What's new

[Chia sẻ] Món ăn ngon từ chất liệu dừa - Và nhiều món ăn đặc sản Bến Tre đây!!!

Re: Cùng khám phá “ốc gạo” Cồn Phú Đa - Bến Tre

Tiếp theo: Cùng khám phá "Ốc gạo" Cồn Phú Đa - Bến Tre

* Gỏi ốc gạo trộn bắp chuối và lá gừng:
Ocgaotronbapchuoi.jpg
Sau khi luộc chín ốc gạo, lể ốc bỏ vỏ, hành tây, ớt, lá gừng, cắt sợi trộn với bắp chuối và ốc. Pha nước mắm với chanh, đường, tỏi, ớt. Rưới hỗn hợp lên gỏi, cho rau thơm sắt nhuyễn vào rồi trộn đều. Cho đậu phộng rang, hành phi lên mặt. Gỏi ốc gạo lá gừng ăn với bánh tráng mè, có thể chấm thêm với nước mắm chua ngọt, thì ngon tuyệt.

* Gỏi c gạo trộn với bưởi và cơm dừa:
Ocgaotronbuoi.jpg
Luộc ốc cho chín, lể ra, trộn thêm chút tiêu, đường, hành rồi bắc chảo lên xào sơ qua. Sau đó trộn ốc vào với ruột bưởi, dừa nạo, rồi dùng nước mắm pha thêm chút đường, tỏi, ớt rưới đều lên. Sau cùng rắc thêm rau thơm, hành phi là có thể dùng được. Chính hương vị đặc trưng của ốc, vị chua của bưởi, vị béo của dừa hòa quyện vào nhau, tạo thành một món ngon khó tả. Muốn ngon hơn nữa chúng ta có thể cuốn gỏi với bánh tráng nem, chấm nước mắm cay. Nếu không dùng ốc gạo làm gỏi, thì ta cũng có thể dùng ốc đắng cũng rất ngon.

Ngày nay, ốc gạo cồn Phú Đa không còn thu mình trên vùng đất Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre nữa mà đã được nhiều người biết đến nó như một sản vật thiên nhiên khá quý hiếm. Từ con ốc gạo miệt vườn của một số vùng sông nước ĐBSCL được chế biến ra nhiều món ăn dân dã ở vùng nông thôn, nay ốc gạo đã được người ta quan tâm đưa nó đến các nhà hàng, quán ăn lớn tại các tỉnh, thành. Và từ con ốc gạo đã làm ra những món ăn sang trọng, độc đáo hơn như: món ốc gạo chấy mỡ tỏi, lẩu mắm ốc gạo, ốc gạo um nước dừa, ốc gạo rang bơ, ốc gạo tiềm thuốc bắc…
Ocgaonhieumon.jpg

TTXTDL Bến Tre
 
Last edited by a moderator:
Ai lên Vĩnh Bình ăn Bánh xèo Phú Đa - Bến Tre

ChiKimDung-dobanhxeo.jpg
Bánh xèo là món ăn dân dã, nhưng đòi hỏi không ít công phu và độ khéo tay của người làm bánh. Muốn ngon, ăn bánh xèo phải cầu kỳ. Ăn không chỉ để no, mà đó còn là một nghệ thuật. Nên có nhiều người làm, mà nổi tiếng chẳng có mấy ai là vậy. Đến nhà chị Nguyễn Kim Dung, vợ của anh Ba Ngói, Phó chủ nhiệm hợp tác xã ốc gạo Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) sẽ thấy nhiều điều thú vị về làm và ăn bánh xèo.

Bánh xèo làm từ bột gạo. Bánh xèo ngon trước hết là nhờ bột. Bột phải đủ các hương vị lẫn màu sắc: Độ béo của dừa, độ ngọt của đường, một tí mặn của muối, mùi thơm của hành và màu vàng của nghệ. Ngày xưa, nhà muốn ăn bánh xèo thì trước đó phải ngâm gạo, mang đi xay thành bột nhuyễn, rồi mới pha chế. Ngày nay tiến bộ hơn, làm bánh xèo có bột pha sẵn bán ở tiệm. Sở dĩ khách ăn bánh xèo “nhớ đời” một số nơi, là do các bà nội trợ ở đây biết pha chế, gia giảm trong bột những hương vị trên. Và, riêng chị Dung thì “có thêm bột đậu xanh” để làm tăng thêm độ béo và giữ được màu vàng của bánh.

Nhân bánh là phần không thể thiếu và góp phần làm cho cái bánh ngon. Phổ biến là con tép bạc non vừa mềm lại vừa ngọt, cộng thêm một nhúm giá là đủ. Vào đầu mùa mưa, nhất là mồng 5 tháng 5 âm lịch, những nơi có nấm mối bỏ thêm vào là rất tuyệt. Có người không có giá, mà thay bằng măng tre hoặc tàu hủ dừa, thì bảo đảm không có người chê. Riêng chị Dung, nhân bánh xèo chỉ có 2 thành phần chính là giá và ruột hến. Vậy mà khách ăn rồi vẫn khó quên.

Từ xưa đến giờ, không ai làm bánh xèo ăn mà không có rau. Rau ăn bánh xèo đủ các vị chua, chát, đắng, cay, nồng của “hương đồng cỏ nội”, mà người dân quê gọi là rau vườn như lá cách, lá lụa, lá kèo nèo, đọt xạn, lá non lụt bình, đọt xoài, đọt điều, cải bẹ xanh non, rau vừng, rau chiết, lá cát lồi, các loại rau thơm, … đủ thứ, mùa nào rau đó. Nhưng đặc biệt rau ở nhà chị Dung rất tươi và sạch.

