What's new

[Chia sẻ] Một mình lọ mọ Quế Lâm - Dương Sóc - Hưng Bình - Nam Ninh

Status
Not open for further replies.
Trong box Diệu kỳ Châu Á đã có 2 topic về Quế Lâm và Dương Sóc, 1 của bác Chitto, 1 của bác Chaien. PeterPan vừa một mình lọ mọ Quế Lâm - Dương Sóc - Hưng Bình - Nam Ninh trong 1 tuần, nay xin được chia sẻ về những khía cạnh khác, những hình ảnh hơi khác một chút về các địa danh trên.

Lịch trình chi tiết (từ 19/02 tới 25/02)

Ngày 1: đi xe Hoa Thêm từ Hà Nội tới Hữu Nghị Quan (80k VND), qua cửa khẩu bắt taxi vào Bằng Tường (20 Y), mua vé xe khách Bằng Tường - Nam Ninh (80 Y), tới Nam Ninh lại lên xe khách thẳng tiến Quế Lâm (115 Y).

Ngày 2: Mua bản đồ Quế Lâm rồi dạo 1 vòng quanh thành phố bằng đi bộ kết hợp xe lôi, các điểm đến lần lượt là Tượng Sơn (núi con voi), công viên Tây Sơn, Tĩnh Giang Vương Thành, công viên Thất Tinh và Nhật Nguyệt Song Tháp trên hồ Sam. Tất cả đều là dạo qua phía ngoài (trừ công viên Tây Sơn là vào cửa vì được... miễn phí) với mục đích vừa đi vừa ngắm phố phường, vừa nắm được những tuyến phố chính của Quế Lâm.

Ngày 3: Mua vé đi tàu trên sông Li (45 Y) để ngắm Tượng Sơn và các cảnh đẹp khác ở đôi bờ dòng sông trong địa phận Quế Lâm. Buổi chiều, vào công viên Thất Tinh (70 Y) để xem hang động cùng tên và núi Lạc Đà cùng một số cảnh đẹp khác. Buổi tối, trả phòng tại Youth Hostel Xiao Yang Lou rồi ra bến xe để tới Dương Sóc (15 Y). Đến nơi, vớ ngay được một bạn "cò" du lịch khá dễ thương nên kiếm được khách sạn rất ổn với giá chỉ 50Y/ngày.

Ngày 4: Sáng, dạo chơi tại phố Tây. Chiều, lên xe buýt để đi 17km từ Dương Sóc tới Hưng Bình (7 Y) sau đó lên thuyền đi ngắm cảnh sông núi nổi tiếng của vùng này (đã được in lên tờ 20 Y của Trung Quốc). Chiều muộn, về lại Dương Sóc vẫn bằng xe buýt rồi lên xe lôi đi ngắm núi Mặt Trăng. Tối, đi xem show diễn "Impression of Liu san jie" do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Xem "chui" một cách ly kỳ nên chỉ hết 40 Y so với giá vé thấp nhất là 168 Y (các mức vé khác lần lượt là 320 Y và 688 Y).

Ngày 5: Từ Dương Sóc về Quế Lâm bằng xe khách (15 Y), tới Quế Lâm lại bắt tàu về thẳng Nam Ninh (65 Y). Tối, tới Nam Ninh và nhận phòng tại khách sạn Nghênh Tân (đối diện ga), sau đó đi chén tại phố ẩm thực Trung Sơn.

Ngày 6: Làm 1 vòng Nam Ninh với công viên Nam Hồ (free), tượng đài con voi và trèo lên Royal Plaza (tòa nhà 59 tầng, cao nhất Nam Ninh) để ngắm toàn cảnh thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (vé vào cửa là 50 Y). Chiều, lọ mọ dạo phố đi bộ mua sắm. Tối, ra bờ sông ngắm pháo hoa.

Ngày 7: Đi tàu Nam Ninh - Bằng Tường (30 Y), taxi Bằng Tường - Hữu Nghị Quan (20 Y), xe khách Hoa Thêm từ Lạng Sơn về Hà Nội (80k VND). Kết thúc chuyến đi một mình lọ mọ.

Tổng chi phí: 1200 Y (không bao gồm phí Visa vì đã có sẵn :D).

