What's new

Hồi ức của dân Phượt

Bác ơi, thích quá, được đọc bao nhiêu điều kỳ thú về núi rừng VN.
Nhưng em đề nghị be bé, bác chấm một nhát thôi được không? Nhá!

Không duyệt ! Chấm phải nhiều mới sướng, vả lại chấm thế mới ra dáng "rang hồ" đặc biệt không nhầm hàng :LL

Mách thím một mẹo ! Khi đọc phớt lờ cái chấm :))
 
Last edited:
Này, em nói ngọt không nghe, cứ ưa nặng hử? Em đề nghị tech admin sáng tác ra bộ lọc, cứ chấm sai lỗi chính tả, chấm bừa bãi là loại câu chữ cạnh chỗ chấm sai ấy. Lúc đấy thì rõ là không nhầm hàng nhể? hô hô

Chấm lại đi nhá, văn phong rồi nội dung chuyện kể của bác, ai mà copy lại được. Các nhà văn có ai viết sai lỗi chính tả để văn mình thêm hấp dẫn không? hử hử?

Bác nói em nghe.
 
Thừa biết là sai chính tả :D

Thế nhưng rất lạ là khi viết cứ muốn chấm.... Nó giống như là cảm xúc dào dạt nhưng không thể diễn tả nổi bằng từ ngữ mà chỉ biết ba chấm hoặc chi chít chấm để nói lên cái "tắc nghẹn" đang trỗi dậy trong lòng mình....

Thôi vây. Anh cũng nên ít 3 chấm đi, nên dồn nén cảm xúc và tìm từ diễn đạt phải không Thím :))
 
NHỮNG CÂU CHUYỆN BÍ HIỂM TRÊN ĐƯỜNG ĐI TÌM KỲ NAM

(Người rừng lá vàng với 3 ông Bảy con)

...............................

Chúng tôi bám theo những cái bóng nửa người nửa vượn kia được chừng 1 km mới phát hiện họ chui vào một cái hõm hang khá lớn nằm khuất sau những bụi cây, miệng hang nằm chênh vênh bởi cái dốc đá dựng đứng, lởm chởm nhưng “vô tình” được cây rừng bao phủ nên khá bí hiểm… Nó tối như hũ nút.

Cả hai đứa ngưng lại. Chúng tôi quyết định “phục kích”. Nằm trên một cành cây khá cao, chúng tôi lơ mơ và thiếp đi …Một lát, tôi bỗng tỉnh dậy. Thấy Tám Thành đang tụt xuống khỏi cây, “hắn” dọ dẫm đi từng bước về phía cửa hang. Bỗng “hắn dừng lại, “dè dặt ngó ngiêng. Tôi chợt cảm thấy “lành lạnh” sống lưng vì ngửi thấy mùi ông “ba mươi”…. Cái mùi hôi xình, tanh tưởi và thối khẳm! Có tiếng thở “hào hển”, thi thoảng “rốc” lên một cách đầy “say sưa” vang vang sau một lùm cây lúp xúp. Tám Thành bủn rủn, hắn quơ đại cái xà gạc, chân nhảy liên hồi, miệng thét lên làm không gian đang im ắng bỗng vang vọng ….

- Aaaaaaaaaaaaaa

Một bà “ba mươi” nhảy dựng lên, gầm một tiếng rất kinh khủng “..Ùuuummm” và lao vọt vào bụi cây, nhưng ở đằng sau… Vâng! Phía đằng sau là 3 con hổ con “lũn cũn” như những con chó lông vàng “vọt” theo sau. Chúng kêu loé choé …

Tám Thành nhanh như khỉ, leo vọt lên cái thân cây nhơ nhỡ phía đối diện cửa hang, mặt cắt không còn giọt máu, la lên lạc cả giọng:

- Bác Ba, cứu em…

Chắc chắn mấy mẹ con con hổ đang ngủ thì bị giật mình vì tiếng thét của Tám Thành nên chạy mất dạng … Rõ là thần hồn nát thần tính!

