Fansifan - Niềm kiêu hãnh trong tôi!
Đêm qua ko ngủ được nghe mưa buồn quá, hôm nay trời vẫn mưa mà hình như thấy ông thời tiết bảo cả nước mưa, còn mưa nữa!
Lại nhớ về Sa Pa những ngày mưa, nhớ đêm mưa trên Fan!...
Chương IV
Hồi một - Sa Pa thành phố ... BÊ TÔNG!
Các bạn thân mến, xin được cáo lỗi vì chương IV này đáng lẽ ra phải viết xong từ lâu rồi nhưng vì lần quay trở lại Sa Pa để chinh phục Fansifan đã làm mình thực sự kinh ngạc về sự thay đổi dù đã được GĐ Trúc Long khuyến cáo trước đó, nhiểu cảm xúc trái ngược về một thị trấn vùng cao giờ đã lên thành phố!
Bài viết đôi khi lẫn lộn cả những ký ức xưa cũ lên hơi khó đọc mong các bạn thông cảm.
Thật đáng mừng cho người dân Sa Pa vì đã có nhiều thay đổi, sự thay đổi kèm theo tăng trưởng về kinh tế cho người dân vùng cao có thêm thu nhập khi rất nhiều khách du lịch... đã đến với thị trấn thơ mộng này!
Hoan hô văn minh đã tràn lên vùng cao này nhanh quá!
Đứng về phía những người yêu du lịch và yêu thích gìn giữ bản sắc, những nét văn hóa truyền thống của mỗi vùng miền... thì thật là buồn!
Buồn vì người dân vùng cao giờ đây văn hóa cao quá vì ngay cả các cháu bé cũng biết dăm ba ngoại ngữ hơn cả thiếu nhi ở thành phố! Trong khi trường học thì vắng teo
Buồn vì thị trấn giờ đây đã được bê tông hóa, bê tông hơn cả ở những phố thị sầm uất nhất HN, một vài phố nhỏ đã có hiện tượng tắc nghẽn vì ô tô …
Buồn vì phiên chợ vùng cao giờ đây không còn thấy những sản vật đặc trưng vùng miền hay những công cụ phục vụ cho đời sống lao động và sản xuất...của bà con và một lượng nhỏ du khách … như kim chỉ bẩy mầu tương phản với những đôi bàn tay nhuộm chàm, những cuộn lanh... những tấm vải nhuộm chàm còn đượm mùi nồng nồng ngái ngái... được bày trên những tấm vải mưa trải trên đất để bày hàng hóa hay vắt trên những chiếc gùi ...
Khi xưa không gian sương khói se lạnh và mưa bay nhè nhè, chợ họp chạy dọc cả theo tuyến đường đất đá lổn nhổn lép nhép ... làm lữ khách cứ đắm đuối lượn đi lượn lại không muốn đi tiếp rồi lại bị hút vào quán hàng cơm bên đường vì bỗng nhìn thấy đĩa rau xanh mướt đang bốc khói nghi ngút trên tay chủ quán vừa bê ra cho thực khách làm cho mình nhận ra à cũng đã đói rồi và cả lũ không ai bảo ai cùng đi vào quán. Bữa cơm giản dị mà ngon đến ko tưởng tượng được, món rau xanh mà tôi vừa nói đến ở trên thì bây giờ được gọi là ngọn su su! Lần đầu tiên trong đời có một bữa cơm trắng, thịt gà rang và ngọn su su xào, đưa đẩy một vài chén rượu men lá... trời ơi! Còn cảm giác đến tận bây giờ! Ngoài trời mưa có vẻ bới lạnh hơn.
Buồn vì các chàng trai giờ đây ít thấy mặc đồ dân tộc với chiếc áo ngắn sẻ tà, quần thì ko có cạp mà được quấn vắt sang một bên và được buộc bằng sợi dây đay dây cói gì đó rất khó diễn đạt ra đây... Các cô gái thì không còn thấy mầu chàm trên những đôi bàn tay chăm chỉ se sợi dệt, nhuộm vải nữa, váy áo thì giờ đây toàn hoa văn dệt máy hay chất liệu TQ, còn đâu những nét hoa văn thủ công thoáng trông tưởng vụng về mà lại cực kỳ tinh xảo và kỳ công qua bao tháng ngày mới dệt thêu xong một bộ váy áo...! Còn đâu những ánh mắt của các cô gái mới lớn theo mẹ theo chị ra chợ e thẹn mỗi khi thấy ánh mắt tò mò của du khách…
Chợ bây giờ cũng chỉ toàn đồ tầu ô.
Buồn vì Chợ Tình Sa Pa nổi tiếng nay còn đâu, nhà cửa đã lấn cả vào ven rừng, đường nhựa, bê tông hóa vào tận bản làng, còn đâu khung cảnh hoang sơ thơ mộng, sau hàng ngày trời đi bộ từ bản mới xuống được thị trấn để đón phiên chợ ngày chủ nhật thì cái đêm thứ bẩy (chợ tình) đó trai đi tìm gái, gái đi tìm dai...ve vãn tán tỉnh nhau qua lời ca câu hát hay những điệu khèn...bầu bạn giao lưu múa ca dưới sương dưới mưa mà sao ấm áp mà sao tình tứ mộc mạc...và bao chuyện tình thơ mộng đã được dệt nên qua năm tháng … còn đâu những chàng trai thổi khèn, những cô gái cầm chiếc cassette và bật những bài hát sli hát lượn gì đó (mình đoán vậy)… đôi khi lữ khách không muốn ngủ lại hứng tình đi dạo trong đêm vô tình phá hỏng phút ái ân tình tứ của đôi bạn đang tình tứ dưới vòm cây tán lá và tự nhiên thấy mình xấu hổ quá, mình là kẻ ko được thuộc về nơi này!
Cái đêm ở Sa Pa vừa rồi cũng bỏ đoàn đi dạo một mình (không phải lý do gì xấu với đoàn mà đôi khi con người mình như vậy) muốn tìm lại chút dư vị của quá khứ mà lại thất vọng ê chề, giờ đây khung cảnh lung linh ánh đèn, đèn thắp tận lên đỉnh tháp truyền hình phát sóng gì đó mà sao mình thấy buồn thế, buồn thê thảm, đến 10 thì đèn đóm cũng tắt dần nhưng lại thấy vô cảm vì đường phố sạch sẽ ghọn gàng đến đáng ghét và lạnh lẽo, không còn thấy bóng dáng của người vùng cao, không còn thấy gái bản trong trang phục truyền thống đứng dăm ba người với nhau hay trai bản với chiếc khèn trên tay, không còn thấy lời hát hay tiếng khèn từ đâu đó xa xa mà thật gần vọng lại tình tứ lôi kéo... không còn thấy chút e thẹn của cô gái đang lớn được bố mẹ chải tóc chỉnh sửa trang phục để thu tiền mỗi khi khách du lịch muốn được chụp ảnh cùng
Sa Pa xưa nay còn đâu!
Và còn rất nhiều, rất nhiều điều mình muốn viết ra đây nhưng thế đã nhé, càng viết càng thấy buồn buồn nhớ nhớ!
Và cũng thật tiếc cho các bạn trẻ hay những ai chưa lên Sa Pa cách đây ít nhất là 10 năm thì khái niệm về Sa Pa thật khác đối với những lớp người hoài cổ như mình.
(còn nữa)
Bài có sử dụng ảnh của bạn đồng hành.