Kỳ III: Sự thật về rừng chè cổ thụ ngàn năm – nơi sự sống bị lãng quên!
Khi ở trên lán 2.200 tôi có nói với các bạn leo Fan rằng sẽ đi tìm rừng chè cổ thụ ngàn năm bí ẩn trong rừng đại ngàn Hoàng Liên, ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt không biết đấy là nơi nào. Cách đây không lâu tôi đã đọc bài báo trên mạng về phát hiện của một vị du khách người Nhật trong một chuyến đi Sapa vào năm 2007 về loài chè được cho là ngon nhất thế giới, liệt vào loại quý hiếm bậc nhất bởi tuổi thọ của các cây chè cổ thụ ở đây lên tới hàng ngàn năm theo cách tính của vị chuyên gia thẩm trà. Sau đó 3 năm, vào năm 2010 một phóng viên nhà đài tên PND đã đăng lên hành trình vào rừng chè cổ thụ này với “các thông tin khá rõ ràng chi tiết”.
Sau đó, tôi cũng có nghe nói một cao thủ phượt tên An cũng đã vào đến tận nơi rừng thiêng nước độc này và tôi may mắn đã liên hệ được với cao thủ này. Tôi ko biết liệu sau đó còn ai thực sự quan tâm đến với rừng chè cổ thụ này và hôm nay mong ước của tôi đã trở thành hiện thực khi từng bước một tôi đang tiến vào rừng chè cổ xưa.
•
Tạm bàn một chút về chè và nguồn gốc cây chè lá: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguồn gốc của loài chè cổ xưa nhất trên trái đất bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 4 -5 ngàn năm trải dài từ Bắc Việt Nam, Miến Điện, Nam Trung Quốc và Ấn Độ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì loại chè cổ xưa nhất bắt nguồn từ bang Assam của Ấn Độ. Thực tế mà nói thời xa xưa chúng ta không thể phân biệt ranh giới như tên gọi hiện nay mà phải khoanh khu vực chè cổ xưa rộng lớn trên thuộc vùng Đông Nam Á cổ đại. Như vậy có thể kết luận loại chè có trên rừng Hoàng Liên Sơn này nằm trong khu vực của loại chè cổ xưa nhất trên trái đất tính từ thửa sơ khai của giống loài chè quý hiếm này.
Có một thông tin sưu tầm trên mạng như sau: Vào năm 1976 một nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sau khi phân tích các mẫu chè cổ tại các vùng từ Bắc Việt Nam, Miến Điện, Vân Nam Trung Quốc và Ấn Độ hay tạm gọi là vùng ĐNÁ cổ đại thì đưa ra sơ đồ tiến hóa về chè như sau: Camellia => Chè cổ Việt Nam => chè lá to Vân Nam => chè Trung Quốc => cuối cùng mới đến chè Assam Ấn Độ. Tuy chưa thể khẳng định loài chè cổ xưa nhất trên trái đất mọc bắt đầu từ đâu và chè cổ Việt Nam lại được các nhà nghiên cứu lấy mẫu từ chè Yên Bái, Hà Giang, Thái nguyên, chưa thấy có nghiên cứu nào công bố nói tới loài chè đặc biệt quý hiếm ở rừng Hoàng Liên Sơn.
Tuy nhiên cách tính tuổi thọ chè trong rừng Hoàng Liên cần phải được các nhà khoa học chứng minh dựa trên các mẫu phân tích. Chè cổ thụ cũng có ở Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên hay khảo cổ Việt Nam đã tìm ra vết tích hóa thạch của cây chè lá ở Phú Thọ. Nhưng để đạt tới độ cao hàng chục mét, thân cây chè bằng cả tay người ôm không hết như ở rừng Hoàng Liên Sơn thì không nơi nào bằng, thậm chí cả vườn chè cổ thụ Suối Giàng nhưng cũng chỉ với độ cao 6-8m và chỉ mọc được ở độ cao 800 – 1000m. Vậy liệu loài chè quý hiểm cổ thụ ở rừng Hoàng Liên Sơn có phải là loài chè cổ xưa nhất, có trước cả ngàn năm mà ko ai biết tới??? Tôi hy vọng sắp tới có những nhà khoa học trong nước hay quốc tế sẽ giải đáp vấn đề này. Bởi cho đến nay, tất cả thông tin vẫn chỉ nằm rải rác ở các trang mạng cá nhân, thông tin du lịch.., chưa có một công bố chính thức nào về nguồn gốc loài chè cổ xưa này.