Chưa kịp tụt xuống, chợt tôi thấy Tám Thành im bặt, mắt trợn lên, từ từ ngã vật xuống đất. Trên người hắn “dính” một cái gì đó như là cành cây. Tôi vội nhảy xuống đất, chạy lại chỗ hắn. Tám Thành nằm sấp, trên mông là một mũi tên khá “thô sơ” cắm nhẹ vào thịt. Tôi cuống cuồng cầm mũi tên nhổ ra vì nghĩ khả năng mũi tên có độc?! Mũi tên cắm hơi nông nên nhổ ra dễ, máu rỉ ra ướt nhẹ cái quần màu cỏ úa …

Cả hai chưa kịp định thần, có mấy mũi tên nữa bay tới chui vào lùm cây, bay sát sạt đầu tôi. Tôi thét lên: Chạy đi… Cả hai thập thễnh chạy như ma đuổi, mặc cho gai cào sướt hết cả da mặt, toạc cả áo … Được một đoạn khá dài thì Tám Thành thở dốc nằm vật xuống đất. Mặt hắn tái dại, hắn nói ú ớ không ra tiếng….

Tôi tụt quần Tám Thành, xem vết tên đâm. Máu đen đen, có mùi khác lạ. Rất có khả năng mũi tên có tẩm thuốc độc. Tôi vội vã lấy đầu mũi xà gạc, chích thẳng vào vết thương, lấy tay bóp cho máu trào ra. Tám Thành kêu rống lên thảm thiết, nhưng mặc kệ, lần này tôi chích mũi xà gạc sâu hơn, rồi ghé miệng hút thật mạnh cho máu chảy ra rồi nhổ đi…. Sau đó cởi cái áo, tôi băng lại vết thương cho hắn…

Chúng tôi ngưng lại ven bờ suối, mắc võng nghỉ lại. Tám Thành lên cơn sốt. Hắn mê sảng dữ dội. Suốt chiều hôm đó, tôi cực kỳ lo lắng sợ rằng chuyện “xấu” sẽ xảy ra với Tám Thành. Một mình tôi nơi thâm sơn cùng cốc cũng không sao, nhưng biết ăn nói thế nào với vợ con hắn khi về lại quê?!

Tôi cho hắn uống mấy liều thuốc giải độc của dân đi “trầm” hay dùng, sau đó lấy lá “sắn dây” rừng vò ra đắp vào vết thương. Khoảng nửa đêm, hắn có vẻ ngủ yên. Tiếng thở êm và sâu.

Đêm đó, trời bỗng mưa. Cơn mưa trái mùa khá lớn. Hai chiếc tăng nilon phải dành cho võng của Tám Thành để hắn khỏi bị ướt, còn tôi che mưa bằng cái mảnh nilon vẫn dùng làm mâm để đồ ăn. Tôi ướt nhẹp, run bần bật suốt đêm….

Sáng sớm. Rừng im ắng không một tiếng gió. Chỉ có tiếng suối chảy róc rách, điểm xuyết bằng tiếng gà rừng gáy te te thi thoảng lại vang lên phía sườn đồi bên kia suối. Tôi nhảy xuống khỏi võng, đi xuống suối định rửa mặt. Bất chợt tôi “chựng” lại: Chèng ơi! Một thân cây gió đã mục ruỗng, nó to cỡ một người ôm nằm vắt ngang khúc suối cạn, nước đang róc rách chảy….

Tám Thành bị tôi lôi dậy. Hắn ngáo ngơ, ngáo ngơ … sau đó chừng nghe “thủng” câu chuyện, hăn với tay lấy cái xà gạc rồi “lật bật” đi với tôi xuống suối. Làn này đến lượt hắn há hốc mồm, tỉnh táo hẳn !!!

Cây gió đã mục, dài cỡ 5 m. Phần trên hoàn toàn không có gì. Nhưng phía gốc cây chợt “phình” ra, xù xì, nằm gần như ngập trong một đụn mối khá lớn. Lúc này Tám Thành như “khoẻ” hẳn lại. Hắn xục cái lưỡi xà gạc, ra sức bẩy những tảng đất được lũ mối đùn lên thành đống quanh cái thân cây gió to vật. Tôi lấy con dao quắm, khẽ tách lớp vỏ cây đã mềm đi vì thời gian … Không tin vào mắt mình nữa. Cái “lõi” màu đen tuyền, cái “lõi” Hắc kỳ nam lộ ra. Tôi chém nhẹ lấy một mẩu, đưa lên mũi. Một mùi thơm ngai ngái xộc thẳng vào mũi. Tám Thành bỗng “hực” lên một tiếng. Hắn ngồi bệt xuống đất và bật khóc rưng rức….