Nước mắm ăn bánh xèo không “đủ đô” cũng làm cho bánh xèo không ngon. Cũng với vị chua của chanh, ngọt của đường, mặn của nước mắm, cay của ớt, nồng của tỏi, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng pha chế cho vừa khẩu vị người ăn, chứ đừng nói đến “để đời”. Cái khác ở chị Dung là pha bằng nước dừa, nên nước chấm “đậm đà”, đặc biệt là mấy miếng ớt băm nhuyễn nổi lên, làm cho chén nước mắm càng tăng thêm vẻ đẹp.
Bánh xèo ngon không chỉ có bột, rau và nước chấm, mà còn là hình thức bánh, phong cách ăn bánh và thái độ của người làm với người ăn. Cách đổ bánh xèo cho giòn cũng là một nghệ thuật. Chỉ làm cho có được độ mỏng của bánh, khách sẽ không khỏi “say đắm” đôi tay uyển chuyển của người thao tác cầm muỗng đổ bột và xoay nhẹ chảo cho bánh tròn và đều. Cho nên, ăn bánh xèo phải ăn lúc còn nóng.
Anbanhxeo.jpg
Ăn bánh xèo có đặc điểm là phải bốc (bằng tay). Ăn bốc mới ngon và đặc biệt phải “rất tự nhiên”. Tính chất dân dã của bánh xèo chính là ở chỗ này, không khách sáo nhưng không kém phần nghiêm túc, trân trọng, ăn cả tấm lòng, chứ không thể “ăn vị tình”, “ăn cho được lòng” thì không ngon.. Nhìn mấy ông khách nước ngoài ăn bánh xèo không khác gì người Việt - cũng bốc hốt mà ăn ào ào. Đấy là một minh chứng không chỉ thích bánh xèo vì chất lượng, mà còn vì cách ăn. Ăn bánh xèo phải coi tất cả là người “trong nhà”, tự mình thao tác các công đoạn, ăn ngấu, ăn nghiến, ngồi bất kể chỗ nào, miễn sạch là được. Như vậy mới ngon. Ăn bánh xèo rất xa lạ với phong cách ăn phải mời, phải gắp để, phải bỏ áo trong quần, thắt cà vạt, mang giày, “kẻ hầu, người hạ”. Thời điểm ăn bánh xèo cũng góp phần cho buổi ăn ngon. Đến với điểm du lịch của Ba Ngói, khách “chưa được” ăn bánh xèo ngay, mà phải đi một vòng trong vườn để “tham quan” cây ăn trái, hít thở khí trời cho đã sau một thời gian dài ngồi trên xe ngột ngạt, rồi xuống xuồng ra sông xem hoặc tham gia thu hoạch ốc gạo cùng nhân viên của hợp tác xã. Sau đó khách thoải mái về tắm rửa, nghỉ ngơi mới lên bàn ăn. Khách không muốn ngồi trong “chòi” có bàn, có ghế đàng hoàng, thì trải chiếu ra gốc cây ngồi ăn tùy thích. Thú vị chính là chỗ đó.

“Chị làm như thế này có lời nhiều không?” – tôi hỏi. “Có chứ, nhưng ít thôi. Chủ yếu là “thử” khả năng mình mà” – chị cười và nói. Khách không ăn bánh xèo còn có gỏi cuốn, cá chiên, gà luộc xé phay, ốc gạo chấm nước mắm sả băm, cơm ăn với cá kho, canh chua. Cũng các món ấy nhưng vẫn có đồ ăn chay thích hợp cho người tu hành. Nhìn vào “cơ ngơi”, chỉ có hai người đang cắm cúi làm việc: chị đổ bánh, còn mẹ chồng là bà Huỳnh Thị Lựu đang ngồi rửa rau. Đã quá 11 giờ trưa, vì bận khách nên cơm chưa chín, chị giật mình quay lại nhìn mẹ mà tay vội lấy một cái bánh xèo đặt vào đĩa: “Mẹ, nghỉ tay ăn cái bánh để lót dạ”. Ai chứng kiến được cảnh này sẽ thấy rõ một thứ tình trong đó.

Ăn một thứ bánh mà hòa quyện được tất cả khí trời và đất, cùng với tình người vào một miếng ăn, thì làm sao không lay động được người cảm nhận? Thiên nhiên đã ban tặng con ốc gạo Phú Đa có một chất lượng “vừa thơm, vừa béo”. Bằng cái bánh dân dã, chỉ một thời gian ngắn, mà con người ở đây cũng không kém phần “vừa khéo lại vừa khôn”, để làm đậm đà thêm “thương hiệu” của mình với khách gần xa. Đó là “Bánh xèo Phú Đa”.

Người viết: Lê Quang Nhung
Đăng bởi: TTXTDL Bến Tre
 
Re: Ai lên Vĩnh Bình ăn Bánh xèo Phú Đa - Bến Tre

Xin nói ngay một điều rằng, người viết bài này không có ý gợi chuyện “nghêu, sò, ốc, hến” trong chèo hay tuồng cải lương, mà chỉ nói về con hến – một con cùng họ với nghêu, sò, ốc đâu đâu cũng có, đang sống trên sông rạch, trong đó có huyện Chợ Lách (Bến Tre). Nhưng không phải vì vậy mà con hến nơi nào cũng giống nhau.

Hến sông, hến rạch, hến cồn…
Đó là chỗ trú ngụ và lớn lên của con hến ở Chợ Lách. Ai chưa rõ điều này, thiết nghĩ cũng chưa hiểu tận tường về “tính tình” của con hến của vùng sông nước này.

Từ xưa đã có người để ý và nói: Ở Chợ Lách, hễ năm nào mà hến có nhiều, mập, trắng thì thời tiết năm đó không thuận cho mùa trái cây. Khó khăn về cây trái, nhưng bù lại có hến, nên người nghèo đỡ khổ, bớt chạy lo cho bữa ăn hàng ngày. Trời hại, rồi lại trời cho.

