Chợ phiên Đồng Văn – Cột cờ Lũng Cú (cực Bắc của Tổ quốc) – miên man đêm phố huyện
Hôm nay sẽ là một ngày của rực rỡ, của sắc màu và cảm xúc. Phiên chợ Đồng Văn với người người nườm nượp, với váy áo tinh tươm, với rượu ngô vừa dịu, vừa nồng, với thắng cố đậm đà… Anh lại lang thang tìm chụp những em cún. Những ánh mắt non nớt đang sợ hãi trước đám đông qua lại. Nếu em cún nhà mình sinh chó con, chắc mình sẽ không bán em nào đi, em nhỉ… Anh tin em dám đổi căn nhà mặt phố để về vùng xa hơn, mua một mảnh đất rộng hơn để có thể nuôi được tất cả những em cún mà em thích…
Sáng nay anh lại được ngồi thanh thản uống cà phê sáng như bao nhiêu buổi sáng ở Hà Nội. Quán cà phê Phố Cổ trên Đồng Văn khá đẹp. Cà phê thì không ngon. Em có thể sẽ thích cái quán, nhưng sẽ không vào đây để uống cà phê. Anh lại nghĩ đến cà phê Năng phố Hàng Bạc. Giá như anh có thể bê cái quán trên này về Hà Nội, đặt nó vào một góc khuất phố cổ và nhờ bà già chủ quán cà phê Năng pha cho hai vợ chồng mình hai cốc nâu đá nhỉ… Được nhìn bàn tay pha và nét mặt thanh thản của bà già chủ quán cà phê Năng, được ngồi cạnh em (dù hai vợ chồng đôi khi cùng chăm chú đọc báo), thỉnh thoảng nhâm nhi một ngụm cà phê thơm thơm, đăng đắng, ngòn ngọt và lành lạnh… Đó là hạnh phúc.
Sau buổi sáng bình yên nơi phố huyện, cả nhóm anh lại chạy lên Cột cờ Lũng Cú, cực Bắc của Tổ quốc, mục đích chính của chuyến đi lần này của anh. Năm nay anh dự định sẽ đi hết bốn cực của Việt Nam, cực Bắc sẽ là điểm đến đầu tiên. Cảm giác đứng trên đỉnh Cột cờ nhìn xuống bên dưới, nhìn ra phía xa thật thích. Thời tiết quá đẹp với nắng vàng óng ả. Nếu em ở đây, liệu vợ chồng mình sẽ lại hôn nhau như hai lần hôn nhau trên đỉnh Fanxipan không nhỉ… Có thể có, có thể không, vì dù sao, đối với anh, nụ hôn ngọt ngào nhất, ấm áp và có cảm giác nhất chắc chắn sẽ không phải là một nụ hôn ở giữa nơi đông người… Nụ hôn đầu tiên của hai vợ chồng mình, ở trong một căn phòng trọ tồi tàn, khi anh còn là một cậu sinh viên nghèo, chắc chắn sẽ luôn là nụ hôn giàu cảm xúc nhất cuộc đời anh. Và em luôn biết, anh chưa bao giờ quên điều đó, cũng như chưa bao giờ quên, hai đứa mình đã lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm chúng mình yêu nhau…
Tối ngày thứ hai trong chuyến hành trình cũng là một buổi tối rất vui. Cả nhóm đi ăn tối và đi hát karaoke. Trong nhóm cũng có nhiều thanh niên vui tính nên không khí rất vui vẻ. Nếu em ở đây, chắc em chỉ ngồi vỗ tay, mỉm cười và hào hứng tạo dáng chụp ảnh cùng các em gái khác. Còn anh chắc vẫn chỉ hát và hò hét, nhảy nhót như bao lần đi karaoke khác… Đêm nay cũng thế. Và sau khi tàn cuộc vui, anh cùng vài người trong nhóm lại đi ăn khuya, đi chơi theo đúng cách vợ chồng mình vẫn đi như thế. Ước gì trên này cũng có quán phở đêm như ở ngã tư Hàng Chiếu, em nhỉ…
Đã sang ngày thứ hai, em vẫn chưa nghe máy. Chắc mai anh sẽ phải dùng tiểu xảo thôi. Anh biết, em cũng thấy nhớ anh rồi mà. Anh sẽ tạo ra một lí do hợp lí, để em có thể nói chuyện với anh với tư cách một người đứng từ trên cao nhìn xuống, như một thiên thần đang phán xét anh. Anh biết, em cũng chỉ cần được khuyên nhủ, răn đe, dặn dò anh vài câu là em sẽ thấy yên tâm, nhẹ nhõm hơn và lại chìm vào trong giấc ngủ để con mình được ngủ yên trong bụng mẹ, để mai em lại dậy sớm đi làm, để lại nhíu mày khi nghĩ đến cảnh chồng đang tíu tít đi chơi, lại “tay cầm bầu rượu nắm nem, mải vui quên hết lời em dặn dò”… uhm, ngày trước cũng có lúc anh như thế, nhưng bây giờ thì không phải đâu em ơi… (rồi, anh sẽ nói thật, bây giờ sẽ hạn chế hơn ^^)
Anh lang thang phiên chợ vùng sơn cước
Men rượu nồng xóa hết những phôi phai
Giờ em đã ngủ ngoan, anh vẫn thức
Bước nhẹ vào đêm, giấu tiếng thở dài…
Phố cổ Đồng Văn – sông Nho Quế – Đêm bình yên