Demo 1 tấm ảnh non nước Quế Lâm (đây chính là hình ảnh đã được đưa lên tờ 20 Y của Trung Quốc):

xingping.jpg
 
Last edited:
Cửu Mã Họa Sơn

Trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ đi thuyền máy trên khúc sông Li, PeterPan lần lượt đi qua các quả núi gắn liền với các "sự tích" và mang rất nhiều tên gọi khác nhau (vì thế nên chịu, không làm sao nhớ hết được). Nói chung, các bạn Tàu vẫn luôn thể hiện khả năng tưởng tượng vô cùng phong phú và phương châm của hầu hết khách du lịch khi đi tham quan những thắng cảnh kiểu này là "3 phần thật, 7 phần tưởng tượng".

Háo hức chờ tới điểm cuối của hành trình trên một đoạn ngắn của sông Li để xem Cửu Mã Họa Sơn nhưng hóa ra nơi này lại không như PeterPan hiểu trước chuyến đi. Vẫn nghĩ đó là 9 quả núi được ví như 9 con ngựa quây quần bên một khúc sông Li nhưng không phải. Cửu Mã Họa Sơn hóa ra là những đường vân núi trên một quả núi đá vôi tạo hình giống như 9 con ngựa. Kỳ thực, dù đã vận dụng đủ mọi khả năng tưởng tượng và cảm nhận, PeterPan tôi cũng chỉ nhìn ra 1 vài con ngựa mà thôi, không sao đếm cho đủ 9 con dù đã được nghe một tràng giải thích của bác lái thuyền máy đi cùng.

xingping11.jpg

Thuyền chuẩn bị tấp vào bãi ngắm Cửu Mã Họa Sơn.

xingping12.jpg

Đường vào nơi ngắm điểm được coi là đáng chú ý nhất trên đoạn sông Li ở gần Hưng Bình.

xingping13.jpg

Và đây, đây là quả núi đá vôi có Cửu Mã Họa Sơn.

xingping14.jpg

PeterPan chịu luôn, làm thế nào mà đếm ra 9 con ngựa nhỉ?

xingping16.jpg

Phóng to hết cỡ một đoạn vân núi đá vôi gần giống... ngựa nhất.

xingping15.jpg

Cũng chẳng có gì quá đặc biệt, coi như 1 lần đi cho biết, PeterPan xem qua qua rồi rút êm cho sớm chợ.
 
Núi Mặt Trăng

Đi hết một vòng khúc đẹp nhất của sông Li, PeterPan nhanh chóng rời Hưng Bình để vòng ngược lại Dương Sóc rồi đi tiếp về phía Nam để tới nơi ngắm cảnh núi Mặt Trăng (Moon Hill). Đây là một khối núi đá vôi bị thủng rất ngẫu nhiên tạo thành một hình bán nguyệt khá thú vị. Quanh khu vực chân núi Mặt Trăng, người dân làm các đài cao để phục vụ du khách ngắm ngọn núi đặc biệt này với giá rẻ bèo, chỉ chừng 1-2Y/người là xem và chụp ảnh thoải mái.

Nói chung, núi đá vôi... thủng thì không hiếm ở vùng Quế Lâm - Dương Sóc nhưng có hình bán nguyệt kiểu như núi Mặt Trăng thì khá đặc biệt. Nếu bạn tới vùng này và có thời gian, cũng nên ghé qua 1 lần cho biết.

moonhill1.jpg

Núi Mặt Trăng.

moonhill2.jpg

Một khu đài ngắm núi Mặt Trăng do người dân địa phương xây dựng.

moonhill3.jpg

Chiếc xe mà PeterPan dùng để di chuyển giữa các điểm tham quan ở Dương Sóc.
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu"

Là khu du lịch hàng đầu của tỉnh Quảng Tây, Dương Sóc cũng có cho mình một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc giống như nhiều chương trình đặc biệt ở những khu du lịch nổi tiếng khác của Trung Quốc. Được thực hiện hoàn toàn trên mặt nước của dòng sông Li, chương trình mang tên "Ấn tượng chị Ba Lưu", tên tiếng Anh là "Impression of Liu sanjie". Và tất nhiên, cái tên Trương Nghệ Mưu - người giữ vai trò tổng đạo diễn - là một đảm bảo cho sức hấp dẫn của chương trình.

Tên gọi của chương trình được lấy theo tên của bộ phim "Chị Ba Lưu" của điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim này được trình chiếu từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và đã góp phần giúp hình ảnh dòng sông Li và Dương Sóc trở nên nổi tiếng. Chị Ba Lưu là một ca sỹ được lưu truyền trong những câu chuyện dân gian của dân tộc Choang (Zhuang) và được cho là đã sinh ra ở chính nơi ngày nay là Dương Sóc.

