What's new

[Chia sẻ] Hành trình châu Âu - Đất Ý dữ dội

Tình yêu vĩnh cửu với nước Ý

Mọi người thăm blog kinh nghiệm du lịch của em để tiện lên kế hoạch nhé.

https://nguyenx.com/2020/02/05/du-lich-italy-chau-au/
Em không có đủ lời nào để tả Ý. Lần đầu tiên trong đời em ra khỏi Hà Nội là để đến Ý; lần đầu tiên trong đời em đi du lịch nước ngoài là Ý; lần đầu tiên trong đời em đi du học là Ý;… Ý là tất cả cái đầu tiên của em, gần như đã trở thành máu thịt của em, là đất nước có thứ tiếng mà em chỉ nhác nghe đã thấy thân thương như tiếng mẹ đẻ, là đất nước có văn hoá gần như đã trở thành bản năng thứ hai trong em. Em yêu Ý bằng một tình yêu của người ngoại quốc tự coi mình là bản địa. Em say đắm nghệ thuật, văn học, phong cách, và tất cả mọi thứ của Ý như say một mối tình đơn phương không dứt nổi. Nói về Ý ư? Chẳng bao giờ hết cả.

Vì vậy em lập topic này nhằm chia sẻ những điểm đến em đã đến thăm ở Ý để mọi người có cảm hứng đến thăm đất nước công trình kiến trúc tuyệt mỹ, tranh ảnh nghệ thuật đẹp nao lòng người, văn hoá sâu sắc phong phú, nền ẩm thực tuyệt đến ngỡ ngàng mà con người thì bao thân thiện này.

Thành phố đầu tiên em đến chính là Naples - nơi em sinh sống và học tập một năm ròng. Biết nói sao về Naples? Một trong những thành phố đáng thăm nhất thế giới. Thành phố “authentic Ý” nhất của Ý. Thành phố vẫn nổi tiếng với mafia (và đây là chuyện có thật ạ. em sống ở tầng 4 một toà nhà gần nhà thờ lớn; từng có người bị bắn vào đầu dưới chân nhà em rồi…. bạn cùng phòng của em không bao giờ ra khỏi nhà sau 7h tối luôn).

140912_2714.jpg

Lần đầu tiên trong đời được tận mát xem cái sự hoành tráng xa hoa của nhà thờ châu Âu, không biết gì hơn là ngợp.

140915_2743.jpg

140915_2739.jpg

Cũng là lần đầu tiên em hiểu thế nào là cái nắng Địa Trung Hải. Thời tiết đẹp kinh khủng khiếp. Ở nhà mấy khi thấy trời xanh như vậy?

141019_3004.jpg

Naples nhìn từ trên cao, cảm giác như quay ngược lại thời gian vậy.

140917_9460.jpg

Lâu đài Nuovo (New Castel) của Naples, chi tiết nhìn mà hoảng.

150102_9682.jpg

Núi Visuvio đến giờ vẫn còn hoạt động, nhìn từ lâu đài Nuovo.

190629_6135.jpg

Pizza ơi pizza. Trên đời chắc chắn không nơi nào Pizza rẻ mà ngon như ở Naples. Em hầu như đã bị mắc bệnh khó tính của dân Naples trong phương diện đồ Ý rồi… Ăn pizza ở chỗ khác không chịu nổi.

200528_5393.jpg
 
Bạn có thể tư vấn giúp mình, thời gian thích hợp nhất để đi Ý với mục tiêu là có nhiều hoa nở đẹp. Mình không thích kiểu TP lớn, công trình kiến trúc vĩ đại mà chỉ muốn đi về vùng làng quê, đặc biệt là nhà cổ, làng cổ vào mùa hoa (không phải là công viên chủ đề hoặc festival hoa đâu ạ ^^). Cảm ơn bạn nhiều.
 
Bạn có thể tư vấn giúp mình, thời gian thích hợp nhất để đi Ý với mục tiêu là có nhiều hoa nở đẹp. Mình không thích kiểu TP lớn, công trình kiến trúc vĩ đại mà chỉ muốn đi về vùng làng quê, đặc biệt là nhà cổ, làng cổ vào mùa hoa (không phải là công viên chủ đề hoặc festival hoa đâu ạ ^^). Cảm ơn bạn nhiều.

chào Linh ^v^!

