What's new

[Chia sẻ] Hòn Nhọn - Thác Bay - Bình Tiên

Thân chào cả nhà,
Cuối cùng thì chuyến đi cũng đã kết thúc, chuyến đi ba ngày vừa lên rừng, vừa xuống biển của một tập thể gồm 10 con người để lại rất nhiều cảm xúc cho mỗi cá nhân. Người thì coi đó là một chuyến đi tuyệt vời, có người lại có những cảm xúc mới lạ thêm trong cuộc đời của mình, có người lại thấy đó là sự chấm hết cho những chuyến đi khác. Dù sao đi nữa, chúng ta đã có một chuyến đi không thể hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh như vậy.

Chuyến đi đến từ một bài viết của một phóng viên báo Tuổi Trẻ và trở thành một topic rủ rê hot nhất thời đại phuot. Và chỉ với 336 bài viết nhưng có đến 14.780 lượt người theo dõi cũng đủ sức nói lên cái nóng của topic này.

Một chuyến đi khám phá mà gần như một bãi chiến trường khi có sự tranh cãi về số lượng người và cách thức tuyển lựa người để mất bao công sức của các mod, admin kiểm duyệt, kiềm chế sự nóng nảy không cần thiết của rất nhiều thành viên.

Nhưng nó thực sự là topic đáng để quan tâm.

Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ nằm ở miền Trung của tổ quốc, có vô số cảnh đẹp và điểm nên đến trong hành trình của các phượt gia. Nhưng những điểm được nhiều người biết đến đại đa số nằm ở ven biển như Hòn Lao lạnh lùng, Vĩnh Hy huyền bí, Bình Tiên êm ả hay Núi Chúa hùng vĩ. Có nhiều cảnh đẹp còn nằm ẩn khuất sau những cánh rừng, những vách núi mà chúng ta còn chưa có dịp nhìn ngắm. Một trong những cái như thế là hòn Nhọn.

Đúng như nhà báo Bình bên báo Tuổi trẻ đã viết, hòn Nhọn nằm trong khu vực xã Phước Hà. Dân địa phương nơi đây hay kêu là hòn Một. Từ khu xã Nhị Hà, Phước Hà nhìn về phía Lâm Đồng, chúng ta sẽ thấy hòn Nhọn vượt cao hơn tất cả và có một đỉnh nhọn như một cái chóp mũ của những chàng mục đồng. Đây là đỉnh núi cao nhất trong khu vực và nằm trong khu vực quản lý của hạt Kiểm Lâm Tân Giang. Trong toàn khu vực 30.000 ha rừng mà hạt Tân Giang quản lý, có ba dòng suối thì có đến hai dòng bắt nguồn quanh hòn Nhọn. Tới hòn Nhọn, chúng ta có hai đường đi. Một là đi từ trung tâm xã Nhị Hà, băng đồng tới chân núi rồi theo đường mòn lên đỉnh sau khi vượt qua một yên ngựa khá khó khăn. Hai là chúng ta đến hồ Tân Giang rồi theo đường mòn ven hồ, khi gặp con suối đầu tiên thì rẽ phải để đi lên khu thác Bay rồi lên hòn Nhọn. Nếu gặp con suối này mà vẫn đi thẳng, chúng ta sẽ đến khu căn cứ Anh Dũng, một căn cứ cách mạng trong thời gian chống Mỹ. Đây là khu vực tiếp giáp Lâm Đồng, có nhiều hầm trú ẩn, giao thông hào, có cả trường đảng, lớp học ... Tuy nhiên, khu vực này nằm ngoài khu hòn Nhọn.
Sau khi tìm hiểu kỹ tất cả các vấn đề từ anh Doanh - trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang - người đi suốt hành trình tại khu hòn Nhọn thì chúng tôi hiểu rằng bài báo của anh phóng viên trên báo tuổi trẻ đã nêu ra đúng vị trí của hòn Nhọn, nhưng nơi anh đến thì không phải là hòn Nhọn. Vậy thì chúng ta sẽ chinh phục hòn Nhọn này, đó là quyết định của cả nhóm.

Để hoàn thành chuyến đi, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của rất nhiều cá nhân, tập thể. Có lẽ không có gì để nói nếu như chúng tôi liên hệ suôn sẻ với dân địa phương. Nhưng, ở đời vẫn có nhiều chữ nhưng, và ở đây chúng tôi sẽ nói đến nó. Có nó, chuyến đi mới trở nên khó khăn như vậy.

Bảo là một anh bạn dễ thương sống ở xã Nhị Hà. Sau chuyến đi cùng với anh Bình (báo Tuổi trẻ), chúng tôi đã có dịp gặp anh và trò chuyện nhân chuyến anh vào chơi thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi những tưởng rằng sự vui vẻ của anh sẽ giúp đỡ rất nhiều khi chúng tôi chinh phục hòn Nhọn, nhưng không phải vậy. Cách chuyến đi gần một tuần lễ, tôi bốc điện thoại gọi cho Bảo. Sau một hồi nói chuyện, Bảo nói tôi cần phải gặp một anh bạn khác tên Thuận, làm bí thư đoàn xã Nhị Hà. Anh Thuận nói rất dài dòng, nhưng vắn tắt như sau:

- Dẫn đường chứ không phải vác đồ giùm.
- Cần phải làm thủ tục vào rừng và đóng một số khoản thuế cho xã.
- Chi phí dẫn đoàn trong ba ngày vào hòn Nhọn là 5 triệu đồng cho một nhóm khoảng trên 10 người. Tất cả sẽ thể hiện bằng hợp đồng và anh sẽ gửi qua fax cho chúng tôi hợp đồng mẫu.

Mới nghe đến con số 5 triệu đồng, tôi đã tá hỏa tam tinh. Bởi theo Tuấn mỏ nhọn (thành viên của Chim Cò group), chi phí cho mỗi hướng dẫn là 100 ngàn/ngày (chúng tôi đã cùng nhau thỏa thuận như thế), 500 ngàn thuê xe đưa vào ra (đón từ cây xăng ngã ba Phú Quý vào Nhị Hà và ngược lại) cùng tiền mua rau, gạo chừng 300 ngàn. Như vậy, nhóm của Tuấn chỉ tốn 200 ngàn cho 1 "hướng dẫn viên" mà thôi, vậy mà.... Tôi liền gọi cho anh Bình nhờ can thiệp. Anh liền gọi liên lạc với Bảo rồi gọi cho tôi, nói nên liên hệ với anh Luân - là người quen của nhóm Bảo, Thuận và dẫn anh Bình vào chỗ đó.