Ba ngày quần quật, chúng tôi bóc tách thân cây gió. Phía gốc cây là một khúc Hắc kỳ nam nguyên trạng nặng chừng 15kg, phần trên là trầm loại 1, dạng như hoàng kỳ nam được chừng hơn 20kg. Chúng tôi nhét vào hai ba lô đầy chặt. Khúc cây gió còn lại và cái gốc kỳ nam nằm sâu dưới đất được chúng tôi lấp đất kín, đánh dấu rất cẩn thận. Định hình rõ hướng, sau đó lấy mục tiêu chuẩn là ngọn đồi trước mặt, chúng tôi rời chỗ đó, men theo lòng suối “xuôi” về hướng đông, hướng quê hương….

Chuyến đó, chúng tôi ra khỏi rừng rất nhanh chỉ sau có hai ngày. Kín đáo đi bộ men quốc lộ về gần tới Khâm Đức thì rẽ vào ngôi nhà của hai mẹ con “g㔠đàn ông người K’tu. Tôi nhờ “g㔠mua thêm đồ ăn, sau đó dẫn đường đi tắt về buôn Tia thuộc huyện Sa Thầy của Kon Tum suốt 3 ngày ròng rã. Đề phòng chuyện “bất trắc” nếu ngộ nhỡ gã K’tu kia tiết lộ bí mật nên chúng tôi “ép” gã đi cùng chúng tôi về Pleiku bằng xe ôm, sau đó “chạy” một mạch vào Sài Gòn….

Bán xong “mớ” kỳ nam và “ôm” một món tiền quá lớn, Tám Thành đâm ra tham lam. Hắn giục giã tôi quay trở lại lấy nốt chỗ trầm còn giấu. Cực chẳng đã, tôi phải kêu thêm cậu em vợ và “g㔠K’tu đã dẫn đường chúng tôi về Pleiku cùng quay lại chỗ cất giấu. Suốt 6 ngày vất vả, lội suối trèo núi, mấy lần nản chí định “buông”… chúng tôi mới tìm lại nơi chúng tôi phát hiện cây gió. Thật sự không thể ngờ nổi là chúng tôi chỉ “mót” được vỏn vẹn có khoảng hơn 20kg trầm loại 2, chứ hoàn toàn không như chúng tôi phán đoán rằng dưới gốc chắc chắn là Hắc kỳ nam với số lượng lớn…..

Sau chuyến đi ấy, chúng tôi đổi đời. Tám Thành về xây nhà lầu rồi sa đà vào cờ bạc nhậu nhẹt với các cuộc vui thâu đêm suốt sáng, hắn mua chiếc Jeep chạy quanh Nha Trang với “bầy” em út móng đỏ. Chừng 2 năm, cạn tiền, hắn quay ra xin tôi và đi chơi tiếp…. Rồi đến khi không xin được nữa, hắn bán nhà, “vứt” cho vợ con 1 nửa tiền, còn hắn vào Nha Trang “ôm” theo con vợ “hờ” cave dzông thẳng một mạch vô Sài Gòn. Từ đó tới nay chẳng thấy tin tức …

Tôi ốm một trận rụng hết cả tóc, thuốc men chạy chữa khá bộn. Khoẻ lại tôi đi Đăkrlap chơi với cậu em. Nơi cuối rừng Trường Sơn êm ả, với những đồi thông hoang sơ như một Đà Lạt thứ hai khiến tôi bỗng thấy khó rời… Chính vì vậy mà ở giữa cái phố Gia Nghĩa này mới mọc lên quán café Mây Hồng và mới có chỗ cho chú em ngồi nghe câu chuyện bí hiểm đi tìm kỳ nam ….


(Tiếp theo: Phần 15: Safia xanh Đak Nông và cuộc chơi của những đại ka giang hồ thảo khấu)
 
Safia xanh Đak Nông và cuộc chơi của những đại ka giang hồ thảo khấu


Mùa café trên Cao nguyên lồng lộng gió với cái lạnh khô khốc tràn trề trên các thung lũng xanh rì. Rừng ào ạt tiếng gió hú và tiếng tán cây “quấn quýt” vào nhau xào xạc, răng rắc và thi thoảng lại “hực” lên đầy âm sắc hoang dã ….