Đối với mình, mình thấy thời gian thăm Italy đẹp nhất là khoảng tháng 4 đến tháng 6 nếu bạn đặc biệt có ý muốn xem hoa xem đồng. Nước Ý có bốn mùa rõ rệt, mùa đông không lạnh lắm và thường kéo dài đến hết tháng 2 đầu tháng 3. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 3 cũng là thời gian đẹp nhưng hoa chưa rực rỡ lắm nhé. Tháng 4 nên cẩn thận vì có lễ phục sinh nên sẽ đông lắm á, được cái lúc này mặt trời bắt đầu đẹp hoa bắt đầu nở rồi. Tháng 5 với mình ở Địa Trung Hải là lý tưởng nhất, kéo dài đến hết tháng 6 (như bây giờ là hoa đang nở tứ tung, các cánh đồng nho và các cánh đồng hoa mặt trời đang xanh biếc vàng rực đấy ạ. Từ tháng 7 đến tháng 9 mình khuyên nên tránh trừ phi bạn muốn đi biển (bởi lượng khách du lịch khổng lồ quá đi chỉ nhìn người tắc thở, đã thế còn nóng cháy da cháy thịt nữa). Hơn nữa đây là mùa thu hoạch, đồng hoa đồng ruộng khô trọc mất rồi TAT.

Thế nên, mình thấy hợp lý nhất là: giữa cuối tháng 3 đi đến đầu giữa tháng 4, hoặc tháng 5, tháng 6 nhé.

Ngoài ra, để ngắm hoa ngắm đồng, mình đặc biệt đề cử vùng Tuscany chắc chắn đẹp toẹt vời. Bạn thăm trang của mình để xem các bài hướng dẫn về một số điểm đặc trưng đẹp ơi là đẹp của Tuscany nhé. https://nguyenx.com/category/du-lich-italy/ Tuscany là thiên đường của cánh đồng, của hoa và của ruộng đó nha. Trong vùng này còn cực kỳ nhiều thành cổ làng cũ nữa. Để hưởng đúng chất "Ý' thì mình thấy không đâu bằng. Đừng quên đọc cả bài "du lịch Ý như người bản địa" https://nguyenx.com/2020/02/06/du-lich-y-can-biet/ nha.

Tặng bạn ảnh hoa và ảnh trời Ý ở dưới Sicily ngay bây giờ (mình mới chụp vài ngày trước, khi đi chợ à!)
IMG_1173.jpg

IMG_5976.jpg
 
Last edited:
https://nguyenx.com/category/du-lich-italy/

Do đến sớm trước khi nhập học những một tháng, nên chỉ kịp chơi trong Naples dăm ngày là em nghe lời chị cùng nhà bay lên Tuscany ngay lập tức. Chị ấy có bạn host trên đó, một ông người Ý đích thực. Và thế là một trong những chuyến đi đặc bản địa tuyệt hảo nhất bắt đầu những chuyến vi vu của em đã xảy ra một cách tình cờ ở địa phương mà với em là một trong số những nơi đẹp nhất châu Âu. Xin chào mặt trời Tuscany!


IMG_2882.jpg

Trời Địa Trung Hải xanh ngắt không cần filter. Từ ngày đó trở đi em đem lòng yêu mọi màu sắc của bầu trời.

IMG_9383.JPG

Bức ảnh lâu đài trên biển em từng thấy trên facebook và ao ước. Nay tự tay em chụp lại.

IMG_2809.JPG

Ngay khi em đến, bác ấy đã tức tốc cho em đi biển ngay. Mùa hè mà, phải đi biển chứ. Khác với đa số biển Ý là biển sỏi, biển ở Tuscany bác ý đưa em đi là biển cát. Siêu thích. Mỗi tội nước biển châu Âu luôn lạnh. Thế em mới hiểu tại sao họ tắm nắng được.

