What's new

[Chia sẻ] Kate 2008 - Nắng như rang và gió như than...

Hơn một ngày trời lạc liếc linh tinh cộng thêm ngồi trên xe bus không đi vệ sinh, nằm đợi dài 8 tiếng đồng hồ dưới chân phà Niếc Lương (Cambodia) cộng 6 tiếng ngủ gà gật tại cửa khẩu Mộc Bài chờ tới giờ Hải quan làm việc, cuối cùng gần 10 giờ sáng cũng về tới Sài Gòn. Vậy là đoàn đi Phan rang đã khởi hành vào 10h đêm trước đó. Sáng mọi người đã nhắn tin nói đã lên tháp làm lễ khởi động mùa Kate 2008 rồi, còn mình thì vơ vất ở đây, với một cái đầu chưa chải hơn một ngày, cái miệng chưa đánh răng, bộ quần áo bẩn chưa thay và cái máy nhận một tin nhắn lại kêu rem rem rem hết pin mất lượt.
Trong óc chỉ có một suy tính duy nhất, là làm sao tới được Phan Rang càng sớm càng tốt. Thèm kinh khủng nước sạch để tắm rửa và nước nóng để ngâm hai chân đã sưng phù to như chân voi. Vậy là ăn quáng quàng bát phở, mua hai chiếc bánh bao rồi chạy taxi ra Bến xe miền Đông lúc gần 11 giờ. Theo mọi người cho biết thì ở bến xe này cứ nửa tiếng có một chuyến chạy đi Phan Rang, nhưng nếu mà tin thế thì chỉ có chết. Vì xe đi Phan Rang thì nhiều, nhưng có rất nhiều xe đậu bến đàng hoàng mà khi xuất bến thì chỉ chạy cách SG chừng trăm cây là sẽ sang khách. Lúc đó, khách chỉ có bơ vơ đậu dọc đường hoặc bị nhồi vào các xe khác, đi đứng sẽ rất khổ.
Hỏi chị nhân viên bán vé xe nào tốt nhất, chị ta hất hàm bảo cứ mua đi rồi có người dẫn ra xe, khỏi lo. Vé xe mất 90k. Ra đến nơi thì hóa ra xe chỉ khoảng 20 chỗ ngồi, báo 11h30 sẽ chạy. Trông cũng không cũ kỹ nhưng cũng chẳng có vẻ gì là xe mới, tuy ông chủ xe cho biết xe mới chạy được chưa đầy 10 tháng.
Trước giờ xe chạy, thôi thì các anh bán bật lửa, bán bánh mỳ, bán mấy đồ trang sức dỏm leo lên quảng cáo tía lia. Khi xe đủ 19 người, bắt đầu xuất bến, với lời hứa chạy 6 tiếng sẽ đến Phan rang.
Đêm hôm trước, mọi ng trong đoàn mua vé xe chất lượng cao của Tuấn Tú, chỉ khởi hành vào lúc 10h đêm tại Bến xe miền Đông, tới Phan Rang tầm 6h sáng với giá 140k. Xe này cũng sẽ chạy theo hướng ngược lại tương tự, xuất bến lúc 10h đêm tại bến xe Phan Rang trở về SG. Xe có giường nằm, máy lạnh, có toilet trong xe.

Đã được gửi đăng bở 2su! (06/01/2011)
 
Last edited by a moderator:
Chưa biết gì nhiều về Ninh Thuận mà dân Ninh Thuận ai cũng rủ rê ghé nhà, không ai giới thiệu cái hay cái đẹp của quê mình gì ráo. Bữa trước khi tôi đến, mấy anh chị trong đoàn đã kịp ghé qua mấy ngôi làng làm nghề thủ công, nên bữa sau nói có thể chiều tôi mà quay lại, nhưng vì tôi ái ngại nên đành nhủ sẽ để lần khác.
Vì thế, buổi chiều chẳng có việc gì ngoài về lại resort, nằm nghe sóng vỗ rì rào đợi khoảng 4h cho nước mát, tắm ùm phát rồi kéo nhau đi ăn cỗ Kate của người Chăm.

