gì tôi nhìn thấy. Chỉ là vì mình đang đứng giữa những lựa chọn cho con đường phía trước. Hay là vì mình không biết mình là ai, đang thuộc về nơi nào?
(còn tiếp)