Giấc mơ Macau
Một vài nét về lịch sử Macau (có gì không đúng các bác bỏ quá cho em)
Người ta cho rằng nguồn gốc chữ Macau là do khi người Bồ Ðào Nha trên đường đi biển ghé vào bãi biển phía trước miếu Thiên Hậu, họ hỏi người bản xứ đây là đâu? Dân địa phương trả lời là “A Ma Các” (tiếng Quảng Ðông có nghĩa là miếu Thiên Hậu). Người Bồ Ðào Nha phiên âm “A Ma Các” thành ra Macau và gọi tên vùng đất này là Macau cho đến ngày nay. Sử sách Trung Hoa còn lưu giữ có đề cập đến vùng đất Macau từ năm 1152. Ðến năm 1277 một số quan quân triều đình nhà Nam Tống dẫn khoảng 50,000 dân từ miền Bắc chạy xuống đây lánh nạn vì giặc Mông Cổ xâm lăng. Trước đó Macau được những thương thuyền của người Hoklo ghé qua làm nơi trú bão và trở thành địa điểm trao đổi hàng hóa giữa các ghe buôn. Ðầu thế kỷ 16, Macau là vị trí quan trọng trên tuyến đường buôn bán của người Bồ Ðào Nha và Nhật Bản. Thương thuyền Bồ Ðào Nha chuyên chở hàng hóa từ Lisbon (Bồ Ðào Nha) như đồ thủy tinh, rượu sang Ấn Ðộ. Tại đây họ mua thêm hồ tiêu, gia vị vượt qua eo biển Malacca rồi ghé lại Macau bán đồ thủy tinh, rượu và mua tơ lụa Trung Hoa để lên Nagasaki đổi cho người Nhật lấy đồ trang sức bằng bạc, kiếm đồng, sành sứ, sơn mài. Họ mang về Âu Châu gia vị và những mặt hàng lạ lùng của Trung Hoa và Nhật. Khi ghé lại Macau người Bồ lập bến tàu, xây nhà kho để phơi hàng hóa bị sóng biển đánh ướt và lần lần Macau trở thành hải cảng tấp nập tàu thuyền Bồ Ðào Nha (tài liệu còn ghi lại là năm 1516). Theo thỏa ước 1557 Trung Hoa cho phép người Bồ Ðào Nha định cư tại Macau nhưng không chấp nhận người Bồ có chủ quyền ở Macau mặc dù chính phủ Bồ Ðào Nha đã tự động xem như đất của mình và thiết lập nền hành chánh tại đây. Năm 1680 Thống Ðốc Bồ Ðào Nha đầu tiên được cử đến cai trị Macau nhưng triều đình Trung Hoa tiếp tục thu thuế và tiền thuê đất. Người Bồ vẫn trả tiền thuế và tiền đất cho đến năm 1849 thì không trả nữa và tuyên bố Macau độc lập. Cũng trong năm đó Trung Hoa trả đũa bằng cách ám sát thống đốc Ferreirado Amaral. Thỏa ước 26-3-1887 nhà Thanh công nhận người Bồ có quyền cư trú vĩnh viễn tại Macau nhưng không được quyền nhượng phần đất này cho nước thứ ba nếu không có sự chấp thuận của nhà Thanh.
Trong thế chiến thứ hai, nhờ vị thế chính trị trung lập của Bồ Ðào Nha mà Macau không bị quân Nhật chiếm đóng mặc dù họ đã chiếm Quảng Châu và Hong Kong, vì vậy máy bay Ðồng Minh không oanh tạc Macau. Lúc đó kinh tế Macau có được một thời gian phát triển, làm giàu trong khi những quốc gia lân cận kiệt quệ vì chiến tranh tàn phá. Năm 1949 Cộng Sản Trung Hoa nắm quyền toàn quốc và họ tuyên bố không công nhận các thỏa ước mà triều đình nhà Thanh ký với Lisbon trước đây vì cho rằng bị các nước Tây Âu áp chế. Nhưng nhà nước Trung Cộng chưa sẵn sàng có một giải pháp nào đó cho Macau mà vẫn giữ nguyên trạng cho đến một tương lai thuận tiện và họ xem Macau giống như Hong Kong. Năm 1966 những phần tử thân Trung Cộng nổi loạn đốt phá ở Macau và cảnh sát đã thẳng tay dẹp tan. Dịp này chính quyền Bồ Ðào Nha yêu cầu Trung Quốc ngăn chặn dân lục địa xâm nhập vào Macau và nghiêm cấm các cuộc biểu tình phá rối tại Macau. Mối liên lạc hòa hoãn giữa hai chính phủ khiến sự chống đối lắng dịu và phần tử tả khuynh tại Macau cũng đành im hơi lặng tiếng.
Bồ Ðào Nha và Trung Quốc thiết lập bang giao năm 1979. Năm sau Ðại Tướng Melo Egidio là thống đốc Macau đầu tiên sang thăm viếng Trung Quốc. Ðằng sau cuộc viếng thăm này là bước đầu hai bên tìm giải pháp cho tình trạng Macau. Cuộc thương thuyết bắt đầu năm 1985, một năm sau khi Anh Quốc ký thỏa ước trao Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Kết quả là năm 1987 hai bên đồng ý bàn giao Macau lại cho Trung Quốc như một Ðặc Khu Hành Chánh vào ngày 20/12/1999 và Macau là thuộc địa cuối cùng của người Âu tại Á Châu.