Tôi và A Sàng đi xuống rừng chè men theo cửa rừng đã tìm thấy, độ dốc khá lớn và đường có vẻ trơn hơn rất nhiều. Trước mắt tôi là cả một màu xanh của rừng cây thân lá cao nhưng vẫn chưa có cây chè nào xuất hiện, có nhiều cây bị đổ gãy gập thân xuống vách đá.
A Sàng nói tôi đang đi vào “vườn” chè nhưng sự thực rất khác so với bài báo của phóng viên PND của nhà “đài” tôi biết. Tạm không bàn tới thông tin đúng sai tôi quyết cùng A Sàng tiếp tục đi tìm cây chè cổ thụ huyền thoại. Đi một đoạn A Sàng chỉ tay lên một cây chè bị gãy, tôi hí hửng ngước lên.. đúng là cây chè, lá chè nhưng thân cây cũng chỉ có đường kính khoảng 10 – 15 cm.
IMGL6086 by
Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
Tôi cũng đã thấy khá nhiều cây chè nhưng chúng đều nhỏ, chỉ được cái là rất cao và xanh mướt. Tôi bắt đầu hỏi A Sàng về những gì đã thấy trong bài báo của tác giá nhà đài PND nhưng A Sàng nói với tôi trong rừng chè này không có cây chè nào to bằng cả 3 người ôm không hết, cũng ko có nhiều cây đến mức đi hết cả đời người cũng ko hết rừng chè cổ thụ bạt ngàn tại đây. Không sao, rừng Hoàng Liên Sơn tính riêng phần lõi rộng tới hơn 30 ngàn ha cơ mà nếu đúng vậy thì đi cả đời người cũng chả hết rừng thật! Không từ bỏ tôi nói A Sàng hãy đưa tôi đi hết cả rừng chè này đi, cho dù quanh quẩn trong này đến bao lâu nữa tôi cũng đi cho bằng được. Thấy có vẻ không thuyết phục được tôi, A Sàng vẫn khăng khăng với tôi là chỉ có “vườn chè” này thôi vì A Sàng đã sống ở khu rừng chè này gần 6 năm rồi, hồi đó A Sàng chưa làm nghề dẫn đường mà chỉ săn lượm và hái thảo quả đem về bán nên đã không biết bao lần đi qua vườn chè mà tôi đang nói tới. Tôi vẫn quả quyết lập luận của mình, hai đứa chúng tôi vẫn tiếp tục vạch lá tìm đường đi tiếp, càng đi tôi càng cảm thấy mình đang xuống thấp hơn. Như vậy khả năng lớn là vườn chè A Sang đang dẫn tôi đi nằm ở độ cao từ 1800m – 2000m. Nếu so sánh với bài báo của tác giả PND đăng vào tháng 2 năm 2010 thì tác giả cùng người dẫn đường TNL và kiểm lâm NVH lại leo lên độ cao tới 2.500m đi qua thung lũng chết ở độ cao 2.900m rồi lại vòng xuống đây, hơn nữa ảnh cửa rừng mà tác giả này chụp lại khá giống với ảnh của rừng mà tôi và A Sang vừa đi vào. Đầu óc tôi đang quá tù mù thông tin, lúc này sóng điên thoại không có, tôi không thể gọi điện vào mạng..trong đầu tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì bất ngờ A Sang thét lên một tiếng lớn…
Trước mắt tôi là một thân cây to bằng cả tay người ôm bị đổ lật gốc. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra tôi đã thấy A Sàng trượt xuống đó từ bao giờ. Tôi cố gắng theo tới nơi thì mới biết rằng đó chính là gốc chè cổ thụ mà A Sàng nói với tôi trên đường đi tới đây. Đau đớn hơn khi tôi được A Sàng nói đây chính là cây chè cao và to nhất mà A Sàng đã từng biết đến và thủ phạm không phải do con người bởi chẳng ai dám tới đây để mà đốn nó rồi để không cả, trận tuyết rơi bất thường dày đặc từ hồi đầu năm nay đã khiến thân cây cao vút này bị đổ gục xuống bật rễ.