Chúng tôi “vắt vẻo” ngồi trên nóc chiếc xe đò cổ lỗ sĩ mang nhãn hiệu Dodge màu vàng ệch về Đak Nong trên con đường quốc lộ 14 đầy những ổ gà và đá hộc trơ nền đất đỏ chạy tít tắp, ngoằn nghèo trên những sườn đồi. Phía sau đã dần xa mờ là cánh đồng lúa Hoà Khánh với những cô gái Bắc 54 theo đạo Thiên Chúa da trắng ngần, mắt uớt bồ câu e lệ … Đi qua những cánh rừng cao su từ thời bà Trần Lệ Xuân khai phá “Hoàng triều cương thổ” của ông vua cuối cùng Bảo Đại, qua những cánh rừng khộp vùng Dăk Mil, qua những cánh rừng săng lẻ nơi Đak Song một thủa “hùng tráng” khúc bi ai B52 rải thảm chất da cam diệt cỏ cháy trụi cây cối ngăn bước quân hành của anh bộ đội cụ Hồ …

Trở về từ Se San, với trận sốt rét rừng chưa khỏi hẳn, 135 cây vàng cộng theo giấc mơ đổi đời đã bị cơn lũ cuối cùng năm đó cuốn trôi, tôi và Quang lại “khăn gói” đi Đak Nông khi nghe thấy nguồn tin từ một người bạn “vàng” cho biết rằng: Ở tại Quảng Xuân, huyện Đak Nông vừa phát hiện có một vỉa đá Safia xanh nằm lẫn trong mỏ bô xít rất lớn. Safia ở đây chất lượng khỏi chê. Đã có người “trúng” mấy trăm cây vàng vì đã đào được viên Safia bốn mấy kara….

Lần này, “cuộc chơi” của chúng tôi là Safia, hòn đá mang ánh xanh mà đến ngay cả Quang cũng chưa từng được sở hữu mà chỉ được ngắm qua cái tủ kính hiệu vàng “nổi tiếng” của ba mẹ nó ở chợ Đầm Nha Trang. Sau đó là đá thạch anh. Loại đá tinh thể luôn luôn là hình lục lăng, trong vắt và để làm mặt đồng hồ. Nghe đâu cái đồng hồ tự động Selko Orien màu vàng chanh trị giá mấy chỉ vàng của Quang có cái mặt được làm bằng đá thạch anh ….

Gần 5h đồng hồ, chúng tôi “vắt vẻo” đu đưa trên nóc chuyến xe đò duy nhất trong ngày từ bến xe Buôn Ma Thuột đi Gia Nghĩa, hít bụi đất đỏ, tóc “bạc” đi vì đất bám, nhưng được phóng tầm mắt khắp một vùng Cao nguyên bao la, những ngọn núi lửa đã tắt nằm chơ vơ bên đường, bao phủ bởi những lô rẫy café xen kẽ chuối xanh um….

“Hớn hở” nhảy xuống xe, hoà lẫn vào đám đông tấp nập trên cái bến xe Gia Nghĩa nằm lọt thỏm cuối thung lũng đầy hoa dã quỳ, chúng tôi thong dong đi bộ và ghé vào một quán café có cái tên rất “mộng mơ”. Quán café Compacdis Mây Hồng.

Đón chúng tôi là một cô gái da trắng, miệng cười rất tươi với chiếc răng khểnh “cố tình” duyên dáng. Cô nói giọng Nha Trang ngọt ngào, đôi mắt tít lại đầy vẻ “quyến rũ” khi biết chúng tôi từ Nha Trang lên. Cô nói: Em cũng ở gần Nha Trang mà, em ở Ninh Hoà đó…
E hèm! Một giọng ông già “dặng hắng” phía sau giàn hoa giấy và mấy giò phong lan đang kỳ nở hoa tím ngắt. Rồi tiếng dép lẹt quẹt, một khuôn mặt già cỗi với râu ria tua tủa, dáng người lụ khụ bước ra. Ông đứng nhìn chúng tôi với đôi mắt “săm soi”: Các cậu ở Nha Trang lên đây à? Đi làm mướn café hay đi đào đá Safia? Uống gì đây?

Chúng tôi bỗng “chột dạ”, cả hai im lặng. Sao ông già này biết chúng tôi đang định vào bãi đá Safia nhỉ?
 
Những năm gần cuối của thập kỷ 80 thế kỷ 20, rừng Tây Nguyên còn rất nhiều hoang sơ, nếu không muốn nói là nó còn hoang dã đến mức có nơi còn chưa hề có dấu chân con người mò đến. Vùng Dakrlap là một vùng như vậy.