2921843922_732e9e788a.jpg


Đường vào các làng của người Chăm hơi... bẩn. Nói chung là người Chăm cũng không có sạch sẽ gì lắm. Một nửa đường đi là những bãi đất nhão nhầy ti tỉ rác xả. Quả này ban đêm đi bộ không có đèn là chết queo ngay. Trước mỗi đầu làng, có một khu đất trống là nơi thả lợn, gà rông. Nhưng thế còn đỡ, chứ vào sâu sâu là hay gặp cả một bãi lớn toàn phân gia súc.
May là ngôi nhà chúng tôi được mời tới ăn cỗ là một nhà khá giả. Nhà rộng rãi, có hai cổng, một cổng có thể đậu xe hơi. Giữa sân là một dàn phong lan đủ màu đang nở hoa rộn rã. Trong sân có trồng nhiều hoa sứ màu đỏ. Nhà thuê cả một ban nhạc sống để phục vụ khách, có điều ban nhạc hát toàn nhạc... sầu không à, như "Bài thánh ca đó còn nhớ không em" rồi "Sao em nỡ đành quên..." Đến nỗi, tới lúc mâm cỗ được dọn ra thì tôi đành phải mạn phép gặp bác chủ nhà (bố vợ của anh bạn mời ăn cỗ - người Chăm theo mẫu hệ, anh này ở nhà bố vợ) là xin cho ban nhạc nghỉ để... chúng cháu toàn tâm toàn ý cho việc thưởng thức cỗ Chăm :p

2920969829_bfdd219778.jpg
 
Mâm cỗ Chăm truyền thống đặc trưng bởi các món được làm từ thịt dê.
Nhìn vào hình ảnh phía trên, bạn có thể thấy bát canh lớn. Canh này được hầm từ xương dê và nước gạo rang. Sau đó người ta cho me vào, tạo nên một thứ nước lèo ngòn ngọt, chua chua và thơm mùi gạo rang. Rồi người ta dùng lá ngay rừng thái chỉ rắc lên trên, ăn nóng. Món canh này ăn bằng cách bẻ bánh tráng vào bát, rồi tưới canh vào ăn. Hoặc có thể ăn cùng cơm.
Ngoài ra, còn có món thịt dê làm thành nộm, dạng như bò bóp thấu của mình, với hạt mè và hành khô, chua chua ngọt ngọt. Ngoài ra còn món thịt bò nấu gần như sốt vang, thịt dê xào với lá ngay rừng. Cùng với các món thịt này là món rau sống đặc trưng của người Chăm, được trộn từ đọt chuối non thái chỉ cùng lá lốt thái chỉ, ăn rất mát và có tác dụng làm giảm sự ngấy ngá của các món ăn. Đồ uống kèm gồm có rượu thuốc dành cho nam giới và rượu nho nhà làm dành cho nữ giới.
Đang say sưa ăn uống thì nhà Chế qua chúc rượu :p

2921815642_affe7658c5.jpg


Sau khi ăn uống no say, mọi người được mời tráng miệng bằng bánh Sakja. Chả biết viết có đúng không, đại loại thế. Thấy bảo Sakja có nghĩa là Báu vật của trời. Thứ bánh này ngày xưa chỉ có vua quan được ăn. Nó không dùng một chút bột nào, chỉ là đậu xanh, lòng đỏ trứng, đường,... được hấp lên rồi cắt thành miếng, ăn bùi và ngậy.
 
Last edited:
Tối hôm đó, sau khi ăn uống say sưa ở nhà anh bạn người Chăm, chúng tôi chia thành hai tốp, một về lại Sài Thành hoa lệ, một ở lại để sớm hôm sau đi thăm vịnh Vĩnh Hy - nơi được cho là một trong 4 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Thực tình, lúc đó tôi đi chỉ vì tiếc công đã mất bao đường bộ vào Ninh Thuận, chẳng lẽ lại ko đi cho hết, chứ cũng không kỳ vọng gì.
Từ thành phố Phan Rang, chúng tôi thuê một chiếc xe 7 chỗ mất 600k đi về hai chiều để đi Vĩnh Hy với khoảng cách 50km. Đường đi ai dè cảnh đẹp kinh khủng.

