What's new

[Chia sẻ] Indonesia, từ Java đến Flores: Đi săn rồng

37185514955_9ecdb566f8_c.jpg

Trên đảo Padar, giữa hành trình đi săn rồng Komodo

Tôi ngồi xem lại những bức ảnh chụp trong chuyến đi kéo dài mười bảy ngày băng ngang đất nước Indonesia vừa qua, chợt cảm thấy ngôn từ của mình dường như rơi vào trạng thái bất lực. Ngay cả việc đặt một cái tên tóm gọn những ngày rong ruổi ấy sao cũng trở nên gian nan quá chừng. Xứ sở rộng lớn mênh mang, địa hình phức tạp, lại đậm đặc màu sắc tôn giáo, thành ra cảm xúc cứ được thử thách liên hồi. Vừa hân hoan mà lại ỉu xìu luôn được đấy, đang lúc nóng giận bừng bừng nhưng đưa mắt liếc ngang bỗng xuôi xị được ngay, có khi tưởng nắm trọn trong tay rồi lại hóa phập phồng bất trắc, khoảnh khắc làm quen hay giờ phút chia ly cách trở – lạ lùng thay – cũng nhẹ nhõm không ngờ. Dồn dập những khung cảnh, những gương mặt đuổi bắt nhau trong trí nhớ, cuối cùng thứ in dấu rõ nét nhất lại là mặt trời vùng xích đạo, ngày nào cũng rực rỡ trên vai.

Tháng Tám, chúng tôi đã nhằm thẳng hướng Đông, đi về phía mặt trời.

Tròn một năm về trước, tôi vẽ những đường nét đầu tiên cho chuyến đi, chỉ với vài điểm mốc cơ bản kiểu như Yogyakarta 2 ngày, Bromo 3 ngày, phải đến xứ rồng Komodo... Trong khi ngồi canh AirAsia mở bán vé siêu rẻ thì đi tìm kiếm đồng đội, bất ngờ làm sao, chỉ sau 2 ngày đã gom đủ một chuyến xe jeep. Tôi tin chắc mình đã thoát kiếp độc hành, còn khấp khởi mừng thầm bảo với thằng em, "Đầu xuôi ắt đuôi sẽ lọt, anh có niềm tin mãnh liệt rằng phi vụ Indonesia này sẽ ngon lành cành đào".

Nhưng một năm dài đằng đẵng, không có bất trắc gì mới là lạ. Kịch bản cũ lặp lại, đồng đội rơi rụng dần, đến phút thứ 89 còn hụt thêm một người nữa. Nhưng bản tính vốn liều lĩnh cố hữu nên dù có một mình thì tôi vẫn lên đường, lần này may sao còn có tận hai ông anh liều mạng đi theo, hà cớ gì mà không bất chấp hết?

Thế là một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi gặp nhau lần đầu ở sân bay Tân Sơn Nhất, rồi chia ra hai chuyến bay xuôi về phương Nam tìm đến xứ sở vạn đảo. Vẫn tuân thủ tiêu chí Không shopping - Không say xỉn và tập trung vào Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử - Đời sống địa phương - Ẩm thực, 17 ngày ấy chúng tôi đã "trôi" từ miền Trung Java tới tận đảo Flores, bằng tất cả các loại phương tiện. Lịch trình thực tế có thể tóm tắt như này:

10/8: Bay SG - Kuala Lumpur - Yogyakarta. Phố đêm Malioboro.
11/8: Sultan Palace, Taman Sari (Water Castle). City-tour Yogyakarta bất đắc dĩ.
12/8: Bình minh Borobudur. Ghé bảo tàng Ulen Sentalu lưng chừng núi Merapi. Hoàng hôn ở Prambanan. Tàu đêm tới Malang.
13/8: Minivan + jeep từ Malang - Ajosari - Tumpang - Ngadas - Ceromo Lawang. Hoàng hôn ở viewpoint Metigen.
14/8: Leo bộ ngắm bình minh trên viewpoint Gedalu, Seruni. Thuê xe ôm đi leo Bromo, tham quan Whispering Savannah và vòng quanh lòng chảo Tengger.
15/8: Bình minh viewpoint Seruni. Bắt bus đến Probolinggo, lên tàu đi Banyuwangi.
16/8: Bình minh hồ axit Ijen. Đi phà + bus sang Bali.
17/8: Bay Bali - Labuan Bajo. Lang thang Labuan Bajo chiều + tối.
18/8: Đi tour săn rồng Komodo 1 ngày. Ghé đảo Padar, đảo Komodo, lặn nổi ở Pink Beach và Manta Point.
19/8: Mò mẫm bán đảo Labuan Bajo. Hoàng hôn cầu cảng.
20/8: Bay Labuan Bajo - Ende. Thuê xe đi Moni.
21/8: Bình minh cụm hồ núi lửa 3 màu Kelimutu. Xe riêng Moni - Maumere. Bay Maumere - Bali.
22/8: Sáng relax, chiều thuê xe máy ngược lên Ubud.
23/8: Đi Ujung Palace, Tirta Ganga Palace, thác Tukad Cepung.
24/8: Sáng đi đền Ulun Danu Beratan. Quay về Kuta, lên tàu cao tốc sang đảo Nusa Penida. Hoàng hôn ở Angel's Billabong và Broken Beach.
25/8: Đi ven đảo Nusa Penida, ghé Atuh Beach. Chiều lên tàu về Bali.
26/8: Sáng đi đền Tanah Lot, chiều ngắm hoàng hôn đền Uluwatu. Bay Bali - Kuala Lumpur.
27/8: Bay Kuala Lumpur - HN.

Về chi phí, tôi không liệt kê chính xác từng món, nhưng có để dành tiền đi chơi riêng một tài khoản ngân hàng, khi về nước check lại thì đã ngốn hết 1100$ cho tất tần tật mọi thứ. Nặng ký nhất là vé máy bay, can tội book vé nội địa Indonesia hơi trễ vì không dám chắc có thu xếp để đi được không, đến khi book thì giá ngất ngưởng luôn rồi. Bà con đi sau nếu có bay nội địa Indonesia thì nên book trước ngày bay chừng 3 tháng, giá sẽ rất thơm tho quyến rũ. Cực lực đề cử hãng NAM Air, vé rẻ mà lại cho hoàn hủy (chỉ mất 25% giá vé, không kể thuế phí). Giá kể tôi để ý một chút thì đã không phải xót xa cho cái túi tiền như này rồi =.='.
 
Last edited:
Đất nước Indonesia hơn 13.000 hòn đảo, lại có số dân đông thứ tư thế giới, thì với mười bảy ngày ngắn ngủi có lẽ chúng tôi mới chỉ “bước qua ngưỡng cửa” chứ chưa thể hiểu sâu về xứ sở này. Nếu ví chuyến đi này với một bữa yến tiệc kiểu Pháp, thì món nhấm nháp chờ bữa chính là cố đô Yogyakarta. Ở đó, chúng tôi đã “khởi động” bằng cách lội ngược dòng lịch sử qua những cung điện Hồi giáo Java vẫn đang dồi dào sức sống, chầm chậm lần theo nếp thời gian trong nắng mới ở di tích Phật giáo Borobudur – Mạn đà la lớn nhất thế giới và lặng tiễn ngày đi ở cụm đền tháp Hindu Prambanan ngổn ngang điêu tàn.

36788151610_6e07d40c92_z.jpg

Borobudur trong nắng mới

36788143150_b3e707abe0_z.jpg

Hoàng hôn ở đền Prambanan

Vườn quốc gia Bromo-Tengger-Semeru thì dọn món khai vị là núi lửa – một trong hai đặc sản địa chất của đất nước ngự trên vành đai lửa Alp và Thái Bình Dương này, với khói sulfur, bão cát, đồng cỏ, những khung trời luôn trong veo dẫu đêm hay ngày và làng Ceromo Lawang hiền xinh dưới nắng.