IMG_6032.jpg

Một khúc biển nhìn từ đường lái xe men theo vách núi
 
https://nguyenx.com/category/du-lich-italy/
ACE6DD11-06A8-4CFD-B140-A934F9978ABA.JPG

Từ khi gặp bác người Ý này em mới hiểu tại sao có câu người Ý yêu đất Ý bằng mạng. Và tại sao người Ý mỗi vùng lại coi họ đến từ vùng đó chứ không coi mình chung chung là người Ý. Bác ấy yêu và hiểu Tuscany đến tận chân tơ kẽ tóc. Việc đầu tiên khi dậy là bác ấy đưa em vào…rừng để thăm thác Malbacco đẹp đến không thật. Đây là một viên ngọc quý ẩn giấu của Tuscany. Chính việc chỉ dăm người bản địa biết mà nó yên bình tuyệt mỹ vô cùng.

IMG_2885.jpg

Sau một hồi tắm thác, nghỉ ngơi lêu hêu, bác ấy “cắp” em lên đường roadtrip xuyên qua những cánh đồng mênh mông của Tuscany.

IMG_2883.jpg

Những hàng bạch dương iconic của Tuscany.

IMG_5710.jpg

Những cánh đồng nho xanh mướt bạt ngàn.

IMG_5679.jpg

Những con đường chạy dọc những cánh đồng rộng bao la.

IMG_2895.JPG

Những chùm nho nặng trĩu làm ra những chai rượu vang ngon tuyệt. Thực tình mà nói em không phải người biết thưởng rượu gì cho cam. Thường ngon là uống thôi. Nhưng bác ý bảo trên đời chả mấy ai biết đâu mà làm màu. Ở Ý á, cứ những chai trên 5eu, 6eu thường là ngon zồi há. Mà đây còn là lời của người uống rượu thay nước trên bàn ăn hai bữa mỗi ngày đó nha. Nhưng muốn chọn rượu ở Ý cho chắc? Cứ Chianti mà tương - vừa có tiếng vừa có miếng.
 
https://nguyenx.com/2020/02/10/lang-cinque-terre-italy/
Cinque Terre nổi tiếng

Sau đó, bác ấy lại đưa em đi Cinque Terre. Bác ấy bảo thực ra do mày tò mò nên tao miễn cưỡng đưa đi thôi chứ tao không thích chỗ đó, toàn khách du lịch không. Đã thế dân Trung Quốc mua lại nhiều đất nhiều nhà hàng quá, mất hết cả chất Ý. Lần đầu tiên em đến thì chỉ thấy đẹp mê hồn thôi, bây giờ nghĩ lại nếu tự đi thì chắc không thấy gì ngoài người thật. Nhưng đi với bác ấy, bác ấy không dẫn đi quanh làng xem nhà xem cửa gì, mà một phát cho ngồi lên giường phao rồi kéo ra giữa biển. Ở xa bờ thì đâm ra lại thấy Cinque Terre đẹp thiệt. Chứ ở trong đó thì chỉ người là người.

IMG_2942.jpg

Trên đường lái xe đến Cinque Terre.

1.jpg

Góc chụp nổi tiếng của Cinque Terre.

IMG_2959.jpg

Đường leo nhìn biển của Cinque Terre.

IMG_6092 (1).jpg

Hoàng hôn ở Vernazza - một trong năm làng của Cinque Terre.

IMG_6116 (1).jpg

Món mỳ hải sản nổi tiếng của Ý.

IMG_2970.jpg

Hoàng hôn trên biển nhìn từ nhà hàng.
 
Xin chào mọi người! Em đã trở lại và lợi hại hơn xưa!

