Người Việt ở Nga sau bao nhiêu biến chuyển nay đã trở thành một cộng đồng khá đông về quân số, ở nhiều tỉnh có đóng góp khá lớn cho phát triển thương mại và kinh tế địa phương. Nga cũng là nơi đã làm giàu cho bao ông chủ lớn nhỏ, trong đó có nhiều người đang đứng ở thứ hạng top đầu Việt Nam.
Người Việt làm nhiều nghề, tập trung nhất là thương mại bán lẻ lập chợ ở các thành phố lớn nhỏ. Sau là nghề xây dựng và cung ứng thợ xây dựng, kế đến là làm nông (ở vùng Saratop, sông Vonga nhiều chủ Việt thuê đất canh tác rau củ quả hàng trăm hec ta)... Sự thành công của người Việt là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên người Việt ở Nga cũng bị ảnh hưởng mạnh của bản thân nước Nga đang biến chuyển cả về thể chế, văn hóa và đạo đức... Cộng với sự thao túng quyền lực trong cộng đồng người Việt theo một kiểu không giống ai tạo nên một đặc điểm rất riêng mà ta chỉ thấy ở Nga.
Bạn nào quan tâm có thể thấy có những câu chuyện rợn người xảy ra trong cộng đồng người Việt như công nhân bị đối xử như tù nhân, cướp giật lẫn nhau, tàn sát nhau... Những chuyện đó nhiều người cứ thắc mắc sao không ai giải quyết. Chính quyền Nga đâu? Sứ quán đâu? Hội đoàn việt kiều đâu? Lương tri đâu? ... Tôi thì tôi không lạ gì nền tảng quyền lực, phương thức kinh doanh, văn hóa ứng xử... của cộng đồng VN ta ở Nga và tôi hiểu được cái gì đang diễn ra và sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Bạn thấy rất nhiều người Nga phải mang tiền ra nước ngoài như Sip, Thụy Sĩ để gửi. Và bạn thấy rất nhiều người Việt chỉ coi Nga như mảnh đất có cơ hội làm ăn rồi tích lũy tài sản chuyển đi về VN hoặc đâu đó trên thế giới.
Tôi chỉ sợ một điều là, ngày xưa các cụ nhà ta đã định nhân bản mô hình Nga thời Bregionep nhưng đã bị lịch sử phủ nhận thì nay có người lại muốn nhân bản mô hình làm ăn kiểu Nga hậu cộng sản vào Việt Nam với hàng tỷ đôla trong túi thì sẽ la tai họa cho dân ta.
Tôi ước gì các bạn VN bên đó, dù thành công hay chưa thành công, hãy vươn lên thực sự sao cho tầm vóc văn hóa, tư cách và đạo đức của ta ngang bằng với số lượng đồng tiền ta đã có.
Để có tiền và có quyền, ban đầu có thể ta cũng cần cúi mình. Nhưng đến một lúc nào đó mình phải thấy rằng việc đứng thẳng lưng và lương tâm sạch sẽ mới là điều quan trọng hơn mà cuộc đời ta cần phấn đấu.
Đôi lời có thể hơi đao to búa lớn, nhưng là lời tâm huyết không phải cụ thể cho một ai.
Tôi xin mượn lời của Báo nước Nga do trang web NNN cung cấp viết tổng kết về người Việt
Trang diễn đàn NNN
Vấn đề 60 nghìn người nhập cư
Tư liệu của Đài Tiếng nói nước Nga
Nguyễn Thị Kim Hiền dịch
Theo công bố chính thức, hiện nay có khoảng 60.000 người Việt Nam đang sinh sống tại nước Nga.
Đây là sự kiện rất đáng chú ý. Thật vậy, trong hai thập kỷ qua, các cơ quan chính thức của Việt Nam và Nga không hề biết chính xác về số lượng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga là bao nhiêu.
Kể từ giữa thập niên 50, người Việt Nam sang Liên Xô chủ yếu là sinh viên. Họ đến Nga để học tập trong khoảng năm năm, mỗi năm khoảng 1000 người. Số lượng học viên Việt Nam tại các trường dạy nghề Nga ít hơn nhiều. Chuyên gia Việt Nam đến Nga làm việc tại các tổ chức chính phủ khác nhau mỗi năm chỉ khoảng vài chục người. Hồi đó, không có ai đến Nga với mục đích kinh doanh – vả lại, khái niệm "kinh doanh" thời Liên Xô đâu có tồn tại! Vì vậy, cho đến đầu thập kỉ 80, ở tất cả các nước cộng hòa của Liên Xô chỉ có khoảng tám nghìn người Việt Nam.