Hến vốn sinh ra từ rạch, lớn lên một tí là ra sông, khi “đủ lông, đủ cánh” là “leo lên cồn”. Lúc hến sống được bên cồn là rất mập, trắng lại tròn, nên rất ngon.
Banh+xeo+hen.jpg

Món bánh xèo hến - một trong những đặc sản của Chợ Lách

Màu sắc của hến cũng vì vậy có khác nhau. Lúc ở rạch vỏ màu sáng, xuống sông có sậm hơn, đến khi lên cồn lại chuyển màu xanh óng ánh như màu thép. Khi vỏ hến chuyển sang hơi vàng đôi chút là thu hoạch. Lúc này vỏ mỏng mà ruột mập và trắng. Nói chung, “thì con gái” của hến là lúc “lên cồn”. Ăn hến ngon nhất là giai đoạn này, vì chẳng những giòn mà còn ngọt và thơm đến lạ lùng. Dân sành điệu thì đến cồn để bắt hến, cùng lắm là ở sông, chứ ít ai xuống rạch để mò hến. Vì hến lúc này còn nhỏ và không ngon.

Qua kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai lý giải có sức thuyết phục là vì sao con hến ở Chợ Lách ngon hơn không chỉ vì mau lớn hơn, mà còn ruột trắng hơn, mập hơn và ăn giòn hơn mỗi khi hến sống chung với ốc gạo. Thực tế hến ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, cách không bao xa, nhưng thường nhỏ và không ngon bằng hến ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình. Bởi vậy, dân trong tỉnh đến cồn Phú Đa gọi hến là “con nghêu nước ngọt” không phải là quá đáng.

Món ăn từ hến
Chỗ ở của hến Chợ Lách đã khác, còn món ăn chế biến từ hến lại càng phong phú. Phải nói trước hết là cháo hến. Cháo hến mà nấu với nước cốt dừa là hết chỗ chê. Nguyên liệu nấu cháo hến rất đơn giản, chủ yếu là gạo, dừa và hến. Gia vị gồm muối, tiêu, hành lá và hành tím phi dầu cho vàng, không cần đến bột ngọt hay đường, vì chất của hến đã rất ngọt.

Công đoạn đầu tiên là luộc hến. Luộc hến lấy ruột, đơn giản nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải biết cách, vì nếu không tuân thủ một vài thao tác thì ruột hến không trắng, không giòn mà còn dai. Muốn làm cho trắng và giòn, thì sau khi nước sôi là đổ hến vào, khi nước sôi bùng là ruột hến nổi lên, lấy vợt vớt ra đổ vào một cái thau nước lạnh, trong đó có ít muối. Người ta gọi khâu này là rửa ruột hến. Rửa xong vớt ra rổ để cho ráo nước. Có người nói, sở dĩ ruột hến trắng và giòn là do biến đổi đột ngột giữa hai trạng thái nóng và lạnh, cùng với một ít muối. Mẹo đơn giản, nhưng không để ý cũng khó mà biết.
Sau khi xử lý xong ruột hến, thì nước luộc hến cũng được giữ lại một phần, cùng với nước dảo của dừa đưa vào nồi để nấu cháo. Thấy gạo nhừ là để ruột hến vào cùng nước cốt dừa. Sau cùng là nêm nếm cho vừa ăn là tắt lửa.
Chao+hen.jpg

Cháo hến, gỏi hến những món ăn không kém phần hấp dẫn đối với thực khách

Cháo hến đến đây chưa phải là xong, vì ăn cháo hến phải có rau. Rau ăn với cháo hến rất bình dân, chỉ là những thứ “hương đồng nội”, như thân cây chuối non, bắp chuối, rau thơm, tất cả xắt thành từng sợi nhỏ, trộn chung với giá. Bỏ chung vào tô cháo hay ăn riêng từng miếng là tùy thích, cách nào cũng ngon.

Món ăn thứ hai là gỏi cuốn hến. Nguyên liệu để làm món gỏi cuốn hến gồm bánh tráng, bún, dưa leo, rau thơm, hẹ, nếu có vài lát thịt heo ba rọi thì càng ngon. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong là tiến hành gói. Gói gỏi cuốn cũng là một nghệ thuật. Gỏi cuốn ngon không chỉ vì chất lượng từ nguyên liệu, mà còn vì hình dáng của cuốn gỏi. Cuốn gỏi đẹp là phải gọn, cuốn rồi mà vẫn thấy cả hến, thịt, bún, rau, dưa và đừng quên là phải để vài cọng hẹ ló ra ngoài ở một đầu của cuốn gỏi. Đã như vậy mà ăn gỏi cuốn vẫn chưa ngon, vì nước chấm góp một phần không nhỏ cho độ ngon của gỏi cuốn. Ăn gỏi cuốn nói chung phải có một trong hai loại nước chấm. Nước chấm pha chế và tương xay. Nước chấm pha phải đủ các hương vị hòa quyện lại như cay của ớt, nồng của tỏi, chua của chanh, ngọt của đường, mặn của nước mắm ngon, lại có nước dừa càng làm cho cho nước chấm đậm đà hơn là pha với nước lã. Loại nước chấm thứ hai đơn giản hơn, được pha chế sẵn từ tương xay hòa chung với tương ớt.

Ăn gỏi cuốn hến gặp tiết trời nóng nực, mà nghiêm chỉnh, mang giày, bỏ áo trong quần, thắt cà vạt cũng không ngon. Ăn phải tự nhiên, nơi thoáng mát, dưới tàn cây, hay bên bờ ao, bờ sông càng tốt. Đặc biệt, ăn gỏi cuốn hến ở quán mà có người tiếp tân khéo đãi bôi thì lúc ấy ăn không chỉ để no, mà còn là thưởng thức đầy đủ về tình người, hoà quyện với những gì tinh túy nhất từ trời và đất.