37043514401_a27b6b1299_z.jpg

Cụm núi lửa Batok – Bromo – Semeru dưới trời sao

Vốn chỉ là một điểm đến tiện tay đưa vào cho đỡ phí một buổi sáng trên đường từ Bromo sang Bali, tôi có ngờ đâu hồ núi lửa Ijen lại là món mở đầu xuất sắc đến vậy. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi quên được mình đã nhọc nhằn biết bao để thấy được ngọn lửa xanh trong đêm đen nồng nặc mùi lưu huỳnh, đã ngỡ ngàng và vỡ òa hạnh phúc ra sao khi hào quang ngày mới vượt qua biển mây, mang hơi ấm về cho vành núi buốt gió.

36996029106_2f44886851_c.jpg

Bình minh rực rỡ trên vành hồ Ijen

Khi lên lịch trình, tôi chốt hạ cái tên chuyến đi bằng cụm từ “Đi săn rồng”, nên đương nhiên rồng Komodo phải là món chính. Đừng hiểu nhầm, làm sao chúng tôi có thể ăn thịt bọn quốc bảo Indonesia ấy được, cả thế giới còn vài nghìn con thì mấy anh em đâu thể có phần. Vỏn vẹn một ngày lênh đênh ngoài khơi, chúng tôi đã đi xuyên qua một trong những vùng biển đẹp nhất Indonesia vang danh thiên đường lặn biển châu Á, được hiking trên đảo đá cằn khô, được gặp rồng Komodo đương độ bé xíu đến cỡ thanh niên trai tráng, được phơi nắng trên bờ cát hồng và ngụp lặn giữa làn nước trong veo với đủ loại san hô và cá con đủ màu sắc.

37014014472_8f8e2fbe96_z.jpg

Đội hình đi săn rồng hôm ấy


37043641441_e9ed7306d7_z.jpg

Biển trong như pha lê ở Pink Beach ven bờ đảo Komodo

Và rồi thanh đạm trở lại với món salad là hồ núi lửa Kelimutu, quãng đường vượt gió băng đèo để đến nơi này còn gấp đôi thời gian lưu lại với mấy bận dở khóc dở cười. Không vật vã leo trèo, không bụi núi lửa, không khói sulfur, chỉ có trời trong, mặt hồ lấp lánh và cây lá đỏ cỏ lá xanh, bình minh Kelimutu thật dịu dàng thong thả, xứng đáng là lời chia tay đẹp đẽ trọn vẹn với đảo Flores.

37185927275_9a124220aa_z.jpg

Chào ngày mới ở hồ núi lửa 3 màu Kelimutu

4 ngày dành cho cụm đảo Bali là một món tráng miệng vừa vặn. Biết rằng sẽ còn quay lại nên tôi không ham đi nhiều trong những ngày cuối cùng. Vài cung điện ăn ảnh, ba đền thờ nổi danh, những con đường quanh co ngoằn ngoèo xuyên rừng xuyên núi, phố xá nhộn nhịp khách du lịch, ấy vậy mà điều khiến tôi nhớ nhất ở đảo chính Bali lại là những con hẻm mơ màng tỉnh giấc ở Ubud và hơi biển mặn mòi ven bờ Kuta. Bên hông Bali, một ngày đêm ngắn ngủi ở Nusa Penida đã làm cho những giấc mơ về biển khơi của tôi từ nay được rõ nét hình hài, và biết mình sẽ gửi thương nhớ về đâu nếu lỡ một ngày tự do vụt mất. Dẫu rằng đã phải bỏ qua vài điểm đến vì thời gian không cho phép, nhưng tôi không tiếc nuối, bởi như thế thì lại càng thêm lý do để trở lại Bali một lần nữa chứ sao.

36788556310_2e66003c0f_z.jpg

Ubud mơ màng sớm mai

37186011025_34286cf1ed_z.jpg

Từng con sóng vỗ ở đền Tanah Lot (Kuta)

36372051153_b0c8047d15_z.jpg

Nusa Penida - "Và em đã mơ..."


