What's new

[Chia sẻ] Huế - đầm Phá Tam Giang

Tôi đã nhiều lần đến Huế, mỗi lần đến Huế là một lần cảm xúc khác nhau. Lần đầu tiên đến Huế, tôi chìm ngập trong cảm xúc Huế mộng Huế mơ, đúng như rất nhiều bài thơ đã viết về Huế, Huế thân thương và thơ mộng với dòng sông Hương êm đèm và trong mát "sông Hương núi Ngự, thuyền trôi lững lờ". Đến bây giờ tôi vẫn có một thắc mắc là tại sao sông mà không nhiều phù sa, tại sao sông mà lại có một màu xanh trong và mát lành đến vậy. Tôi rất thích cảm giác ngồi quán cafe dưới chân cầu Tràng Tiền, vừa có thể ngắm cây cầu cổ kính in bóng xuống dòng sông thơ mộng. Tôi rất thích sự tĩnh lặng và yên bình ở nơi đây. Tôi rất thích cảm giác ngồi xích lô dạo một vòng quanh cố đô Huế, thăm thú các di tích lịch sử như Tử Cấm thành, Ngọ môn quan, các lăng tẩm của các triều vua như lăng Tự Đức, lăng Khải Định...
Nếu đã đến Huế, bạn nên đi thăm các chùa ở Huế, kiến chúc chùa ở Huế khá tinh tế, không đồ sộ, khoa trương, ít rườm rà, không nhiều gian. Ngôi chùa là ngôi nhà rường bình dị, thân thiết, gần gũi dân gian. Chính điện thường có 3 - 5 gian, 2 chái, cắt mái 2 tầng nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Chái nhà hai bên dành cho phương trượng, trụ trì, giám tự. Tiếp theo chánh điện là chiếc sân trong bao quanh bởi thiền đường, tăng xá. Vườn chùa trồng cây ăn trái, bố trí tháp mộ các vị Tổ, trụ trì, tăng chúng, sau vườn là khu canh tác, trồng hoa màu. Nội thất trong chùa thì bình dị, cân đối và không trang trí sặc sỡ. Ngoài bộ tượng Phật Tam Thế truyền thống, bên trái có tượng Quan Công, bên phải là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Vào thời chấn hưng Phật giáo những năm 1950-1963, có cải cách lại hệ thống thờ tự: trước Tam Thế đặt thêm tượng Phật Thích ca, gian trái có Bồ tát Ðịa Tạng, gian phải có Bồ tát Quan Thế Âm, tả hữu thì vẫn đặt Kim cang, Hộ pháp. Cách kiến trúc chùa viện theo kiểu chữ khẩu , chữ nhất , chữ tam , chữ liễu ; những tiền đường hay điện thờ làm kiểu nhà trùng lương (trùng thiềm điệp ốc) là kiểu đặc trưng của chùa Huế. Nóc chùa thường trình bày với các mô-tip lưỡng long chầu mặt nguyệt, lưỡng long chầu Pháp luân, các vật linh quy, phụng, lân, các kiểu hoa sen; mái lợp ngói âm dương có màu ảnh hưởng kiểu kiến trúc cung đình của các triều vua chúa để lại. Hoa sen, chữ vạn, hồi văn chữ vạn, lá sen, trái Phật thủ, lá bồ đề, Pháp luân, hải triều, hỏa luân, bầu cam lồ là những đề tài, những mô-tip thuần Phật giáo tạo cho chùa Huế có nhiều sắc thái độc đáo.
Đến Huế lần 2, tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc cảm nhận văn hóa ẩm thực và con người ở Huế. Món ăn Huế có vị đậm đà, bên cạnh đó, màu sắc các món anh rất lôi cuốn thực khách. Tôi thực sự bị lôi cuốn bởi các món bánh Huế, ôi sao mà nhiều loại bánh đến vậy, mỗi loại một mùi vị, một loại nước chấm khác nhau từ bánh khoái, bánh bèo,...bánh nào cũng thật ngon mà đậm đà. Tôi còn đặc biệt thích thưởng thức trà cung đình Huế với vị trà ngọt mát, thưởng thức xong một tách trà cung đình, tôi như cảm thấy người nhẹ bẫng, thư thái và yên bình đến lạ. Con người ở Huế rất thân thiện, ai cũng rất nhiệt tình và cởi mở. Tôi đặc biệt ấn tượng ở Huế có rất nhiều người già đã quá tuổi lao động nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi với công việc của mình. Tôi gặp rất nhiều bác xích lô đã ngoài 60 tuổi, nhìn các bác còng lưng đạp mỗi khi lên dốc cầu tôi lại thấy chạnh lòng, trong đoàn tôi còn có người xung phong xuống đạp để cho các bác ngồi, bác nào cũng cười, nụ cười thật hiền hòa. Tôi gặp nhiều cụ già, có lẽ đã ngoài 70, hàng ngày vẫn gánh những gánh hàng rong bán bún bò Huế. Nếu các bạn đến Huế, hãy ghé hàng của bà cụ bán trước cổng trợ Đông Ba, bún của bà ngon mà lại rất nhiều bò và chân giò, thực sự là rất ngon ý, nhưng bà chỉ bán từ 5h chiều đến 12h khuya thôi nhé. Còn vải may áo dài thì theo mình nên mua vải ở hàng thứ 2 tầng 2 bên trái cầu thang chính giữa chợ, hàng đó theo tôi tham khảo thì rẻ nhất chợ đấy, tôi mua 2 miếng vải may áo dài đẹp mà rẻ hơn các hàng khác 200k. Nếu muốn may áo dài luôn thì các bạn cứ lên xích lô, các bác xích lô sẽ dẫn bạn tới các cửa hàng may áo dài nổi tiếng, may đẹp mà cũng không đắt đâu, giá trung bình khoảng 500 -600k/chiếc, dáng áo dài của Huế rất đẹp, tôn dáng của người phụ nữ Việt Nam
Lần thứ 3 đến Huế, tôi quyết định dành thời gian khám phá khu sinh thái đầm Phá Tam Giang, Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, nhiều người ví đây là một bảo tàng sinh học. Thành phần nguồn gien của Tam Giang - Cầu Hai phong phú; trên các đầm lầy cỏ và thảm cỏ biển rất đặc thù, nhiều loài chim định cư, di cư trú ngụ; trong đó có 21 loài được ghi vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu, 1 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Với các nhà khoa học, cá ở phá Tam Giang được coi là loài đặc hữu, có giá trị thương phẩm cao.
Tôi thực sự bị mê hoặc bởi cảnh sắc vùng đầm phá, trải rộng trong những không gian bao la với vực nước yên tĩnh và trong xanh, những đụn cát trắng xóa hùng vĩ chắn ngang cơn sóng biển vỗ bờ, các cửa sông với những bãi lầy ngút cỏ là giang sơn cư trú của nhiều loài chim...
Chúng tôi đã thuê thuyền của những người dân chài để được trực tiếp lên thuyền, làm quen với vô vàn cách thức đánh bắt thủy sản rất hấp dẫn của cư dân sông nước, được tha hồ thưởng thức hương vị đậm đà thơm ngon của những loài cá tôm nước lợ đặc trưng. Những bãi ngầm, những đồng cỏ hoang tập trung nhiều đàn cò, vạc, sâm cầm, ngỗng trời, vịt trời... bơi trắng mặt nước khiến ai ngẩn ngơ thích thú.
Nếu có dịp đến Huế, bạn nhất định nên đến khám phá đầm Phá Tam giang nhé
 
