... Em ơi ! buồn làm chi
Anh đưa em về Sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh ...
... khi nhận lời chụp Hoàng Cầm của một người bạn cùng với tin Ngô Xuân Phú là người cuối cùng chụp nhà thơ Lê Đạt, tôi chẳng nghĩ mình là người "may mắn" thế. Hoàng Cầm - cái tên trong tiềm thức của tôi chỉ vỏn vẹn 2 câu thơ "những cô hàng xén răng đen ... cười như mùa thu tỏa nắng" - và còn nhớ thêm rằng ông là một "người của lịch sử" có tên trong Sách Giáo Khoa muôn đời. Nhưng, tối hôm nay, tôi đã được chứng kiến và được hiểu thêm những điều mà Sách Giáo Khoa không bao giờ có, những điều tồn tại ở cuộc sống thực ...
... Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm đồng chiều cuống rạ
Chị bảo: "đứa nào tìm được lá diêu bông
từ nay ta gọi là chồng" ...
Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1921, tại Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Là nhà thơ lớn của nền văn học cách mạng Việt Nam và cũng là kịch tác gia nổi tiếng với những vở kịch Len Đường, Kiều Loan, Viễn Khách, Hận Nam Quan ... nhưng câu chuyện tình của một cậu bé 6 tuổi với
"lá diêu bông" đã trở thành huyền thoại trong dân gian gần 1 thế kỷ. Hôm nay, ông xuất hiện trong ống kính của tôi vào độ tuổi gần chín mươi trên căn gác nhỏ chật hẹp ở tầng 5 của một ngôi nhà trong dãy phố cổ đường Lý Quốc Sư. Nhìn
"cha Ran trong bụi mận gai" của giai nhân văn thời ngày nào tiều tụy trong cái nóng nực của mùa hè và những
"bức bối"của cái năm 2008 khi phía bên kia là Nhà Thờ đang trong buổi lễ rước Đức Mẹ Maria, tôi không khỏi những chạnh lòng. Sông Đuống cách đây tròn 60 năm đã ở quá xa cái thời mà bụi khói xe cộ và những bon chen của thời cuộc đang chế ngự nơi đây. Tôi vẫn tìm thấy trong đôi mắt bên sáng bên nhòa của ông xúc cảm của
"lá diêu bông" hồn nhiên trẻ thơ hay ánh nắng lung linh những nụ cười của
"những cô hàng xén răng đen" ở một mùa thu đã rất xa. Hồi ức ấy như
"tiếng chim lảnh lót hót những tiếng cuối cùng, giữa những bụi gai nhọn, để máu ứa từ trong tim, thảnh thót hơn cả tiếng chim sơn ca hay họa mi, trời đất như dừng lại để lắng nghe và thượng đế trên cao như mỉm cười." (trích The Thorn Bird). Bộ ảnh này, tôi đã thực hiện không thành công, bởi những gì xung quanh ông, không phải của một Hoàng Cầm, giữ cho ông mà thôi. Điều tôi chắc chắn rằng, một ngày nào đó, ông sẽ về phía bên kia Sông Đuống, nơi mà không có thảm cảnh của những năm trước 1945
"ruộng ta khô - nhà ta cháy - chó ngộ một đàn - lưỡi dài lê sắc máu." Và bởi tình yêu, dù đó là với những người đàn bà tuyệt đẹp đi qua cuộc đời ông hay tình yêu với thời cuộc, với con người, với thơ và kịch, như trong những câu hát của Trịnh Công Sơn, như với chữ
"Em" thần tình mở đầu bài thơ "Bên kia Sông Đuống", như lời tựa của nhạc sỹ họ Trịnh
"cuộc đời có hai lẽ: thân phận và tình yêu, thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô hạn, tình yêu tồn tại mãi mãi để cứu thế thân phận trên thánh giá của cuộc đời".
Em ơi ! buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia Sông Đuống
===============================================
Một vài hình ảnh kỷ niệm với ông: