Lăng Can nhìn từ trên cao có những dãy nhà san sát nhau ngay ngắn nhưng nhìn vẫn duyên dáng, sinh động
Trông thì đơn giản thế thôi nhưng con dốc này kinh ra phết lại rất dài nữa toàn phải thả số 1 bò xuống
Và đây một trong những căn nhà vừa nhìn thấy trên cao. Chưa tìm hiểu kỹ nhưng nhìn qua thì có thể đoán đây là một biến thể của nhà sàn. Dưới sàn thay vì để trống gió lùa thì nay đã có vách ngăn và tận dụng làm phòng sinh hoạt, kho chứa đồ và để xe ... Cũng hay hay và tiện lợi nhưng tớ vẫn thích nhà sàn nguyên thủy hơn, nằm trên nhà sàn mà không nghe gió rít dưới lưng thì chả còn gì thú vị.
Đây dòng suối mà khi nãy đứng trên dốc cao nhìn xuống chỉ bằng cái đũa. Cậu nhóc này rất sát cá, chỉ trong khoảng 15' lúc chúng tôi loanh quanh chụp ảnh cậu đã giật được 4-5 con cá. Cái loại này trông bé bé thế thôi nhưng với 1 xâu trên tay cậu bé về nhà làm 1 nồi chua cay thì cũng tốn cơm phải biết ... (Hic lại nói tới ăn uống rồi!)
Còn đây lại là một món đặc sản nữa của vùng cao: rêu suối, tớ cứ nghĩ đây là tảo (rau câu) nước ngọt cho dễ hiểu. Rêu được cạo lên đặt lên những tảng đá nhẵn, rộng, dùng thanh tre, gỗ dập, vừa nhặt gốc rêu, sạn, sỏi rồi rửa sạch. Mang về nhà ủ muối nhạt từ 10 đến 15 phút rồi rửa lại, băm nhỏ cho gia vị vào để chế biến thành các món ăn như: (1) Khay pho
: với gia vị gồm hành, tỏi, mắc khén, gừng, ớt, thì là, lá chanh, sả băm nhỏ, trộn đều với rêu cho thêm muối vừa ăn rồi gói lại bằng lá dong hay lá chuối, vùi vào tro nóng, từ 2 tiếng trở lên cho gói rêu chín chậm, khi lá chuối khô giòn, gói rêu tròn như quả cam vàng rộm là rêu đã chín tốt lấy ra ăn. (2) Khay pỉnh: sau khi làm rêu như món Khay pho, dùng lá chanh hoặc lá lốt gói nhỏ kẹp thanh tre nướng trên bếp than cho chín từ từ. Sau khi rêu chín rán lại bằng mỡ lợn rồi bỏ ra đánh chén.
Riêng chị gái người Tày này thì bảo rêu rửa sạch ngâm muối rồi xào tỏi ăn thay rau là ngon và nhanh nhất!
Đảm đang
Cô bé này chừng 12-13 tuổi đang xử lý một chậu quần áo to nhưng vẫn cười rất tươi khi chúng tôi giơ máy lên chụp ảnh. Giặt quần áo ở dòng nước chảy xiết thế này cực nhanh và cực sạch nhé.
Những khúc quanh đường làng này tuy đơn sơ, giản dị chẳng thơ mộng hùng vĩ gì nhưng dễ làm nao lòng những kẻ xa quê
Anh bạn Hải Âu cứ vòng qua vòng lại nhìn ngó như đang tìm kiếm gì đấy, xong rồi lại ngồi sát vào cô gái bên bờ suối rù rì to nhỏ ... Không kìm được cái sự tò mò tôi lượn sát vào thì nghe Hải Âu hỏi cô hàng rêu "có biết cô giáo B không" à thì ra là chủ đề "người xưa chốn cũ". "Mẹ em dạy học ở Lăng Can này cách đây hơn 30 năm, mẹ địu em lên đây khi mới được 1 tháng 18 ngày tuổi" ... Ặc ặc nghe xong tự dưng tôi cũng ngây người ra một lúc, nao nao và bồi hồi!
"Ôi chắc mấy cô này chả biết đâu" tôi an ủi Hải Âu đoạn hai anh em đứng dậy nhìn xung quanh một chập nữa mới lên xe đi tiếp.