Xin phép tham gia với các bác ít kinh nghiệm đi đường miền Tây Nam Bộ :
1/- Đường miền Tây rất tốt, bằng phẵng không đèo dốc,ngoài Quốc lộ 1A xe cộ dập dìu ra các đường khác tương đối vắng vẽ có thể thoải mái chạy xe không cần tập trung lắm, nhưng phải nhớ 1 điều là khi thấy xuất hiện một chiếc xe thô sơ nào đó do bất cứ ai điều khiển trên đường thì phải đặc biệt chú ý đến nó và giảm tốc độ đến mức có thể vì nó có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào và không có gì báo trước cả!
2/- Nếu đi xe 2 bánh trên các tuyến đường tỉnh hoặc đường huyện khi qua cầu dù là đường tốt, cầu rộng đến đâu cũng phải giảm tốc độ vì ngay phía bên kia nơi tiếp giáp giữa mố cầu và đường dẫn có thể sẽ xuất hiện một cái bẫy chết người đang chờ bạn (do đường dẫn nằm trên lớp đất yếu nên lún còn mố cầu thì giữ nguyên vị trí ban đầu, dân địa phương chỉ đắp tạm một đoạn nhỏ để đi qua, phần còn lại là một cái gờ đáng sợ)
3/- Nếu tiếp tục đi sâu vào các đường làng thì sẽ có những cái cầu không có lan can, gặp những cái cầu này thì bất kể nó rộng hẹp thế nào các bạn cũng nên tuân thủ nguyên tắc
"một mình ta qua một cầu" , không có gì phải gấp qua cầu cả, một va quẹt nhẹ nhàng trên cầu là đến 80% đưa ta xuống sông. Xuống sông thì lội vào, không đáng sợ lắm nhưng cái sợ nhất là xe sẽ xuống theo mà người thì bao giờ cũng xuống trước! Tui từng chứng kiến một thằng bé khoảng 14-15 tuổi bay xuống sông, cái xe đạp của nó theo sau may mà không trúng nó.
4/-Khi qua các phà lớn (tải trọng 40-200 Tấn – ngày nay khi có cầu Mỹ Thuận và cầu Rạch Miểu thì loại phà này nhiều lắm) thì rất an toàn nhưng có những việc nhỏ cần chú ý khi từ phà lên ponton :
- Nếu có xe tải xuống trước thì mõ bàn phà sẽ nắm ép sát ponton chuyện chẵng có gì .
- Nếu không có xe tải xuống trước (thường xảy ra do xe 02 bánh tranh thủ lên trước khi phà vừa cập ponton) thì sẽ có một cái gờ giữa ponton và mõ bàn phà -> bình thường chỉ gây ra một cái sốc không có gì , nhưng nếu gặp trời mưa dông mặt sông sẽ nổi sóng, những con sóng đó đủ sức nâng chiếc phà lên cao 20-30cm (còn hơn thế nữa nếu đúng hướng gió và trên phà không có xe tải nặng nhiều) và đập mõ bàn phà liên tục lên ponton. Chuyện sẽ cực kỳ nguy hiểm khi xe 02 bánh có 01 bánh nằm trên ponton , bánh còn lại nằm trên mõ phà : xe sẽ bị hất văng hoặc mõ bàn phà sẽ đánh vỡ vụn lốc máy ngay lập tức, chuyện chân cẵng kẹt vào mõ bàn phà thì chẵng dám nói đến nữa.
Do đó khi cho xe lên phải xem xét cẩn thận và đi thật dứt khoát , khi trời mưa phải thật chú ý.
5/- Khi đi xe 04 bánh qua các phà nhỏ (tuy là nhỏ nhưng chở được ô tô) trên sông Tiền và sông Hậu (các phà này không có ponton chỉ có đường dẫn xuống) phải yêu cầu phà nổ máy rồi mới de xuống vì nước sông chảy rất xiết nhất là vào mùa nước nổi sẽ kéo phà ra khỏi đường dẫn và xe sẽ lao xuống sông (các vị trí này nước rất sâu). Tại bến phà chợ Vàm khoảng 15 năm nay đã có 2 lần xe tải lao xuống sông do phà trôi, còn ở bến phà chợ Thủ đã có xe du lịch lao xuống sông làm chết 03 người.
6/- Khi đi xe 02 bánh qua các phà nhỏ (phà không chở ô tô) sẽ có cảnh chen chúc (xem ảnh của honGSonn ở bài Vòng cung Mékong
https://www.phuot.vn/showthread.php?t=2112). Chuyện này là chuyện thường ngày,không đi cũng không được vì nếu cứ lựa phà lớn mới qua sông thì còn gì là đi phượt nữa. Lúc đó phải tuyệt đối không mất bình tĩnh dù có ra đến giữa sông mà gặp gió to cũng phải ngồi cho êm đừng quýnh quáng mà toi đấy.
7/- Các cụ ở miền Tây có truyền cho kinh nghiệm rằng : Khi rơi xuống sông thì việc đầu tiên là phải đảm bảo giữ mình nổi được đã sau đó nương theo dòng nước trôi đi để giử sức rồi tìm cách vào bờ sau,
không cố lội vào bờ khi chưa đảm bảo rằng mình đủ sức bơi đến đích.
Nếu tui nói có gì sai mong các bác (nhất là các bác ở miền sông nước) góp ý dùm . Cám ơn các bác.