Ngày thứ ba hành trình khá nhẹ nhàng vì cả đoàn đi thong dong, dành sức cho chặng cuối. Buổi sáng anh đi ăn bánh cuốn. Bánh cuốn Đồng Văn khá ngon. Có bánh cuốn thịt (bánh cuốn chay quấn lại, rắc thịt và hành khô lên trên, chứ không phải bánh cuốn nhân thịt như em thích), bánh cuốn trứng (món này chắc em sẽ thích) ăn với nước dùng nóng. Cũng khá ngon. Anh lại nhớ những ngày vợ chồng mình lang thang đi ăn bao nhiêu là hàng bánh cuốn ở Hà Nội để tìm ra quán nào ngon nhất. Anh sẽ ăn thêm một suất bánh cuốn trứng hộ em, em nhé…
Sông Nho Quế cũng đẹp, nước xanh và bình yên. Chụp ảnh ở đây cũng thích. Buổi tối về đến Yên Minh thì cả đoàn lại đi ăn tối, rồi đi lang thang ăn chè bưởi, rồi về ngủ sớm. Em vẫn chưa chịu nhấc máy di động. Máy bàn thì hỏng mấy hôm nay rồi. Anh vẫn cố gọi. Và cuối cùng em đã nhấc máy. Tin nhắn đêm qua của anh đã có tác dụng, khi anh nhắn cho em là anh bị trẹo chân khi đi từ trên Cột cờ xuống. Mà đây không phải là tiểu xảo đâu nhé, vì chân anh đau thật. Cứ dồn lực xuống chân trái nhiều là anh lại bị đau… Hôm nay chân đỡ hơn nhiều rồi nhưng khi em hỏi anh vẫn phải giả vờ nhăn nhó là chưa khỏi hẳn. Để em thương. Để em bớt giận. Nhưng anh biết, em sẽ chỉ hết giận, và thực sự yên tâm, khi nhìn thấy anh có mặt ở nhà. Anh sắp về với em rồi, em à. Chỉ còn một đêm trên xe nữa thôi. Đêm nay mới là đêm anh thực sự có thể bình yên ngủ ngon. Hôn em ngủ ngon, bà xã béo.
(Không thơ thẩn gì nữa nhá, rách việc, sốt ruột. Đi ngủ đê ^^)
Du Già, con đường đau khổ. Điểm “must-go” của hành trình phượt Hà Giang
Cả đoàn dậy sớm, nai nịt gọn gàng để đi từ Yên Minh qua Du Già quay lại Hà Giang. Với gần 60 km đường rừng núi toàn đá hộc, đá dăm và bùn, tuyến đường này sẽ thực sự là một thử thách với cả đoàn, với anh. Và con đường Du Già, dù một vài đoạn rất ngắn chạy qua các bản đã được làm nhưng vẫn thực sự xứng đáng với danh tiếng của nó là một trong những con đường khó đi nhất vùng Đông Bắc. Nào là đá hộc lổn nhổn như muốn phá tung bộ giảm xóc, nào đá dăm trơn trượt và bùn lầy khiến bánh xe vượt dốc đảo như xoắn quẩy. Anh không còn tâm trí nghĩ đến việc khác, chỉ tập trung đi đường cho thật vững tay. Thật sự phải cám ơn thời tiết quá đẹp, không mưa. Nếu có mưa, chắc chắn đoàn của anh sẽ không thể về đến Hà Giang kịp chuyến xe về Hà Nội.
Cốc cà phê pha trên đỉnh đồi thật thơm. Chiếc bánh chưng ngon nhất anh từng được ăn, sau khi bỏ lại sau lưng nửa quãng đường vất vả. Cảm giác giống như khi leo Phan khát khô cả cổ mà được chia cho vài múi quýt vậy. Anh cũng chụp được một vài tấm hình vui nhộn “vì môi trường”. Quả này Ngọc Quyên nhìn thấy cũng phải khóc thét.
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là tiếng rao “ai…bánh mì nóng ròn đây” khi gần đi hết chặng Du Già. Một anh bán bánh mì phóng xe qua chỗ bọn anh đang nghỉ chân, thấy “có khách” bèn bật ngay cái loa lên. Giữa rừng già, vừa mệt vừa đói sau khi gần đi hết quãng đường vất vả, tiếng rao “ai…bánh mì nóng ròn đây” thực sự đã chạm vào tận cùng của cảm giác. Cảm giác như mình sắp được về nhà. Chắc cảm giác của nhạc sĩ Phú Quang khi viết nên câu “tôi bồi hồi, khi chạm bóng cửa ô; như ngày xưa, những lần chạm vai gầy áo mẹ” cũng chỉ đến thế… Tiếng rao thực sự làm cả đoàn mừng rỡ, vui sướng, và xúc động.
Và đoạn cuối thì em đã biết. Sau một đêm chập chờn trên tàu, xe về Hà Nội lúc 4h30. Anh bắt taxi về nhà. Ngủ quên trên xe nên cậu taxi đi quá đoạn rẽ. Anh xuống xe đi bộ một đoạn vào nhà mình. Dừng lại dọc đường ăn một bát bún mọc, nhấp một ngụm nước chè. Nghe lại tiếng bán hàng nhỏ nhẹ của cô chủ quán người Hà Nội, thả bước thật chậm để căn giờ mẹ thức dậy để tránh làm mất giấc ngủ của mọi người trong nhà. Ngồi dưới nhà nói chuyện với mẹ, đi tắm và mang đồ mà em đã đi chợ mua sắm cho con, khi không có anh ở bên, lên trên gác. Được nhìn thấy em, được hôn nhẹ lên môi em, được em gục đầu lên vai anh nói nho nhỏ lời trách móc, lại được hôn nhẹ lên môi em, anh biết, mình đã thực sự trở về nhà.