Đúng dịp 30-4 năm ngoái, tôi ở... Tây Nguyên...
Bùn vì năm nay ít đi quá...
Post lại bài viết cũ...
BUỔI SÁNG HỎI NGÀN LÁ NHỎ
cd.
Buổi sáng còn nằm ườn ào ở khách sạn Buôn Mê Thuột. 6h sáng, trước khi xe khách chất lượng cao đến đón khách tận nơi, còn lịch sự phone trước, hỏi khách đã thức dậy chưa, chỉ 5 phút nữa là xe đến chân khách sạn.
Khách lỉnh kỉnh ba lô hành lý, chuyến đi Kontum lần này một thân một mình, khách biết điều đặt xe sớm, cho dù đã được cảnh báo rằng xe ở đây tuy rằng chất lượng cao nhưng cũng quanh quanh đón khách chán chê. Bác tài người nhỏ nhắn, đón khách bằng một nụ cười, hất hàm hỏi khách bằng cái giọng Tây Nguyên: "Sáng ăn gì chưa". Khách nghe mãi mới ra, nói: "Dạ chưa". Bác tài nói tiếp: "Tưởng rồi thì làm tí cafe!". Khách nhìn theo đôi mắt bác tài, mới thấy ly cafe thủy tinh bé tí xíu lọt thỏm đang sóng sánh theo nhịp lắc của ô tô. Mà cafe đặc thật. Khách để ý mỗi lần bác tài một tay cầm vô lăng, một tay với ly cafe, nhấp tí một, ngậm miệng một lúc, rồi có vẻ rất đã. Mỗi tí cafe, mà nó theo bác tài suốt cả hành trình Buôn Mê Thuột - Pleiku - Kontum 240km.
Bác tài không mở nhạc Đàm Vĩnh Hưng như vẫn thấy ở những chuyến xe khách miền Tây, bác tài mở ca khúc da vàng của Khánh Ly. Lạ nhỉ. Nhưng cũng thấy vui vui... vì tự dưng hợp gu. Khách cũng trật tự ra trò, chứ không nhộn nhạo. Đường đi đẹp quá. Đến phố núi Pleiku thấy những con đường giống Đà Lạt, chập chùng và lên xuống, lại nhỏ xiu xíu. Hai bên đường bạt ngàn rừng cafe và cao su, hồ tiêu. Đi qua khu Hoàng Anh - Gia Lai hoành tráng, qua Biển Hồ xanh như hai hòn ngọc, qua thác thủy điện Yaly, qua "em đẹp lắm Pleiku ơi..." trái tim khách dường như cũng thổn thức, vì chẳng biết có ai là người thương nhớ của mình... Những phố núi trong sương, "phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương/ Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên tóc em ướt và mắt em ướt/ Nên em mềm như mây chiều trong." (Thơ Vũ Hữu Định. Nhạc Phạm Duy)
Đi hết địa phận Kontum, xe lại chuyển... khách. Sang một xe khác độc quyền tuyến đường từ Pleiku đến Kontum. Thị xã Kontum chuyển mình, sạch sẽ, khang trang, nhưng... hỡi ơi, người dân tộc ở đâu nhỉ? Nhà Rông ở đâu nhỉ? Chắc chắn là không phải ở thị xã này rồi. Khách được thả xuống giữa đường trung tâm, hơi bơ vơ chút, nhưng không sao. Quen rồi. Vẫy chiếc xe ôm, nhờ xế chở tới khách sạn Tây Nguyên, cho gần cầu Đăk bla. Khách sạn khá to, sạch sẽ và giá cả vừa phải. Nghĩ cũng... mệt. Đi đúng đến 12 giờ mới tới Kontum, lại vùng lên, search trên mạng, tìm một số địa chỉ để đến, đầu tiên, sẽ là quán cafe Eva. Không có gì để từ chối Eva - một cái tên thật đẹp.