picture.php


Một bên là biển, một bên là núi. Và bầu trời thì xanh ngắt và cao vọi. Núi đá ở đây lại ko phải là dạng núi đá vôi gai góc như ngoài miền Bắc, mà như thể đá cuội, tròn nhẵn với màu vàng bazan cực đẹp và nổi bật trên nền trời xanh, cứ như chơi PS

picture.php


Đường thì hơi quanh co, mặt đường lại không tốt lắm tuy đây là đường cụt, từ Phan Rang vào là đâm uỳnh tới biển, là hết. Xưa kia con đường này chưa có, toàn bộ khu vực này là rừng quốc gia mang tên Núi Chúa. Chúa ở đây, nghĩa là Chúa Chế Bồng Hoan.
Sau khoảng hơn 1 tiếng thì tới khu vịnh, cảnh thanh bình và êm ả.

picture.php


Trước cây cầu dẫn ra tàu này có tấm biển rất lớn "Ai ơi nhớ lấy câu này, Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua". Nhưng hôm đó bọn tớ chỉ có nhõn 6 mạng, thuê một cái cano chở được khoảng 12 người chỉ mất có 500k.
Vịnh đẹp mê man, nước xanh ngăn ngắt và gió mát lồng lộng

picture.php
 
Đi một đoạn, lại thấp thoáng những dải đá nằm lô xô, chen giữa những bãi đá là những bãi cát trắng mịn, có thể dùng làm bãi tắm tiên vì chẳng có ai trên vịnh cả (đoạn này tác giả tự lược bỏ 120 từ vì vi phạm thuần phong mỹ tục)

picture.php


Cano sẽ đưa mình ra hai khu vực - một là dải san hô mềm (còn sống) và một là dải san hô cứng (đã chết). Với thiết kế lòng cano bằng mica trong, mọi người có thể ngắm thỏa thích tận mắt những dải san hô đủ hình dáng, kích cỡ với những màu cơ bản như trắng, đỏ, xanh rêu,... Ai cũng vô cùng hứng thú.
Ngắm nghía chán chê, bọn tớ chui vào một bãi cát, nơi có 2 gia đình ở đó đánh bắt đồ biển tươi sống về bán và chế biến tại chỗ cho khách thăm quan

picture.php


Nơi đậu chiếc mủng này ngày xưa chính là nơi đậu những thuyền chiến của Chế Bồng Nga thuở trước. Còn bây giờ, thì bọn tớ, kẻ tháo quần áo nhảy bùm bùm xuống bơi, người ngồi chọn hải sản cho bữa trưa. Nước biển ở đây có độ mặn cao vô cùng nhưng có một đặc tính kỳ lạ: Không bị dính. Tắm thoải mái xong ko cần tráng nước ngọt mà vẫn không bị dính gì cả.

Bữa trưa ăn rất nhiều thứ. Trong đó có con ốc tai tượng này

picture.php


được làm sạch dùng để nấu cháo rất ngọt và ngon. Còn cái vỏ thì cọ sạch mang về làm kỷ niệm. Nó to như cái sọ người á.

Tất nhiên có cả món ốc vú nàng tai tiếng nữa
picture.php


và trứng cầu gai nướng mỡ hành thơm ngon như những lát bơ
picture.php


Ăn xả láng lè phè kèm theo cả bia, cả các loại ốc hương ốc nhảy gì đó đủ thứ cho 6 người xong chỉ hết có gần 500k.
 