Tôi không biết xếp những ly rượu mà hành trình Indonesia đã “phục vụ” mình vào loại nào, chỉ biết những hương vị ấy quả thật rất ấn tượng, khó có thể quên. Là hai người bạn đồng hành đáng mến, là những người dân bản địa có lúc hiếu khách dễ thương, lúc lại lưu manh khôn lỏi, là ẩm thực xứ này - nhiều khi khiến tôi không biết đỡ đòn làm sao luôn. Dù thế nào thì những ly rượu ấy cũng đủ để khiến tôi "say trong bờ môi sướt mướt", để hành trình Indonesia được trọn vẹn, để kỷ niệm thêm dồi dào hằn sâu. Mà, chắc hẳn sẽ khó lòng nếm lại được đầy đủ hương vị ấy nữa.

P/S: Toàn bộ ảnh trong chuyến đi này được chúng tôi chụp từ các thiết bị: Nex6+kit 16-50+SEL16f2.8, Canon 6D+lens EF 24-105mm f/4 L IS USM, Nikon 750D+Nikkor 24-120mm f/4G ED VR, điện thoại Mi4 và iPhone 6Plus.
 
Sến sẩm thế đủ rồi, thôi trở về đúng với bản chất vậy :D.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Quãng đường từ SG sang đến Indonesia của chúng tôi về cơ bản tương đối bình thường, ngoại trừ 2 phi vụ:


1. Sau vài lần biến động, đội ngũ lên đường chỉ còn lại tôi, anh Duy và anh Khôi. Do anh Khôi tham gia sau, ưu tiên book vé rẻ nên không bay cùng chuyến SG-KUL với tôi và anh Duy. Lúc gặp nhau ở sân bay, thấy anh Duy hơi đờ đẫn, hỏi ra thì ổng khai thật, "Anh bị ốm, hôm qua còn không dậy nổi, giờ vẫn đang sốt". Tự nhiên tôi nhớ đến năm xưa có lần đi công tác, đồng nghiệp ngây ngấy sốt mà khỏi lên máy bay luôn, đận này anh Duy mà bị chặn lại thì số phận quả thật tàn nhẫn với tôi quá, ai đời lại nỡ "bắt cóc" bạn đồng hành ở phút thứ 90+3 bao giờ?>"<

Lo rằng viễn cảnh ấy xảy ra nên khi đến quầy check in của AirAsia, chủ yếu là tôi mở miệng nói, sợ cơn sốt của Duy bị bại lộ. Lúc mua vé, tôi có mua hành lý ký gửi, Duy thì không, xong rồi cô nhân viên trực quầy hỏi ổng, "Anh có muốn gửi hành lý dưới code vé của chị này không?". Tôi nhìn số cân hiển thị của hai cái balo, rồi nhìn lại mức hành lý ký gửi ở vé điện tử trong email, vượt cbn gần 2kg rồi mà? Đương nhiên là Duy gật đầu, khi không đỡ phải mang vác nặng thì ngu gì mà từ chối. Sau này chúng tôi đoán chừng với nhau, cộng tổng cả hành lý xách tay và ký gửi của 2 thằng thì vẫn chưa vượt nên người ta gom lại như vậy cho tiện.

2. Anh Khôi bay VietJetAir, hạ cánh ở KLIA, nghĩa là phải mất công transit sang KLIA2 để bay chuyến tiếp theo. Theo dự kiến thì máy bay hạ cánh lúc 12h25, anh ấy sẽ có 3h để làm thủ tục nhập cảnh, di chuyển, check in và xuất cảnh. Dè đâu hôm ấy số ảnh xui, VietJetAir delay gần tiếng đồng hồ, lại mới xa người yêu nên tinh thần ảnh có phần hơi hoảng hốt, thế nên sau khi nhập cảnh, ảnh cứ đứng ở KLIA tìm quầy của AirAsia. Tìm hoài không ra mới hỏi mọi người xung quanh, thiên hạ tội nghiệp thanh niên bơ vơ, thông báo rằng "Mày nhầm nhà ga rồi". Sét đánh ngang tai chắc cũng không khiến ảnh bàng hoàng hơn thế.