Đi lướt qua thành phố Kontum, chưa thấy gì là chất... Tây Nguyên, cho dù ở đây có nhiều dân tộc bản địa như Xê đăng, Jẻ Triêng, Jarai, Bana, Brâu, Rơ mâm, Kinh...nhưng nếu chỉ lướt qua thành phố sẽ chưa thấy hương vị ... dân tộc đâu cả. Cho đến lúc bước vào quán cafe Eva, đã thấy một Tây Nguyên đặc trưng của nhiều dân tộc. Gùi gác lên phía trên, củi còn đang cháy dở, những thau, chạp, tượng vương vất xung quanh bếp lửa của người Bana... Trong quán cafe, kiến trúc, ánh sáng được làm rất nghệ thuật. Eva buổi sáng có cảm giác tràn ngập hòa mình với thiên nhiên, buổi tối, là một Eva với cuộc chơi ánh sáng. Đi một vòng quanh có cảm giác thanh bình tràn ngập. Khách tới quán chợt phát hiện ra một khung cửa sổ có dán các bài báo viết về Eva trong đó có bài của người quen: Nguyễn Vĩnh Nguyên. Gọi cho Nguyên, Nguyên bảo phải gặp ngay anh chủ quán - họa sỹ Nguyễn Ngọc Ẩn.
Anh Ẩn vừa đi một chuyến tracking vùng rừng về. Hẳn rồi, phải đi sâu vào trong, mới còn người dân tộc đang sống theo chế độ mẫu hệ, còn nguyên thủy xé rừng, và được nhà nước cho phép xé rừng mà sống. Theo anh Ẩn, do tập tục du mục, cách xé rừng của người dân tộc lạ lắm, họ làm thế nào mà chỉ hai năm sau quay lại, lại có thể làm nương rẫy được, họ không triệt rừng. Còn lại, đa số dân tộc đã được mời về ở tập trung, và canh tác định cư lâu dài, nhà cửa cũng đã biến đổi... Có lẽ chính các cánh rừng cao su của những người mới định cư mới là... phá rừng "dã man" nhất.
Vẻ đẹp của Kontum có lẽ ở những ngôi nhà thờ, tòa Tổng Giám mục, nhà rông, và ngôi làng phía sau các con phố nhỏ. Nhà thờ Gỗ - niềm tự hào của người dân Kontum nằm bên bờ sông Dakbla lộng gió. Được xây dựng từ năm 1913 với kiến trúc kết hợp giữa Pháp và Bana, nhà thờ không chỉ có chức năng là nơi giảng đạo mà bên trong còn có các xưởng may, dệt thổ cẩm và cô nhi viện.
Dãy núi Ngọc Linh xa xa cũng là một điểm du lịch cho những ai thích chinh phục các đỉnh núi. Rừng và núi Tây Nguyên đại ngàn, có lẽ đọng lại ở Kontum - một thị trấn mới lên đời thành phố với dòng chảy của núi rừng bí ẩn, nhưng hồn nhiên, và ngay thẳng như người dân Tây Nguyên.
Khách sau khi đi thăm quan một vòng Kontum, đến cả nhà ngục Kontum khét tiếng trong lịch sử giữ nước xưa kia, ngậm ngùi nhìn những vật chứng lịch sử đang dần mất đi, thay thế là màu xanh của cây rừng. Nghĩ tới con đường quốc lộ 14 nơi những tù nhân bị đầy ra đó làm đường- con đường thông sang Lào - Campuchia, và cửa khẩu Bờ Y, nơi giáp biên giới, nơi con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy...
Kontum thú vị lắm, sẽ còn ý nghĩa hơn nữa, nếu như khách được đi tracking tới các làng bản sâu trong rừng. Tìm hiểu đời sống và văn hóa của người dân tộc, như vậy, cuộc đời cũng đã có ý nghĩa hơn rồi nhỉ? Lên xe, trở về Buôn Mê Thuột cho kịp chuyến bay Hà Nội, khách nhủ lòng mình, rồi sẽ quay lại, Tây Nguyên ơi...