Hến còn làm gỏi. Không phải gỏi cuốn mà dân dã gọi là gỏi rối. Gỏi rối làm từ hến, dưa leo, rau thơm, củ cải đỏ, củ cải trắng, trái su su, xoài sống,… tất cả xắt nhuyễn thành sợi, đem ra dĩa sau đó đưa lên địa phía trên có tỏi phi, đậu phọng. Cũng là một món ăn ngon, nhậu cũng được, ăn cơm cũng hấp dẫn.

Hến còn làm món cơm rang hến, hến xào giá hẹ, hến khèo sả ớt, canh chua hến, canh rau tập tàng, … Ối thôi! Quá nhiều món ăn từ hến. Du khách muốn một lần thưởng thức cho biết, xin đến UBND xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách), gặp chị Hương Hội Phụ nữ xã, chị ấy sẽ cho ta một bữa ăn vừa ý sau một tour du lịch.
Hến sông, hến rạch, hến cồn.
Ba hến hợp lại dập dồn ai ơi!


Tác giả: Lê Quang Nhung
Đăng bởi: TTXTDL Bến Tre
 
Re: Ai lên Vĩnh Bình ăn Bánh xèo Phú Đa - Bến Tre

Con ốc gạo ở Cồn Phú Đa

Bat+oc+gao.jpg

Đánh bắt ốc gạo - ảnh Nguyễn Bảy

Có lẽ cồn Phú Đa, một trong hàng trăm cồn ở tỉnh Bến Tre chả ai biết đến, và cũng không thèm đến, nếu như không có con ốc gạo ngon vì độ giòn và béo. Nó ngon đến nỗi có người đã nói rằng: Đến Chợ Lách vào dịp mồng 5 tháng 5 âm lịch mà không được ăn hoặc mua con ốc gạo thì coi như chưa đến huyện vốn đã nổi tiếng vùng cây ăn trái này.

Ốc có “tâm hồn”
Theo các bậc cao niên, con ốc gạo đã có mặt từ khi cồn Phú Đa vừa ló dạng và theo năm tháng, chứng kiến con người bên này sông sang khai thác cồn, gặp nước ròng, phải lội sau những buổi chiều về. Con ốc “được làm bạn” với con người từ thuở hàn vi và thưa thớt ấy. Ốc không chỉ là bạn mỗi khi con người lỡ bước sang sông. Ốc còn góp mặt với đời bằng nhiều món ăn ngay cả nơi phồn hoa như Sài Gòn vào những năm 50 thế kỷ XX cũng phải biết tiếng. Khách không có thời gian, muốn ăn nhanh thì có ốc luộc chấm với nước mắm sả băm, ốc luộc mỡ hành. Chế biến thêm một tí thì có món ốc xào với thịt bò, ốc trộn dừa rám nạo ra thành từng con, cuốn bánh tráng, chấm với tương xay. Lúc rảnh rỗi, khách muốn cầu kỳ để hợp khẩu vị, nhưng đồng thời thử tài khéo tay của đầu bếp thì có món ốc hấp sữa, bánh xèo nhân ốc với tàu hủ dừa. Khi ăn, không thể thiếu rau vườn như lá cách, cải trời, cải bẹ xanh, lá lụa, lá xoài non, kèo nèo, … Tất cả rau được hái đem về rửa sạch, cuốn với bánh mà chấm với nước mắm pha chế có đủ vị cay của ớt, vị chua của chanh, vị ngọt của đường, độ nồng của tỏi, cùng với các loại rau sẽ hòa quyện cả khí trời và đất vào một miếng ăn ngon. Con ốc gạo Phú Đa có “thương hiệu” từ dạo ấy. Ốc không làm hại người. Ốc sinh ra và mong cho chóng lớn chỉ để phục vụ con người. Thế nhưng…

Trước giải phóng (1975), ốc nhiều vô kể. Đến những năm 1977–1978 mà sản lượng vẫn còn hàng trăm tấn. Nhưng rồi mạnh ai nấy bắt, bắt bằng tay không đủ, người ta sử dụng đến cào, cào lưới chưa hả dạ, con người dùng đến cào điện, xuyệt điện. Con ốc đã đẻ không kịp để cho con người ăn, cho nên ốc không còn có thể phục vụ con người, nên đã ngậm ngùi ra đi!

Bao giờ ốc sẽ bay xa?
Nói vậy thôi chứ một thời gian sau, ốc lại trở về, vì ốc cũng có “quê hương”. Thật vậy, năm 2003 ốc đã trở về khiến con người nơi đây mừng ra mặt. Rồi Hợp tác xã Vĩnh Tiến ra đời để khai thác ốc hiệu quả hơn, căn cơ hơn, cho con ốc không bị tận diệt như trước nữa. Điều đáng mừng hơn, con ốc dưới đáy sông đã không ngừng sinh nở, từ 2,5 tấn vụ đầu tiên, lên 12 tấn năm sau, rồi 20 tấn và theo anh Ba Ngói, Phó Chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, người ngày đêm “sống chung” với ốc gạo, “dự kiến năm nay sẽ đạt con số trên 30 tấn thu hoạch”. Cùng với cách ăn chia, con ốc đã góp mặt, lấy lại lòng tin không chỉ 30 xã viên lúc ban đầu, mà sâu xa hơn, là “thương hiệu” của mình đã bị đánh mất từ lâu, nay được khôi phục lại. Ốc gạo Phú Đa không chết.