Cho đến sáng hôm sau, tôi gọi cho anh Luân. Anh Luân là người làm du lịch và cũng là người khám phá ra khu này (hòn Nhọn) nhưng chưa đưa vào khai thác. Anh cũng rất tiếc khi một số anh em địa phương lại đưa ra giá như vậy và sẽ giúp đỡ để chi phí còn là con số chấp nhận được. Sau một hồi điện thoại của anh Luân, Thuận đồng ý giảm giá nhưng con số chỉ được tụt xuống còn 3 triệu đồng. Tôi cũng gọi cho Bảo một vài lần nữa, nhưng em cũng không giúp gì hơn được nữa. Thôi thì đành chịu vậy, tôi nghĩ mình nên thông báo cho anh em hủy chuyến đi, vì không nên chấp nhận một cái giá vô lý như thế. Nếu tôi chấp nhận giá này thì nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các chuyến đi của các anh em về sau. Nhưng cái sức nóng của hòn Nhọn, cùng với sự quyết tâm của anh em làm cho tôi đành tìm cách khác. Chợt nhớ ra có một người bạn làm kiểm lâm Ninh Thuận, tôi liền liên lạc để tranh thủ sự giúp đỡ của những chủ rừng khi không có sự giúp đỡ của dân địa phương. Nói là bạn cho nó oai, chứ thực ra chỉ là sơ giao thôi. Cách đây vài năm, bạn ấy có giúp đỡ gia đình tôi vào cắm trại trong vùng hoang vắng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa hết sức ấn tượng. Và lần này cũng vậy, bạn ấy lại nhiệt tình giúp tôi sau khi nghe kể lể khó khăn.

Anh Thanh - trưởng ban quản lý và bảo vệ rừng tỉnh Ninh Thuận là sếp của bạn ấy và là người đích thân giúp chúng tôi vào rừng lần này. Anh gọi xuống xã để giúp cử một cán bộ an ninh đi theo đoàn và cắt cử luôn anh Doanh là trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang đi giúp chúng tôi. Ngày chúng tôi ra đến ngã ba Phú Quý, anh còn dậy từ 5 giờ sáng, vượt hơn chục km để thăm đoàn chúng tôi và dặn dò một số điều trước khi vào rừng. Thật là cảm động khi anh ấy là người quản lý của rừng cả tỉnh nhưng lại hết sức gần gũi và thân thiện khi tiếp xúc.

Chuyến đi còn được sự hỗ trợ không mệt mỏi và đầy tình cảm của anh Hiệp, là dượng của Đình Quân - một thành viên của 4so9.com tham gia chuyến đi. Số là sau khi nhờ đến anh Thanh nhưng lại chưa thể chắc chắn lắm, tôi bèn đánh liều gọi cho dượng Hiệp. Dượng Hiệp hiện nay đang công tác tại ban quản lý giao thông đường bộ của tỉnh, ngày trước làm trong ủy ban dân tộc của tỉnh nên nắm rất cụ thể khu này. Gần như ngay lập tức, dượng hỏi thăm xuống chính quyền xã để nắm tình hình và còn nhờ bạn bè làm bên Sở nội vụ tỉnh can thiệp, gọi cho chủ tịch xã. Các cán bộ của xã đã biết gần như đầy đủ chuyến đi của chúng tôi, nên dượng Hiệp nắm được ngay tình hình. Họ còn cho biết, Bo Bo Thuận (không hiểu sao họ lại gọi thế) đứng ra lo vụ này. Họ còn nói do tuần trước có dẫn một nhóm đi, chở ra vào bằng cái xe chở heo rồi tính tiền đâu 1 triệu ba hay một triệu tám gì đó mà kêu rẻ quá nên anh em nó tưởng là hớ nên mới tính giá cao lên. Thật là khổ cho những người ít tiếp xúc với tiền, cứ ngỡ là tiền ở thành phố như lá mít, cứ lượm là được.

Chưa an tâm, bởi vì địa danh tôi nói (hòn Nhọn) dượng Hiệp chưa nghe tới, nên dượng phi thẳng xe xuống xã hỏi tình hình. Anh Chín Tấn - cũng là chỗ thân tình với dượng Hiệp có một trang trại ngay vùng liền cho biết dân địa phương kêu đó là hòn Một, nước non mùa này cũng cạn nên chắc là ít cá thôi. Do cũng từng làm trong cơ quan công quyền tỉnh nên anh Chín Tấn nói cứ an tâm mà đi, anh sẽ dặn dò anh em xã và khi về thì ghé qua trang trại làm bữa cơm thân mật.

Ngày đi chỉ còn hai ngày là tới, các cuộc đàm phán giá cả với Thuận cùng sự giúp đỡ của Bảo, anh Luân, anh Bình đều thất bại. Tôi đã có được sự đồng ý giúp đỡ của anh Thanh nên từ chối giá cả và sự dẫn đường của nhóm Thuận. Ngay chiều hôm đó, Thuận gọi thẳng cho tôi và nói dõng dạc: " Các bạn đừng đi đến đây làm gì, phí tiền vé xe vì đến nơi cũng phải mua vé xe mà về ngay. Tỉnh đoàn cùng Sở du lịch tỉnh đã giao vùng hòn Nhọn cho xã đoàn Nhị Hà quản lý và khai thác rồi, nên không có cách nào các bạn vào được nếu như không có sự dẫn đường của bọn tôi. Các bạn có nhờ kiểm lâm dẫn vào cũng không có vào nổi đâu!!!". Lời nói của Thuận như đinh đóng cột khiến tôi đã lo lắng cho chuyến đi còn lo thêm gấp bội.

Sự lo sợ có phần thái quá của tôi sau khi nghe anh Thuận đe dọa làm cho chuyến đi thực sự trở thành chuyến đi tâm điểm của các câu chuyện xung quanh xã Nhị Hà. Một nhúm người vào chốn rừng núi với một chút đam mê, hà cớ gì mà Kiểm Lâm quan tâm, Sở Nội Vụ gửi gắm, Ban quản lý giao thông đường bộ cũng vào cuộc? Hay là họ còn có lý do gì khác khi bước vào khu này? Đoàn của họ gồm những ai mà quan trọng và ghê gớm thế? Và đấy cũng là một phần của câu chuyện mà tôi sẽ nói về sau.