Như đã nói ở trên, toàn bộ chương trình biểu diễn được thực hiện trên mặt nước của sông Li và các bạn Tàu coi đây là sân khấu mặt nước lớn nhất thế giới (vâng, lại là Đệ Nhất). Chương trình gồm có 7 phần với các màn biểu diễn ánh sáng, hình thể, ca nhạc dân gian kéo dài trong khoảng gần 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, số lượng người tham gia vào chương trình lên tới con số 600 và phần lớn trong số họ là những người dân địa phương vốn hàng ngày làm nghề nông hay chài lưới.

Và tất nhiên, cứ điều gì gắn với thương hiệu mạnh thì cũng đắt cả. Trương Nghệ Mưu là một kiểu thương hiệu mạnh và vì thế chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu" do ông đạo diễn cũng có giá vé vào cửa không rẻ chút nào. Đầu tiên, mức vé bình dân nhất là 188Y, nghĩa là ngót nghét 600.000 VND. Tiếp theo, mức vé VIP tại các khán đài B1 và B2 lần lượt là 320Y và 238Y. Cuối cùng, mức vé President (chắc là VIP hơn cả VIP) ở các khán đài A1 và A2 đồng loạt là 680Y, nghĩa là khoảng gần 2.000.000 VND. Đắt khét lẹt các bạn ạ.

Tất nhiên, đi du lịch bụi kiểu PeterPan thì ngay cả mức giá 188Y thì cũng không dám chi chứ đừng nói tới mấy mức còn lại. Thế nên, khi bạn "cò" đi cùng PeterPan trong thời gian ở Dương Sóc chào các gói vé dành cho chương trình, PeterPan chỉ nhỏ nhẹ lắc đầu và ngó lơ chứ biết làm sao. Lúc đó cũng đành tiếc rẻ nhủ thầm rằng thôi thì để dành dịp khác vậy. Thế mà niềm vui bất ngờ lại đến khi PeterPan đã không còn nghĩ tới chương trình biểu diễn hay ho kia nữa. Trên đường trở ra sau khi ngắm Cửu Mã Họa Sơn, bạn "cò" thỏ thẻ nói rằng có cách khác để xem được "Ấn tượng chị Ba Lưu" mà chỉ tốn vỏn vẹn... 40Y.

Trời đất, chỉ khoảng 120.000 VND thì tại sao lại không thử một lần xem chương trình của đạo diễn lừng danh họ Trương nhỉ? Và thế là PeterPan tôi đi xem "Ấn tượng chị Ba Lưu".

liusanjie2.jpg

Poster của chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu".

liusanjie1.jpg

Một poster khác giản dị hơn.

liusanjie3.jpg

Bản đồ đánh dấu khu biểu diễn chương trình. Có thể so sánh với bản đồ ở đây để dễ hình dung hơn.

liusanjie4.png

Sơ đồ khán đài.

liusanjie5.jpg

Khán đài nhìn thẳng ra mặt nước sông Li và những dãy núi đá vôi đặc trưng của vùng này.

Ảnh: Internet.
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

19h30 tối hôm đó, đúng hẹn với bạn "cò", PeterPan rời khách sạn trên chiếc xe lôi đã giới thiệu ở phần trên. Cũng nói thêm rằng bạn "cò" là một chị gái hơn PeterPan vài tuổi còn người lái xe lôi là chồng của chị này. Hai vợ chồng rất nhiệt tình và biết cách làm du lịch, chí ít là ở mức của những bạn... "cò".

Chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu" có cả một suất diễn vào ban ngày tuy nhiên PeterPan quyết định chọn suất diễn buổi tối vì như thế mới có thể xem được những hiệu ứng ánh sáng đặc biệt. Chương trình bắt đầu vào lúc 20h00 và người xem bắt đầu được vào các khu vực khán đài trong khoảng 1 giờ trước suất diễn. Cho tới lúc đó, PeterPan vẫn nghĩ rằng mình cũng sẽ hòa vào dòng người để vào một khán đài nào đó có ghế giá 40Y.