Hiện tại, HTX ốc gạo Vĩnh Tiến có 142 xã viên, quản lý trên 150 ha mặt nước sông. Năm ngoái (2006), sau thu hoạch, trừ đi các khoản chi phí, mỗi xã viên bỏ vào 1 triệu đồng, cuối vụ nhận về 1,99 triệu đồng. Hiệu quả là có thật, nhưng không phải là nguồn thu chính của những người dân nơi đây, vì làm sao lấn át nổi những cây đặc sản đầy ắp trong vườn như chôm chôm Thái, chôm chôm đường ngọt lịm, những cây sầu riêng đến mùa ra hoa cho quả chín thơm lừng đặc trưng của chính nó; rồi măng cụt thịt trong trắng ngần, ngọt lựng.

Theo anh Nguyễn Văn Hưng, chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, “sắp tới, dưới mương vườn của bà con ở đây sẽ nuôi con tôm càng xanh và con cá để màu sắc miệt vườn vốn êm ả, làm tăng thêm lung linh ánh nước”. Đó là gì? Ai cũng biết rõ. Vì đây đó đã có “dấu vết” của khách du lịch về.

Để đến được khu ốc gạo cồn Phú Đa không chỉ có một con đường duy nhất. Nếu là đường bộ, từ thị trấn Chợ Lách lên cũng được, đến UBND xã Vĩnh Bình rẽ trái, đi tiếp khoảng hơn một cây số là đến. Hoặc từ tỉnh Vĩnh Long sang bằng phà Đình Khao cũng dễ. Nếu là đường sông, nhìn lên bản đồ, từ Tiền Giang qua thì theo sông Tiền, lên khúc uốn sông Hàm Luông, quẹo vào vàm Kênh Lách, đến trung tâm huyện rẽ về Vĩnh Long, chạy một đoạn gặp kênh Bổn Sồ là tới nơi. Từ Vĩnh Long sang có dễ hơn, theo sông Cổ Chiên, qua phà Đình Khao chạy thẳng khoảng 10 cây số sẽ đến cồn Phú Đa. Nói vòng vèo như vậy để thấy rằng, nơi đây hiện vẫn còn nguyên vẹn nét “hoang sơ” của miệt vườn sông nước. Nơi đây không chỉ có cây ăn trái, với không khí trong lành, mà còn có cả tình người nữa, một thứ tình cảm đơn sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi thủy chung, mà ở thị thành ngày nay đang rất hiếm. Phải chăng khách du lịch đang cần những thứ ấy?

Ốc gạo Phú Đa vừa ngon vừa béo,
Người Phú Đa vừa khéo lại vừa khôn.


Con người nơi đây đã biết giữ được con ốc gạo để lấy lại “thương hiệu” của mình. Thì mai đây, sẽ biết giữ chân du khách bằng cả tấm lòng. Khách đến rồi khách sẽ đi, nhưng cái chính là họ vẫn còn giữ mãi những kỷ niệm đẹp về nơi họ từng đến. Và mai mốt sẽ quay trợ lại lần nữa. Người du lịch đến không chỉ cần có cái ăn, cái ở, hưởng thụ không khí trong lành, mà xa hơn là cách sống, cách bố trí nhà cửa, cây cối trong vườn và lối sống, ứng xử có tình người. Hy vọng rằng, với xu thế đổi mới cách làm du lịch, trong tương lai con ốc gạo sẽ hoà cùng các đặc sản khác của vùng sông nước Bến Tre làm nên nét đặc thù cho du lịch tỉnh nhà.

Tác giả: Lê Quang Nhung
Đăng gởi: TTXTDL Bến Tre
 
Re: Ai lên Vĩnh Bình ăn Bánh xèo Phú Đa - Bến Tre

c đã ngon đặc biệt ốc gạo còn ngon hơn vì vị béo của nó .
 
Last edited by a moderator:
Bến Tre và ẩm thực dừa

Bến Tre và ẩm thực dừa

Thấy dừa lại nhớ Bến Tre”. Chẳng biết tự bao giờ, Bến Tre được xem là “thủ đô dừa” của Việt Nam. Có người cắc cớ hỏi “Sao không gọi Bến Tre là Bến Dừa?”. Từ xa xưa, vùng đất này đã có người ở, sau đó dừa mới đến sinh sôi. Những người tiên phong mở đất đi bằng đường thủy, dừng chân tại bến thuyền có nhiều gốc tre. Tên gọi Bến Tre bắt nguồn từ đó. Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 sẽ diễn ra từ 18 giờ ngày 04/4 đến hết ngày 10/4/2012 tại thủ đô dừa. Đây được xem là Lễ Hội Dừa Việt Nam với nhiều điểm nhấn như “Triển lãm sản phẩm dừa”, “Triển lãm thành tựu ngành dừa”, “Ẩm thực dừa”, hội thảo “Chuỗi giá trị dừa”, “Thời trang dừa”, “Con đường dừa”… Bỏ qua phần khai mạc và bế mạc rập khuôn kiểu sân khấu hóa + truyền hình trực tiếp; nếu biết cách tổ chức, chỉ riêng “Ẩm thực dừa” cũng đủ thu hút khách du lịch về Bến Tre.