(to be continue)
 
Last edited:
Vài hình ảnh về Hoa chụp trong chuyến đi nè " CÂY XƯƠNG RỒNG, TRỒNG ĐẤT RẮN, LONG VẪN HOÀN LONG" (Đoàn Thị Điểm):
IMG_3748.jpg

KHOE SẮC
IMG_3750.jpg

E ẤP
IMG_3746.jpg

IMG_3751.jpg

CÓ CẶP CÓ ĐÔI
 
Bữa trưa đạm bạc diễn ra cũng nhanh chóng. Nhân và anh Doanh vẫn là những đạo diễn chính của chương trình “cả nhà vào bếp này”. Bữa ăn cuối trong rừng có canh thân chuối rừng nấu canh cá khô, cá khô chao dầu và nước mắm tỏi ớt. Những dây leo khổng lồ chao ngang suối như những chiếc võng của bà mẹ thiên nhiên làm chỗ cho các nàng tiên nữ thể hiện. Tôi cũng chọn một dây leo to không kém để mắc võng. Khu này lác đác có muỗi và nhiều kiến nên thi thoảng lại có người la oai oái vì bị đốt. Tôi cũng được một anh muỗi hồn nhiên đậu ngay đùi, vô tư hút máu và cũng thản nhiên đón án tử hình. Cái bọn muỗi rừng nó cũng hồn nhiên như người rừng nhỉ, cả đám phá lên cười. Ở nhà muốn diệt muỗi thì cứ phải nhẹ nhàng, làm mạnh là nó bay mất dạng. Mà chưa có bài hát nào viết về những chú muỗi rừng này nhỉ, toàn hát nào là ong rừng, voi rừng, suối rừng, thác rừng. Hy vọng một ngày gần đây, muỗi rừng sẽ được đưa vào nhạc để anh em vừa đi rừng, vừa đập muỗi và vừa hát cho quên đi những cái sốt rét rừng nếu vô tình gặp.

Bữa cơm đạm bạc qua nhanh, ai nấy cũng hài lòng với bữa cơm với món canh chuối cá khô là lạ. Nó chan chát vị chuối rừng, chua chua vị me núi và thêm cái mằn mặn, tanh tanh của cá mà chẳng thể nào có nơi phồn hoa đô hội. Canh thì hết trước cả cơm, cái còn dư nhiều là hạt ớt vì chả ai ăn được nó cả. Cả đám ríu rít ca ngợi tài nấu nướng của anh Doanh rồi nhanh chóng dọn sạch sành sanh đồ ăn. Rồi cả đám lại như chim tỏa ra, mỗi người một góc. Chỉ có Dangkhoaquan lần mò bộ bài của Madscientist mang theo, tụ tập anh em đánh bài. Cái đầu gối của tôi ngày càng đau tợn, đã phải lấy miếng dán của Huythong dán vào cho đỡ đau rồi lên võng nằm hi vọng nó giảm bớt. Chắc là do nhảy nhót nơi thác nước khiến nó bị co giãn bất thường nên đau thêm đây mà. Tôi chập chờn ngủ, vừa ngủ vừa lo muỗi nó lại hồn nhiên hút máu, bên cạnh là lũ hám tiền đang sát phạt nhau.

Thế hùng và quantd
picture.php

Madcientist
picture.php
 
Chúng tôi chia tay Nhân và anh Doanh. Trước khi chia thì cũng có chút gọi là quà hai ngày các anh mệt nhọc. Anh Doanh nói đưa cho Nhân khoảng 60 hay 70 ngàn được rồi, nhưng anh em quyết định đưa 100k, chứ làm gì có tiền lẻ mà đưa nhiêu đó. Mặt cu em mừng ra mặt, cho thấy đây có lẽ là giá hời cho hai ngày đi long rong trong rừng. Cuộc sống của hai xã cùng khu khác nhau đến thế sao? Đám Thuận Nhị Hà thì nói rằng anh ta kiếm được 150 ngàn một ngày rất dễ dàng, nếu đi rừng cực khổ phải 200 ngàn. Còn với đồng bào xã Phước Hà thì chỉ 30 ngàn lại là chuyện khá ổn!!! Càng nghĩ, tôi lại càng thấy quyết định từ bỏ đám thổ địa lộng ngôn kia hoàn toàn chính xác. Còn anh Doanh thì lắc đầu quầy quậy không nhận, tôi phải dúi mãi vào tay anh ấy mới cầm 300 ngàn. Vậy nhưng số tiền này chúng tôi cũng nhận lại cả, hồi sau sẽ nói rõ.

Hai chiếc xe thì một chiếc không thể đưa chúng tôi ra Bình Tiên được mà có việc đột xuất. Do vậy, dượng Hiệp kéo tôi, QuanTD, Huythong và Madscientist về nhà để đi bằng xe máy. Mọi việc ngoài Bình Tiên, dượng Hiệp cũng đã bố trí xong xuôi chỗ ăn ở. Tôi gọi cho Tulipden, một phượt thủ hoành tráng nhà ở Cam ranh để cùng ghé Bình Tiên giao lưu. Tuy nhiên, trời Cam Ranh đang sụt sùi mưa nên…. Nàng hẹn sau. Khi ấy, ở Phan Rang đang nắng đẹp.

Lòng vòng mãi chuyện xe cộ thì cũng hơn17h, cả năm người trên ba cái xe mới khởi hành. Một chiếc xe không có đèn nên được cấp tốc đổi cho một anh bạn đi câu nhà gần đó. Hai chiếc Win và một chiếc xe Dalim cứ thế phi ra hướng Bình Tiên. Trời lúc này đột nhiên trở gió lớn, có lác đác vài hạt mưa. Từng hạt mưa như mượn đà gió quất vào mặt, vào tay tôi rát bỏng, cho dù đang ngồi sau dượng Hiệp. Chiếc xe Win oằn mình ngược gió cõng hai người cứ lừ lừ tiến. Đầu xe thi thoảng rung lên, đảo qua đảo lại trong gió. Gió thì cứ như muốn bốc cả con xe lẫn người quẳng xuống lề đường. Tim tôi cứ như muốn rơi ra ngoài sau mỗi một cơn gió giật. Khung cảnh xung quanh mờ mịt, chắc ngoài Bình Tiên cũng đang mưa to đây, tôi thầm nghĩ. Những cơn gió cứ thốc tháo vật vã ba chiếc xe, y như cảnh tôi từng gặp khi ngoài Côn Đảo. Tôi và thằng bạn đi từ bến Đầm về, qua mũi Việt Minh đã bị gió hất cả hai thằng vào vách núi, đến khi dựng xe dậy cũng còn khó khăn. Thi thoảng, có một chiếc ô tô cùng chiều thì chúng tôi lại cố gắng bám đuôi nó kiếm chỗ núp gió. Ánh đèn xe leo lét của xe QuanTD bỗng tắt ngóm, cả đoàn lại phải dừng lại, đi kèm QuanTD. Một lúc, dượng Hiệp nghĩ ra cách đeo đèn đầu lên thay đèn xe, khi ấy Madscientist thì đang loắn quắn thì dượng kêu cứ chạy trước. Chả nói chả rằng, cu cậu lầm lũi phi thẳng, biến dạng trong làn mưa và bóng tối.

