Ông Kip Cheroutes, giảng viên PR/quan hệ chính phủ, trường Đại học Denver, là một trong những khách mời danh dự cho buổi lễ ra mắt thị trấn PhinDeli. Sau đây là bài viết nhận xét của ông về ý tưởng thị trấn cà phê Việt PhinDeli.
Người ta thường gọi Wyoming, một tiểu bang ở miền Tây nước Mỹ là “Xứ Sở Bầu Trời Rộng Lớn”. Cả một vùng đất mênh mông bạt ngàn, không có cây cao, vì vậy bạn có thể phóng tầm mắt ra tận xa tít tắp. Một bầu trời xanh biếc, những con đường với đồng cỏ ngút ngàn. Quả thật, đó là một “bầu trời rộng lớn” trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã nhìn thấy cơ hội của mình chính ở thị trấn có lịch sử 147 năm nơi “Xứ Sở Bầu Trời Rộng Lớn” đó. Điều này thoạt nghe có vẻ lạ, khi mà thị trấn nhỏ này chỉ có 1 công dân, và không phải là nơi sầm uất cho những ý tưởng kinh doanh. Nhưng vị doanh nhân trẻ này và thương hiệu cà phê Việt PhinDeli lại không xem đó là vấn đề.
Ông Kip Cheroutes, giảng viên PR/quan hệ chính phủ, trường Đại học Denver
Vị trí là một ưu thế đặc biệt của thị trấn PhinDeli. Trước đây, khi ông Nguyên quyết định mua thị trấn, nhiều ý kiến đã nghi hoặc cho rằng thị trấn này nằm ở nơi quá “hẻo lánh” cho việc mua bán và tiếp thị, nhất là khi nó chỉ có 1 công dân. Tuy nhiên, họ đã không để ý rằng thị trấn PhinDeli nằm trên con đường quốc lộ 80, con đường huyết mạch nối liền các tiểu bang lớn. Hàng ngày, có hàng ngàn tài xế và hành khách chạy qua đây.
Và họ sẽ làm gì với thị trấn PhinDeli? Câu trả lời chắc chắn là sẽ xem đây như một trạm dừng chân, nghỉ ngơi và mua cho mình một số đồ dùng lặt vặt. Một lý do khác để họ dừng lại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ là vì tò mò. Từ trên đường cao tốc, các tài xế đã có thể dễ dàng nhìn thấy những tấm panô lớn đầy vẻ mời gọi, về một Thị trấn Cà phê Việt. Đó là một chiến lược tiếp thị thông minh và đầy ắp các yếu tố bất ngờ. Không dễ có một thương hiệu Việt Nam, mới ra đời đã thu hút truyền thông và khiến những khách hàng từ khắp nước Mỹ phải dừng chân tìm hiểu, thưởng thức thử, quan tâm một cách đặc biệt như vậy.
Cơ hội đến với ông Phạm Đình Nguyên vào thời điểm tháng 4 năm ngoái, khi tình cờ đọc được thông tin về việc bán đấu giá thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với chỉ 1 công dân. Với tầm nhìn và sự táo bạo của mình, ông Nguyên nhận ra đây là một cơ hội lớn, vì Buford - mang lịch sử 147 năm và là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ - vốn có sự thu hút đặc biệt với giới báo chí, truyền thông.
Chiến thắng trong cuộc đấu giá và trở thành chủ nhân người Việt đầu tiên của một thị trấn trên đất Mỹ, ông Nguyên nhận biết cơ hội để mình thâm nhập vào thị trường nước Mỹ đã mở ra. Sau một năm trời chuẩn bị, cuối cùng, ông đã quyết định chọn sản phẩm cà phê – một sản phẩm quốc hồn quốc túy của Việt Nam.