V10PfOQkTaPAKEVsiCgROyKA5AArR02sJoJLN-hhs-i3red-Lw6T76mcxZRhaSFvjrT66XT_9bH82And7YZZ9cUgga67XcwCVrOxV-9iSU1q76e2RBvBkA2Sh8paLGOiM-HHYOjsQ5Upk3AKvrHEottrgq9pfetOk8rTRRWpFfAooErGGoGAdbTSQ9oaLtfQJ5HErR3_9cMb5AmRzvwUIE07Va7z8vhLDeq9aDUugjrWdr0_E_UOSsGM_Y76NIjliyScLim9oOjOvCcsMSyXpaaB1B7UKc7r3Cz8VCAhGPIU_Q0xn5Tx92gj9P6ogtwRzceY6cVXnQPbT_MWNZY6Go_a2slFkUeN3wH9RyPcvxWqbJnbGV9T3HsDGx2dQ81aWl8KTlIKAMh6cHjJcKxVUPxaVSBio4ijIbR15CYPgZ-KmCsEgs_atVTtL5HQeB7nBKqte1j_4WUcEGluNVE_LmV_6Vn2VCFjxjHb93qMtDGT9vtln23bpzUr6mZC8bxhb9wT5p5egwgw803klfvi6IWNlgL8YEXDVNzZqzv1ZkhVBSLnPPaE7ohpgfsTg8a1J6y695FlT_6H3Wcn0OxzUMduwMw8ZJ4etBYy2rCSqjQRq35eXf1zgoDX3B3fHUC6ByfCFkKMSwR-n8l7mGM-7mh4Y3M9s_HwLM6Y3UIRndG2uXdoETSNpv04XTaPE4w=w1052-h789-no



Em không chỉ du lịch Ý mà là sống trong linh hồn Ý. Ý, giấc mộng của em, cuộc sống thứ hai của em, nhân cách khác trong con người em. Không lời nào chính xác diễn tả được cảm xúc của em dành cho đất nước này. Thế nên trước khi chia sẻ những điều cơ bản nhất về nước Ý để các bác có thêm cái nhìn từ bên trong, em phải nói rằng, hãy mở lòng tuyệt đối với đất nước Ý và ném mình vào con người Ý bằng cả trái tim. Như vậy, mọi điều hay dở vui buồn đều sẽ trở thành những kỷ niệm tuyệt đẹp theo các bác cả cuộc đời.


Đừng chỉ đi chơi nước Ý. Hãy cảm nó.


Vậy, cùng với sự đồng cảm đó, nên biết những điều gì để có được một trải nghiệm trọn vẹn hơn?

Đọc toàn bộ hướng dẫn du lịch Ý và văn hoá Ý

1. Người Ý cực kỳ coi trọng Riposo, tức “giờ nghỉ ngắn”



Đối với người Ý, “short break”, Riposo, cực kỳ quan trọng. “Short break” kiểu Ý không phải là nghỉ một lát, uống một ly cafe espresso rồi trở lại làm việc đâu. Cafe break đó xảy ra bất kể lúc nào trong ngày. Còn Riposo là giờ nghỉ trưa. Tức là trừ các hệ thống cửa hàng mua sắm quốc tế đòi nhân viên phải làm việc buổi trưa ra, hầu như tất cả các cửa hàng (không tính hàng ăn) của người Ý, thậm chí siêu thị, đều sẽ nghỉ từ khoảng 13:00 đến tầm…16:00 chiều. Thậm chí kể cả nhà hàng các kiểu đấy nhé.



Thế nên các bác đừng quá ngạc nhiên khi tự nhiên buổi trưa thiên hạ thi nhau đóng cửa! Cái “siesta”, “pausa pranzo” này không chỉ là văn hoá của người Ý nói riêng, mà còn nằm trong…luật nói chung luôn. Không phải họ quy định phải có nghỉ trưa, mà là các cửa hàng ở Ý mỗi ngày chỉ được mở một số giờ nhất định. Thế nên nhiều chuỗi cố tình kéo dài giờ nghỉ trưa để có thể mở muộn buổi tối. Tất nhiên không phải tất cả nhé, chỉ là phần đông thôi. Đa số là các cửa hàng của người Ý. Nhưng siêu thị thì CÓ NGHỈ TRƯA. Và đa số mọi thứ đều đóng cửa cuối tuần.


2. Giờ “Aperitivo”


Người Ý trước bữa tối sẽ có giờ “Aperitivo” (người Tây Âu nói chung đều có giờ Aperitif). Giờ Aperitivo hiểu nôm na là khai vị với đồ uống có cồn TRƯỚC BỮA TỐI, khoảng từ 6h tối đến….9 giờ tối. Tất nhiên là không hẳn ai cũng ngồi Aperitivo dài như thế. Nhưng khung giờ để đi xã giao, trò chuyện, uống đồ khai vị là khung giờ này.