Với dừa, các nghệ nhân có thể sáng tạo ra hàng ngàn sản phẩm, từ bình dân đến cao cấp. Tha hồ mà ngắm nghía, tìm hiểu và có thể “rinh” vài món về làm kỉ niệm hoặc trang trí nhà cửa. Từ cơm dừa, các nhà khoa học đã chế thành cả trăm mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức nắng và cả chữa bệnh. Cơm dừa tươi nghiền rồi sấy khô đóng gói, dùng cho công nghiệp bánh kẹo hoặc thực phẩm ăn trực tiếp. Nước cốt dừa ép từ dừa tươi tiệt trùng, xử lý thành sữa dừa ngon - bổ. Sữa dừa cô đặc thành bột vừa dinh dưỡng, vừa tiện lợi. Nước cốt dừa đậm đặc chế biến thành kem dừa, “ăn là ghiền”; nhất là kem dừa sáp, rất riêng, rất thơm và bổ dưỡng. Ngoài ra còn có phô mai dừa, yourt dừa… Các loại thạch dừa là món ăn tráng miệng tuyệt vời, giúp tiêu hóa tốt, chống béo phì. Tôi khoái nhất là món “rau câu dừa”. Trưa nắng, nuốt miếng rau câu dừa tới đâu là hạ hỏa tới đó. Tôi có thể ăn mỗi bữa một trái và cả tuần như vậy!
hinh+ghep.jpg


Mam+ngu+qua.jpg

Nhiều người ghiền nước dừa nên đi đâu cũng mang dừa theo. Không có dừa tươi thì dùng tạm dừa đóng hộp, dù hương vị không trọn vẹn nhưng cũng đỡ thèm. Dừa xuất hiện trong mâm ngũ quả “CẦU (mảng cầu) - VỪA (dừa) - ĐỦ (đu đủ) - XÀI (xoài)” để tri ân Trời Đất và tổ tiên vào dịp giao thừa. Trong những ngày Tết, các món mứt dừa truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình. Festival dừa lần này có các cuộc thi lạ như “Ăn kẹo dừa”, “ Hái dừa”, “ Bổ dừa”, “Thời trang dừa”…. Những người răng yếu hoặc răng giả chỉ nên dùng kẹo dừa loại mềm, độ dẻo vừa phải. Bởi kẹo dừa có mấy chục loại, độ dẻo, độ cứng khác nhau; màu sắc và hương vị cũng khác. Lần đầu tiên Bến Tre sẽ trình làng loại nước dừa lấy từ hoa còn gọi là mật hoa dừa. Cũng giống như nước thốt nốt, mật hoa dừa lấy từ hoa. Hoa dừa khi nở xòe ra như pháo bông, được buộc túm lại, kính thích rồi vạt đầu. Mật từ các cuống sẽ nhỏ từng giọt xuống ống bương bên dưới. Mỗi ngày lấy nước vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Dừa ra hoa quanh năm nhưng vào mùa nắng mới có nhiều nước; trời càng nắng, nước càng ngon. Mỗi cây có cả chục hoa, cứ mỗi hoa là một ống bương đựng mật. Mật dùng để uống giải khát, tốt nhất là uống lúc sáng sớm. Mật ngọt dịu, thơm nhẹ nhàng, mát rượi, chảy từ lưỡi xuống toàn thân, rất đã. Mật nấu cô đặc thành đường dừa, dùng để uống trà, nấu chè thi trên cả tuyệt vời, ăn đứt đường mía, đường cát. Người Khmer làm rượu thốt nốt gọi là nước thốt nốt chua - khách du lịch gọi là “Bia Pochengtong”- tên sân bay quốc tế ở Phnom Penh. Mật hoa dừa ở Bến Tre cũng được chế thành rượu vang độc đáo, chỉ Bến Tre mới có. Tại sao không gọi là “Bia dừa Bến Tre” nhỉ?
Dau+dua.jpg

Cơm dừa khô được ép thành dầu dừa - một sản phẩm có công dụng đa năng. Có dầu dừa khô, dầu dừa tinh khiết và bánh dầu dừa. Bánh dầu dừa là phần bã sau khi ép dầu, dùng làm thức ăn gia súc hoặc trộn làm phân bón cây. Dầu dừa khô được tinh luyện, khử màu, khử mùi thành dầu ăn và chế biến các sản phẩm sử dụng trong công nghiệp. Dầu dừa thô, ép theo phương pháp khô còn dầu dừa tinh khiết, ép theo phương pháp ướt, không màu, có mùi đặc trưng, giá gấp 4 lần dầu dừa thô. Đây là thực phẩm chức năng được xem như thần dược với nhiều công dụng. Không chỉ ngừa bệnh tim mạch, béo phì, cholestoron, sars… mà còn kìm hãm sự phát triển của bệnh HIVAIDS. Dầu dừa tinh khiết là cứu tinh để chăm sóc, làm đẹp da, làm đẹp tóc… số 1 của phụ nữ. Với 50% acid clauric, dầu dừa có khả năng kháng nấm, vi khuẩn, virus; giúp làm lành và phục hồi các vết thương; rất tốt để điều trị các vùng da bị mụn, viêm, chàm…. Dầu dừa là lựa chọn số 1 để dưỡng da mặt, tẩy trắng, dưỡng môi (khi bị nứt, khô), dưỡng ẩm toàn thân, dưỡng da tay, da chân, tẩy tế bào chết, dưỡng tóc - ngăn ngừa tóc khô và chẻ ngọn. Những mái tóc đen mượt, óng ả của các cô gái Bến Tre đều được chăm chút hàng ngày từ dầu dừa. Nhiều người còn khẳng định: “Mỗi sáng ngậm một muỗng dầu dừa rồi nhai thật kỹ thì có thể phòng và chữa được bá bệnh”. Dầu dừa có nhiều công dụng, nhưng phải biết cách dùng và tùy thuộc thể trạng từng người. Những người bị đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch, cao tuổi, tiêu chảy, suy nhược, phụ nữ mang thai…cẩn trọng khi sử dụng dầu dừa.