Tại Gia Nghĩa, nơi có những đồi núi trồng toàn thứ Thông Đà Lạt, những buổi sáng sương mờ lan tỏa nhè nhẹ bay trên tán rừng, dốc núi lô nhô và những con đường quanh co, quanh co thấp thoáng những ngôi nhà mái tôn cũ kỹ và hương hoa cafe nhẹ thoảng .... Con người còn vẹn nguyên sự hồn nhiên và cái hào sảng của người miền rừng. Rượu tràn trề bên bếp lửa hồng những đêm lạnh mùa khô, vấn vít khói thơm củi cafe và mùi bắp rang thơm ngọt bên những câu chuyện lạ săn bắt thú rừng tận sâu thẳm rừng đại ngàn, những câu chuyện bi ai của những kẻ "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" ...

Cách Gia Nghĩa chừng 20km đi trên quốc lộ 28 bị bỏ hoang sau bao nhiêu năm chiến tranh, cỏ tranh và cỏ mắc cỡ mọc ngút ngàn, thi thoảng còn sót lại vệt đường nhựa bị cày xới đất đá lổn nhổn là một con đường mòn nhỏ đi về hướng nam. Chúng tôi rẽ vào con đường mòn này được 3km rồi sau đó cứ chui luồn trong rừng để đi. Nếu bây giờ dùng GPS sẽ xác định dễ dàng vị trí của nó, nhưng lúc ấy tôi không nhớ nổi chúng tôi đi bao xa, đi về hướng nào. Chỉ biết rằng, gã dẫn đường người Ê đê có cái tên Y Lơn nói rằng: Chúng ta đi chừng 1 ngày nữa là tới con sông Mẹ và cái sình lầy lớn lắm. Sông và sình lầy có nhiều cá sấu ... Lần đầu tiên tôi được biết rừng Tây Nguyên có chỗ còn cá sấu, chứ hồi ở Buôn Chấp chỉ nghe mấy ông già Bắc 54 kể rằng ngày xưa sông Krong A Na cũng có cá sấu, giờ thì hết sạch rồi ....

Vòng vèo suốt gần 1 ngày chui luồn trong rừng, đi qua biết bao trảng rừng khộp, rừng cây già mọc đầy thứ nấm hóa gỗ mà đến bây giờ tôi mới được biết đó là nấm Linh Chi. Thứ nấm mà biết bao người đã nhờ nó mà thoát được bệnh hiểm nghèo. Có những cây nấm rất to, bằng cái quạt, bằng cái miệng thúng dầy cả chục cm. Tôi đã dừng lại và còn hỏi ông già Quyết, một ông già từng trải lâu năm ở rừng Tây Nguyên là loại nấm gì. Ông ấy bảo: Tao chịu, chỉ biết là nó nhiều và cứng lắm, cứ như gỗ, vân của nó tầng tầng lớp lớp ....

Giá như hồi ấy mà biết được đó là nấm Linh Chi và công dụng của nó, có lẽ tôi đã không đi mua vàng đãi, không đi đãi đá Safia.

Gần tối. Trời chạng vạng. Đi qua một cánh rừng lồ ô thì chúng tôi vào đến một bãi cỏ rộng, cạnh một con suối khá lớn. Y Lơn bảo phải nghỉ tạm ở đây, đi nữa sẽ không đến kịp bãi vàng đâu. Chúng tôi quyết định hạ trại.

Con suối khá lớn, lổn nhổn đá tảng và đá cuội. Nước trong veo và sâu. Bên kia suối là một triền đồi dốc mọc toàn một thứ cây như cây dẻ, thân mảnh mai ... Ba thằng to khoẻ trẻ trung nhất bọn vác dao sang bên đó chặt cây để làm lán. Tôi "lơ ngơ" vác dao quắm đi theo. Vừa bước lên bờ thì tôi nghe cái "soạt"....

Suýt nữa ngã ngửa người vì sợ! Trời đất! một con "gì" đen chũi to bằng cái thùng gánh nước xông thẳng vào chỗ tôi, nó chạy sát sạt. Tôi ngã bổ chửng và la lên: Cứu tao ....

Mấy thằng kia hô ầm lên: Gấu ...gấu ... Chúng nó vừa la vừa chạy đuổi theo, nhưng con "gì" kia đã lẩn mất.

Nghe ồn, mấy thằng "to đầu" bên kia chạy sang. Ông già Quyết bảo: Có dex gì đâu, một con gấu chó bé xíu mà chúng mày đã kêu rầm lên ... Chặt cây mau lên.