Đồ uống giờ Aperitivo thường là cocktail nhẹ hoặc vang, đi kèm chút đồ mặn hoặc muối chua vui miệng. Bar nào phục vụ Aperitivo cũng đều có “finger food” đi kèm cocktail. Thường bar của Ý bán cafe sẽ có cả một quầy rượu sau lưng. Các bác có thể uống đứng hoặc ngồi bàn đều ok. Nhưng luôn nhớ rằng ngồi bàn sẽ đắt hơn một chút. Các bác chọn loại đồ uống nào cũng được, nhưng Aperitivo nổi tiếng đặc Ý nhất là Aperol Spritz, một loại cocktail với rượu Aperol pha nước có ga, thêm chút hương chanh hoặc cam, uống rất nhẹ nhàng dễ chịu. Phiên bản đắng hơn của Aperol là Campari.


Đến du lịch Ý các bác rất nên ít nhất một lần trải nghiệm văn hoá Aperitivo. Với người Ý đó là thời gian xã giao thoải mái và dễ chịu trước khi vào bữa tối. Nên đi khoảng tầm 7h, lúc đó bắt đầu hoàng hôn, khung cảnh đẹp tuyệt vời, không khí dần lắng xuống, không còn nhộn nhạo khách du lịch nữa. Chọn được bar có cảnh nhìn sông hồ biển núi thì không còn gì bằng.


Sau này em hỏi bạn mới biết giờ này không chỉ đơn thuần là “giờ đi uống bia” với bạn bè sau giờ làm trước khi về nhà như các nước châu Âu khác, mà nó còn là giờ “làm quen” tuyệt hảo. Thường thì các đôi mới làm quen chưa chắc chắn về nhau sẽ thích hẹn nhau đi Aperitivo hơn là ăn tối, bởi khoảng thời gian này không dài lắm, nếu thích nhau có thể hẹn nhau đi ăn tối luôn, còn không ưa nhau thì cũng dễ bai bai đường ai nấy đi.


3. Bữa tối muộn, bữa trưa đúng giờ


Người Ý nói riêng và người Nam Âu nói chung đều có thói quen ăn tối muộn đến rất muộn. Nhà hàng đều sẽ mở đến đêm, sớm lắm cũng 11h đêm mới đóng. Khách du lịch hay ăn khung 7h tối đến 9h tối. Nhưng với người Ý thì đó là giờ Aperitivo. Thường thì tầm 9h tối họ mới bắt đầu ăn tối. Thế nên nếu muốn biết cuộc sống Ý, ăn đồ Ý trong không khí Ý thì (một), hãy chọn những chỗ ăn hơi khuất, chủ yếu người địa phương đến ăn (người Ý rất tôn thờ ẩm thực của họ, chỗ không ngon họ không ăn đâu); và (hai), hãy ăn muộn.


Tuy vậy, bữa trưa người Ý thường ăn rất đúng giờ. Thường là khoảng 1h trưa đến 2h trưa. Như em đã nhắc ở trên, riposo với người Ý rất quan trọng. Thế nên nếu đi lệch là họ đóng cửa hết đấy nhé!


4. Chọn nhà hàng thế nào?


Về cơ bản, Ý có ba kiểu nhà hàng.


  • Ristorante: tức nhà hàng “nhà hàng”, thường là đắt. Chất lượng phục vụ? Tuỳ chỗ.
  • Trattoria: nó cũng là một kiểu nhà hàng, nhưng là nhà hàng gia đình. Thường thì sẽ có bà mẹ hay các bà nội ngoại nấu nướng, ông bố trông quầy, mấy cậu con trai cháu chắt sẽ chạy bàn. Nhà hàng kiểu này nhỏ, ấm cúng. Đây là kiểu nhà hàng em đề cử tìm nhất. Khi hỏi thông tin về chỗ ăn, hãy hỏi người địa phương “trattoria”, đừng hỏi ristorante. Trattoria thường có đồ truyền thống hơn. Thực phẩm do mỗi ngày bán được sao mua ngần đó nên tươi mới. Quan trọng nhất là rẻ hơn Ristorante nhiều. Trattoria chính là nơi người Ý đến nhiều nhất.
  • Osteria: nhỏ hơn cả trattoria, đôi khi chỉ có dăm bàn. Osteria thường như kiểu cơm bình dân nhà mình vậy đó. Giá cũng rẻ hẳn nhé.

