Lâu lâu thấy một cổng chùa đẹp bên đường.
Tôi để ý thấy có nhiều quán bán món Bún Riêu Cua, hay gọi la Bún Cua. Tuy là món này xuất xứ từ miền Bắc, nhưng giờ đây món này cũng là món ăn quen thuộc của người Miền Nam. Vì cua đồng ở Miền Tây khá dồi dào và giá lại rẻ, nên món này cũng rất bình dân. Kiểu nấu của người Nam khác với người Bắc là không có đậu hũ chiên, không có rau kinh giới và không có bắp chuối bào. Ngoài ra nồi nước lèo của họ tôi thấy có chất lượng hơn, rất nhiều cua, có người còn hầm thêm cả xương heo. Kiểu ăn bún ở đây họ bỏ sẵn giá và rau muống chẻ trong tô và có thêm cả huyết nữa.
Về Miền Tây không những thức ăn rẻ mà họ còn tặng không ly trà đá. Tô bún, 15 ngàn.
Đoạn đường sáng nay mà tôi chạy đến bến phà Cao Lãnh đẹp lắm. Dọc theo 2 bên đường là hàng cây xanh mát.
Bến phà chỉ cách tp. có 4 km mà thôi. Khi xuống phà thì họ miễn phí cho xe đạp và con chó.
Qua bên kia phà con đường bị thu hẹp lại và nhiều xe qua lại hơn. Tôi chạy theo dọc bờ sông theo TL848 khoảng 12 km, rồi tôi rẽ trái theo TL944 để đến Long Xuyên. Nếu tôi mà chạy thẳng, thì đường đó sẽ chạy đến Chợ Mới.
Khúc đường tôi vừa quẹo tôi thấy càng lúc càng hẹp hơn. Tôi thấy rất nhiều xe đò, xe buýt chạy theo tuyến này mà sao con đường bé tí thế, làm thế nào mà họ có thể nâng cao nghành du lịch tỉnh được? Khi một hệ đường bộ lại tệ hại như thế?
Bà mua ve chai này, tôi nghĩ đã ngoài lục tuần, nhưng vẫn phải vật vã với cuộc sống. Chắc bà không hiểu từ về hưu đâu nhỉ.
Người phụ nữ này không có đất để thả bò, vì thế phải cực nhọc đi xa, mới cắt được cỏ.
Mỗi một bịch dừa nước chỉ với giá 10 ngàn, làm được 2 ly nước. Nhưng thấy quá trình họ làm, thật đáng nể, một người bẻ trái ra từng trái, người kia chẻ trái dừa nước ra làm đôi, rồi người thứ ba lấy muỗng nạy lấy nhân dừa, nếu còn dính sơ, là phải mất thêm công là gọt cho sạch. Cuối cùng là bỏ vào từng bịch nylon.