Nhưng mà kỳ thực thì không phải như vậy. Chiếc xe lôi của vợ chồng nhà "cò" đưa PeterPan chạy vào một đường hầm xuyên núi ngăn cách Dương Sóc và vùng ngoại vi rồi bất ngờ rẽ vào một ngõ nhỏ dẫn vào một khu dân cư thưa thớt ánh đèn. Trò gì đây? PeterPan hơi run một chút nhưng nhìn nụ cười thân thiện của chị gái thì cũng bớt lo chút xíu. Chiếc xe lòng vòng một đoạn trong khu dân cư đó rồi dừng lại trước một chiếc bàn nhỏ có mấy người dân đang ngồi quây thành một vòng tròn. Chị "cò" bảo PeterPan đưa ra 40Y rồi đưa cho mấy người đó. À, hóa ra tiền vé được chi ở đây. Tới đó thì PeterPan bắt đầu lờ mờ đoán ra sự tình.

Và chuyện là thế này: do chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu" được dàn dựng và thực hiện trên một diện tích mặt nước lớn, bao trọn cả một khúc sông Li nên có khá nhiều nhà dân ở đôi bờ có thể xem miễn phí và không có lẽ gì họ lại không "chia sẻ" điều tuyệt vời này cho người khác. Cái giá của sự "chia sẻ" chỉ là 40Y. PeterPan thì thấy cái giá 40Y là quá hời. Chỉ với 40Y mà có ghế ngồi và bàn đàng hoàng, vài thứ hoa quả cho đỡ khô miệng, quan trọng hơn cả là được phục vụ như VIP. Người dân đôi bờ khúc sông Li ấy quả thật là nhanh nhạy và biết làm "du lịch".

Từ vị trí của "khán đài 40Y", PeterPan cách hơi xa một chút vị trí diễn ra phần lớn nội dung của chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu". Tuy nhiên, PeterPan vẫn có thể xem trọn vẹn các màn biểu diễn (chỉ có điều là với tỷ lệ hình ảnh nhỏ hơn so với những người ngồi ở các khán đài đắt khét lẹt), âm thanh vẫn rõ nét và cảm giác thích thú thì có lẽ cũng không hề ít hơn là bao so với những người phải bỏ ra cả đống tiền. Với khả năng tiếng Trung ít ỏi (để có thể hiểu hết các bài hát) và khả năng cảm thụ nghệ thuật biểu diễn ở mức i tờ (nói thật chứ không đùa chút nào) của PeterPan, 40Y là cái giá quá hợp lý.

liusanjie6.jpg

Vâng, đây chính là khu "khán đài 40Y".
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

Trong gần 2 giờ đồng hồ, chương trình được chia làm 7 phần biểu diễn khác nhau với nội dung chủ đạo là giới thiệu cho người xem về những đặc trưng văn hóa, lịch sử và phong tục của dân tộc Choang. Hiện giờ thì PeterPan chịu không thể nhớ nổi sự phân chia giữa các phần dựa theo đống ảnh chụp lại. Thôi thì cứ giới thiệu dần dần cho mọi người cùng xem nha:

liusanjie7.jpg

Khu khán đài với mức vé thấp nhất là 188Y.

liusanjie8.jpg

Mở đầu chương trình, toàn bộ đèn phụt tắt rồi đột nhiên các ngọn đèn lớn bật trở lại và chiếu thẳng vào 12 khối núi đá vôi ở phía đối diện với khu khán đài.

liusanjie9.jpg

Đây là điều thú vị của việc ngồi ở "khán đài 40Y": PeterPan có thể nhìn thấy các diễn viên từ từ xuất hiện ở ven bờ rồi lên thuyền và bơi dần ra giữa khúc sông.

liusanjie10.jpg

Các con thuyền xếp thành hàng dài và rực lửa.

liusanjie11.jpg

Lửa cháy phừng phừng trong tiếng nhạc dồn dập.

liusanjie12.jpg

Các con thuyền tụ lại rồi tiến về khu vực phía trước khán đài của các vị khách sộp.

liusanjie13.jpg

Màn khởi đầu này khá ấn tượng và nó khiến PeterPan cảm thấy háo hức xem tiếp các màn tiếp theo.
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

PeterPan thực sự đi từ bất ngờ tới thích thú khi được xem chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu". Đó là một bữa tiệc ánh sáng, âm thanh và vũ đạo trên một sân khấu mặt nước vô cùng đặc biệt. Vua Midas chạm tay vào cái gì thì cái đó thành vàng, còn Trương Nghệ Mưu đạo diễn show nào là show đó trở nên ăn khách, nói thế không ngoa chút nào đâu.