Bọn tớ nghỉ ngơi xong thì đi vào bờ, rồi đi cách đó một đoạn là tới suối Lồ Ồ. Đường lên suối rất đẹp, toàn hoa mâm xôi nở vàng nở đỏ và còn đi qua một cây cầu treo rất dài (nhưng ko hiểu sao chẳng có hình trong máy)

picture.php


Lồ Ồ, theo tiếng Chăm có nghĩa là Nước mắt. Tương truyền có nàng công chúa thương nhớ chồng đi trận nên khóc, nước mắt chảy thành suối. Đây là khu vực có nhiều người Raklai sống. Rak nghĩa là Người, Lai nghĩa là Rừng. Raklai là người sống ở rừng. Đây là một bộ tộc nổi tiếng với nghề may trang phục dành cho các vua chúa Chăm khi xưa.
Đứng từ đầu suối Lồ Ồ, có thể nhìn bao quát xuống cả khu vịnh phía dưới. Còn ở đây, chỉ nghe tiếng róc rách chảy và những chùm rễ đa khổng lồ cùng bóng mát và những phiến đá mát mịn dễ dàng làm nơi ngả trại cho những ai thích đi picnic

picture.php


Bọn tớ phè phỡn rồi nên lúc đó chỉ mua một túi quả dại của người dân tộc với giá 10k để ăn vặt, quả khô dét, vỏ mỏng màu đen thẫm như quả sim, nhưng ăn nhân có vị chua ngọt khá dễ chịu, ko biết tên là gì.
Thăm thú xong bọn tớ oánh xe trở về Phan rang, trên đường tiện ghé vào các ruộng nho vừa chụp ảnh vừa ăn vụng :p

picture.php


Về tới đầu kia cầu nối giữa Phan Rang và huyện Vĩnh Hy thì được người bạn đi cùng cho biết, ngôi làng bên kia cầu là quê hương của ông Nguyễn Văn Thiệu. Giờ vẫn còn cái nhà và cái hồ trước mặt nghe đâu chính là nơi ổng sinh ra và lớn lên khi xưa.

picture.php


Nhưng cây cầu cổ bên cạnh mới khiến tớ thích thú, giờ nó chỉ còn những cái nhịp trơ khấc thế này

picture.php


Về tới Phan Rang để chuẩn bị bắt xe Bắc - Nam về SG thì mới được các anh người Chăm bật mí rằng Ninh Thuận còn nhiều thứ để xem lắm, như Cà Ná chẳng hạn, đồi cát chẳng hạn,... Nhưng có lẽ, phải hẹn mùa Kate sang năm thôi, chứ năm nay thì hết quota mất roài!(BB)
 
Ô bây giờ mới đọc bài này . Cảm ơn em Zim cho biết về một lễ hội rất hay của người Chăm , cái này anh chưa được đọc trong sách . Thế cái lễ Katê này được tổ chức hàng năm vào ngày nào ?
PS : anh giai Chế Linh của em Zim sống ở ngay Toronto chứ ko phải bên Mỹ đâu , dạo này chắc già rồi nên chả thấy đc mời đi hát nữa .
 
Ô bây giờ mới đọc bài này . Cảm ơn em Zim cho biết về một lễ hội rất hay của người Chăm , cái này anh chưa được đọc trong sách . Thế cái lễ Katê này được tổ chức hàng năm vào ngày nào ?
PS : anh giai Chế Linh của em Zim sống ở ngay Toronto chứ ko phải bên Mỹ đâu , dạo này chắc già rồi nên chả thấy đc mời đi hát nữa .

Em thấy người ta nói anh giai em mang quốc tịch Mẽo và hàng năm vẫn về quê nhà ăn Tết anh ạ:shrug:. Anh giai tuy hơi già nhưng bù lại vợ rất xinh và ảnh rất là có tinh thần trợ giúp người già, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Bằng chứng là bữa làm lễ trên tháp Poklong Garai, ảnh có đi nhặt rác cho vô túi nilon, rùi đỡ người già đi lên bậc tam cấp, xong lại còn dạy các bạn trẻ cách làm lễ nữa, nói chung là thấy thân thiện, dễ mến.

Cái lễ Kate này là tính theo Chăm lịch, nhưng theo lịch mình thì nó thường vào khoảng tháng 9 Dương. Hồi đi vào đó em rất mong mỏi mua được 1 cuốn Chăm lịch nhưng thấy dân ở đó bảo ko có bán, hình như ko được phép, họ hay tải về từ một trang web của người Chăm ở nước ngoài, rồi in ra và theo đó làm lịch. Chẳng hiểu họ nói thế có đúng ko nữa.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,063
Members
192,338
Latest member
senrilamaha74com
Back
Top