Tôi cố gắng tìm nét đẹp trong tấm hình này mãi mà chẳng thấy !

Xin cám ơn bác garfiel đã dành thời gian quan tâm đến tấm hình của mình nhé:">. Thật ra thì cái đẹp hay cái xấu nào cũng vô cùng lắm, bởi suy cho cùng, cùng 1 vấn đề hay chủ thế nào đó, có nhiều cách nhìn nhận khác nhau mà... :).

Mình xin được chú giải thêm tí xíu. Tấm này được chụp lúc đó khoảng gần 5h sáng. Thật ra, sáng đó tính lang thang về dưới này chơi thôi, đang vu vơ ngắm mấy bác chài đánh cá, thì bỗng bắt gặp mặt trời đang từ từ ló dạng (nhanh vô cùng), hình như có thể thấy được mặt trời đang di chuyển, lúc đó mục đích chụp là để bắt trọn vẹn mặt trời. Về nhà nhìn lại ảnh thì thích thêm màn sương mỏng xa xa nữa... :)
 
Tôi cố gắng tìm nét đẹp trong tấm hình này mãi mà chẳng thấy !

Phá tam giang thực sự nếu nói để đẹp có lẽ em thấy cũng chẳng đẹp lắm nếu chỉ nhìn qua ảnh. Chẳng qua cũng chỉ là một vùng nước có vài cái chòi, hay những mảnh tre đan thành ô mà thôi, nhưng nếu có một ngày ở đó mới có thể cảm nhận được những thứ sâu lắng.
Mình thích phá tam giang chẳng qua cũng qua câu thơ: "Nơi nước trời lãng đãng nghìn trùng, không nghe rõ cả tiếng mình độc thoại", nhưng khi đến thì ko cảm nhận được nhiều như thế, nhưng vẫn thấy có những điều khó tả...
 
Mình xin phép chia sẻ tấm hình mình chụp.
Mình thấy có thời gian, đi vòng quanh 1 vòng Phá thì đẹp, từ phía Nam, Phá bắt đầu từ biển Thuận An, kéo dài ra tới Quảng Trị (làng cổ Phước Tích), đi 1 vòng quanh phá, nhất là tiến về phía bắc, đi ghe ra giữa phá, lội xuống, bắt ốc, đi Rừng Rú Giá .... đẹp lắm các bác ạ

385426_469735689712407_349081080_n.jpg
 
2 lần ngồi xích lô đêm ở Huế... nhớ cái cảm giác hơi lạnh của tháng 12,
xích lô rẻ vô cùng.... qua cầu Trường Tiền, đi vào Đại Nội đến khu phố đêm
may áo dài 1 ngày ở hiệu vải Cẩm Sa
thử tất cả các loại bánh :))
2 tuần trôi qua và sẽ không bao giờ quên
 
Nếu đến Phá Tam Giang thì nên đi vào mùa nắng (khoảng từ tháng 2 đến tháng 9) mùa nắng các bạn mới cảm nhận được sóng nước mênh mang khi ngồi thuyền lênh đênh trên phá,chưa kể là ngắm mặt trời lặn lúc hoàng hôn và mặt trời lên lúc binh minh. Còn mùa mưa (khoảng từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 12) là mùa nước trên nguồn đổ về, phá Tam Giang nước dâng cao hơn, nước đục và nhiều sóng hơn, trời u ám hơn, nên sẽ rất ít khi có mặt trời xuất hiện vào bình minh và hoàng hôn cho các bạn ngắm vào mùa mưa (có những khoảng thời gian mà thời tiết diễn biến thất thường là mùa mưa nhưng vẫn có nắng ráo thì mặt trời vẫn xuất hiện).
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,063
Members
192,338
Latest member
senrilamaha74com
Back
Top