liusanjie14.jpg



liusanjie15.jpg



liusanjie16.jpg



liusanjie17.jpg



liusanjie18.jpg



liusanjie19.jpg



liusanjie20.jpg
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

Màn đầu tiên của chương trình biểu diễn mang tên "Những bài hát dân ca". Các ngư dân sẽ đi thuyền ra giữa khúc sông và thể hiện các động tác giống như khi đánh cá. Một tấm vải đỏ được trải rộng ra mặt nước để tạo nên những con sóng. Với màn biểu diễn này, người xem có thể thấy được tinh thần yêu lao động của nhiều thế hệ cư dân địa phương (vừa đánh cá mệt nghỉ vừa ca hát nhiệt tình mà).

Màn thứ hai nói về cảnh sinh hoạt của người dân địa phương sau những giờ lao động. Những làn khói bay lên từ mặt nước sông Li cũng giống như làn khói bếp của những người phụ nữ đang chờ chồng trở về sau một ngày dài. Qua màn biểu diễn này, người xem sẽ thấy được nét bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống đời thường của người dân địa phương.

PeterPan ngồi khá xa và cũng quên không tìm cách đánh dấu cách phần chuyển tiếp giữa các màn biểu diễn. Nội dung của từng màn cũng chỉ được tìm hiểu khi đã về tới Hà Nội, vì thế những hình ảnh được đưa ở đây có thể không đúng về trình tự và nội dung, tạm coi là mang tính tham khảo cho những ai sẽ tới Dương Sóc và xem chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu" vậy.

liusanjie27.jpg



liusanjie21.jpg



liusanjie22.jpg



liusanjie23.jpg



liusanjie24.jpg



liusanjie25.jpg



liusanjie26.jpg
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

Mỗi một màn trong chương trình là một "ấn tượng màu sắc". Sau màn một (Red Impression: Folk Songs) và màn hai (Green Impression: Garden), màn thứ ba mang tên Golden Impression: Fishing Lights. Hàng trăm chiếc thuyền tre với những ngọn đèn màu vàng tỏa ra khắp mặt sông để thể hiện cảnh đánh cá đêm bằng ánh sáng. Đây là một màn diễn khá sôi động bởi sự kết hợp của ánh sáng lấp loáng và âm thanh dồn dập. Qua màn diễn này, người xem sẽ hình dung được một nét đặc biệt trong đời sống của cư dân vùng Dương Sóc.

liusanjie28.jpg

Chụp tốc độ chậm khiến những chiếc thuyền trở thành một vệt sáng như sao chổi trên mặt nước sông Li.

liusanjie29.jpg

Vẫn là vệt sáng ấy nhưng ở một góc chụp khác.

liusanjie30.jpg

Những chiếc thuyền lấp loáng ở tốc độ chụp thông thường.
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

Điểm nhấn của chương trình là màn thứ tư mang tên Blue Impression: Love Songs. Trên phông nền gần như đồng màu tối đậm của bầu trời và mặt nước, một nữ ca sĩ mang hình ảnh của chị Ba Lưu xuất hiện và bắt đầu cất tiếng hát. Trong không gian tràn ngập ca từ của tình yêu (hơi sến nhỉ, nhưng mà đúng thế đấy), một con thuyền được cách điệu theo hình ảnh của vầng trăng khuyết từ từ hiện ra kéo theo sự trầm trồ của người xem.

Làm nền cho chị Ba Lưu và con thuyền hình mảnh trăng khuyết là rất nhiều nữ vũ công trong trang phục màu đỏ với những động tác vũ đạo khỏe khoắn và sôi động. Đây thực sự là màn đẹp và ấn tượng nhất trong cả chương trình biểu diễn.

liusanjie31.jpg



liusanjie32.jpg



liusanjie33.jpg



liusanjie34.jpg



liusanjie35.jpg



liusanjie36.jpg



liusanjie37.jpg
 
Chương trình biểu diễn "Ấn tượng chị Ba Lưu" (tiếp)

Nốt một ít ảnh của màn biểu diễn thứ tư:

liusanjie38.jpg



liusanjie39.jpg



liusanjie40.jpg



liusanjie41.jpg



liusanjie42.jpg
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,146
Bài viết
1,173,964
Members
191,971
Latest member
ykubecom
Back
Top