Hú hồn. Hóa ra một "em" gấu chó. Thứ gấu hiền lành chỉ ăn quả cây, ăn tổ kiến, tổ mối và ăn mật ong. Nếu gặp gấu ngựa thì hôm ấy tôi "toi". Chỉ cần nó "vả" cho một cái là đi đời ....

Bãi vàng, nơi được biết là có nhóm đã tìm thấy Safia xanh chỉ còn cách chúng tôi 4h đồng hồ đi bộ ....
 
.....

Trở lại chuyện chúng tôi đến Gia Nghĩa và ở lại cái quán Cafe có cái tên "mộng mơ": Cafe Mây Hồng.

Ông chủ quán là một ông già tên Mười. Ban đầu "loáng thoáng" nghe đâu ông là một ông "thổ công" xứ rừng Tây Nguyên, có hơn 30 năm chinh chiến đi tìm Trầm ở cả Lào và Cambodia. Dân gốc Ninh Hòa, giờ gác kiếm bán cafe nuôi hai đứa cháu mồ côi cha. Chúng tôi tìm đến ông là do chú của Quang giới thiệu.....

Lần này chúng tôi ngạc nhiên thực sự vì vừa nhìn thấy 2 thằng, ổng đã biết chúng tôi định vào bãi đá Safia.

- Ủa sao chú biết zậy?!
- Bộ dạng tụi bây và cái nước da tụi bây, tao đi rừng lâu, nhìn phát biết liền à ... Uống gì đây.
- Dạ! Cho tụi con 2 cafe đá ...
- Thương à! 2 cafe đá nghe!
......
- Chú ơi! Cho con hỏi ở đây có ông Mười dân Ninh Hòa, ổng là người đi tìm Trầm ...
- Hỏi gì ổng?
- Dạ, có chú của tụi con giới thiệu lên gặp, nhờ ổng giúp đỡ ....
- Chú tụi bây tên gì? Giúp cái gì mới được?
- Chú tên Trung, bán vàng ở Chợ Đầm. Tụi con nhờ ông Mười giúp đỡ khi lên đây ... Dạ! Tụi con định vào bãi đá.
- Gia Nghĩa có ai tên Mười đâu ta ?! Khà ...Khà ... Vô bãi đá làm Ma rừng à tụi bây?

....

Mãi sau chúng tôi mới biết chính ổng tên Mười. Tối đó ổng cho chúng tôi tá túc và sau 3 ngày khuyên can không nổi hai thằng "chọi con" đang hăng máu, ông Mười tìm và ghép chúng tôi vào một nhóm đang mua sắm đồ chuẩn bị vào bãi do một ông già tên Quyết làm trưởng nhóm. Nghe đâu ông Quyết này cũng là dân đại ka làm Trầm nhưng bỏ nghề, chuyển sang làm vàng và làm đá.

Trước khi đi, ông Mười dặn chúng tôi sau 10 ngày nhất định phải quay ra để ổng biết tình hình ... Ông nói:
- Trong bãi đá mới có hai vụ chém nhau cụt cả tay, giờ đang lộn xộn. Tụi bây phải quay ra để tao cho thằng Đức đi cùng. Nhớ nghen mậy ?!!!

Lúc đó dù có trí tưởng tượng phong phú đến mấy, chúng tôi cũng không nghĩ rằng, nếu sau đấy không có ông Mười và anh Năm Đức thì không biết liệu chúng tôi có vượt qua được những tháng ngày kinh khủng ở bãi đá Safia Dak Nông hay không !!!
 
bac hoangbquang oi, tiep di bac, truyen dang hay, nghe bac ke chuyen ma cu nhu doc tieu thuyet ay, hay thi'a, tiep de bac, dang suong, bac admin oi dung xoa nha', em ko bit go dau nhu na`o ca
 
bac hoangbquang oi, tiep di bac, truyen dang hay, nghe bac ke chuyen ma cu nhu doc tieu thuyet ay, hay thi'a, tiep de bac, dang suong, bac admin oi dung xoa nha', em ko bit go dau nhu na`o ca

Bạn cứ gõ dấu Telex bình thường mà. Vietdu hỗ trợ bộ gõ ngay trên 4rum. Ngay phía dưới chỗ viết bài mới bạn có thể thấy hướng dẫ cách gõ Vni hay telex !
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,686
Bài viết
1,135,247
Members
192,405
Latest member
cashappaccount23331
Back
Top