Báo hại, sau khi QuanTD gắn đèn xong thì cả hai xe mở hết tốc lực đuổi Madscientist mà cũng không cách nào kịp. Thôi thì đành gọi cho Dangkhoaquan báo cho Madscientist dừng lại chờ vậy. Vậy mà cu cậu đã kịp phi sâu vào Cam Ranh, cách ngã rẽ vào Bình Tiên đến vài cây số. Chúng tôi phải đứng chờ ở cầu một lúc lâu, mới thấy cu cậu quay ngược lại. Bình Tiên chỉ còn cách chúng tôi có 8km. Nhóm đi xe hơi đã vào đến nơi từ lâu, tắm rửa xong đâu đấy và đang chờ chúng tôi. Thử thách cuối cùng là con dốc dài như bất tận. Nếu bạn đi côn tự động thì không có gì đáng nói, nhưng sẽ là một thử thách nếu đi xe côn tay mà chưa quen. Tôi đã có lần cưỡi Win và chết máy ở lưng chừng dốc này để rồi suýt ngã. Tuy nhiên, với dượng Hiệp thì con dốc này quá đơn giản vì chính ông ngày xưa đã chỉ đạo làm con đường này mà. Mất gần 15 phút, cả đoàn mới hội ngộ và chào đón thêm vị ân nhân là dượng Hiệp đi cùng. Ngày hôm qua, chỉ trong buổi sáng, dượng Hiệp đi câu và được một con mực lá nặng đến 1.8kg cùng mấy chú cá chang, dân câu gọi là chang chấm. Khi ra cùng bọn tôi, dượng đã xách đi và treo ở xe, giờ mới mang ra. Cá thì hấp cuốn bánh tráng, mực thì luộc thái mỏng chấm gừng. Ngoài tôi, Thế Hùng, QuanTD thì hiếm khi các phượt gia nhà ta được ăn cá tươi ngon như thế. Chưa kể, vừa ăn, tôi và Thế Hùng liên tục minh họa, miêu tả cảnh đánh bắt, bảo quản, vận chuyển và bán đến tay người tiêu dùng hải sản làm anh em chết ngất. Gì mà cả tháng sau đánh bắt mới được ăn, sao mà ngon cho được. Vậy nên cả đoàn cứ gắp, chấm, đút, nuốt rùng rùng. Những con cá khô, anh em trong rừng khen ngon đáo để giờ nằm chỏng chơ trong cái đĩa không ai thèm ngó đến. Từ đầu bữa đến cuối bữa, chỉ có dangkhoaquan nhấm 1 chút rồi bỏ lại chứ mọi người khác tuyệt nhiên là không. Ra Bình Tiên mà ăn cá khô thì quả là không hợp cảnh một chút nào.

Bữa ăn diễn ra rôm rả dưới ánh đèn của quán quen dượng Hiệp, mặc cho ngoài kia sóng vỗ đùng đùng vào bờ, gió réo hàng dương vi vút. Anh em thì cứ chọn bia heneiken mà uống, nhưng tôi thì chọn rượu. Đến giờ, tôi mới cảm thấy lạnh trong người như thế nào. Chắc là trên đường tập trung vào con đường và đề phòng gió quật té xuống nên không để ý. Do vậy, rượu vào đến đâu, nóng trong người đến đó. Dượng Hiệp cũng làm luôn ba ly, làm tôi hết sức ngạc nhiên. Vì thường ngày, dượng chỉ uống độ đâu ba chai là cùng. Hóa ra cũng là vì lạnh. Vừa ăn uống với anh em, dượng kể về khu chiến khu anh Dũng, hòn Một (tên địa phương của hòn Nhọn) và thời kì những năm 90 oanh liệt ở đây. Chúng tôi nghe phát mê, và bản thân tôi hết sức khâm phục sức khỏe của dượng Hiệp. Ở tuổi của dượng nhưng khi đi câu, vẫn mang đồ nặng đến cả 30kg, đôi khi hơn. Vậy mà dượng cứ nhảy như bay từ mỏm đá này qua mỏm đá khác, khiến tôi cũng bó tay, không cách nào bám theo kịp và cũng không thể mang đồ nhiều như thế. Trong tất cả các lần đi câu nhảy ghềnh với dượng, tôi đều bị tụt hậu.