5. Không tip….nhưng có “coperto”


Ở Tây Âu thì không có văn hoá tip do có luật lương tối thiểu. Tuy nhiên ở Ý có một loại phí mà cứ ngồi xuống được phục vụ là các bác phải trả, là phí “coperto”. Nôm na là phí “cover”. Phí này dao động 1 đến 5eu.


6. Bữa sáng? Nhẹ là trọng yếu!


Đã nói bữa trưa, bữa tối rồi thì nốt bữa sáng. Bữa sáng của người Ý thường rất nhẹ, gồm cà phê và một phần bánh ngọt nho nhỏ, kiểu brioche. Người Ý hầu như không ăn đồ mặn buổi sáng bao giờ.

Ồ còn Cappucino? Chỉ nên gọi trước bữa trưa. Người gọi cappucino sau bữa sáng thì chỉ có du khách mà thôi. Bản thân người Ý không coi đó là cà phê. Họ coi đó là…sữa, và chỉ trẻ con và người ngoại quốc mới gọi thức đó sau bữa sáng. Nghe thì lạ, nhưng là chuyện có thật.

7. Thế nào là cà phê kiểu Ý?


Ở Ý không có văn hoá cà phê như những nước khác, kiểu ra quán cà phê làm việc hay bàn chuyện. Ở Ý, giờ cà phê là giờ nghỉ.


Ngoài ra, ở Ý thì bar là bán cà phê chứ không phải đồ uống có cồn. Có cồn cũng chủ yếu bán cocktail thôi. Khác những nước khác bar là để bán bia, bán cồn nhé.


Đi uống cà phê có hai kiểu: một là đứng tại quầy, hai là ngồi bàn. Nếu đứng tại quầy thì cà phê rất rẻ, espresso cỡ 50 đến 70 cent; cappucino khoảng 1eu30 đến 1eu50. Đó mới là giá chính xác (miền Bắc đắt hơn). Người Ý nếu có cafe break thì đó chính là ra quầy, làm một shot espresso hoặc macchiato, cho đường, khuấy khuấy, uống. Cả quá trình có khi chỉ đến 10 15 phút. Bữa sáng cũng thường thế này.


Còn hai là cứ ngồi xuống thì ngoài phí corpeto, phí phục vụ cũng sẽ được cộng vào đồ uống. Ví dụ cappucino sẽ lên 2eu50, espresso cũng lên 1eu50. Kiểu đấy.

Ý không có các loại cafe lắm vị kiểu Starbuck nhé. Đó không phải cà phê.


Tiện thể, chỗ nào bán cappucino (đứng) mà hơn 2eu thì là phí du khách luôn, né thẳng!

8. Sốt salad?


Du lịch Ý là quên luôn các vụ sốt salad này nọ đi nhé. Để trộn salad, dân Ý chỉ dùng hai thứ (luôn luôn và sẽ không bao giờ thay đổi), đó là dầu oliu và dấm. Dấm thì có nhiều loại. Phổ thông nhất là dấm balsamic, mùi nhẹ vị rất dễ chịu.


Trên thực tế, hỗn hợp này dùng trên món nào cũng được. Khi em đi ăn với bạn người Ý, ông ấy thường cho dầu oliu và chút dấm đen vào cả minestrone (súp rau hầm), bò bít tết, thịt, cá,.… Tuy nhiên tuyệt đối không được bỏ vào pasta và pizza.


9. QUÊN MỌI THỨ CÁC BÁC BIẾT VỀ ĐỒ Ý ĐI!


Phần này quan trọng đến độ em phải viết hoa như hét vào mặt các bác luôn. Ý là một đất nước đa văn hoá. Mỗi vùng có văn hoá khác nhau, đi kèm là ẩm thực cũng khác nhau luôn.


Tức là đến Florence thì gọi thịt bò chứ đừng gọi pizza. Đến Naples thì ăn pizza chớ bolognese. Muốn ăn cannoli? Sicily thẳng tiến! Thích pasta? Mỗi vùng, thậm chí là mỗi thành phố, có pasta đặc sản riêng. Vân vân và mây mây. Đừng gọi món vùng này ở vùng khác. Thường là không ngon đâu.