Macau có những bảng tên đường, biển hiệu viết bằng 2 thứ tiếng; những biệt thự theo kiến trúc Bồ Đào Nha nằm bên cạnh các căn nhà mái cong của người Hoa. Pho tượng khổng lồ đó chính là mẹ Nam Hải được đặt bên bờ biển mà người Công giáo nói là mang dáng dấp như Đức bà Maria, trong khi giới Phật tử lại cho rằng có gương mặt và trang phục của Quan Thế Âm bồ tát.
4 thế kỷ dưới quyền cai trị của người Bồ, thành phố biển thơ mộng này đã trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những người yêu thích sự tương phản, các mặt đối lập tồn tại trong một diện tích vỏn vẹn 21 km2. Sự khác biệt còn thể hiện rõ giữa những người dân địa phương bình dị và hàng đoàn du khách sang trọng đang lũ lượt tràn qua Macau.
Nền văn hóa Macau
Văn hóa Macau là sự kết hợp tinh tế từ hai nền văn hóa tiêu biểu là Trung Quốc và Bồ Đào Nha. Với đa số dân là người Trung Quốc, người dân Macau mang theo mình tập tục cũng như những thói quen truyền thống của đất nước Trung Quốc. Đồng thời, những năm tháng thuộc địa cũng hình thành cho người dân Macau những nét văn hóa mang đậm dấu ấn phương Tây hiện đại. Nét hài hoà được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở Macau. Du khách dễ dàng nhận ra những tên đường phố, nhà hàng, trường học sử dụng tiếng Bồ Đào Nha bên cạnh là những cái tên theo ý nghĩa Trung Quốc.
Văn hóa ẩm thực Macau phản ánh sâu sắc sự ảnh hưởng hai nền ẩm thực lớn trên thế giới. Vì vậy, những món ăn nơi đây luôn làm du khách bốn phương mến mộ. Thực đơn các bữa ăn không thiếu hương vị tinh tế của Trung Quốc cũng như màu sắc hiện đại của Bồ Đào Nha.
Tên đường phố, cửa hàng, các khu vui chơi giải trí là những nơi dễ dàng nhận ra lối dùng song ngữ Hoa – Bồ Đào Nha của người dân Macau. Những khu trung tâm, khu đại lộ lớn như: Fisherman’s Wharf, Rua de Malaca Centro Internacional de Ma Cao, Rua do Cinco de Outubro, Rua dos Clérigos … được dùng tiếng Bồ Đào Nha để đặt tên gọi. Nếu như một số nhà hàng đặt tên theo tiếng Bồ Đào Nha: Temptations, A Petisqueira, Antonio, Fernando’ss, Galo, … thì vẫn có một số tên gọi bằng tiếng Hoa như: Si Shu Chiu Chow, Naam Thai, Nam Peng, Chan Seng Kei, Kwun Hoi Heen. Người dân Macau dùng ngôn ngữ là tiếng Quảng Đông nhưng tiếng Bồ Đào Nha cũng được sử dụng khá phổ biến. Ngoài ra, trong các bữa ăn ngoài việc dùng muỗng đũa như các nước Châu Á khác người dân Macau còn dùng thêm dao nhỏ, nĩa để thưởng thức các món ăn.
Nét ẩm thực của Macau chịu ảnh hưởng lớn từ các nước Phương Tây cũng như các nước trên thế giới. Dễ dàng nhận thấy ở Macau du khách có thể ăn uống theo phong cách Bồ Đào Nha với dầu ôliu, bánh mì; có thể thưởng thức hương vị các món nướng của Brazil, nhưng cũng có thể là các món ăn Thái đậm đà và hơn hết là các món ăn truyền thống của Trung Hoa. Bởi vậy, món ăn Macau đặc sắc, mang lại những vị lạ khi thưởng thức. Cách bài trí và chế biến kết hợp tinh hoa của nhiều nơi mang lại dấu ấn riêng cho món ăn của Macau.
Bánh trứng là món bánh mang đặc trưng hương vị ẩm thực phương Đông. Bánh nồng nàn vị sữa, vị trứng, bơ, bột mì hòa quyện. Tạo hình thành những chiếc chén nhỏ vừa tay cầm. Vỏ bánh được làm bằng bột mì, được nhồi kỹ càng. Nhân bánh làm từ kem tươi, sữa, trứng gà được đặt khéo léo vào lòng bánh mì. Trên cùng bánh được phủ một lớp caramen với màu đặc trưng.
Vẻ ngoài của bánh giản dị, tuy không lôi cuốn nhưng lại hấp dẫn từ hương vị ngọt ngào của nhân bánh, vỏ bánh. Bánh trứng Bồ Đào Nha có thể ăn nóng, ăn nguội đều rất ngon. Người Bồ Đào Nha thường dùng bánh trong bữa tiệc trà, hay dùng tráng miệng sau các bữa ăn chính. Bánh trứng Bồ Đào Nha ghi lại dấu ấn thời kỳ thuộc địa của Macau nhưng cũng thể hiện nét tinh tế trong sự giao hoà hai nền văn hóa ẩm thực Âu – Á.