Cái thứ rượu gạo ở Bình Tiên này thật ngon và dễ uống. Nó không nặng đến cháy cổ như Bàu Đá hay Gò Đen, không trong veo thơm ngát như làng Vân nhưng đậm đà mùi gạo. Cái thứ rượu quốc lủi rẻ tiền hóa ra là bị làm giả nhiều nhất. Nếu không quen chỗ nấu, chắc chắn những thứ rượu nổi tiếng quốc hồn quốc túy kia mà mua thì chỉ có đường đem đổ nếu không muốn rước bệnh vào người. Đến ngay cả những quán nhỏ bán rượu gạo cũng chả có rượu gạo thật mà bán, toàn là cồn pha 1 chút hương vị cho thành rượu mà thôi. Chả biết chủ quán lấy thứ rượu này ở đâu, nhưng nó là rượu gạo chính phẩm. cái nước rượu đùng đục, chứng tỏ nó chỉ là nước ba, nước bốn mà thôi nhưng thơm lừng mùi gạo và thuần chất đồng quê. Do có kinh nghiệm nhà đã từng nấu rượu, tôi phán ngay cái rượu này nấu bằng nồi nhôm làm mấy anh em cứ tròn xoe. Quy trình nấu rượu cũng đơn giản. Gạo tẻ hay nếp thì tùy, nấu thành cơm rồi dỡ ra nia, tản ra cho nguội. Xong xuôi đâu đấy thì giã men rượu trộn đều rồi cho vào một cái chum sành, đạy kín để nơi kín gió cho lên men. Tùy vào thời tiết, nóng thì nhanh, lạnh thì lâu men sẽ ngấm đều và cơm rượu bắt đầu dậy mùi. Khi ấy thì đổ nước lạnh vào, công thức là một kg gạo thì một lít nước là chuẩn, nếu muốn lấy nhiều nước thì cho thêm. Thêm vài ngày cho ngấm đều rồi cho vào cái nồi đồng to, bên trên là mấy cái nồi đất thủng hai đầu nối vào cho dài cái miệng nồi. Cuối của cái nồi đất cuối cùng ấy, nối vào một cái ống đồng, dẫn qua một thùng nước và cuối cùng là chai để đựng rượu. Nấu vừa lửa tránh sấp và tránh khê. Hơi nước rượu qua cái ống đồng, gặp nước làm lạnh thì ngưng tụ thành rượu mà chảy vào chai. Chai nước đầu tiên và thứ hai được để riêng, dành cho ngâm rượu hay khách quý đặt. Còn các nước sau thì thoải mái mang ra trộn với nhau cho vừa uống ngay. Dân gian là thế, nhưng sau này nồi đồng cũng ít, người ta gò cái nồi nhôm hay inox to đùng nấu cho nhanh, chả còn mất công kỳ cạch giã lá khoai trộn cơm và cám để trét bịt các vết nối giữa các nồi nữa. Tuy nhiên, cái chất nồi khác nhau sẽ cho ra cái vị rượu khác nhau. Uống nồi đồng, cái hương đồng nó điểm tanh và đôi khi để lâu rượu có váng màu xanh nhẹ. Nồi nhôm cho cái vị ngang còn nồi inox thì làm cho cái rượu nó tanh và lạnh nơi kẽ răng. Nói thì có vẻ mơ hồ, nhưng cái cảm giác của gần 10 năm nấu rượu lậu (thời bao cấp mà nấu rượu là bị bắt) đã cho tôi cái chính xác gần như tuyệt đối. Cứ bập rượu gạo vào và chiêm nghiệm, tôi đoán chính xác đến 90% xuất xứ từ nồi nào, trừ thứ rượu ko cần dùng nồi để nấu.

Lít rượu qua cái vèo, kêu chủ quán lấy tiếp. Cô chủ quán phúc hậu có đến 3 cô con gái cũng đứng tuổi mà có vẻ chưa bén duyên ai bước ra nhăn nhó, nói là đã hết rượu mất rồi. Thật là mất hứng, khi mà rượu đang ngon và tôi đang muốn say trả thù cho ngày trong rừng không rượu. Ở cái chốn khu du lịch nhưng đậm chất quê này, gần chín giờ bà con như muốn ngủ cả nên đành chịu. Thôi thì chuyển sang bia, làm cho nốt chỗ này cũng là ổn rồi. Dượng Hiệp như trẻ lại thêm cả chục tuổi, hào hứng tiếp tôi thêm một lon bia nữa rồi mới thôi, mặt ông đỏ ửng, hăng say nói chuyện. Cả đám quây quần nghe chuyện, suýt quên cả gắp đồ ăn. Nói vậy thôi, chứ cả đám đã dọn gần xong hết rồi. Bia cũng cạn, đồ cũng chả còn. Anh em cùng chủ quán nhanh chóng dọn chiến trường, bày bàn ra uống chè. Lại phải chè Tà Xùa thôi. Hôm nay, đầy đủ bộ lệ, ấm chén chả thiếu, QuanTD cũng rành đường pha chè nên cũng có trà uống liền. Mất cái hương nước suối rừng, chè Tà Xùa như kém ngon đi một bậc. Cái vị ngọt trong miệng nó kém đi mất 5 thành. Nhưng dù sao, cũng vẫn còn là thứ chè ngon và đáng nhớ.
(to be continue)
 
Post hình min quạ cho Sami nhé
Điểm tập trung của đoàn tại cách chân đập khoảng 1km đường chim...đi bộ vác balo, cái barie này ngăn không cho xe chạy vào đập, nhưng nhiều người dân địa phương vẫn lách xe gắn máy chạy vào tận nơi, riên đoàn chúng tôi có "bảo kê" nên lúc đi được bộ đội mở cửa cho xe chạy thẳng lên bờ đập
IMG_3697.jpg

sau khi xuống đến chân đập, đoàn tách thành 2 nhóm, nhóm xe hơi ra thẳng Bình Tiên, nhóm còn lại cũng lên xe hơi nhưng mà chỉ chạy đến nhà dượng Hiệp của Quantd rồi dùng xe gắn máy chạy ra sau
IMG_3700.jpg

Chạy khoảng 40km thì rẽ vào con đường này, dốc dài vô tận, cao chót vót, chạy xe không cứng qua dốc này dễ phải dắt bộ như chơi
P1080944.jpg

Sau khi vượt qua con dóc này là đến con đường hoang sơ dẫn vào bãi Bình Tiên, trên đường đi chúng tôi thấy nhiều loại chim rất đẹp, nhưng do không có kinh nghiệm chụp chịm và cũng không có thiết bị nào ra hồn nên chụp..không được tấm nào hết.
P1080941.jpg

Thỉnh thoảng thấy hình ảnh này, bản thân củng là người thừong xuyên "đi bắt cá" em thấy rất buồn
P1080956.jpg

Ra đến nơi chúng tôi tranh thủ ăn tối. Dượng hiệp là người ngồi ngoài cùng bên phải
P1080917.jpg

Dùng tạm món ăn gọi là "của nhà trồng được" do dượng Hiệp của Quantd câu được ngày hôm đó. Cá nhoái (giả) gọi là giả vì con này nhìn thì giống cá Nhoái, nhưng xương nó không có màu xanh đặc thù của cá Nhoái, nhưng thịt thì ngon không kém.
P1080920.jpg
 
Last edited:
Đêm đó cả đoàn có một bữa tối thật là ngon, nhưng không biết ăn uống thế nào mà sán ra nhìn hai đồng chí này thiệt là thảm
P1080922.jpg

Sau đó chúng tôi hớn hở khám phá thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp của Bình Tiên
P1080927.jpg