Ô, và quan trọng nhất là đừng mong có những thứ kiểu Mỹ ở Ý nhé. Pizza chắc chắn không có dứa và đảm bảo là không có thịt (chỉ có thịt muối). Spaghetti Afreddo? Không tồn tại! Mỳ Ý thịt viên? Không có đâu ạ!


10. Yêu phô mai? Không kém gì Pháp nhé!


Nếu yêu phô mai các bác hẳn biết Pháp quá nổi tiếng với phô mai đủ chủng loại, đếm chắc phải lên trăm. Nhưng Ý là một đất nước có nhiều phô mai ngon không kém! Mozzarella sữa trâu, vừa dẻo vừa nhẹ, ăn như bông như mây. Pecorino đậm đà ăn miếng nào cắn lưỡi miếng đó. Parmigiano Reggiano độc nhất khiến mọi loại thực phẩm trở nên đậm đà (tiện thể nói luôn, Parmigiano có dăm bảy loại, nhưng chỉ loại có “Reggiano” mới là Parmesan đúng hiệu nhé!).


11. Scarpetta!!!

Ở Ý khi đi ăn các bác sẽ luôn có một giỏ bánh mì (miễn phí, có thể xin thêm liên tục). Bánh mỳ Ý thường cứng hơn bánh mỳ nước khác, vị đậm, ăn miếng nào vị lưu miếng đó. Nhưng họ không ăn với thức ăn. Tức là không ăn kèm antipasto, không ăn với bơ,…mà mục đích là để quẹt sốt.

Tức là, sau khi ăn xong súp, xong mỳ, xong món chính, người Ý sẽ dùng bánh mỳ để quẹt sạch số sốt còn dính trên đĩa. Sốt là phần ngon nhất món ăn mà. Đến du lịch Ý mà để thừa là họ cười khỉnh cho đấy nhaaaaa.

một ghi chú nho nhỏ về scarpetta


Scarpetta, theo định nghĩa mà nói thì có thể xem là hành động của người nghèo tiết kiệm đồ ăn, nên có lẽ ngày nay không còn phổ biến nữa do ‘galateo’, tức quy tắc lễ nghi trở nên rõ rệt hơn. Thế nên cũng có kha khá tranh cãi là người ta có còn scarpetta nữa không, như vậy có bất lịch sự hay không? Để trả lời câu hỏi này, em sẽ kể một câu chuyện be bé.


Em có may mắn thân thiết với một gia đình người Ý giản dị. Lần đầu tiên khi em biết đến khái niệm scarpetta em cũng tò mò hỏi bạn em và mẹ bạn ấy là thế scarpetta là thế nào? Bạn ấy và mẹ bạn ấy giải thích rằng, đây là hành động tiết kiệm. Mày làm hay không cũng không sao cả, bọn tao không coi đó là luật. Nhưng thường trong nhà hàng sang trọng hoặc sự kiện trang trọng có nhiều người mà không quen thân thì bọn tao không làm vậy (và họ đùa một câu kèm là đồ ăn những lúc này không có nhiều sốt cho mày quệt đâu haha; em không biết có thật không vì là học sinh, không mấy khi tham gia cái gì cần quy tắc quá nên không biết). Nhưng có hai điều cần bổ sung nhỏ. Họ là người Nam, có phần thư giãn và ít câu nệ hơn người Bắc; và họ là những người tiếp xúc nhiều nền văn hoá, sống ở nhiều chỗ khác nhau, nên quan điểm của họ về quy tắc lễ nghi rất thoáng và linh hoạt, thường là nhắm đến ‘hợp lý thì làm’, ‘cảm thấy tốt thì làm’, chứ không dựa vào vì người khác làm mà làm hay người khác chê mà không làm. Kiểu như họ hoàn toàn không ngại việc ăn không hết nhờ gói đem về (dù ở Tây Âu đây là việc không thường làm khi đi nhà hàng, nhưng Đông Âu là chuyện bình thường), hay scarpetta với họ cũng chỉ là tiết kiệm thực phẩm thôi. Nhưng một số cái khác thì họ rất nghiêm khắc, kiểu như không được uống say, không được búng tay khạc nhổ hay để khăn ăn lên bàn khi rời bàn,... Có thể nói họ ảnh hưởng khá nhiều đến điểm nhìn văn hoá Ý của em. Nên em coi chuyện “vét đĩa” là chuyện cũng không phải to tát lắm. Dù thực ra chắc ở đâu cũng có cái chuyện “miếng cuối”, “miếng liêm sỉ” này? Sau này em quen một ông bác người Tuscany khác, ổng còn thẳng hơn: tao thấy sốt ngon, tao quệt. Mày bỏ phí quá.