Gần đây, Bến Tre còn nổi tiếng rượu dừa, độc đáo từ bao bì tới chất lượng. Có cả những Công ty chuyên sản xuất loại rượu đặc trưng này. Rượu dừa phải làm từ dừa xiêm, trái tuy nhỏ, nhưng nước ngọt, chất lượng mới đậm đà. Dừa hái ở vườn, lột sạch vỏ xơ, chà bóng gáo, dùng dao khoét nhẹ lỗ trên đầu trái để đưa men vào rồi bít lại. Men làm rượu dừa là men nấu rượu gạo pha với rượu nếp cái. Tùy trái dừa to nhỏ mà men ít hay nhiều cho vừa đủ. Ít quá, rượu nhạt thếch. Nhiều quá, rượu đáng ngét. Rượu dừa phải ủ nơi mát và kín gió, sau 8 ngày mới dùng được. Cũng có thể làm rượu dừa đóng chai bằng cách bổ trái, lấy cơm dừa và nước dừa ủ chung với men. Một tuần sau thì chưng cất như nấu rượu gạo nhưng chất lượng thua xa rượu dừa ủ nguyên trái. Rượu trái dừa được hâm nóng hoặc ủ lạnh - uống càng phê, ngọt ấm, thơm tê, dịu mát.

Dua+kho.jpg

Ở Bến Tre, dừa góp mặt trong vô số món ăn. Có người quả quyết “hơi thở của con gái Bến Tre phảng phất hương dừa. Cả tóc và da thịt cũng vậy?” Do đặc thù về thổ nhưỡng, chỉ có dừa Bến Tre mới làm được những loại kẹo ngon nhất, cơm dừa Bến Tre có giá trị cao nhất, cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nước dừa và nước cốt dừa có mặt trong tất cả các món ăn ở Bến Tre từ cơm, canh, xào, kho cho đến chè, bánh. Hình như chẳng có loại chè, loại bánh nào ở vùng đất này không có nước cốt dừa? Cơm dừa xắt lát, kho chung với cá hoặc thịt heo gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ. Mẹ kho khéo và ngon đến mức, lũ trẻ chỉ khoái ăn cơm dừa vì bao nhiêu tinh túy của cá và thịt đã chuyển qua dừa. Nhiều món ngon mới kể đã chảy nước miếng. Mà phải ăn ở Bến Tre, do người Bến Tre chế biến, hít thở không khí Bến Tre, chung quanh rợp bóng dừa mới đã. Đảm bảo ăn một lần là khoái, ăn hai lần là ghiền. Không chỉ khoái và ghiền các món ngon từ dừa mà còn nhớ và mê cả người chế biến.

Khai vị với rượu dừa trái có các món gỏi dừa mà ngon nhất là gỏi củ hủ dừa. Tiếp đó là các món ốc xào dừa mà ốc leng là số một, rồi đến nghêu luộc nước cốt dừa. Món mặn thì ăn cả tuần chưa hết thực đơn. Nào tép rang dừa, phải là tép tươi, còn nhảy lách tách mới đúng bài. Rồi thịt kho nước cốt dừa - còn gọi là thịt kho tàu, củ hủ dừa hầm bắp giò heo. Các loại cá kho nước cốt dừa, cá lòng tong chiên dừa, tôm càng xanh luộc trong trái dừa… Rồi nấm mối (dưới gốc dừa) xào lá cách, nấm mối nướng nước dừa.
Chuot+dua.jpg

Cầu kỳ hơn thì có các món chế biến từ chuột dừa - loài chuột chuyên trèo cây ăn cơm dừa, thịt thơm ngon và rất dừa. Các món chế biến từ đuông dừa - xưa chỉ dùng tiến vua. Cúm núm quay nước dừa, rắn mối nấu cháo đậu xanh dừa hoặc xào nước cốt dừa. Các món chế biến từ ếch, ong non, rắn nước…với dừa. Những trái dừa vạt đầu, được ném xuống ao. Loài cá bống hoặc ếch chui vào, rỉa cơm mà lớn nên thịt ngon không thể tả, nhưng ngày càng hiếm.
Com+dua.jpg

Cơm dừa được nấu từ gạo vo bằng nước dừa rồi cho vào trái, để nước dừa tươi vừa đủ, đậy lại đem chưng. Cơm dừa xiêm là ngon nhất. Gạo mới, dẻo thơm, nấu trong trái dừa xiêm vừa tuổi nạo, tươi rói. Cơm dừa xiêm ăn với các món “độc” chế biến từ dừa thì “ngon điếc tai”. Món tráng miệng cũng tha hồ lựa chọn. Nào “chuối xào dừa”, chè “bí ngô nước cốt dừa”, chè “bà ba dừa”, chè thưng dừa và kính thưa các lọai chè. Chè nào cũng có nước cốt dừa. Rồi kính thưa các lọai bánh. Từ bánh tét, bánh ít, bánh bò dừa nướng, bánh xèo củ hủ dừa cho đến bánh kem. Hễ bánh nào có bột, có đường là có nước cốt dừa. Từ lâu, dừa đã trở thành đặc trưng của ẩm thực Bến Tre. Chỉ cần biết cách khai thác “các món ngon từ dừa” thì du lịch Bến Tre nói chung và “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” cũng tha hồ đón khách. Dĩ nhiên phải nỗ lực đồng bộ, từ dịch vụ đến giao thông, từ vệ sinh môi trường đến an toàn thực phẩm, từ quy họach đầu tư đến thái độ phục vụ. Tháng 4/2012 này, nhất định tôi sẽ về Bến Tre để thưởng thức những món ngon từ dừa, thèm lắm rồi!!!

