Re: Live show Phượt lên 4 - Đồ Sơn xí xớn
Một chút thông tin về nhạc công của chúng ta
Khi trái tim không tật nguyền lên tiếng hát
Trong một lần tình cờ tôi được nghe câu chuyện về Nguyễn Duy Khánh. Thật bất ngờ, chàng nghệ sỹ phiêu lãng với những nốt nhạc trầm bổng, du dương bên chiếc đàn ấy lại có một thân phận thật đặc biệt.
Từ "ông chủ" cơ sở vật lý trị liệu
Trong không khí se lạnh của ngày đầu năm, sau khi dạo một vòng quanh vài con phố, chúng tôi ghé vào một cơ sở tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền rộng khoảng 100m2 ở số 515, đường Trường Chinh, quận Kiến An, TP Hải Phòng. Những người làm ở đây đều là những người mù có hoàn cảnh đặc biệt từ các tỉnh lân cận xum họp chung một mái nhà. Sau khóa học khoảng 7 tháng, họ có thể hành nghề với những kỹ thuật cơ bản giúp khách hàng xóa tan mọi mệt mỏi, căng thẳng và lo âu.
Trò chuyện với tôi, kỹ thuật viên Đàm Văn Dịu, 27 tuổi, quê ở Cao Bằng cho biết: "Ông chủ của tôi cũng là một người mù nhưng chơi nhạc rất hay đấy. Anh ấy chuyên đàn cho chúng tôi hát, vui lắm nhé". Anh cũng cho biết thêm, hiện cơ sở có 5 người làm việc. Tuy bị mù nhưng tất cả vẫn có thể tự lao động bằng chính đôi tay của mình. Mỗi nhân công ở đây đều có thu nhập từ 1 đến 1,6 triệu đồng/tháng.
Từ lúc nào, họ đã coi đây là mái nhà thứ hai của mình. Đó là bác Đinh Thị Hồi, 48 tuổi, quê ở Quảng Ninh; chị Nguyễn Thị Nứa, 35 tuổi, quê ở Bắc Ninh; em Mai Thị Thanh, 24 tuổi, quê ở Nam Định… Mọi người ở đây đều có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Điều đặc biệt là mọi người sống chan hoà, không có khái niệm ông chủ và người làm công. Gặp những con người tật nguyền song vẫn tràn đầy nghị lực sống, nhất là có một cuộc sống ổn định tại một cơ sở vật lý trị liệu có thu nhập ổn định, tôi không khỏi tò mò về người được coi là "ông chủ" của cơ sở này- anh Nguyễn Duy Khánh.
Đến nhạc sỹ, nhạc công tài hoa
Khánh sinh năm 1977, trong một gia đình buôn bán nhỏ của thành phố cảng Hải Phòng. Nhà có 2 anh em, nhưng mỗi người một tính cách. Trong khi Khánh sống rất mơ mộng thì cậu em lại sống rất mạnh mẽ. Cuộc sống của Khánh đang yên bình thì gặp phải một tai nạn oan nghiệt.
Chẳng là, năm 1984, khi Khánh lên 7 tuổi, trong một lần hàng xóm tổ chức đám cưới, ngay sau khi tiếng pháo vu quy vừa cất lên, Khánh và người anh họ lao vào nhặt những quả pháo còn sót lại. Thật không may, vừa cầm trái pháo trên tay thì nó phát nổ, phá hỏng đôi mắt thơ ngây của cậu bé. Thương con, bố mẹ Khánh đã bán hết gia sản, đưa con ra nước ngoài chạy chữa với hy vọng cứu đôi mắt của cậu con trai. Mặc dù đã được các bác sỹ hết lòng chữa trị nhưng đôi mắt của anh không còn nhìn thấy gì nữa. Có thể nói, đó là một cú sốc quá lớn đối với bản thân và gia đình Khánh. Đến năm 1989, cuộc sống trước mắt anh chỉ là một màn đêm lạnh lẽo.
Tưởng rằng Khánh sẽ sụp đổ, gục ngã, buông xuôi tất cả nhưng chàng trai đầy nghị lực ấy đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Năm 1991, anh quyết định đăng ký học lớp ghi ta và lớp organ vào năm 1994. Sau một thời gian miệt mài, khổ luyện, Khánh đã có thể chơi được bản nhạc đầu tiên "Hoa chăm pa". Khỏi phải nói, lúc đó Khánh vui mừng đến mức nào. Lắng nghe những cung đàn của cậu con trai tật nguyền, gia đình cậu không ai cầm được nước mắt vì xúc động. Có lẽ đó là bản nhạc hay nhất họ từng được nghe.