Câu chuyện này không trả lời được là thế thì đi Ý có nên Scarpetta không, bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh và bạn đồng hành trong bữa ăn, thậm chí cả vùng miền và gia đình. Đối với em, đây là chuyện bình thường, đối với nhiều người khác thì là chuyện vô lễ. Túm cái váy lại là, khi đi ăn mà muốn thử scarpetta hãy hỏi đùa vui với anh bồi đẹp giai (hoặc đến gia đình người Ý ăn thì hỏi họ, như một câu hỏi văn hoá thôi), là các bạn scarpetta chứ? (hoặc các bạn nghĩ gì về scarpetta?) là nhanh nhất. Còn trong những trường hợp trang trọng kiểu họp hành ăn uống công việc hoặc tiệc tùng xa hoa thì thôi không làm cho lành. Thế nên, hãy cứ coi đây như một câu chuyện nhỏ về một điều bé xíu trong văn hoá Ý nha ❤️


12. Oh, đừng quên khẩu phần kiểu Ý rất khổng lồ


Một bữa Ý, nhất là bữa tối, sẽ có 3 course chính và các thứ phụ lặt vặt. Cơ bản đó là.

  • Antipasto: Món khai vị. Có thể là finger food, thớt phômai và thịt muối, chút đồ chua,… để bắt đầu bữa ăn và thả lỏng tâm tình.
  • Primo: Món đầu. Thường là các món tinh bột như pasta, lasagna, súp rau hầm, risotto,…
  • Secondo: Món chính, tức thịt cá.
  • Contorno: Món ăn kèm với Secondo. Thường là salad hoặc các loại rau nấu đơn giản (đôi khi chỉ là nấu chín rồi thêm chút dầu oliu và gia vị).
  • Desert: Đồ ngọt. Thường là bánh ngọt, tiramisu, panna cotta,… Đôi khi là hoa quả. Hoặc là cả hai.
  • Cafe: Người Ý sẽ kết thúc bữa ăn với cafe espresso.
  • Digestive: đồ uống cồn để tiêu hoá. Phổ thông nhất là Vermoth hoặc Limoncello.

Một bữa ăn của Ý rất nặng, và kéo dài. Em hay ăn ở nhà bạn em. Bữa ăn không bao giờ ngắn hơn hai tiếng. Hơn nữa khẩu phần của họ rất lớn. Với người châu Á đa phần chỉ đến món Primo là no ưỡn bụng rồi không kham nổi thêm cái gì. Thế nên em gợi ý khi đi ăn các bác chỉ nên gọi một đến hai món thôi, ướm mình không ăn được thì chỉ gọi hoặc primo hoặc secondo, đừng tham. Thiếu thì hãy gọi thêm dần dần nhé. BTW, không bao giờ gọi ngược. Gọi secondo rồi đừng gọi ngược về Primo.


(còn tiếp)


Đọc tiếp bài viết ở đây nha: https://nguyenx.com/2020/02/06/du-lich-y-can-biet/


Đọc thêm bài viết về con người Ý nha: https://nguyenx.com/2020/09/02/van-hoa-y-nguoi-y-chau-au/

Đừng quên like và follow page nguyenX để đọc thêm các câu chuyện văn hoá vui vui. Và đăng ký nhận tin từ blog https://nguyenx.com/ để cập nhật kinh nghiệm du lịch nhé! ❤️❤️ và tham gia nhóm chuyện trên đường đi (https://www.facebook.com/groups/774845273349252) để chia sẻ kinh nghiệm du lịch và cảm nhận văn hoá trên đường xê dịch nha!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,665
Bài viết
1,170,958
Members
192,318
Latest member
diendandientu
Back
Top