Một số món ăm từ nguyên liệu dừa:
hinh+ghep+1.jpg

Tác giả: Nguyễn Văn Mỹ
 
Re: Bến Tre và ẩm thực dừa

Ấn tượng ẩm thực xứ dừa năm 2012

Tháng tư là tháng tưng bừng những ngày hội của cả nước hướng về kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975). Năm 2012, hòa chung không khí tưng bừng rộn ràng của những ngày hội tháng 4, xứ dừa Bến Tre đang ráo riết triển khai các hoạt động trong chuỗi “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” để góp phần chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2012).
Am+thuc+2009.jpg

Năm 2012 "Festival Dừa Bến Tre lần III" sẽ tổ chức qui mô và có sự góp mặt của các tỉnh có diện tích trồng dừa khá lớn. Có thể nói đây là tuần lễ diễn ra nhiều sự kiện đặc sắc hấp dẫn, trong đó có “Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I”. Với 02 lần kinh nghiệm tổ chức hội thi và liên hoan ẩm thực dừa (năm 2009, 2010) đã nhanh chóng tạo được nhiều tiếng vang, gây ấn tượng với nhiều du khách đến Bến Tre.
Am+thuc+2010.jpg

Sự chuẩn bị ráo riết cho Khu “Liên hoan ẩm thực xứ dừa" lần này khá qui mô, song hành cùng với các sự kiện khác diễn ra trong “Festival Dừa Bến Tre”. Đây là một trong những hoạt động thú vị, đặc sắc, là tạo sân chơi nghệ thuật ẩm thực cho các doanh nghiệp, nhà hàng - khách sạn, đơn vị kinh doanh ăn uống trong và ngoài tỉnh, Hội Liên hiệp Phu nữ các huyện, thành phố Bến Tre về đây giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc sắc đa dạng, cũng như biểu diễn thao tác tay nghề thông qua các món ăn của từng vùng, miền khác nhau mà chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Gian+hang+KHU+a.jpg

Các gian hàng bằng nhà dừa (khu A)“Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” năm 2012.
Tại Công viên Hùng Vương, Phường 7 – Tp Bến Tre (đoạn cầu Bến Tre 2).


Hiện tại Khu “Liên hoan Ẩm thực xứ dừa lần thứ I" đang bắt đầu lắp đặt các gian hàng ẩm thực và sẽ có sự tham gia của trên 40 gian hàng. Điều sẽ làm du khách ấn tượng nhất là khu "Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I" sẽ diễn ra giữa không gian rộng, thoáng mát, bên cạnh tái hiện cảnh trí nghệ thuật sắp đặt hình ảnh “Con đường dừa” nằm trên công viên Hùng Vương bên bờ sông Bến Tre hiền hòa thơ mộng. Các gian hàng ẩm thực được làm hoàn toàn bằng vật liệu dừa (khung nhà) và mái lợp bằng lá dừa nước của xứ dừa. Du khách đến với khu ẩm thực xứ dừa sẽ được thưởng thức các món đặc sản, đặc sắc, hấp dẫn vừa được ngắm cảnh không gian nơi đây, hít thở không khí trong lành thoáng mát, chắc chắn du khách sẽ hài lòng, nhớ mãi. Bên cạnh là nghệ thuật chế biến thức ăn, pha chế nước uống cũng được các gian hàng trổ tài thao tác biểu diễn các món ăn theo văn hoá ẩm thực của địa phương mình. Hay sự có mặt của những tay nghề miệt vườn thứ thiệt thao tác tỉa rau, củ, quả rất độc đáo ... “Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” còn có chấm giải “Gian hàng xuất sắc” cho các đơn vị đăng ký tham gia.
Gian+hang+khu+B+2.jpg

Các gian hàng bằng nhà dừa (khu B)“Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần thứ I” năm 2012 - tại Công viên Hùng Vương, Phường 7 – Tp Bến Tre (đoạn cầu Bến Tre 2).

"Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I" năm 2012 khai mạc lúc 09 giờ ngày 05/4/2012 và bế mạc lúc 22 giờ ngày 09/4/2012, được tổ chức 02 khu (A và B), đều nằm trên công viên Hùng Vương bên bờ sông Bến Tre (đoạn Cầu Bến Tre 2). Ban Tổ chức sẽ bàn giao cho các đơn vị đăng ký tham gia gian hàng ẩm thực từ ngày 25/3 đến 30/3/2012.

Tham gia "Liên hoan ẩm thực xứ dừa lần I", nếu đơn vị có các tiết mục biểu diễn (trình bày cách chế biến món ăn, tiết mục văn hóa địa phương,…) đăng ký với Ban Tổ chức cụ thể thời gian, nội dung biểu diễn để Ban Tổ chức sắp xếp biểu diễn phục vụ khách hàng vào đêm 06, 07, 08/4/2012. Đây cũng sẽ là cơ hội đầy ý nghĩa, giúp các đơn vị học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tay nghề khác nhau ở nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đưa được nghệ thuật chế món ăn thành một nét văn hoá đặc trưng và trở thành món ăn tinh thần cho chương trình "Festival Dừa Bến Tre lần III" thành công.

Hình ảnh các món ăn qua 02 lần tổ chức ẩm thực xứ dừa năm 2009 – 2010
Mon+an+1.jpg

Mon+an+3.jpg

Mon+an+4.jpg
 
Re: Món ăn ngon từ chất liệu dừa - Và nhiều món ăn đặc sản Bến Tre đây!!!

Dừa ở đây uống mát phải biết! ^^~
 
Re: Món ăn ngon từ chất liệu dừa - Và nhiều món ăn đặc sản Bến Tre đây!!!

Mình mới chỉ được thưởng thức Kẹo dừa và Thạch dừa của Bến Tre, phải nói là ngon tuyệt.
 
Re: Món ăn ngon từ chất liệu dừa - Và nhiều món ăn đặc sản Bến Tre đây!!!

Mấy lần về miền tây đặc biệt là BẾn Tre mình được cho ăn toàn vit, gỏi vịt, cháo vịt, măng vịt, đủ kiểu. Ăn xong nhấc chân đi ko nổi =))
 
Last edited by a moderator:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,979
Members
192,326
Latest member
buypaypalaccounts
Back
Top