Trong thập niên tám mươi, con số này đang tăng lên đáng kể, do công dân Việt Nam đến học nghề theo Hiệp định về hợp tác lao động song phương. Trong thập kỷ trước khi Liên Xô sụp đổ, số lượng công nhân Việt Nam tại Nga là hơn một trăm ngàn người. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hầu như tất cả những người này đã ở lại Nga, rơi vào tình trạng bất hợp pháp và tham gia hoạt động buôn bán nhỏ
Trong những năm 90, số lượng người Việt nhập cư bất hợp pháp tại Nga trở nên nhiều hơn nữa, do bổ sung thêm những người đồng bào của họ đã đến nước Nga dưới dạng du lịch, rồi sau đó ở lại mà không hề đăng ký ở đâu, và cũng hoạt động buôn bán theo kiểu “con thoi”.
Cuối những năm 90, khi nói chuyện với phóng viên Ban tiếng Việt đài "Tiếng nói nước Nga", một số đại diện cộng đồng Việt Nam đã nêu con số đồng hương của họ tại Nga là khoảng từ 150 000-200 000 người. Trong khi đó, số lượng tối đa sinh viên Việt Nam du học tại các trường đại học Nga do nhà nước gửi sang hoặc theo đường tự túc là khoảng 5.000 người.
Và nếu nói về Matxcơva, so sánh kết quả của hai cuộc tổng điều tra dân số được tổ chức vào năm 1989 và 2002 cho thấy rằng số lượng cộng đồng người Việt ở thủ đô Nga đã tăng lên mười bốn lần!
Tình trạng này đã gây ra mối quan tâm ngày càng tăng đối với các cơ quan chức năng của cả Nga và Việt Nam. Các cơ quan ngoại kiều và bảo vệ trật tự pháp lý của Nga đã nghiên cứu vấn đề kiểm soát vấn đề số lượng người nhập cư Việt Nam tăng lên không kiểm soát được và đã có những động thái cụ thể. Trong 4 năm qua, chỉ riêng ở Matxcơva đã đóng cửa 8 trung tâm thương mại Việt Nam, mỗi trung tâm như vậy có khoảng 2000-5000 người Việt Nam hoạt động. Năm ngoái, chỉ riêng ở Matxcơva và vùng ngoại ô Matxcơva đã loại bỏ 8 xưởng sản xuất bí mật, nơi mà người Việt Nam may quần áo bất hợp pháp. Các biện pháp tương tự cũng được thực hiện tại St. Petersburg, Ufa, Krasnodar, Pyatigorsk, Yekaterinburg và một số thành phố khác của Nga, nơi tập trung số lượng đáng kể người nhập cư Việt Nam.
Như chúng ta thấy, các biện pháp này đã mang lại kết quả: số lượng người Việt Nam ở Nga đã giảm xuống còn khoảng 60.000, đại đa số cư trú hợp pháp và giấy phép lao động. Nước Nga rất hoan nghênh những người nhập cư như vậy. Tuy nhiên, ngày hôm nay, vấn đề của người nhập cư Việt Nam ở Nga, trước hết là doanh nhân người Việt, vẫn chưa thể nói là đã tìm thấy giải pháp hoàn chỉnh. Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Bùi Đình cho biết:
“Tôi nghĩ rằng tình hình người nhập cư Việt Nam đang dần dần ổn định. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ thích hợp hơn nếu tạo điều kiện để gia hạn giấy phép cư trú cho người nhập cư. Việc chính quyền Nga chỉ cấp giấy phép làm việc cho người nhập cư trong giới hạn một năm gây khó khăn cho sự ổn định. Đề nghị của tôi là tăng hạn giấy phép lao động lên ba năm”.
Ngoài ra còn có những vấn đề tồn tại khác. Chúng tôi sẽ đề cập đến các vấn đề đó trong các buổi phát thanh sắp tới.
Nguồn:
http://vietnamese.ruvr.ru/2011/03/13/47304604.html