Vội vàng phóng sang KLIA2, cuống cuồng làm mọi thủ tục, mặc dù an ninh sân bay bảo ảnh "Mày không kịp chuyến bay đâu" nhưng ảnh vẫn vững một niềm tin là định mệnh đang đứng về phía mình. Tôi nôn nao ngồi chờ cùng anh Duy ở gate Q19, từ lúc nhận được tin nhắn của anh Khôi thông báo rằng "Anh trễ rồi", trái tym mong manh íu đúi của tôi cứ đập bang bang trong lồng ngực. Giời ôi là giời, mãi mới kiếm được bạn đồng hành thì trong mấy tiếng đồng hồ, một ông bị sốt dọa khỏi bay, một ông trễ chuyến, Trời già định chơi tôi đấy phỏng? Đầu óc làm việc liên tục, tính toán cân nhắc các phương án để thu xếp cho anh Khôi kịp hội ngộ với chúng tôi ở Yogyakarta, chân nhấp nhổm, mắt mòn mỏi dõi theo hành lang, chờ một bóng hình chưa kịp trở nên quen thuộc (tôi chỉ nhớ đặc điểm nhận dạng là cái áo phao béo màu trắng, khổ, mãi sáng hôm đó chúng tôi mới gặp nhau lần đầu). Thế rồi 5p trước giờ đóng gate, tôi cũng thấy một người ì ạch vừa cười vừa lao về phía mình, mỗi tội người này mặc áo phông cộc tay cơ. Đang lăn tăn thì nhìn thấy cái tay áo phao vung vẩy sau lưng, ơn Giời, cậu đây rồi.


Kết luận:
- Phải giữ gìn long thể cẩn thận, kẻo bạn đồng hành lại phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, cầm trên tay sợ rớt, ngậm trong miệng sợ tan, chỉ sợ hãng hàng không từ chối cho bay thì đời đôi bên đều cay hơn ớt.
- Khoảng cách giữa 2 chuyến bay nên là 4h đề phòng chuyến trước delay, check in online để tiết kiệm thời gian, và nếu có thể thì không mang theo hành lý ký gửi để đỡ mất công chờ đợi. May mà hôm ấy cả thế giới không chống lại anh Khôi và ảnh vốn thích gọn nhẹ nên chỉ có một balo hành lý xách tay (đồ nặng ký thì nhét hết vào các túi của cái áo phao béo :))), hãng AirAsia và an ninh sân bay, cảnh sát xuất nhập cảnh cũng hết sức tạo điều kiện nên ổng mới kịp giờ. Oái oăm một điều là trâu chậm lại được uống nước khoáng, ảnh được xếp ngồi ghế ưu tiên (2A) luôn mới tài =.='.
 
37398765485_eef6f13bcc_z.jpg

Thành phố Yogyakarta từ trên cao

5h chiều, chuyến bay của AirAsia hạ cánh xuống sân bay Adisucipto của thành phố Yogyakarta. Chỗ này hơi xa xôi về phía Đông so với quê nhà nên mặc dù cùng xài múi giờ GMT+7 nhưng trời đã ngả chiều muộn. Làm xong thủ tục, bước ra khỏi ga đến thì đèn đuốc đã lên, mặt trời đi ngủ mất rồi. Chúng tôi đi tìm quầy đổi tiền để đổi trước mấy chục $ để đón bus về hostel, mà khốn nỗi người ta làm việc theo giờ hành chính, đóng cửa lượn sạch từ hồi nào. Liếc nhìn thấy sảnh đi quốc tế có quầy đổi tiền còn mở cửa, xin anh cảnh sát gác cửa cho vào mà ảnh lạnh lùng phũ phàng từ chối thẳng thừng. Xong rồi anh Duy đi kiếm kiosk của Sriwarijaya Air và Lion Air để hoàn vé mà cũng không được việc, tự nhiên mấy anh em muốn hát "Trái tim em cũng biết đau" quá đi :(.