IMGL6096 by
Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
A Sàng đi đi lại lại vẻ mặt căng thẳng không nói nên lời, tôi cũng chẳng biết nói gì nữa chỉ còn biết hy vọng tìm đc cây chè cổ thụ 3 người ôm không hết mà tác giả PND đã chụp ảnh đăng lên báo mạng nhà đài cách đây 4 năm. Ước tính thân cây chè cổ thụ này cũng bằng cả 1 tay người to lớn ôm không hết và từ thân đến ngọn tôi nghĩ cũng chừng 10m, gốc của nó cũng có đường kính phải lên đến gần 2m, khá to so với giống chè đã từng được tìm thấy ở Hà Giang, Yên Bái. Tôi nghĩ vẫn còn hy vọng và tiếp tục nói với A Sàng là chúng ta phải đi tiếp, sẽ còn rất nhiều cây chè cổ thụ nữa mà mình chưa biết đến. Mặc cho A Sàng nói chỉ vào thân cây đổ kia là thân cây lớn nhất ở vườn chè.
IMGL6098 by
Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
Vừa đi tôi vừa thấy những điều rất mâu thuẫn so với bài báo tôi từng được đọc. Vườn chè này không nhiều cây chè như được miêu tả, cây không quá to, tôi nghĩ thầm an ủi chắc do trận tuyết rơi hồi đầu năm đã làm chúng gẫy đổ hết. Vậy còn cả một rừng chè chạy tít phía chân trời cả một đời người đi cũng không hết như được miêu tả của tác giả PND kia thì sao. A Sàng và tôi bắt đầu đi khá sâu vào vườn chè, càng đi càng thấy vườn chè này hóa ra không bạt ngàn mà lại khá thưa thớt, cách nhau khoảng chừng vài chục mét mới tìm thấy được 1 cây chè. Trước mặt tôi là một loại quả khá nhỏ và giống quả cà mà tôi hay thấy ở dưới xuôi. A Sàng nói là quả chè, tôi chưa bao giờ thấy chúng trước đây.
IMGL6082 by
Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
Vườn chè này xen kẽ khá nhiều loại cây thân lá cao, cây ổi rừng, cây dẻ và nhiều loại cây lá thấp mọc dưới tầng thấp nhất. A Sàng nói trong rừng Hoàng Liên Sơn, loài cây có thân to nhất là cây dẻ, đúng thật! Cây nào cũng cao vài chục m, thân cây cũng phải tới 3 người ôm cũng chả hết nhưng đó không phải là cây chè cổ thụ. Vẫn lác đác vài cây chè với những tán lá rộng, xanh thẫm, giống chè này lá lớn hơn chè mà chúng ta hay thường thấy và tất nhiên màu xanh của chúng cũng đẫm hơn rất nhiều. A Sàng ngắt cho tôi một bông hoa chè mà tôi cứ tiếc hùi hụi, đơn giản vì hoa chè sẽ thành quả chè, quả chè sẽ rơi xuống đất và sẽ là những cây chè khác mọc lên nơi rừng thiêng này.
IMGL6112 by
Roger Ilumtics Fynn, on Flickr