Để nâng cao trình độ, từ năm 2003 đến 2007, Nguyễn Duy Khánh đã theo học Khoa Thanh nhạc của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng. Sau 4 năm đèn sách trong môi trường chính quy, sau khi tốt nghiệp ra trường, Khánh bắt đầu chơi nhạc tại các quán cà phê: Scooter ở số 75 phố Văn Cao và quán Cảm Giác ở số 146 Quán Nam. Vậy là hằng đêm, dưới ánh đèn lung linh, mờ ảo, trên một sân khấu nhỏ, chàng nghệ sỹ lướt những ngón tay trên phím đàn, đem niềm vui đến cho mọi người.
Duy Khánh đang say sưa chơi nhạc.
Khánh nói, anh thích nghe nhạc của Ngô Thụy Miên bởi đó là dòng nhạc trừu tượng, giàu triết lý, nói lên những trăn trở trong cuộc sống, rất hợp với tâm trạng của anh. Trao đổi với tôi, chị Bùi Thu Hằng, chủ quán cà phê Scooter ở số 75 phố Văn Cao cho biết: "Khánh là một người đặc biệt, lại chơi nhạc rất cừ. Cậu ấy là tấm gương về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mình rất khâm phục cậu ấy". Nhìn Khánh chơi nhạc không ai có thể ngờ được rằng anh là một người mù. Nhiều vị khách nước ngoài đến quán cũng rất khâm phục chàng nghệ sỹ đặc biệt này.
Cuộc sống luôn công bằng với mọi người. Sau những nỗ lực của bản thân, hạnh phúc đã mỉm cười với anh một cách thật tình cờ. Vũ Thị Ngọc, sinh viên năm thứ 2, Khoa Chế biến thực phẩm, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng say mê tiếng đàn của chàng trai tật nguyền đã thầm yêu anh từ lúc nào.
Ban đầu, khi biết tin con gái mình yêu một người mù, gia đình Ngọc ra sức ngăn cản. Nhưng với tình yêu chân thành, cả hai đã kiên trì thuyết phục gia đình, đến năm 2003, đám cưới của họ đã được tổ chức một cách giản dị nhưng ấm cúng. Một năm sau, tổ ấm của Khánh đón thành viên thứ ba, con trai đầu lòng Nguyễn Duy Anh. Niềm vui của anh như được nhân đôi, con trai thứ hai mới sinh nặng 3kg. Tuy không nhìn được mặt các con nhưng Khánh vẫn nở những nụ cười mãn nguyện. Hạnh phúc thật giản dị, đó là sự bình yên dưới mái ấm gia đình.
Bên cạnh việc chơi nhạc, cháy hết mình vì đam mê nghệ thuật, những lúc rảnh rỗi, Nguyễn Duy Khánh còn tham gia các hoạt động xã hội. Hiện anh là Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Lê Chân, TP Hải Phòng với 70 hội viên. Bên cạnh đó, anh còn là hội viên của Hội LHVHNT TP Hải Phòng.
Mỗi khi các trường học, các cơ quan tổ chức văn nghệ, họ lại mời anh. Với tính cách hòa đồng, lạc quan, Khánh được mọi người rất quý mến. Năm 2007, tại Hội thi Tiếng hát trái tim do Hội Người mù Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, anh đã giành huy chương vàng với tiết mục đơn ca: “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”.
Đặc biệt, Khánh còn có khả năng sáng tác ca khúc. Anh vừa mới gửi 2 ca khúc: “Hải Phòng trong trái tim tôi” và “Hải Phòng tình yêu của tôi” tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố do Sở VH-TT&DL Hải Phòng phát động.
Tôi chợt nhớ tới những ca từ ngọt ngào, lãng mạn xuất phát từ trái tim và tình yêu Hải Phòng mãnh liệt của Duy Khánh: "... Hải Phòng, thành phố của tôi, như tòa lâu đài bên bờ biển xanh đầy nắng gió. Bao yêu thương hướng về thành phố hoa phượng đỏ. Hải Phòng lớn lên với bao niềm tin của chúng ta...".
Xin chúc cho anh và gia đình luôn bình an. Chúc anh sẽ sáng tác được nhiều ca khúc hơn nữa về TP Hải Phòng trung dũng, kiên cường, nơi đã sinh ra anh - người không khuất phục trước khó khăn của cuộc sống, như cây phong ba vững vàng trong bão táp…
Đăng Hùng
http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=124932