Đồng chí này không biết đang làm gì, chắc là đào hàng bắt còng
IMG_3720.jpg

Còn hai cô nàng này thì nghịch sóng
P1080931.jpg

Thỉnh thoảng có những chỗ cát bị lún, cũng may mà có bạn Tâm (chodtdd) kéo lên thì không biết tôi sẽ bị lún đến đâu nữa
IMG_3732.jpg

Thỉnh thoảng phát hiện vài hình ảnh lẻ loi như thế này
IMG_3725.jpg

Thế là cả nhóm xúm lại ...sáng tác
DSC_0330.jpg
 
Nơi bãi biển hoang sơ và vắng lặng, sóng to, gió lớn vỗ đì đùng
IMG_3721.jpg

vẫn có một nguời con gái áo đỏ, quần đen, nón vàng (hic hic very colorfull) đang đứng đợi....chồng về.
IMG_3739.jpg

Những túp lếu của ngư dân dựng tạm dưới chân núi để tránh mưa, gió...nhỏ, chứ gió lớn với bão là...thua
IMG_3742.jpg

ngoài những túp lều thì còn có chỗ trú chân như thế này, cái này chắc chưa có định nghĩa trong từ điển Việt Nam, bản thân là một phượt tử, iem nhìn ảnh này thấy thích thú nhất
IMG_3737.jpg

Sau đó chúng tôi đi lòng vòng chụp cảnh, chụp hoa, chụp ốc...
P1080926.jpg

IMG_3746.jpg

Sau khi hoa tàn thì ra trái, trái xương rồng cũng giống trái Thanh Long nhưng mà nhỏ hơn, màu đỏ như máu, nhưng thơm và ngọt vô cùng (mùa nắng nóng), tôi hái mấy trái chín cho mọi người ăn, kết quả là Sami bị lông (gai) bám váo người phải gãi cả ngày hôm đó.
Hoa giấy mọc những nơi khô cằn màu sắc rực rỡ hơn nhiều so với những nơi co dinh dưỡng tốt, tôi không hiểu tại sao????
IMG_3754-1.jpg
 
Minh họa tiếp nhé :)
Trên đường từ đập Tân Giang về Phan Rang, thỉnh thoảng xe phải ngừng lại vì những đàn cừu, đàn bò như thế này
picture.php


Sau khi mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, nhóm xe máy cũng đã rửa ráy tay chân sau "chuyến xe bão táp", bữa tối "đạm bạc" được dọn ra. Từ trái qua phải: Quantdq, TheHung, dượng Hiệp, Madscientist, tequila_straight, Hothimo, Dangkhoaquan, Chodtdd, Sami, và...cái ghế của tớ :D
picture.php


Buổi sáng trên bãi biển Bình Tiên: "Ông lão và 2 cô gái vàng" của đoàn. 2 cô này chắc đang tập kéo lưới, ko biết có tính làm dâu làng chài ko đây?
picture.php


Tranh nhau chụp "của lạ trên biển"
picture.php


Anh Dangkhoaquan canh mãi mới chụp được một chú chim
picture.php
 
Khoảng 22h, cả đám buộc phải đi ngủ. Hai em gái cơ cấu cho vào ngủ chung với chủ nhà, nhưng ngủ với mấy cô con gái hay ai thì tôi chịu. Các anh em nhà ta thì dăng võng các chân cột mà đánh giấc ngon lành. Đêm Bình Tiên biển động, gió lồng lộn ngoài kia cũng gây lạnh chả kém trên hòn Nhọn. Dượng Hiệp thì đắp lều, tôi thì đắp tăng, anh em thì có gì đắp nấy. Madscientist cũng vẫn cất vang lời ca tiếng hát trong đêm, cho dù khu này rừng ít gỗ. Thi thoảng, tôi cũng hùa vào phụ hắn cưa xẻ, nghe anh em nói thế.

Chủ nhà là những người dậy sớm nhất. Nằm cuộn mình trong võng, tôi thấy người dậy nhóm lửa, thả bò đi chăn, xếp củi, lọc nước các kiểu. Nước vùng này sát biển nên có pha lẫn nước biển là chắc, do vậy phải lọc sơ qua rồi mới đem nấu nướng được. Định bụng nướng thêm chút rồi dậy nhưng thôi, dậy sớm cho lành. Anh em cũng lục tục dậy dần, có người còn hứng chí chạy ra ngắm biển vì tối qua chưa ngắm được.

Với một số người, Bình Tiên là một bãi biển hoang sơ, nghèo nàn. Nó mới chỉ được dân đi bụi và ưa bụi yêu và đến rộ lên được vài năm gần đây. Trước đây, Bình Tiên là một bãi tắm đẹp nhưng biệt lập, ra vào đây chỉ có mỗi bằng đường biển và đường không. Ở chế độ cũ, đây là thiên đường dành cho các sỹ quan và bồ bịch đến hú hí cuối tuần. Do vậy, ngay sát chân núi và giờ trở thành cánh đồng lúa là một sân bay trực thăng dã chiến chở các sỹ quan cùng bồ bịch đến. Do tính biệt lập như vậy, các sỹ quan đến đây chỉ có ăn chơi và tắm truồng nên nó có tên là Bãi Tiên. Tôi đến Bình Tiên lần đầu năm 2004 cùng với gia đình với sự trợ giúp của người bạn ở Phan Rang và mê nó từ đó. Kể từ đó đến nay, cứ năm nào tôi cũng ghé Bình Tiên vài lần, khi thì câu, khi thì nhậu… Với dượng Hiệp, đây còn là nơi hết sức quen thuộc. Năm 1994, sau khi Bình Tiên đã thuộc về Ninh Thuận, dượng Hiệp đang công tác tại UB dân tộc tỉnh, đã phải lặn lội xuống tận đây, khi ấy còn chưa có đường để vận động bà con di dời ra phía gần đường để cải thiện cuộc sống và tránh xâm lấn đến vườn Quốc gia núi Chúa. Đường vào ngày đó duy nhất là đi thuyền từ Vĩnh Hy, và thể theo lời đề nghị của bà con, con đường bộ mới được làm từ 1994 và mới hoàn tất đẹp đẽ vào những năm 2005-2006. Gần bãi Bình Tiên còn có xã đảo Bình Hưng, hết sức sung túc và đông vui nhưng lại không có nước ngọt. Quanh đó còn có các đảo khác như Bình Ba… nhưng không đâu có bãi tắm lý tưởng như Bình Tiên. Năm 2005, nơi đây nổ ra cuộc tranh chấp dành quyền đầu tư vào bãi tắm giữa chị Tư Hường và một tập đoàn đến từ Hà Nội và sau đó chị Tư đã không dành phần thắng. Có một số cuộc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân về giá đền bù cũng có phần của chị Tư đứng sau. Có người giả điên lột quần áo, người thì nằm trước máy ủi chống lệnh … đều được giải quyết thấu tình đạt lý nên rồi sau cũng êm. Gần như toàn bộ các gia đình ở Bình Tiên đã nhận đền bù và chỉ chờ ngày giải tỏa (tức là khi nào chủ đầu tư lấy đất thì mọi người ra đi). Tuy nhiên, từ 2005 đến nay, tình hình kinh tế toàn cầu không mấy khả quan nên mọi thứ diễn ra hết sức từ từ.

