Quan Sơn quyến rũ
(Dân trí) - Chỉ cách Hà Nội có hơn 50 km, nhưng Quan Sơn lại hoang sơ đến lạ lùng. Tạm biệt những cánh đồng lúa mơn mởn, chúng tôi lạc vào giữa một vùng sơn thuỷ tĩnh lặng. Một hồ nước mát lạnh bao lấy những dãy núi đá cheo leo mà hùng vĩ…
Từ Hà Nội đi qua thị xã Hà Đông, đến Ba La thì rẽ trái, đi theo Quốc lộ 32 qua một loạt những địa danh thật quen thuộc: Làng Chuông làm nón, Bình Đà làm pháo, Vân Đình với món vịt cỏ nổi tiếng, rồi thì đến Quan Sơn. Lúc chúng tôi đến Quan Sơn thì cũng chỉ có lèo tèo vài đoàn khách của Hà Nội hay Hà Tây kéo về. Khoảng hai chục chiếc thuyền sắt, giống như thuyền sắt ở chùa Hương đang nằm lơ đễnh trên mặt nước chờ khách.
Chị Hằng, một người chèo thuyền, nom xanh rớt như tầu lá, đứng chờ chúng tôi. Một cuốc chèo thuyền từ bờ ra đến ngút ngàn mây nước giá 45.000 đồng nhưng chị cũng chỉ được hưởng 12.000 đồng, mà phải chèo suốt buổi.
Từ đây muốn bồng bềnh trôi trên mặt nước để ra các đảo chỉ có cách là đi thuyền. Chúng tôi lên thuyền và nghe tiếng nước khua động dưới mái chèo. Thuyền vun vút ra mặt hồ xanh trong lộng gió. Hai bên hồ là núi. Những ngọn núi đứng lô xô soi bóng xuống mặt hồ thật hữu tình. Dưới mặt hồ những tán lá sen và những bông hoa cỏ li ti trôi trên mặt nước.
Chẳng hiểu ai đặt cho một hòn đảo nhỏ giữa hồ cái tên là đảo Độc lập, có lẽ do nó đứng một mình giữa hồ nước. Chèo mất khoảng 15 phút thì thuyền cập bến đảo Độc lập. Cũng đã có một tốp khách trẻ đang trải chiếu ngồi trên đảo. Một ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng được dựng trên đảo. Chủ nhà, chị Huýnh nom khá tươi tắn, đon đả mời: Các em lên đây, ăn uống chị lo cho.
Gà và cá là những món chủ đạo ở đây. Chúng tôi ăn với cách ăn dân dã, ngồi trên chiếc chiếu ngay trên hồ nước và ngắm nhìn nước non rồi đánh chén…
125.000 đồng/ cho một bữa ăn với một con gà luộc. Trên đảo cũng có điện, bia, nước ngọt và 2 cái lều mà chị Huýnh gọi là nhà sàn với giá 30.000 đồng nếu bạn muốn thuê để ngả lưng.
Tạm biệt đảo Độc lập, chúng tôi lại lên thuyền để vào động Hoa quả sơn mà nghe chị Hằng giới thiệu là rất hữu tình.
Chèo thêm 15 phút nữa chúng tôi vào sâu trong thung núi. Hoa quả sơn hiện ra trước mắt hùng vĩ gần bằng… Thuỷ Liêm động trong Tây Du ký. Ông chủ của đảo là một người đàn ông nom rắn rỏi, có tên là Hiếu.
Bố ông Hiếu là người có công khai phá khu này và để sự hữu tình thêm mặn mòi, ông đặt khu đảo này là Hoa quả sơn. Hòn đảo tuyệt vời ở chỗ nó vẫn gần như hoang sơ vì không có điện. Hoa quả sơn nằm tựa vào thung núi, mặt hướng ra hồ nước, đón ngọn gió quạt vào mát rượi. Còn nước trong cái giếng thơi thì vừa trong vừa ngọt, múc lên là muốn uống liền
Ông Hiếu kể: “Bao năm qua khai phá nơi này, bây giờ lại muốn sang tên cho người khác. Giá: 250 triệu đồng. Quá rẻ vì theo hợp đồng với xã còn tới hơn 40 năm khai thác. Cũng có một vài người muốn đầu tư lớn vào đây. Xây biệt thự, nhà nghỉ, làm đường, tầu cao tốc…để kéo du khách từ Hà Nội về”. Tôi vừa nghe ông Hiếu say sưa kể vừa lo. Nó mà thành công thì chỉ vài năm là vứt cái Quan Sơn đi!
Bến đò hồ Giang Nội (một trong 3 hồ lớn của Quan Sơn) là điểm đầu tiên du khách đặt chân tới để bắt đầu hành trình khám phá Quan Sơn. Chỉ với 45.000 đồng, những cô lái đò sẵn sàng đưa du khách tới bất cứ đâu trong khu hồ rộng 850 ha này. Đi đò cũng là một cái thú không thể bỏ qua của du khách khi đến với Quan Sơn. Bồng bềnh trên đò, du khách được tận hưởng cảm giác tự do giữa khung cảnh non nước hữu tình, được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở từng làn gió mát khi qua mỗi khe núi.
Vào mùa hè, hương sen thoang thoảng trong gió bởi Quan Sơn còn có một đầm sen lớn. Bạn đừng quên dặn người lái đò cho ghé vào đầm sen để cảm nhận hương vị sen mùa hè giữa khung cảnh trời mây non nước. Người lái đò cũng gợi ý bạn hãy ngắt một lá sen làm mũ che đầu trước khi tiếp tục hành trình. Đặc biệt, mặt nước ở đây luôn phủ đầy hoa trang - một loài hoa trắng rất đẹp. Hoa trang nhiều tới mức khu du lịch còn có riêng một đội ngũ nhân viên chuyên vớt hoa, dọn đường cho đò đi. Họ luôn nở nụ cười thân thiện mỗi khi gặp đò chở du khách.
Hồ Quan Sơn có rất nhiều điểm mà du khách có thể dừng chân khi đi đò: núi Trâu Trắng, đảo Sư Tử, đảo Độc Lập, núi Quai Chèo, đồi Voi Phục, Hoa Quả Sơn... Du khách cũng có thể ghé thăm Linh Sơn động, Ngọc Long động. Tuy động không lớn nhưng lại có những nhũ đá, măng đá kì thú mang hình long, ly, quy, phượng, là những tuyệt tác của thiên nhiên. Người dân ở đây còn cho biết, vào mùa mưa, từ trên các triền núi cao, thác nước ngày đêm đổ xuống mặt hồ, tung bọt trắng xóa khiến cảnh sắc nơi đây càng thêm ngoạn mục. Quan Sơn còn có chùa Cao, chùa Hàm Yến... nhưng nổi bật nhất là chùa Linh Sơn nằm ngay chân núi, soi bóng xuống mặt hồ. Tương truyền, chùa có từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI), cạnh chùa là động Linh Sơn có nhiều nhũ đá rủ xuống, lung linh, huyền ảo.
Đức Trung