Tôi tin chắc rằng ga nội địa ắt sẽ có quầy đổi tiền nên rủ hai anh chạy qua bên đó xem thử. Sân bay Adisucipto có quy hoạch hơi kỳ cục, ga nội địa và ga quốc tế cách nhau mấy trăm mét mà chẳng hề có đường nội bộ thông với nhau, nên là chúng tôi phải cõng balo ra ngoài đường quốc lộ, ì ạch men theo vỉa hè lần sang. Tới nơi vẫn tình trạng cũ, chẳng còn quầy đổi tiền nào ở sảnh đến còn mở cửa, cuối cùng Duy quyết định móc thẻ Visa debit ra rút tạm vài đồng. Đứng chờ ảnh rút tiền, tôi đánh mắt lơ láo nhìn quanh thì phát hiện có mấy quầy đổi tiền trong sảnh đi. Lại thử vận may lần nữa, anh cảnh sát bên này dễ tính hơn, đồng ý cho vào với điều kiện tôi phải bỏ hết hành lý tại bàn trực của các ảnh, chỉ đi người không vào thôi. Chơi luôn, sau khi ảnh cầm cây gậy rà lên rà xuống xung quanh người mà chẳng phát hiện ra điều gì khả nghi, thế rồi tôi cũng được cho phép qua cửa.

Đổi 20$ được 250.000rp, cộng với mấy trăm nghìn rp anh Duy rút được, ít nhất chúng tôi cũng đủ tiền sống đến sáng mai rồi nên tinh thần đã được cải thiện. Trời đã tối hẳn, sim điện thoại không mua được, wifi thì chẳng có, đành níu áo hết người này tới người khác để hỏi đường đến bến bus gần nhất. Dọc đường đi qua ga tàu, tôi đã phân vân hay là chờ tàu đi cho khỏe, nhưng nhìn bảng giờ tàu chạy phải đợi hơn 1 tiếng thì đành bỏ ý tưởng này ngay. Thêm vài chục mét nữa thì đến bến bus, ôi trời ơi, tôi tưởng nó chỉ là cái nhà chờ xe bus, hóa ra nó to như cái bến xe Lương Yên ấy bà con ạ. Lại tiếp tục hỏi thăm, riết rồi cũng tìm được chỗ để đón xe 1A của TransJoja về phố đi bộ Malioboro.

Nhà chờ xe bus ở Yogya giống như cái hộp diêm bự xây cao hơn hẳn so với mặt đường cả mét, bậc thềm chỗ cửa ra bus vừa khớp với sàn xe luôn, lại vào một cửa, ra một cửa nên muốn trốn vé e là cũng hơi bị nan giải. Bà con muốn vào thì phải dừng lại mua vé, rẻ thôi, chỉ có 3.600rp/người, sau đó sẽ được mở cần gạt (kiểu như trong siêu thị ấy) cho đi qua. Ai mà không chắc mình cần phải đón bus nào thì cứ mạnh dạn hỏi mấy người bán vé, họ biết tuốt đấy. Mà cái hay ho nhất là tỷ dụ như bà con vừa ra khỏi một chuyến bus của TransJoja, chưa ra khỏi nhà chờ thì cứ thoải mái leo tiếp lên một chuyến bus khác mà chẳng cần phải mua vé lượt nữa, với 3.600rp mà đi tít mít cả thành phố Joja thì quá sức tiết kiệm còn gì.

37264990646_373130ff9a_z.jpg

Nhà chờ xe bus của TransJoja​

Đứng chờ một lúc thì bus 1A trờ tới, xe hơi đông, loay hoay một lúc thì mấy anh em cũng kiếm được chỗ ngồi. Tôi dặn phụ xe khi nào đến Malioboro thì gọi, rồi thờ thẫn nhìn Yogya về đêm qua ô cửa kính. Dọc đường nhà dân không xây cao, ánh điện thì nhờ nhờ leo lét, ấn tượng đầu tiên về thành phố này chỉ có nhõn một từ "u ám" mà thôi.

Đến chỗ-mà-tôi-tưởng-là-Malioboro, xuống xe bus đi được một quãng tôi mới biết thế nào là "u ám" thật sự.
 