Mặt trời lên rất nhanh, dượng Hiệp đảo đi đâu đó, lát về đã cầm nguyên một con mè lão nặng gần 3 kg. Cả nhà đã dậy, nhộn nhịp đánh răng, rửa mặt và ăn sáng. Bữa trưa đã được hoạch định xong với cà mè lão hấp cuốn bánh tráng và cá dìa nấu chua lá giang. Cô chủ nhà vội đi chợ kiếm đám cá dìa sợ trễ, tôi còn tất tả dặn theo đừng quên mua rượu. Cái rượu ngon mà ít tối qua làm tôi phát thèm. Dượng còn định kêu thuyền chở mấy anh em đi một vòng quanh Bình Tiên nhưng sóng ở bãi to quá nên đành chịu. Cả đám túa ra dạo chơi quanh bãi biển. Chủ nhật cuối tuần nhưng ở đây vẫn vắng tanh, cho dù bãi cát dài sạch sẽ yêu kiều mời gọi. từ đầu bãi đến cuối bãi, chỉ có duy nhất một nhóm người của phuot và một vài người dân chài đang đi đâu đó, hối hả xoải bước. Cuối bãi là nơi ở của một xóm chài mà tôi có biết một vài người. Cả đám anh em cùng hai nàng tiên vừa đi vừa nghịch tiến về cuối bãi. Hình như vắng mất Madscientist và Tequila. Cả đám kéo về khu ở của xóm chài. Gọi là xóm, nhưng thực ra đây là một doi đất nằm lui trong như một cái vịnh con con, giúp cho thuyền bè có thể tránh gió máy và dựng tạm vài tấm ván che nắng mưa. Đồ đạc sơ sài, đây chỉ là chỗ trú chân tạm thời của mấy người dân chài. Họ chài lưới, mò tôm hùm giống nên cứ dựng cái lều tạm để làm chỗ ngả lưng khi mệt mỏi, còn nhà thì đa số đều nằm ở Ba Ngòi, Cam Ranh cả. Lũ chó giữ lều sủa loạn lên khi thấy đám người lạ tiến đến. Do quá có kinh nghiệm với bọn chó nên cả đám cứ coi như kệ, cứ thế tiến đến ngồi vào chòi. Lũ chó là thế, nó chỉ dám tấn công những kẻ sợ hãi, còn với những kẻ mà không sợ nó thì nó chỉ dám sủa rồi lùi dần, đứng ngó. Có một câu rất hay, tôi thấy luôn đúng mang ra áp dụng trong trường hợp này rất tuyệt. Chó cứ sủa, người cứ đi các bạn nhỉ. Nghe tôi nói, thằng dangkhoaquan cười lăn lộn. Chả hiểu nó tâm đắc gì với câu nói của tôi không biết!
 
Phần cuối!

Mấy anh em chơi chán chê rồi vòng về. Thế Hùng chỉ vào mấy trái cây xương rồng nói là thứ đó ăn rất ngon. Ừ thì làm thử một cái, cả tôi và ChoDTDD đều bị cái gai của trái xương rồng cắm cả vào môi, lưỡi, lợi gây ngứa ngáy khó chịu kinh khủng. Cái trái xương rồng to bằng ngón chân cái quả nhiên rất ngon và ngọt, nhưng cái khó chịu do gai của nó gây ra thì quả là tệ. Thằng Hùng thì cười ngất, cho dù nó dã dặn bóc vỏ bóc gai đàng hoàng nhưng cả đám vẫn bị gai đâm do cái thứ gai mịn như tơ của nó cắm được cả hai đầu. Nó chỉ cần dính nhẹ vào tay xong cái là có thể dính ngay cả vao môi miệng. Cái cảm giác khó chịu khi bị cắm vào thịt của cái gai này đến khổ. Tôi vận dụng hết các kiểu, từ vạt áo đến khăn rằn của Huy Thông để lau nhưng cũng chẳng đỡ được là bao. Thế là thêm được bài học về ăn xương rồng. Kể ra cái vị của nó cũng rất ổn, nếu đang lang thang gặp cảnh nóng bức mà được ít trái chín này ăn, thật là đế vương. Nhưng nếu không chú ý bóc vỏ và bóc luôn cái chùm gai nho nhỏ mọc đầy thân quả thì bạn hãy coi chừng. Nếu ngại bóc, có thể hơ nó qua ngọn lửa để cho mấy cái gai tơ tơ cháy hết rồi ăn cũng ổn.

Bữa trưa nhanh chóng được bày ra. Kế hoạch là ăn uống no say, quay trở về nhà dượng Hiệp bỏ đồ rồi cả đám sẽ đi ăn bánh căn, bánh xèo. Con cá mè lão được anh em nhiệt tình xẻ thịt cuốn bánh tráng. Rượu lại được rót ra, vẫn ngon như ngày hôm qua. Cái cảm giác buồn buồn do chân đau mà khiến cho anh em đi không được như ý cũng vơi dần khi đã có hai bữa hải sản tuyệt ngon cùng anh em như bù lại phần nào. Anh em vừa ăn vừa bàn tính ra sau tết làm quả khám phá Bình Tiên, Núi Chúa. Ai nấy cũng hào hứng, bởi Núi Chúa hùng vĩ sau lưng và Bình Tiên thì bao la ngay trước mặt, sẽ đi khám phá đúng nghĩa. Cũng nghe nói, Hồ Trên Núi Chúa cá to vô thiên lủng, còn có một ngọn thác và hai ba con suối chảy khắp triền núi Chúa. Madscientist nghe thấy thế, cầm ly rượu đánh cái ực để tỏ rõ quyết tâm chinh phục. Còn tôi thì lắc đầu, cười cười cho cái tửu lượng bất thường của nó. Dượng Hiệp để cho anh em về sau, một mình phi xe về trước lo chuyện nhà. Chúng tôi ăn uống no say, nghỉ ngơi sơ sơ rồi lại trèo lên chiếc xe mà dượng Hiệp cử ra đón. Tôi và Huythong đi một xe, QuanTD chở một người rồi cùng nhau vọt. Có 1 tí men trong người cộng thêm cái chồn chân từ hôm qua đến nay làm tôi phi hơi bị nhanh. Thằng dangkhoaquan phải vác điện thoại gọi với theo dặn đi từ từ kẻo bị bắn tốc độ làm tôi mới giật mình giảm tốc. Suýt nữa thì bị làm mồi cho “anh hùng núp” lại phiền đến khối người. Thế là tôi vê số giảm ga cứ tà tà mà tiến.