Last edited:
Ai đã theo dõi hành trình Hai tuần một mình dọc ngang miền Bắc Thái thì hẳn sẽ biết tôi mù đường đến mức nào. Khổ nỗi hai anh bạn đồng hành lại không biết, thấy tôi tải đủ cả Google Maps lẫn Maps.me thì đinh ninh là she knows what she doing rồi. Đương nhiên tôi biết mình đang làm gì, nhưng tôi không đảm bảo nổi là mình có làm đúng hay không. Và buổi tối đầu tiên ở Yogya, bi kịch năm nào ở trạm tàu điện Phaya Thai lại tái diễn - bệnh mù đường của tôi nhè rất đúng lúc mà dở chứng hoành hành.

Mà nói thật, một khi đã mù đường thì dù có cầm bản đồ trên tay thì vẫn mù, đã thế cái đứa mù lại dẫn đường cho hai đứa tỉnh thì bi kịch cứ gọi là nhân ba luôn :(.

Tôi hùng dũng dẫn các anh về Pesona Artha Hostel mặc kệ lời than thở (anh đói, trưa lùa theo máy bay có kịp ăn gì đâu), dụ dỗ (kìa kìa, có tiệm ăn kìa, đông người kìa) của anh Khôi, mắt cắm vào điện thoại đi mải miết. Đang đi tự dưng nghe anh Khôi la ối ối, quay lại thấy ổng lồm cồm bò dậy, mặt mày méo xệch. Cũng tại Yogya tiết kiệm đèn đường nên ảnh bị vấp trên vỉa hè, lòng bàn tay và đầu gối trầy xước hết cả, máu bắt đầu tươm ra. Động viên ảnh mà trong đầu tôi đang nghĩ, 1 tuần nữa là có hẹn với bọn rồng Komodo rồi, nghe nói bọn này có thể ngửi thấy mùi máu tươi từ khoảng cách mấy trăm mét, nhìn tay chân anh Khôi tự dưng tôi thấy hơi run run :(.

Đi thêm một đoạn ngắn, băng qua cái cầu, trông thấy cái cột trụ to bự đề rằng "Yogyakarta Berhati Nyaman", tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó sai sai. Điện thoại để flight mode suốt từ lúc lên máy bay ở SG đến giờ không dám bật vì sợ bị roaming tự động, định vị GPS mãi không được, tôi hoang mang quay sang bảo với hai anh, hình như em đi sai đường rồi '_'.

Mặt hai ảnh lúc ấy đúng kiểu 囧 luôn.

Anh Duy ngao ngán thở dài, lôi điện thoại ra tìm đường. Dân chơi không sợ mưa rơi nên ảnh xài roaming, chỉ mấy chục giây thôi, ảnh cương quyết, ĐI NGƯỢC LẠI. Bây giờ đến lượt tôi là người cun cút theo sau, đi miết, đi miết, rồi tôi cũng phát hiện ra nguyên nhân. Bởi vì đinh ninh bus thả mình ở đầu đường Malioboro, dè đâu chỗ chúng tôi được hạ cánh lại là đầu đường Margo Utomo đối diện với Malioboro qua cái đường tàu, nên thay vì đi thẳng băng qua đường tàu rồi rẽ trái thì tôi lại cứ hồn nhiên rẽ phải, bà con ạ :D.

Vật vã mãi rồi chúng tôi cũng tìm được đến Pesona Artha, lúc ấy đã là gần 7 rưỡi tối. Đã đặt phòng trước qua Booking.com nên thủ tục nhận giường tương đối nhanh gọn, mặc dù đói rũ người nhưng mấy anh em nhất quyết phải gột rửa bụi trần rồi tính gì thì tính. Tôi lục balo lấy túi đồ y tế cho anh Khôi, nhìn lòng bàn tay và cái đầu gối nham nhở nhoe nhoét bụi với máu, nghĩ đến mấy con rồng Komodo mà tôi thấy lo lo là. Anh Khôi cam đoan, cơ địa anh mau lành lắm, ừ thì đành cố mà tin thôi chứ giờ còn biết làm sao?
 
Last edited:
37660878812_0b37a3d317_z.jpg

Đường Jlagran buổi tối

Gần 9h tối ba anh em mới dắt díu nhau đi tìm chỗ ăn. Pesona Artha nằm trên đường Jlagran khá yên tĩnh, chỉ toàn các khách sạn và hostel, chả có quán ăn nào. Chúng tôi xem bản đồ, rồi thống nhất là cứ đi bừa đi, thấy chỗ nào vừa mắt thì tạt vào, giả dụ không gặp được quán nào khả dĩ thì cứ xông thẳng ra phố đi bộ Malioboro, kiểu gì cũng không chết đói được. Đến đầu đường Dagen Malioboro, thấy mấy quán ăn nằm túm tụm lại với nhau, tần ngần một chút rồi chúng tôi xông vào cái chỗ trông sáng sủa sạch sẽ đông khách nhất là Yani's kitchen. Ơn Giời, menu quán này rất rõ ràng, có tên tiếng Anh của món ăn, lại thêm cả ảnh chụp minh họa, sau một hồi nghiên cứu thì chẳng đứa nào dám liều mạng nên cuối cùng chúng tôi quyết định gọi những món có hình ảnh và tên nghe quen quen. Trong lúc chờ đợi thì ba thằng chia nhau chai bia, xứ đạo Hồi có khác, bia đắt ớn lạnh bà con ạ, chai Bintang 500ml tận 50k rupiah (~85k VNĐ) mà nào có ngon lành gì cho cam, nhạt toèn toẹt :(. Mồi nhắm là bim bim kiểu Java đóng túi nilon, 4k rupiah được bốn miếng cỡ nửa bàn tay, dạng như bánh tráng lạc rang chiên lên ấy, chẳng có tí tị tì ti gia vị nào. Hai thứ nhạt nhẽo đi kèm với nhau, đâm ra mồm miệng thấy hơi bị buồn.

Đợi mãi rồi cũng thấy đồ ăn được bê ra, với tình trạng đói khát cả ngày thì nhiêu đây có vẻ hơi ít nên chúng tôi order thêm một đĩa cơm rang trứng rồi chia nhau ăn chung:

37644252696_4f274b5e13_z.jpg

Từ trái sang, trên xuống: Rau củ xào (cap-cay), mì gạo (bakso bihun), tôm chiên (udang goreng), cơm rang trứng (telur ceplok nasi goreng). Hướng 3h là món bim bim Java chúng tôi dùng để nhắm bia (peyek kacang).

Đã được nhiều người cảnh báo rằng đồ ăn Indo không được dễ nuốt cho lắm, ấy thế mà bữa tối hôm ấy chúng tôi đánh chén ngon lành, sạch bách, chẳng biết vì đói méo mặt nên ăn gì cũng thấy ngon hay là vì Yani's nấu tốt thật. Xét trên độ đẹp trai và tuổi tác, tôi quyết định nhường phần gọi thanh toán cho anh Duy. Ổng quay ra vẫy vẫy, dõng dạc gọi phục vụ, "Em ơi tính tiền".

Tôi: 囧
Khôi: =))
Em phục vụ: @_@

Biết tại sao chúng tôi phản ứng dữ dội vậy không? Bởi vì Duy nói tiếng Việt, giời ạ =.='.

Nể tình Duy đẹp trai đang ốm dở nên bọn tôi "tha thứ" cho đấy :)).

23839955208_6f6dde8dcc_z.jpg

Chai Bintang 50k rupiah đây. Đừng quan tâm tới background, nửa tiếng sau khi chụp bức ảnh này biểu cảm của chàng ta còn "dữ dội" hơn nhiều cơ ^_^.

167k cho bữa tối 3 người, kể ra cũng hơi xa xỉ. Mà nào ngờ, những ngày tiếp theo số lần xa xỉ của chúng tôi hơi bị nhiều :D.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,136
Bài viết
1,173,921
Members
191,957
Latest member
vinhlekingdoor
Back
Top