Về đến nhà dượng Hiệp, cả đám thay nhau tắm rửa cho thơm tho rồi kéo nhau đi Tháp Chàm chụp hình. Cái đầu gối tôi vẫn còn hơi đau nên tôi bỏ cuộc, chỉ có mấy anh em là kéo nhau đi. Thế Hùng, Madscientist cũng nằm nhà đánh giấc cho lành. Bỗng thấy anh Doanh đang đứng chờ ngoài cổng từ bao giờ. Hóa ra anh biết đoàn sẽ ghé nhà dượng Hiệp nên ghé chơi. Mang theo chút quà để tặng anh em mỗi người một cái bóp bằng thổ cẩm rất xinh, là quà mà gia đình anh sản xuất, nghe nói đâu cung cấp cho cả bạn hàng trên Ban Mê, Gia lai. Thế thì coi như là bác ấy từ chối tiền bồi dưỡng không được, đành mang tặng đồ thế này coi như hòa cả làng. Chưa kể, anh còn đưa cho Thế Hùng cả mủ trôm, thứ để làm nước uống rất bổ dưỡng và ngon gì nữa. Hai ngày qua, anh rất quý và khâm phục anh em trong đoàn. Tuy bị đau bao tử khó mà có thể đi xa và nhanh, nhưng lần sau ra, anh em cứ gọi là anh sẽ giúp đỡ hết mình. Tôi thầm cám ơn anh, mong sẽ có ngày ngang dọc hòn Nhọn cùng anh cho vui, cho dù mong ước ấy khó mà thực hiện được. Càng nghĩ, càng cảm thấy bực cái đầu gối, bực cái cơn đau khó hiểu. Chia tay anh Doanh, tôi thầm cám ơn sự giúp đỡ của những người anh em, cả những người mà chưa hề gặp vẫn nhiệt thành giúp đỡ.

Vé xe đã được mợ của QuanTD liên hệ mua từ trước, cả đám đi Tháp Chàm về là kéo nhau đi ăn bánh căn. Cả đám chục người kéo vào quán làm như vỡ chợ khiến chủ quán làm không kịp trở tay. Ở Phan Rang, khi có khách ăn người ta mới bắt đầu tráng bánh để giúp cho bánh vừa giòn lại vừa nóng. Phần cũng là do ít khách, hơn nữa toàn là khách quen nên ai cũng muốn ăn ngon thì phải chờ. Chỉ có cái đám ở đâu lòi ra vừa đông, vừa ồn ào làm quán xá inh ỏi, lộn xộn. Ngồi thành hai cái bàn dài mà cứ bàn nọ tranh bàn kia ỏm tỏi. Cả đám cứ làm như từ lâu lắm chưa được ăn nên cứ rối cả lên. Ngoài trời gió thổi lồng lộng, mặt trời đã ngả về chiều khiến không khí có phần lành lạnh mà ông chủ quán mồ hôi nhễ nhại. Mang ra được hơn chục bận mọi chuyện mới yên yên, lúc ấy ông chủ mới có cơ hội vuốt mồ hôi. Đứa con gái đen nhẻm đạp xe tíu tít đi mua tăm, mua bánh tráng phụ bố mẹ lúc này cũng mới được nghỉ. Nó nhìn hai chị mảnh dẻ ăn bánh căn, bánh xèo đến tròn con mắt. Có lẽ, nó chưa bao giờ thấy một người nhỏ như thế mà ăn nhiều đến vậy. Xong phần ăn uống, cả đám kéo nhau đi đánh Bi-da sát phạt nhau. Buổi trưa ở Bình Tiên, tôi đã lột của các em một cơ số đáng kể, do vậy giờ chúng đòi báo thù. Quả nhiên ông trời có mắt, phân phối lại một phần cơ số tôi đã ăn được. Cả đám ai cũng hỉ hả, cho rằng mình hên. Trời đã nhọ mặt, cả đám lại kéo nhau về để chuẩn bị cho vác hành lý ra xe. Từ nhà ra bến xe chỉ hai cây số, do vậy cả đám cứ thế cuốc bộ. Gần bến xe, cả đám lại dừng chân làm quả bánh canh. Bánh canh ở đây tuy không ngon lắm, nhưng được cái vô cùng rẻ. Ớt cay xé lưỡi, bánh canh tuy ít nhưng nước lèo ngon và giá chỉ có 5 ngàn đồng. Hùng hổ, tôi làm ngay hai tô nhưng đến tô thứ hai thì ngoắc, mãi mới ăn xong. Làm thủ tục kiểm tra vé, hành lý gửi xong, cả đám lại kéo nhau đi uống sinh tố chờ giờ rời Rhan Rang. Tổng kết tổng thiệt hại, vị chi mỗi đứa tốn gần 650k cho chuyến đi ăn chơi rừng biển ba ngày. Một chi phí chấp nhận được cho sự di chuyển dài cũng như ăn uống ngày cuối không thể đàng hoàng hơn. Lên xe, cả đám chìm trong mộng mị riêng của từng người. Không biết anh em thế nào, còn tôi, tôi sẽ quay trở lại Phan Rang nhiều lần nữa.
The End!
Viết xong rồi, post thì diễn đàn cấm không cho bài viết dài quá 10000 ký tự. Thế thì phải chia làm đôi vậy, hix. Vừa tròn 24 trang A4 của em đấy các bác ạ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,000
Members
192,331
Latest member
Nganquybaba
Back
Top